
Gói hàng thịt trâu gác bếp 500g nhưng bên trong chứa gói sốt chấm nặng tới 100-200g. Một gói hàng khác thì khô như bã mía, mốc, hôi không thể sử dụng… khiến khách mua không hài lòng.
“Đặc sản” hôi mốc, khô như bã míaThời gian gần đây, cư dân mạng tranh cãi về chất lượng các sản phẩm đặc sản được bán trên chợ mạng với giá rẻ, trong đó có thịt trâu gác bếp.
Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra hoài nghi, khi có TikToker từng bán số lượng hàng chục nghìn đơn hàng thịt trâu gác bếp, bỗng nhiên ẩn giỏ hàng mà không có một lời giải thích.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, tại các gian hàng trên TikTok, giá bán thịt trâu được niêm yết với nhiều mức, dao động từ 240.000 đồng/kg đến 800.000 đồng/kg.
Tài khoản Đ.S.T.B bán thịt trâu gác bếp Sapa 500g kèm chẩm chéo ở mức giá rẻ giật mình 120.000 đồng. Theo thông tin hiển thị, tài khoản này đã bán được hơn 1.800 đơn hàng.
Ở phần đánh giá của người mua, một khách hàng bày tỏ không hài lòng khi nhận được miếng thịt trâu gác bếp “khô như bã mía”. Chẩm chéo tặng kèm có sa tế cay, không ngon như quảng cáo.

Thịt trâu gác bếp được bán với nhiều mức giá trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).
Ngoài ra, một khách hàng khác phát hiện, người bán quảng cáo thịt trâu gác bếp nặng 500g. Tuy nhiên, khi nhận về, trọng lượng 500g bao gồm cả gói chẩm chéo 100-200g.
Ngoài ra, cửa hàng online này còn bán combo (gói hàng bán kết hợp nhiều sản phẩm) 500g thịt trâu và 500g thịt lợn gác bếp Sa Pa kèm chẩm chéo được bán với giá 473.000 đồng, có nghĩa mỗi loại chỉ chưa đến 240.000 đồng.
Người bán cho biết với phương pháp chế biến truyền thống, thịt được sấy khô tự nhiên giữ lại hương vị đặc trưng và dinh dưỡng.
“Thành phần làm từ thịt trâu tươi, hương vị độc đáo kết hợp các loại gia vị và mắc khén, hạt dổi đậm vị Tây Bắc”, phần mô tả sản phẩm giới thiệu.
Một tài khoản chuyên cung cấp đặc sản Tây Bắc, trong đó có thịt trâu gác bếp còn bán gói ăn thử 200g chỉ 100.000 đồng, kèm dòng quảng cáo “Ăn là mê - nhậu là phê”, “ngon nhức nách”.
Nhiều vị khách vì ham thịt trâu gác bếp giá rẻ trên chợ mạng mà nhận về đành vứt bỏ vì hàng bị mốc, ôi thiu.
Không khó để bắt gặp các tài khoản rao bán thịt trâu gác bếp trên chợ mạng với những lời lẽ có cánh, cam kết chắc chắn về sự tươi ngon, nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phản hồi của một khách hàng sau khi mua 500g thịt trâu.
Đa số người bán áp dụng chiêu thức chung là đăng tải các video, hình ảnh về việc tẩm ướp thịt, sấy thịt trên bếp củi, người bán mặc trang phục của đồng bào dân tộc, quay video ở bản làng…. Những hình ảnh ấn tượng đậm chất núi rừng dễ dàng chinh phục khách hàng xuống tiền mua “đặc sản”.
Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều cá nhân và cửa hàng đã đẩy mạnh bán món ăn này qua mạng xã hội, chợ online.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, giá thịt trâu gác bếp rao bán trên mạng hiện rất chênh lệch. Có nơi niêm yết mức giá 800.000-900.000 đồng/kg, có nơi chỉ bán với giá 450.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn nếu mua sỉ.
Mức giá “rẻ giật mình” khiến không ít người tiêu dùng phân vân về chất lượng các sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.
