Tô Long được trao huân chương, dọn đường kế vị ‘đế chế Tô Lâm’

Don Jong Un

Xamer mới lớn
Vatican-City
To-Long-FB-Nhat-ky-yeu-nuoc.jpg

Tô Long. (Hình minh họa: Facebook “Nhật ký yêu nước”)
Trao tặng huân chương cao quý là bước đi tạo thành tích lý lịch, “thái tử đỏ” Đại Tá Tô Long đang được người cha là Tổng Bí Thư Tô Lâm dọn đường thăng tiến tại Bộ Công An.

Một bước đi chuẩn bị thế hệ kế thừa theo kiểu “gia đình trị” mà lâu nay giới chóp bu CSVN vẫn tiến hành.

Hôm 7 Tháng Bảy, 2025, tại hội nghị sơ kết công tác của ngành Công An CSVN sáu tháng đầu năm, Chủ Tịch Nước Lương Cường trao tặng những huân chương được cho là “cao quý” trong phong trào thi đua của ngành, ngoài những cái tên quen thuộc như: Bộ Trưởng Lương Tam Quan, Thứ Trưởng Phạm Thế Tùng, Thứ Trưởng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ Trưởng Lê Quốc Hùng thì có thêm cục trưởng Cục An Ninh Đối Ngoại Tô Long, con trai ông Tô Lâm.


Ngoài thông tin cơ bản là trên 40 tuổi và mang hàm đại tá Công An, ông Tô Long hầu như rất ít được nhắc đến trên truyền thông-báo chí. Phải đến sau Tháng Tám năm 2024, thời điểm ông Tô Lâm chính thức ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư Đảng CSVN, cái tên Tô Long mới bắt đầu được dư luận Việt Nam chú ý đến nhiều hơn, do là con trai duy nhất của nhân vật đang nắm quyền lực chính trị cao bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Cho đến hiện tại, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào từ Bộ Công An hoặc các nguồn tin nhà nước xác nhận cụ thể về việc ông Tô Long công tác ngành từ thời gian nào? Đảm nhận những chức vụ gì? Đã lập thành tích nổi bật gì? Ngay cả việc ông được bổ nhiệm giữ chức cục trưởng cục an ninh đối ngoại cũng khiến dư luận chế giễu, cho là nhờ vào tầm ảnh hưởng từ người cha Tô Lâm, chứ không phải do năng lực cá nhân. Vậy việc ông Tô Long lần này được trao huân chương quân công hạng Ba có ẩn chứa những toan tính chính trị gì hay không?

Tô Long nắm chức vụ cục trưởng cục an ninh đối ngoại, một trong những vị trí rất quan trọng của ngành công an, chuyên phụ trách các hoạt động tình báo đối ngoại. Chức vụ này tương đương với chức cục trưởng cục bảo vệ chính trị III mà ông Tô Lâm trước đây từng nắm giữ, sau đó thăng tiến đến chức thứ trưởng, bộ trưởng, chủ tịch nước và nay là tổng bí thư. Việc ông Tô Long được bổ nhiệm chức vụ quan trọng và được vinh danh mà không cần phải lộ thành tích, có chăng là nằm trong những toan tính chính trị của Tổng Bí Thư Tô Lâm?

Với quyền lực gần như tuyệt đối, ông Tô Lâm dễ dàng dọn đường thăng tiến cho Tô Long, để nay mai kế tục sự nghiệp binh quyền của mình. Việc cán bộ CSVN nói chung, đặc biệt là giới chóp bu nói riêng đưa người nhà theo kiểu “gia đình trị,” cài cắm thuộc cấp thân tín nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị là việc chẳng hiếm. Ngay cả Bộ Trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang và Chủ Nhiệm UBKT Trung Ương Nguyễn Duy Ngọc được ông Tô Lâm hậu thuẫn, nâng đỡ là những ví dụ điển hình.

Việc Tô Long xuất hiện ở danh sách trao huân chương, trong bối cảnh CSVN chuẩn bị nhân sự cho Đại Hội Đảng XIV, ở mức độ cấp thiết hơn bao giờ hết, không đơn thuần là chuyện khen thưởng mà chứng minh rõ ràng cho dư luận thấy, lâu nay Tổng Bí Thư Tô Lâm đi cùng với công cuộc cài cắm nhân sự chiến lược là ráo riết tiến hành nâng tầm ảnh hưởng cho người nhà. Dưới thời Tô Tổng, “đế chế Tô Lâm” hình thành và Việt Nam trở thành triều đại công an trị là điều không hề bàn cãi.


Ông Tô Lâm nâng đỡ con trai Tô Long lên vị trí cao trong ngành công an, tặng huân chương để tạo lý lịch thành tích là bước đi đặt nền móng, vì “Đế chế Tô Lâm” về lâu dài cũng cần phải có người của Tô Lâm kế tục. Sau đại hội, Tô Long có khả năng cao sẽ được phong hàm thiếu tướng rồi được bổ nhiệm vào chức vụ Thứ Trưởng Bộ Công An, kế nữa là bước vào ban chấp hành Trung Ương Đảng, trở thành Bộ Trưởng Bộ Công An- ủy viên Bộ Chính Trị theo lộ trình sắp sẵn cho một yếu nhân tương lai.

Và cũng chẳng ai xa lạ gì trước những động thái của ông Tô Lâm, đây cũng là bước chuẩn bị cho giai đoạn về hưu, vừa duy trì tầm ảnh hưởng vừa giảm thiểu phần nào nguy cơ bản thân lẫn gia đình bị nội bộ CSVN thanh trừng.

Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó, là con dao hai lưỡi, bởi nếu Tô Long không thể hiện được thực lực của bản thân, không tạo được dấu ấn tích cực trong công việc thì sẽ gây bất mãn trong nội bộ CSVN, đặc biệt là những người công tác lâu năm trong ngành công an bị vượt mặt một cách bất công. Thậm chí nó còn trở thành công cụ lợi dụng của đối thủ để công kích, hạ bệ tầm ảnh hưởng chính trị của ông Tô Lâm, gia tăng sự bất mãn của người dân đối với chế độ.

Những rủi rủi chính trị này, không phải Bộ Chính Trị CSVN không nhận ra, nhưng do quyền lực của Tổng Bí Thư Tô Lâm hiện nay là quá lớn, nắm trong tay phe công an-nội chính lẫn kiểm soát phe Đảng, nên các ủy viên Bộ Chính Trị còn lại như Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn, Thủ Tướng Phạm Minh Chính hay như Chủ Tịch Nước Lương Cường kẻ thỏa hiệp-người thất thế không đủ lực, không ai đủ sức cản ngăn những hành động bá quyền của ông Tô Lâm, mặc khác bản thân họ còn lo sợ bị thanh trừng. Những ông bà như Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai là những nạn nhân điển hình bị thanh trừng khốc liệt dưới “thời Tô Lâm.”

Không cần phải suy đoán có âm mưu hay không? Nhưng chắc chắn việc trao huân chương cho Đại Tá Tô Long là có những toan tính quyền lực sâu xa. Chính sự Việt Nam dưới thời “đế chế Tô Lâm” đang bước vào giai đoạn đầy biến động và bất ổn cả về chính trị lẫn xã hội, mọi cải cách bị lu mờ.
 

Có thể bạn quan tâm

Top