Trải nghiệm xe tải không người lái của Trung Quốc

Tài xế xe tải không đặt tay lên vô lăng.

Nguồn hình ảnh,BBC/Rachel Yu
Chụp lại hình ảnh,Mỗi xe tải trong đoàn đều có một tài xế dự phòng
  • Tác giả,Stephen McDonell
  • Vai trò,Phóng viên BBC tại Trung Quốc
  • 8 tháng 6 2025
Chúng lao ầm ầm trên đường cao tốc giữa Bắc Kinh và cảng Thiên Tân: những chiếc xe tải lớn, chở đầy hàng hóa và hoàn toàn có khả năng tự vận hành.
Dù vẫn có tài xế ngồi sau tay lái theo quy định của chính phủ, nhưng trên thực tế, những chiếc xe này không cần đến họ, và nhiều nhà phân tích cho rằng chẳng bao lâu nữa họ sẽ biến mất.
Khi "tài xế dự phòng" Hoắc Khang Thiên, 32 tuổi, lần đầu tiên buông tay khỏi vô lăng để chiếc xe tự lái, cảm giác mang lại vừa ấn tượng vừa có chút bất an.
Ở giai đoạn đầu của hành trình, anh vẫn kiểm soát hoàn toàn. Sau đó – tại một thời điểm nhất định – anh nhấn một vài cái nút, và cỗ máy nặng nề, mạnh mẽ bắt đầu tự điều khiển, lao nhanh trên con đường công cộng hướng về Thiên Tân.
"Đương nhiên, lần đầu lái xe tải tự hành tôi cũng hơi sợ," anh Hoắc nói. "Nhưng sau khi quan sát và thử nghiệm những chiếc xe này trong thời gian dài, tôi thấy chúng thực sự khá tốt và an toàn."

Khi xe rẽ khỏi đường cao tốc và đi lên đoạn dốc hướng về trạm thu phí, chiếc xe vẫn đang tự lái. Sau khi qua trạm, anh Hoắc lại nhấn vài nút bấm và trở lại nắm quyền điều khiển.
"Công việc của một tài xế dự phòng có vai trò như tuyến phòng thủ cuối cùng. Ví dụ, trong trường hợp khẩn cấp, tôi phải lập tức giành lại quyền kiểm soát để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người," anh giải thích.
Về mặt lợi ích cho tài xế, anh cho biết việc chuyển sang chế độ tự hành có thể giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi, đồng thời rảnh tay rảnh chân để làm việc khác. Anh nói điều này không khiến công việc của mình nhàm chán mà còn thú vị hơn.
Khi được hỏi liệu anh có lo rằng công nghệ này một ngày nào đó sẽ khiến công việc của anh biến mất, anh nói rằng anh không rõ lắm về điều đó.
Một câu trả lời mang tính ngoại giao.
Đội xe tải không người lái của Pony AI (Tiểu Mã Trí Hãng), hiện đang hoạt động trên các tuyến thử nghiệm này, chỉ là bước khởi đầu cho những gì sắp tới, ông Lý Hành Vũ, phó chủ tịch công ty, chia sẻ với BBC.
"Trong tương lai, với các hoạt động không người lái, hiệu suất vận tải của chúng tôi chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều," ông nói. "Ví dụ, chi phí lao động sẽ giảm, nhưng quan trọng hơn, chúng tôi có thể đối phó tốt hơn với môi trường khắc nghiệt và thời gian lái xe kéo dài."
Tựu trung lại, điều này nhằm mục đích tiết kiệm tiền, theo chuyên gia trong ngành – Giáo sư Dương Duệ Cang từ Đại học Giao thông Thượng Hải, người có nhiều kinh nghiệm với công nghệ xe tự lái cả ở Trung Quốc và Mỹ.
"Bất cứ điều gì có thể giảm chi phí vận hành thì các công ty đều muốn có. Vì vậy, việc đầu tư vào xe tải tự lái hoàn toàn là điều dễ hiểu," ông nói với BBC.
Tóm lại, ông nói, mục tiêu rất đơn giản: "Giảm chi phí tài xế về gần bằng 0."
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản lớn trước khi xe tải có thể được phép tự lái trên đường phố toàn cầu – trong đó không thể không kể đến mối lo ngại từ công chúng.
Tại Trung Quốc, công nghệ tự lái từng chịu cú sốc lớn sau một vụ tai nạn khiến ba sinh viên đại học thiệt mạng sau khi xe của họ chuyển sang chế độ "tự lái".
Nhà phân tích Chim Lee thuộc đơn vị nghiên cứu Economist Intelligence Unit nói rằng công chúng Trung Quốc vẫn còn lâu mới hoàn toàn chấp nhận công nghệ này.
"Chúng ta biết rằng những vụ tai nạn gần đây liên quan đến xe hơi đã gây ra sự phẫn nộ lớn ở Trung Quốc. Vì vậy, với xe tải không người lái – dù hiện tại chúng chủ yếu hoạt động trong các khu vực nhất định – thì hình ảnh của chúng trong mắt công chúng sẽ vô cùng quan trọng đối với cả các nhà hoạch định chính sách lẫn thị trường, hơn cả xe hơi."
Giáo sư Dương cũng đồng tình rằng trong tương lai gần, tài xế xe tải khó có khả năng bị mất việc hàng loạt.
"Chúng ta phải xét đến ngữ cảnh. Môi trường mở? Có lẽ chưa. Tốc độ cao? Chắc chắn chưa. Nhưng nếu là tình huống tốc độ thấp, như xe giao hàng chặng cuối, thì đã có rồi."
Thành phố Hợp Phì hiện cho phép xe tải tự hành hoạt động trên các tuyến đường của mình.