Chị Lê Ngọc Anh (phường Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi từng mua thịt trâu gác bếp chuẩn ở Điện Biên với giá hơn 700.000 đồng/kg. Giờ thấy bán 450.000 đồng/kg thì thực sự nghi ngại. Thịt trâu tươi ngoài chợ đã hơn 200.000 đồng/kg, lại còn trải qua chế biến, sao giá thành lại thấp đến vậy?”.
Trên các diễn đàn, không ít ý kiến bày tỏ nghi vấn: Liệu thịt trâu gác bếp giá rẻ có thực sự là thịt trâu hay chỉ là sản phẩm kém chất lượng được nhuộm màu, tẩm hương liệu để tạo cảm giác giống “hàng thật”?. Thậm chí, nhiều người lo ngại về nguy cơ hàng giả, hàng bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tiết lộ chiêu tẩm tiết trâu để hô biến thịt lợn thành thịt trâu
Trong vai một người cần mua thịt trâu gác bếp, phóng viên Dân trí liên hệ với người phụ nữ tên M. ở Lào Cai. Người này cho biết, mức giá thịt trâu gác bếp loại ngon là 480.000 đồng/kg.
Khi chúng tôi bày tỏ nghi ngờ về chất lượng, do giá rẻ hơn những nơi khác gần một nửa, bà M. khẳng định: “Thịt trâu gác bếp nhà chị làm đảm bảo chất lượng, không biết các nơi khác họ dùng thịt trâu nào. Nhà chị làm thế nào thì bán ra giá đó”.
Tuy nhiên, khi phóng viên muốn hỏi sâu về nguồn gốc, người này tỏ thái độ không muốn tiếp chuyện.
Tiếp tục tìm mua thịt trâu gác bếp theo quảng cáo trên mạng, phóng viên Dân trí được một chủ hàng tên H. (sống ở Hà Nội) tư vấn rất tận tình. Giá bán lẻ thịt trâu gác bếp là 700.000 đồng/kg, còn khách nhập từ 10kg trở lên sẽ được hưởng mức giá sỉ 560.000 đồng/kg. Trong trường hợp khách nhập 5kg, giá bán bằng giá sỉ cộng thêm 10-15%.
Giải đáp thắc mắc về việc một số nơi niêm yết giá thịt trâu gác bếp 300.000 đồng - 400.000 đồng/kg, người phụ nữ này khẳng định: “Với mức giá đó, sản phẩm không thể là thịt trâu.
Hàng chuẩn không bao giờ có giá rẻ như vậy. Chỉ có khách hàng bị nhầm, người bán không bao giờ có chuyện nhầm lẫn”.

Theo chị Trinh, thịt trâu gác bếp chuẩn dai, ngọt, thớ thịt dài, không bị bở (Ảnh: Tuyết Trinh).
Theo H., giá thịt trâu tươi nhập đầu vào ở mức 205.000-210.000 đồng/kg, thêm chi phí gia vị hạt tiêu và mắc khén 200.000-230.000 đồng/kg và tiền củi đun, người bán chỉ lãi được vài chục nghìn đồng/kg.
“Giá thịt trâu 300.000-400.000 đồng/kg chỉ là sản phẩm làm từ thịt đông lạnh. Thậm chí, giá thịt trâu gác bếp loại 500.000 đồng/kg chưa bằng tổng chi phí đầu vào để làm ra một miếng thịt đúng chất lượng. Khách muốn mua hàng chuẩn mà yêu cầu giá dưới 500.000 đồng thì không bao giờ có, trừ khi chấp nhận hàng chất lượng kém”, H. nói thêm.
Bà chủ bán thịt trâu gác bếp này tiết lộ từng thử mua các sản phẩm giá rẻ bán ở tổng kho về ăn thử nhằm kiểm tra chất lượng.
“Chỉ cần xé thớ thịt, tôi đã biết miếng thịt trâu gác bếp được làm từ nguyên liệu gì. Tôi phát hiện họ dùng thịt lợn tẩm thêm tiết trâu cho có mùi thịt trâu”, H. nói.
