Đạo lý Vạn sự hư không

Một ngày nọ, vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: “Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ và ta cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng đó.”
Benaiah trả lời: “Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?”
Nhà vua đáp: “Nó có những sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn vào nó sẽ thấy vui”. Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.
Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.
Vào đêm trước ngày lễ, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi: -“Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó vào thì quên đi nỗi buồn không?” Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng ngời một nụ cười. 🙂
Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mùa lễ hội. -“Nào, ông bạn của ta – vua Salomon hỏi – ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?” Tất cả cận thần có mặt đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười. 🙂
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: -“Nó đây, thưa đức vua.” Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó có khắc dòng chữ: -“Điều đó rồi cũng qua đi.”
Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó ông cũng chỉ là cát bụi…
 
Truyền-đạo 2:1-26
“Mọi điều đó là sự hư không theo luồng gió thổi, chẳng có ích lợi gì hết dưới ánh mặt trời” (câu 11).
Câu hỏi suy ngẫm: Vua Sa-lô-môn đã tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời qua những nỗ lực nào? Vua đã tìm thấy cuộc đời có ý nghĩa gì xuyên qua các nỗ lực trên? Ngày nay người ta thường nhờ vào đâu để mong tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời? Và kết quả ra sao?
Cuộc sống của con người trên mặt đất nầy có ý nghĩa gì chăng? Chúng ta sinh ra đời trong cơn đau đớn của mẹ. Chúng ta lớn lên, ăn uống, học hành, làm việc, có gia đình, có con cái, rồi già nua, bệnh tật và qua đời. Mấy mươi năm có mặt trên trần gian nầy có ý nghĩa gì chăng? Hay như Vua Sa-lô-môn, tác giả sách Truyền-đạo nói: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không” (1:2).
Trong Truyền-đạo 2, Vua Sa-lô-môn đã kể lại kinh nghiệm của mình trong việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Vua được Chúa ban cho sự khôn ngoan xuất chúng. Ông dùng sự khôn ngoan ấy để tìm tòi học hỏi, để gia tăng kiến thức trong nhiều lãnh vực. Rồi ông cũng nghiệm ra rằng: Tri thức cũng là hư không. Hiểu biết của con người có giới hạn, và hiểu biết cũng bất lực trước những thực tại của cuộc đời, trước sự sống và cái chết. Nhiều kiến thức chỉ thêm nhiều phiền não. Vua còn tìm ý nghĩa cuộc sống trong vui sướng, khoái lạc. Vua mua vui bằng rượu ngon, ca xướng, mỹ nữ. Nhưng vua đánh giá: Điều đó cũng là hư không; cười là điên, vui sướng mà làm chi (câu 1-2).
Vua Sa-lô-môn cũng thử tìm ý nghĩa cuộc sống trong nỗ lực xây dựng những công trình quy mô, như là xây cất nhà cửa, trồng vườn hoa, vườn cây ăn trái, đào hồ ao để tưới rừng. Vua cũng thu chứa nhiều của cải và vàng bạc, trở thành một người giàu có tột bực. Nhưng vua kiểm lại và đánh giá: “Mọi điều đó là sư hư không theo luồng gió thổi, chằng có ích lợi gì hết dưới ánh mặt trời” (câu 11).
Nếu nương nhờ vào của cải để giúp cho đời mình có ý nghĩa, bạn sẽ thấy của cải không tồn tại mãi, chúng có nguy cơ thất thoát. Khi chúng thất thoát, bạn sẽ lo buồn và nền tảng đời bạn vì thế mà bị lung lay. Dù giữ được nhiều của cải cho đến cuối cuộc đời, rồi bạn cũng phải bỏ chúng lại ở trần gian. Mọi người ra đời với hai bàn tay trắng, và cũng sẽ lìa đời với hai bàn tay trắng. Vậy thì bao nhiêu công khó bạn đã đổ ra để thu chứa của cải cho nhiều, có ích lợi gì? Hay là bạn lấy gia đình làm nền tảng cho cuộc đời mình. Bạn sẽ làm việc, hy sinh cho gia đình, mong cho mọi người trong gia đình được hạnh phúc, thành đạt. Nhưng có gì bảo đảm được rằng tất cả thành viên của gia đình bạn sẽ được hạnh phúc, thành công? Và dù mọi người đều thành đạt, thì họ có biết ơn bạn không? Một người nào đó trong gia đình bạn đau khổ, thất bại, hay vong ân, thì bạn sẽ thấy nền tảng đời mình bị lung lay. Sự hy sinh của bạn cũng không đạt được kết quả mong muốn. Gia đình cũng không giúp cho cuộc sống bạn có ý nghĩa. Tất cả những thứ khác như danh vọng, quyền thế, v.v... cũng đều mong manh tương tự.
Vua Sa-lô-môn đã đạt đến bậc tuyệt đỉnh của giàu sang, khôn ngoan, quyền thế. Dù vậy, vua vẫn thấy cuộc đời là hư không. Chúng ta thua kém vua rất xa về mọi mặt. Chắc chắn chúng ta cũng sẽ thấy cuộc đời mình chỉ là hư không, nếu chúng ta muốn nhờ vào khôn ngoan, lạc thú, giàu sang, quyền thế để giúp cuộc đời mình có ý nghĩa. Thực ra, tất cả mọi thứ dưới ánh mặt trời, kể cả gia đình, quốc gia, đạo đức, tài năng, triết lý, tôn giáo sẽ không bao giờ làm cho cuộc sống chúng ta có ý nghĩa.
Giữa cái bi quan của cuộc đời, Sứ đồ Phao-lô chỉ cho chúng ta nguồn hy vọng rạng ngời: Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì Ngài là Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài (Ê-phê-sô 1:23). Trong cái nhìn khá bi quan của Vua Sa-lô-môn, bạn có hy vọng nào trong cuộc sống nầy không? Làm sao, tìm ở đâu hy vọng để vui sống trong cuộc đời nầy?
 
Top