Don Jong Un
Xamer mới lớn


Xe Vinfast cháy trơ khung ở cư xá Độc Lập (Hình: Facebook)
Ngày 6 Tháng Bảy vừa qua, có thêm hai vụ cháy nổ xe điện xảy ra. Một ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh, một ở cao tốc Trung Lương. Vụ cháy đầu cướp đi sinh mạng của 8 người, trong đó có cả trẻ em. “Xe điện sản xuất trong nước,” báo chí thập thò tiết lộ. Nhưng rồi mọi thứ được xóa đi, cùng với sự im lặng đến rợn người từ các cơ quan chức năng và truyền thông nhà nước. Không cần nói thẳng, công chúng ai cũng hiểu: Vinfast.
Chưa đầy 48 giờ sau vụ hỏa hoạn thảm thương ở cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, TP.Hồ Chí Minh, người ta chứng kiến bàn tay lông lá của Phạm Nhật Vượng một lần nữa thò vào đổi trắng thay đen, đổ hết mọi lỗi lầm cho vụ xe Vinfast cháy làm chết 8 người là do người chủ xe nối điện sai, chứ không phải do sản phẩm của Vượng.
Theo các báo, đưa tin cùng một số chữ, một nguồn từ công an đưa ra, là “nguyên nhân cháy bước đầu xác định là do đường dây dẫn điện cung cấp cho các thiết bị tiêu thụ điện trong căn hộ 0.20 tại tầng trệt của chung cư (do chủ căn hộ tự đấu nối) bị chạm chập điện gây cháy ở phía trước căn hộ này và căn hộ liền kề.”
Trước khi có kết luận của công an, hầu hết các báo đều có cuộc điều tra riêng, và đều khẳng định lời của nhiều nhân chứng về chiếc xe Vinfast phát nổ và cháy. Thế nhưng khi có lời đánh giá của công an, dù chỉ mới là kết luận ban đầu, đột ngột các báo, đài đều im lặng gỡ các từ ngữ và lời khai nhân chứng liên quan về Vinfast.
“Cháy tan hoang không còn thấy được gì, mà công an ra ngay được kết quả nối điện sai,” một danh khoản trên facebook bình luận. Còn một người khác thì để icon mặt cười, bình rằng “Vinfast mãi đúng, mãi tự hào.”
Từ vài năm nay, người Việt đã có thói quen tự hiểu nhiều chuyện, dù không được viết, ra, báo chí “húy kỵ” không nói thẳng tên. Đặc biệt, chuyện tự hào ngạo nghễ Vinfast luôn gắn liên tục với xe lật, xe xuống hố, xe chết máy, xe cháy, xe nổ…
Chỉ trong hai năm trở lại đây, hàng chục vụ cháy nổ, tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe Vinfast đã được người dân ghi nhận và chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội. Thế nhưng, trên các mặt báo chính thống, trong các bản tin thời sự quốc gia, cái tên Vinfast gần như bị “cấm cửa.” Các nhà báo cúc cung răm rắp thi hành lệnh như nô tài.
Không một dòng chữ, không một lời cảnh báo, không một kết luận điều tra minh bạch từ các cơ quan hữu trách. Người dân chỉ được biết thông tin qua các mô tả lấp lửng như “xe điện,” “xe nội địa,” “một mẫu xe phổ biến”… Thật khó tin, nhưng đó là thực tế của Việt Nam năm 2025, khi một hãng sản xuất xe lại có khả năng áp đặt “luật ngầm” lên toàn bộ truyền thông và cơ quan điều tra.