Không có chuyện trâu gác bếp xịn giá 500.000 đồng - 600.000 đồng/kg
Chị Lê Tuyết Trinh, chủ một thương hiệu thịt gác bếp có 9 năm kinh nghiệm chia sẻ, trên thị trường thịt trâu gác bếp được bán với nhiều mức giá, có nơi đưa ra mức giá rẻ đến giật mình.
Chị Trinh vốn sinh ra ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũ, nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Đây là địa phương nổi tiếng với nghề làm thịt trâu gác bếp, thịt lợn gác bếp khi nhiều năm trước, người dân trong làng lên các tỉnh vùng cao như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu (cũ) để buôn bán và học nghề làm thịt gác bếp chuẩn vị Tây Bắc.
Theo chị Trinh, từ địa phương của chị, nhiều sản phẩm được xuất đi khắp nơi, thậm chí ngược lên Tây Bắc để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên ngay tại đây, giá bán cũng đã có sự chênh lệch, từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg.
Là một đơn vị sản xuất các sản phẩm thịt gác bếp với những tiêu chuẩn khắt khe, chị Trinh thấy khó cạnh tranh với những loại trâu gác bếp giá rẻ đang bán nhan nhản trên các chợ mạng.

Giá thịt trâu tươi nhập về làm thịt trâu khô đã ở mức 200.000 đồng- 300.000 đồng/kg (Ảnh: Cao Xuân Lương).
Theo chị Trinh, để sản xuất được 1kg trâu khô thường cần 3-3,5kg trâu tươi. Giá trâu tươi thường ở mức 200.000 đồng/kg. Vì vậy, để làm ra 1kg trâu khô ít nhất cần 600.000 đồng tiền mua nguyên liệu thịt tươi, chưa kể các loại gia vị, tiền củi, tiền công người làm, đóng gói, chi phí bán hàng…
“Tôi bán thịt trâu gác bếp giá 950.000 đồng/kg, nhiều công đoạn coi như lấy công làm lãi, trong khi nhiều nơi chỉ bán giá một nửa. Vậy lý do gì khiến các sản phẩm thịt trâu gác bếp khác lại rẻ như vậy? Câu trả lời có thể nằm ở nguồn nguyên liệu”, chị Trinh nhận định.
Người phụ nữ này cho hay, chị từng từ chối nhiều lời mời chào nhập thịt trâu đông lạnh với giá rẻ hơn hẳn thịt trâu tươi. Các sản phẩm trâu đông lạnh cũng được phân thành nhiều loại: Loại 1, loại 2, loại 3, loại 4. Loại 3, 4 là rẻ nhất. Chất lượng đi đôi với giá thành, đương nhiên, hàng rẻ thì sẽ khó tươi, ngon.
Theo chị Trinh, người bán có nhiều cách để hô biến thịt trâu đông lạnh thành thịt trâu khô rồi quảng cáo với những lời lẽ có cánh như “nguyên liệu chọn lọc”, “phần thịt ngon nhất của trâu già nuôi trên núi”, “chuẩn vị người Thái”... hoặc thậm chí làm lợn giả trâu. Cách phổ biến nhất là tẩm ướp thật nhiều gia vị để lấn át mùi thịt, làm đen thịt lợn cho giống thịt trâu… để đánh lừa khách hàng.
Từ kinh nghiệm chế biến, buôn bán các sản phẩm thịt gác bếp, chị Trinh đưa ra lời khuyên, người tiêu dùng không nên mua các sản phẩm thịt trâu gác bếp, lợn gác bếp quá rẻ bởi sẽ “không biết mình đang ăn gì”, người bán đã dùng những những nguyên liệu gì mà bán giá chênh lệch đáng ngờ.
“Tôi đã từng thử mua những loại trâu gác bếp giá bán chỉ 400.000-500.000 đồng/kg và không thể ăn nổi. Trâu tươi ngon khi chế biến ra thành phẩm sẽ có những dấu hiệu nhận biết như: Hơi đen bên ngoài nhưng khi xé ra thớ thịt dài, dai, đỏ, ăn ngọt vị thịt, không bị lấn át hoàn toàn bởi các gia vị, không bị bở…”, chị Trinh nói.