Tiết lộ mới về phi công vụ máy bay Ấn Độ rơi khiến 260 người thiệt mạng

Các nhà điều tra đang tập trung làm rõ vai trò cụ thể của hai phi công cũng như các thông tin xoay quanh họ để giải thích lý do vì sao hai công tắc nhiên liệu của chiếc Boeing 787 Dreamliner lại bị ngắt chỉ vài giây sau khi cất cánh, khiến 260 người thiệt mạng, gồm 19 người dưới mặt đất.​

Máy bay Ấn Độ chở 242 người gặp nạn chỉ một phút sau khi cất cánh vào tháng trước. Trong số 242 người trên máy, một người duy nhất sống sót. Ảnh: Reuters.


Máy bay Ấn Độ chở 242 người gặp nạn chỉ một phút sau khi cất cánh vào tháng trước. Trong số 242 người trên máy, một người duy nhất sống sót. Ảnh: Reuters.

Nghi vấn về tình trạng tâm lý của cơ trưởng

Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, được cho là chuẩn bị nghỉ hưu trong vài tháng tới và từng cân nhắc nghỉ việc sớm để chăm sóc cha già sau khi mẹ ông qua đời vào năm 2022. Theo tiết lộ từ báo Anh Telegraph, ông Sabharwal từng trải qua thời gian nghỉ phép vì lý do sức khỏe tâm thần.

Một số phi công Air India chia sẻ với chuyên gia an toàn hàng không kỳ cựu Mohan Ranganathan rằng ông Sabharwal có dấu hiệu trầm cảm và từng xin nghỉ phép y tế vài lần trong vòng 3–4 năm qua. Tuy nhiên, ông Ranganathan cũng lưu ý: “Nếu ông ấy bay trở lại, thì chắc chắn đã được đội ngũ y tế của Air India cấp chứng nhận đủ điều kiện”.

Hồ sơ y tế của cơ trưởng Sabharwal đã được bàn giao cho các nhà điều tra. Báo cáo sơ bộ không phát hiện lỗi kỹ thuật từ máy bay, thay vào đó tập trung vào hành động của hai phi công trong buồng lái.

Khoảnh khắc định mệnh sau khi cất cánh

Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, được cho là chuẩn bị nghỉ hưu trong vài tháng tới. Ảnh: Telegraph.

Cơ trưởng Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, được cho là chuẩn bị nghỉ hưu trong vài tháng tới. Ảnh: Telegraph.

Theo bản ghi âm buồng lái, một trong hai phi công đã hỏi người còn lại vì sao lại ngắt nguồn nhiên liệu. Người kia đáp rằng mình không làm điều đó. Danh tính người nói hai câu này chưa được xác định.

Các nhà điều tra đang phân tích vai trò cụ thể của từng phi công. Theo quy trình tiêu chuẩn, trong quá trình cất cánh, phi công điều khiển là cơ phó Clive Kundar, 28 tuổi, còn cơ trưởng Sabharwal là người giám sát. Theo các nhà điều tra, ông Sabharwal hoàn toàn có thể tiếp cận bảng công tắc nhiên liệu trong khi cơ phó Kundar đang tập trung để đưa máy bay cất cánh.

Chuyên gia Ranganathan nhận định: “Nếu ai đó ngắt công tắc nhiên liệu, thì người đó phải là người rảnh tay trong thời điểm máy bay cất cánh”.

Tiểu sử hai phi công

Ông Sabharwal gia nhập Air India từ năm 1994, tích lũy hơn 15.000 giờ bay, trong đó có 8.000 giờ với dòng máy bay Dreamliner. Sau khi mẹ qua đời, ông chuyển từ Delhi về Mumbai để chăm sóc người cha già 90 tuổi. Một số người hàng xóm ở khu Powai, Mumbai, mô tả ông là người trầm lặng, thường dẫn cha đi dạo mỗi buổi chiều. Bà Savitri Budhania, một người hàng xóm lớn tuổi, kể lại: “Tôi từng nói: ‘Cha ông quá lớn tuổi để ở nhà một mình’. Ông ấy cười và đáp lời: ‘Chỉ còn một hai chuyến bay nữa thôi… rồi tôi sẽ ở nhà với cha mãi mãi’”.

Một đồng nghiệp cũ tên Neil Pais mô tả ông Sabharwal là người "điềm đạm và tử tế", cho biết ông từng chia sẻ kế hoạch nghỉ hưu sớm để chăm sóc cha toàn thời gian. “Chúng ta đều là con người. Nếu phi hành đoàn có dấu hiệu bất ổn tâm lý, họ sẽ bị cho nghỉ ngay. Không ai được phép tiếp tục bay nếu có nghi ngờ về sức khỏe tâm thần”, ông Pais nói.

Cơ phó Clive Kundar đã tích lũy 1.100 giờ bay. Ảnh: Telegraph.

Cơ phó Clive Kundar đã tích lũy 1.100 giờ bay. Ảnh: Telegraph.

Cơ phó Clive Kundar xuất thân trong một gia đình có truyền thống hàng không, mẹ anh từng là tiếp viên hàng không. Báo Anh cho biết Kundar năm nay 28 tuổi dù các thông tin ban đầu đề cập độ tuổi của cơ phó là 34.

Anh bắt đầu sự nghiệp bằng khóa học bảo trì máy bay tại Câu lạc bộ Bay Bombay trước khi chuyển sang làm phi công. Kundar lớn lên ở khu dân cư dành riêng cho nhân viên Air India tại Kalina, sau đó gia đình chuyển đến Borivali. Khi tai nạn xảy ra, anh đã tích lũy 1.100 giờ bay.

Những phản ứng trái chiều

Hãng Air India từ chối bình luận, nhưng một quan chức thuộc Tập đoàn Tata, đơn vị chủ quản, xác nhận cơ trưởng Sabharwal không xin nghỉ phép y tế gần đây và hồ sơ y tế của ông không có gì bất thường.

Cả hai phi công đều đã vượt qua kỳ kiểm tra y tế loại I, bài kiểm tra nghiêm ngặt đánh giá cả thể chất lẫn tinh thần của phi công, trong 2 năm gần nhất.

Sau khi báo cáo sơ bộ được công bố, thân nhân các nạn nhân bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng việc “một công tắc đơn giản bị ngắt” gây ra tai họa lớn là điều khó có thể chấp nhận được.

Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ khẳng định phi hành đoàn chuyến bay Al171 đã hành động đúng theo huấn luyện và quy trình trong điều kiện đầy thách thức. Tổ chức này cũng bác bỏ mọi suy đoán về hai phi công, cho rằng những lời đồn đoán đang đi quá xa và gây tổn thương cho những người liên quan.
 

Có thể bạn quan tâm

Top