Nguồn hình ảnh,BBC/Joyce Liu
Chụp lại hình ảnh,Thành phố Hợp Phì hiện cho phép xe tải nhỏ tự hành hoạt động trên các tuyến đường của mình
Tại thành phố Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc, hàng trăm xe giao hàng không người lái đang len lỏi qua các đường phố ngoại ô – giữa dòng xe máy và ô tô do người điều khiển lao vù vù xung quanh – tại một thành phố có dân số chính thức 8 triệu người.
Từng là một trong những thành phố nghèo nhất nước, giờ đây chính quyền Hợp Phì muốn xây dựng hình ảnh là thành phố của tương lai, sẵn sàng đón nhận công nghệ mới.
Ông Hoàng Cương (Gary Huang), Chủ tịch công ty xe tự hành Rino.ai (Bạch Tê Giác), cho biết công ty đã tìm được một thị trường ngách – nơi các xe van không người lái có thể chở hàng từ các trung tâm phân phối lớn đến các trạm trong khu dân cư. Từ đó, tài xế xe máy tiếp tục giao hàng đến tận cửa người nhận.
"Chúng tôi để các tài xế tập trung làm công việc giao nhận trong khu dân cư, còn xe tự lái đảm nhận những chặng dài, lặp đi lặp lại. Điều này giúp tăng hiệu suất của toàn hệ thống," ông nói.
Rino cũng đang đàm phán với các quốc gia khác và cho biết thị trường đón nhận sớm nhất sẽ là Úc, nơi một chuỗi siêu thị dự kiến triển khai xe giao hàng tự lái vào cuối năm nay.
Còn tại Trung Quốc, công ty cho biết hiện đang vận hành hơn 500 xe van tự lái có quyền lưu thông tại hơn 50 thành phố. Hợp Phì là thành phố tiên phong.
Ngoài Rino, thành phố này hiện cũng đã cấp phép cho các công ty khác triển khai xe giao hàng tự lái.
Ông Hoàng Cương cho rằng điều này là kết quả của một chuỗi yếu tố: "Khởi đầu là sự khuyến khích từ chính quyền, sau đó là thử nghiệm tại địa phương, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện quy định và cuối cùng là triển khai rộng rãi."
Và giờ đây, bạn có thể thấy những chiếc xe đó trên đường: chuyển làn, bật xi nhan, dừng đèn đỏ, tránh các phương tiện khác.
Đối với các công ty chuyển phát, những con số nói lên tất cả.
Một chiếc xe tải giao hàng tự hành của Rino AI đang lăn bánh trên đường phố Trung Quốc.

