

54 phút trước
Tổng thống Donald Trump đã tung những 'cú đấm' mạnh mẽ dẫn đến sự thay đổi trong các quy tắc và mối quan hệ thương mại quốc tế. Trong đó, Mỹ ưu tiên lợi ích của mình hơn bao giờ hết và sử dụng thuế quan làm công cụ.
Sau khi công bố mức thuế cụ thể đối với Việt Nam, ông chủ Nhà Trắng lại khiến nhiều quốc gia thấp thỏm không yên khi nói rằng sẽ gửi thư tới một loạt nước để thông báo mức thuế dao động từ "60–70% cho đến 10–20%".
Vào tối 7/7 (tức sáng 8/7 theo giờ Việt Nam), ông Trump đã chia sẻ các lá thư mà ông gửi đến lãnh đạo 14 quốc gia để thông báo về kế hoạch thuế quan mới nhất, với mức áp thuế 25% đối với cả các đồng minh thân thiết như Hàn Quốc và Nhật Bản. Ông còn nói thêm rằng các mức thuế có thể được điều chỉnh "tăng hoặc giảm tùy theo quan hệ của chúng tôi với đất nước của quý vị".
"Nếu vì bất kỳ lý do gì quý vị quyết định tăng thuế quan, thì bất kể mức tăng đó là bao nhiêu, chúng tôi sẽ cộng thêm mức đó vào 25% thuế mà chúng tôi đang áp dụng," Trump viết trong các bức thư gửi Nhật Bản và Hàn Quốc, được công bố trên nền tảng Truth Social của ông.
Tiến sĩ Giang Phùng, nhà nghiên cứu và giảng viên tại Trường Kinh doanh ISC Paris (Pháp), nhận định với BBC News Tiếng Việt ngày 7/7 rằng việc công bố một thỏa thuận thuế quan rõ ràng, với những con số cụ thể, giúp Tổng thống Trump thể hiện sự "quyết đoán" và khả năng "đạt được thỏa thuận" của mình.
"Điều này đặc biệt quan trọng để củng cố hình ảnh của ông trước cử tri, chứng minh rằng ông đang thực hiện các lời hứa về thương mại và bảo vệ lợi ích của người Mỹ. Việc nhấn mạnh các con số thuế cao (40%) và việc mở cửa thị trường (0%) là những thông điệp mạnh mẽ."
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương nói với BBC rằng việc công bố rõ ràng mức thuế với Việt Nam có giá trị chính trị rất lớn đối với ông Trump vì ông được khoe với người dân Mỹ là ông mới gây áp lực thì Việt Nam đã nhanh chóng chấp thuận, giảm thuế nhập khẩu hàng Mỹ vào Việt Nam tới mức 0% và Việt Nam vẫn phải "trả cho" Mỹ 20% để nhập hàng vào Mỹ.
"Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại và tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, việc Việt Nam sớm đạt được một thỏa thuận cân bằng với Washington thể hiện sự linh hoạt và chủ động về chính sách.
"Điều này không chỉ duy trì được khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, Việt Nam còn nâng cao đáng kể tính cạnh tranh so với nhiều nền kinh tế khác đang tìm cách giữ chỗ đứng trong mắt giới làm chính sách Mỹ. Đây là một bước đi chiến lược giúp Việt Nam khẳng định vai trò đối tác tin cậy trong trật tự thương mại mới đang hình thành," ông Chương nói.
Theo báo Politico, thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận đầu tiên mà chính quyền Trump ký kết để đình chỉ mức thuế "ăn miếng trả miếng" từ 20 đến 50% mà ông đe dọa áp dụng.
Việc Tổng thống Trump chọn "chốt" thỏa thuận thương mại với Việt Nam và công bố tin tức này rầm rộ được đánh giá là một động thái chiến lược nhằm giải quyết thâm hụt thương mại, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và củng cố vị thế địa chính trị của Mỹ trước Trung Quốc.
Vì sao lại là Việt Nam?

