
Cùng với việc nhắc lại rằng ông 'rất không hài lòng' về cuộc điện đàm với người đồng cấp Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hé lộ khả năng cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine.

Tên lửa cho các hệ thống phòng không Patriot (ảnh) là một trong những thiết bị quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo The Kyiv Independent của Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/7 cho biết Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin dường như không có ý định chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Trong phát biểu đưa ra trên chuyên cơ Air Force One này, Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông “rất không hài lòng” về cuộc điện đàm hôm 3/7 với người đồng cấp Liên bang Nga.
Ông Trump nói với các phóng viên rằng có vẻ như ông Putin muốn đi đến cùng trong cuộc chiến với Ukraine và “điều đó thật tồi tệ. Tôi không vui chút nào về việc đó”.
Cuộc điện đàm hôm 3/7 giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, sau đó đã được Điện Kremlin xác nhận là tập trung vào vấn đề Ukraine.
Kênh RT ngày 4/7 dẫn tuyên bố của cố vấn cấp cao Điện Kremlin, ông Yury Ushakov cho biết trong cuộc điện đàm hôm 3/7, ông Putin đã nói với ông Trump rằng Liên bang Nga sẵn sàng đàm phán, nhưng Moskva sẽ không từ bỏ việc giải quyết “những nguyên nhân gốc rễ nổi tiếng đã dẫn đến tình trạng hiện nay”.
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Trump tuyên bố rằng rằng ông đã “không đạt được tiến triển” nào trong việc thuyết phục người đồng cấp Putin chấm dứt chiến sự, trong khi Điện Kremlin lưu ý rằng các nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp mới giữa Moskva và Kiev.
Mộ ngày sau cuộc điện đàm với ông Putin, theo The Kyiv Independent, Tổng thống Mỹ đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cho biết hai bên đã có một cuộc trao đổi “rất mang tính chiến lược”.
“Chúng tôi đã nói về nhiều vấn đề khác nhau… Tôi nghĩ đó là một cuộc gọi rất, rất chiến lược” , ông Trump nói.
Đáng chú ý là khi được hỏi về việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhà lãnh đạo Mỹ trả lời: “Ừ, có thể lắm”.
“Họ sẽ cần một thứ gì đó vì họ đang bị tấn công rất mạnh”, Tổng thống Trump nói thêm.
Hệ thống phòng không Patriot là loại vũ khí rất được Ukraine mong chờ.
Theo báo The New York Times của Mỹ, Ukraine có tám hệ thống Patriot vào tháng 5/2025, nhưng chỉ sáu hệ thống đang hoạt động, hai hệ thống còn lại đang được bảo dưỡng hoặc sửa chữa định kỳ.
Báo The New York Times cho biết thêm các hệ thống Patriot đầu tiên của Mỹ đã được chuyển đến Ukraine vào tháng 4/2023, nhưng đến đầu năm 2024, Ukraine đã bắt đầu gặp tình trạng thiếu tên lửa cho các hệ thống này.
Tuyên bố hôm 5/7 của Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm ngừng việc chuyển giao một số hệ thống vũ khí quan trọng, bao gồm tên lửa Patriot và đạn dược dẫn đường chính xác, khiến Kiev lo ngại.
Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố muốn giúp đỡ Ukraine, nhưng chính quyền của ông chưa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nào đối với Liên bang Nga kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025 và cũng chưa phê duyệt các gói viện trợ bổ sung.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã ra lệnh không kích Iran, tấn công ba cơ sở hạt nhân của nước này vào sáng 22/6 nhằm đáp trả các căng thẳng leo thang trong khu vực – một động thái mà các nhà phê bình cho là trái ngược với cách tiếp cận thận trọng của ông đối với Moskva (Moscow).
Khi được hỏi tại sao ông có vẻ cứng rắn hơn với Tehran so với Moskva, Tổng thống Trump trả lời các phóng viên: “Không, tôi nghĩ tôi cứng rắn với Liên bang Nga hơn là với Iran”.
Bất chấp hai vòng đàm phán trực tiếp giữa Moskva và Kiev vào tháng 5 và tháng 6 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngoài việc dẫn tới các cuộc trao đổi tù binh.