Thỏa hiệp thuế quan Mỹ với Việt Nam quân bằng và công bằng?

Don Jong Un

Xamer mới lớn
Vatican-City
Mỹ với Việt Nam, ít nhất, đã đạt được các điểm mấu chốt về thuế quan trong cuộc đàm phán thương mại hiện vẫn còn chưa được công bố chi tiết.

Tuy nhiên, dựa trên cái khung thuế quan 20% cho sản phẩm do Việt Nam sản xuất và 40% thuế quan cho các loại hàng bị gọi là “trung chuyển” (transshipping) từ nước khác, người ta thấy các bình luận trái chiều nhau rất sôi nổi tùy đứng trên cương vị nào mà phân tích.
Một trong những công ty Trung Quốc chạy sang tỉnh Bắc Ninh của Việt Nam mở cơ sở sản xuất và xuất cảng. Các loại sản phẩm “trung chuyển” từ Việt Nam sẽ bị Mỹ đánh thuế quan đến 40%. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)
Giới truyền thông Mỹ và quốc tế ngay lập tức cho rằng thuế quan đánh vào hàng hóa “trung chuyển” từ Việt Nam là gián tiếp nhắm đánh thêm thuế quan vào sản phẩm Trung Quốc đội lốt “Made in Vietnam” sau khi đã gia công rắp ráp, chế biến sơ sài các bộ phận rời làm sẵn ở Hoa Lục. Nói khác, tuy là đánh thuế quan nặng vào sản phẩm “Made in Vietnam”, nhưng thật sự là Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc.


Ông tổng bí thư CSVN Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 5 Tháng Tư đề nghị đưa thuế quan hàng hóa hai nước xuất cảng sang thị trường của nhau xuống bằng không (zero tariff) tức miễn thuế quan hoàn toàn. Nhưng các cuộc đàm phán đã không dẫn đến kết quả đó mà lại dẫn đến các tỉ lệ thuế quan kể trên cho hàng của Việt Nam.

Không những vậy, phía Việt Nam còn thỏa thuận cho các loại sản phẩm của Mỹ xuất cảng sang thị trường của mình được hưởng đặc ân là thuế quan bằng không (zero tariff), theo lời loan báo của ông Trump trên mạng xã hội Truth Social và Real Donald Trump. Đạt được sự nhượng bộ chênh lệch không thể nào ngờ đến như thế nên ông Trump đã khen ông Tô Lâm là một lãnh tụ độc tài “đáng kính”.

Trong chương trình thời sự “Tuần này” ngày Chủ Nhật mùng 6 Tháng Bảy trên đài truyền hình ABC, ông Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Tòa Bạch Ốc, ca ngợi thỏa thuận thuế quan Mỹ – Việt Nam là “vô cùng có lợi cho một bên”, khi ông được yêu cầu bình luận về đề tài nói trên. Ông lạc quan cho hay nước Mỹ sẽ đạt thỏa hiệp với một số nước khác trong tuần này.

“ Thỏa thuận với Việt Nam thật tuyện vời.” Ông Miran nói. “Nó cực kỳ thiên vị. Chúng ta áp đặt thuế quan đáng kể cho hàng hóa Việt Nam xuất cảng. Họ lại mở toang thị trường của họ cho hàng hóa chúng ta. Quý vị biết đấy (như lời tổng thống nói) hàng hóa chúng ta xuất cảng (sang Việt Nam) không bị thuế quan gì cả. Đây là thỏa hiệp tuyệt vời cho hàng hóa Mỹ”.

Ông Miran bình luận về thuế quan 20% đối với hàng Việt Nam xuất cảng sang Mỹ trong khi hàng Mỹ xuất cảng sang Việt Nam lại không bị đánh thuế quan gì cả. Đồng thời, thỏa thuận cũng ngăn chặn (hàng hóa) nước thứ ba, chẳng hạn như Trung Quốc, núp bóng Việt Nam để bán hàng sang Mỹ mà chúng ta áp đặt thuế quan đến 40% cho hàng hóa có nguồn gốc ở nước bị đánh thuế quan cao mượn đường Việt Nam để xuất cảng.

Trong khi phía Mỹ lạc quan, guồng máy tuyên truyền CSVN chỉ được phép tường thuật cuộc điện đàm ngày 2 Tháng Bảy của ông Tổng bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump với chi tiết hai bên đã “thống nhất tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và quân bằng”.

Trên mặt tuyên truyền chính thức, không có báo đài chính thống nào từ TTXVN đến VOV hoặc tờ Nhân Dân v.v… được phép liệt kê các con số tỉ lệ như ông Trump nêu ra. Nhưng có vẻ trong hậu trường chính trị nội bộ đảng và nhà nước có những lời xì xào hoặc ngỡ ngàng với thỏa thuận chênh lệch ấy, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài chính của chế độ Hà Nội, thấy được thuật lời phát biểu trong cuộc họp thường kỳ của chính phủ ngày 3 Tháng Bảy là “kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp.” Ông Thắng gián tiếp nói nếu không chịu như vậy, họ vẫn cứ đòi áp đặt 46% thì sẽ hết đường sống.

Hoặc nhiều lắm, như tờ Thanh Niên khi tường thuật cuộc điện đàm Tô Lâm -Trump thì viết rằng “Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.”
Nhãn hiệu dán trên một món đồ chơi đề xuất xứ là “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, người ta biết ngoài hàng chữ ấy, cả món đồ chơi kia có nguồn gốc từ Trung Quốc. (Hình: Ann Lebreton/AFP/Getty Images)
Nói chung, toàn bộ guồng máy tuyên truyền tại Việt Nam đều tránh né không nói gì hay bình luận gì đến thỏa thuận thương mại và thuế quan song phương “công bằng và quân bằng” gì cả.

Trước những sự đả kích gay gắt của Bắc Kinh về thỏa hiệp thuế quan đối ứng giữa Việt Nam với Mỹ lại nhắm đánh gián tiếp vào Trung Quốc, ông thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính khi gặp thủ tướng Lý Bằng của Trung Quốc tại hội nghị khối thương mại Brics ở Brazil ngày 8 Tháng Bảy, guồng máy tuyên truyền Hà Nội khoe rằng “hai bên nhất trí tiếp tục cụ thể hóa và triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao” và “đẩy mạnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc theo định hướng “6 hơn”, duy trì trao đổi cấp cao thường xuyên; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.”

Nhưng trong thực tế, mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh những ngày sắp tới sẽ thế nào, người ta phải chờ xem khi thỏa thuận Mỹ – Việt Nam ảnh hưởng đến hàng hóa “trung chuyển” từ Hoa Lục sang Mỹ trở nên rõ rệt hơn
 

Có thể bạn quan tâm

Top