Đòn thuế đối ứng của ông Trump có thể được xem là một điểm nhấn trong nhiệm kỳ thứ hai của vị tổng thống. Ông Trump đã công bố đạt được thỏa thuận với Việt Nam - rằng Việt Nam "sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20%" đối với tất cả hàng hóa được đưa vào Mỹ và 40% đối với mọi hàng hóa trung chuyển.
Đổi lại, Việt Nam đồng ý mở toang thị trường cho Mỹ, theo ông Trump.
Tiến sĩ Giang Phùng phân tích rằng ông Trump thường có xu hướng công bố những con số thuế quan rất cao nhằm tạo cảm giác về một chính sách mạnh mẽ, cứng rắn để bảo vệ lợi ích kinh tế trong nước, mục tiêu chính là để thu hút sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là những người làm việc trong các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh quốc tế.
Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, các tuyên bố về thuế quan và thương mại gần đây của ông Trump tạo ấn tượng về việc "chia lại bàn cờ thương mại" toàn cầu do Mỹ dẫn dắt, trong đó nổi bật là loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc chơi.
"Việc bắt đầu với Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế định hướng xuất khẩu mạnh mẽ và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho phép ông Trump tạo ra một tiền lệ hoặc mô hình cho các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với các quốc gia khác. Nó thể hiện cam kết của ông trong việc tái cấu trúc các mối quan hệ thương mại," Tiến sĩ Giang nhận định.
Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng, đặc biệt sau cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Việt Nam cũng hưởng lợi từ chiến lược "Trung Quốc + 1" khi nhiều doanh nghiệp nội địa và quốc tế hoạt động tại Trung Quốc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tăng cường cạnh tranh về quyền lực trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia đặc biệt quan trọng khi Mỹ muốn kìm hãm sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam, đặc biệt là thỏa thuận có yếu tố 'kêu gọi' Việt Nam tách khỏi Trung Quốc, là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh và các nước trong khu vực. Điều này phù hợp với chiến lược địa chính trị rộng lớn hơn của Mỹ," Tiến sĩ Giang nhận định.
Việc hạ thuế với hàng Việt Nam vào Mỹ từ 46% xuống còn 20% nhưng vẫn giữ mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển được đánh giá là nhằm vào Trung Quốc.
Ngày 3/7, tờ The New York Times đã viết bài về thỏa thuận thuế của Mỹ với Việt Nam với nhan đề Trump muốn cả thế giới loại bỏ Trung Quốc. Ông bắt đầu từ Việt Nam.

Chụp lại hình ảnh,Việt Nam đi dây giữa hai cường quốc Mỹ - Trung
Trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhiều công ty đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế. Tuy nhiên, tình trạng "transshipping" (hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt) đã trở thành mối lo ngại.
Peter Navarro, cố vấn cấp cao của ông Trump về thương mại và sản xuất, từng cáo buộc rằng một phần ba tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thực chất là các sản phẩm của Trung Quốc được vận chuyển qua Việt Nam.
Tiến sĩ Giang Phùng phân tích rằng bằng cách chốt thỏa thuận với Việt Nam, ông Trump vừa có thể kiểm soát vấn đề "transshipping" (thuế 40%), vừa khuyến khích việc sản xuất thực sự tại Việt Nam (thuế 20% được xem là thấp hơn mức tổng thể 46% mà ông từng đề cập trước đó), từ đó giảm sự phụ thuộc tổng thể vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, so với các đối thủ lớn, Việt Nam được xem là đối tác dễ thương lượng hơn, bởi Hà Nội đặc biệt sốt sắng trong việc đàm phán thuế với Washington khi xuất khẩu sang Mỹ hiện chiếm tới 30% GDP.
Cụ thể, ngày 2/4, ông Trump tuyên bố mức thuế 46% thì chỉ hai ngày sau đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với ông Trump, nói rằng Việt Nam sẵn sàng thảo luận để giảm thuế hàng Mỹ về 0% và "đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam".
Sau đó, đặc phái viên của ông Tô Lâm - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - đã lên đường đến Mỹ trong đêm 5/4 để đàm phán về thuế quan. Việt Nam là phái đoàn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, đến Washington sau khi Tổng thống Trump công bố các mức thuế đối ứng mà ông gọi là "Ngày Giải phóng".
"So với các đối thủ thương mại lớn và phức tạp như Liên minh châu Âu (EU) hay các nền kinh tế phát triển khác, Việt Nam có thể được coi là một đối tác 'dễ đàm phán' hơn để đạt được một thỏa thuận nhanh chóng. Điều này cho phép chính quyền Trump đạt được một thắng lợi thương mại sớm, tạo đà cho các cuộc đàm phán khó khăn hơn.
"Bên cạnh đó, mức thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Việt Nam mang lại cho Mỹ một đòn bẩy đàm phán mạnh mẽ. Việt Nam rất phụ thuộc vào thị trường Mỹ cho xuất khẩu của mình," Tiến sĩ Giang Phùng đánh giá.