Nguồn hình ảnh,BBC/Joyce Liu
Chụp lại hình ảnh,Liệu xe tải tự hành có phải là tương lai của giao thông Trung Quốc?
Theo bà Trương Kỳ Sâm, Giám đốc khu vực An Huy của Rino, các chuyến giao hàng không chỉ nhanh hơn mà còn tiết kiệm chi phí đáng kể: với chi phí thuê một tài xế, các công ty có thể vận hành ba chiếc xe điện giao hàng tự lái – chạy liên tục trong nhiều ngày mà không cần sạc.
Bà nói bà vô cùng ngạc nhiên trước tốc độ thay đổi trong ngành này và không loại trừ khả năng xe tải hạng nặng sẽ tự lái thường xuyên trên đường cao tốc trong vòng 5 năm tới.
Giáo sư Dương đồng tình: "Xe tải hạng nặng chạy tự do trên đường cao tốc, ít nhất trong vòng 5 năm nữa."
Khi được hỏi liệu điều đó có xảy ra sớm như vậy không, ông trả lời: "Tôi khá chắc chắn nó sẽ xảy ra. Thực ra, tôi tin tưởng điều đó."
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật
Ứng dụng sớm nhất của xe tải không người lái – ngoài các khu công nghiệp khép kín như mỏ lộ thiên hoặc cảng – có lẽ là ở các khu vực hẻo lánh, địa hình khó khăn với điều kiện môi trường khắc nghiệt, đặc biệt là trên những quãng đường dài, ít khúc cua.
Nhưng vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật.
Xe tải hạng nặng cần được trang bị camera tốt hơn để theo dõi từ xa và phát hiện nguy hiểm ở khoảng cách xa hơn, giống như cách con người có thể làm. Những tuyến đường phức tạp hơn có thể cần được bổ sung các cảm biến dọc theo lộ trình. Ngoài ra, các trở ngại khác có thể bao gồm xe bị hỏng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc những mối nguy hiểm đột ngột xuất hiện giữa dòng xe đông đúc.
Bên cạnh tất cả những điều này, công nghệ dành cho xe tải hạng nặng vẫn còn đắt đỏ. Hơn nữa, hiện tại, những phương tiện này chỉ là những chiếc xe tải kiểu cũ đã được hoán cải, chứ không phải các phương tiện tự lái được sản xuất ngay từ đầu.
Trung Quốc muốn trở thành nước tiên phong trong công nghệ mới, nhưng họ cũng phải thận trọng, không chỉ vì nguy cơ tai nạn chết người mà còn vì cách người dân Trung Quốc đón nhận sự chuyển đổi này.
"Không đơn thuần là chuyện tuân thủ quy định. Không chỉ là chuyện xây dựng hình ảnh trong mắt công chúng," chuyên gia Chim Lee nói. "Mà theo thời gian, công chúng sẽ nhìn thấy lợi ích của công nghệ này, thấy được cách nó giúp giảm chi phí mua sắm của họ hoặc xem nó như một dấu hiệu cho thấy xã hội đang phát triển, thay vì xem đây là một công nghệ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn hoặc làm mất cơ hội việc làm."
Giáo sư Dương nhìn thấy một vấn đề khác. "Con người có thể bao dung với việc một tài xế nữa mắc lỗi, nhưng mức độ dung thứ của chúng ta đối với xe tải tự hành lại thấp hơn nhiều. Máy móc vốn dĩ không được phép mắc sai lầm. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo rằng hệ thống này thực sự đáng tin cậy."
 

Có thể bạn quan tâm

Top