Tại sao không ai điều tra? Trách nhiệm thuộc về ai?
Đây không còn là những tai nạn đơn lẻ. Đây là chuỗi sự cố nối tiếp nhau, để lại hậu quả thương tâm và gây hoang mang toàn xã hội. Trong bất kỳ quốc gia bình thường nào, một hãng xe vướng vào nhiều tai nạn và cháy nổ như vậy đã bị triệu tập khẩn cấp, bị điều tra chặt chẽ và thậm chí phải ngừng lưu hành toàn bộ sản phẩm cho đến khi có kết luận rõ ràng.
Thế nhưng ở Việt Nam, không có một cơ quan kiểm định an toàn giao thông, không có bộ phận thanh tra sản xuất hay kỹ thuật nào lên tiếng. Không một lời xin lỗi. Không một hành động bảo vệ người tiêu dùng.
Câu hỏi lớn đặt ra: Tại sao? Ai đang bảo kê cho Vinfast?
Vinfast, cùng với Tập đoàn mẹ VinGroup, từ lâu đã được quảng bá như một biểu tượng của “ý chí Việt Nam,” “công nghệ Việt Nam,” “giấc mơ xe hơi Việt.” Các phương tiện truyền thông quốc gia, từ báo đài cho đến nền tảng mạng xã hội có kiểm duyệt, đều thi nhau ca ngợi Vinfast như một “niềm tự hào dân tộc,” là “bước tiến hóa công nghiệp” của đất nước. Quảng cáo về xe Vinfast chen chúc từ đài VTV, báo Nhân Dân cho đến các màn hình LED ngoài trời tại các thành phố lớn.
Nhưng đằng sau bức màn hào nhoáng ấy là gì? Là tư bản thân hữu, là mặt tối của “niềm tự hào dân tộc” trên các lời tuyên truyền.
Vinfast hiện rõ là mô hình tư bản thân hữu, nơi doanh nghiệp lớn và nhà nước chung tay chia lợi ích, thao túng chính sách, và gạt bỏ trách nhiệm xã hội. Hậu quả là gì? Là mạng sống người dân bị xem nhẹ. Là niềm tin của xã hội bị phá vỡ. Giờ thì ai cũng thấy Vinfast có thể thao túng cả chính sách nhà nước và công an.
Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá tràn lan, xe Vinfast còn được ưu ái đưa vào các chính sách lớn: hỗ trợ vay mua xe, miễn phí đăng ký, ưu tiên sử dụng trong các chương trình giao thông xanh, thậm chí còn được đề xuất sử dụng trong lực lượng hành pháp và công quyền. Ai đã quyết định những điều này? Dựa trên tiêu chuẩn nào? Hiệu quả ra sao? Không ai biết.
Tệ hại hơn, những người dám lên tiếng tố cáo, phản biện về chất lượng xe Vinfast đều bị truy bức. Đã có những người hoạt động độc lập bị công an triệu tập, bị gây áp lực, thậm chí phải rời khỏi Việt Nam để xin tỵ nạn ở nước ngoài vì lo sợ cho tính mạng.
Một hãng xe, rốt cuộc làm kinh doanh hay làm chính trị? Ai cho Vinfast cái quyền thao túng truyền thông, chính sách và cả cơ quan công an?

Nếu im lặng, người dân tiếp tục là “chuột bạch”
Chúng ta không thể tiếp tục sống trong một xã hội nơi mạng sống con người bị đánh đổi cho lợi ích nhóm. Sự thật bị ém nhẹm. Trách nhiệm bị đùn đẩy. Công lý bị bịt miệng.
Báo chí nếu tiếp tục câm lặng, không còn là tiếng nói của nhân dân mà đã trở thành công cụ của quyền lực và lợi nhuận.
Công an, qua những vụ tiếp tay đàn áp người tố cáo, không còn là người bảo vệ công lý, mà đã trở thành vệ sĩ cho doanh nghiệp thân hữu.
Nhà nước, nếu tiếp tục làm ngơ, không còn là chính quyền của dân, do dân, vì dân, mà đã trở thành một cấu trúc phục vụ nhóm lợi ích.
Tai nạn và những trò tẩy trắng cho Vinfast đã là tiếng chuông gọi hồn. Mỗi người dân Việt Nam, dù đang cầm vô lăng, đi xe máy hay chỉ là người đi bộ, đều có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của một hệ thống thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm và thiếu nhân đạo.
Vinfast không thể mãi núp bóng “tự hào dân tộc” để thoát khỏi trách nhiệm với xã hội. Và chính quyền không thể mãi viện cớ “ổn định chính trị” để dung dưỡng cho sự bất công.
Đã đến lúc xã hội Việt Nam cần một cuộc thanh lọc lương tri. Phải có điều tra độc lập. Phải có truyền thông tự do. Phải có luật pháp nghiêm minh.
Một đất nước muốn phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào công nghệ, nhà máy, hay những khẩu hiệu rỗng tuếch. Mà phải dựa vào niềm tin của nhân dân, vào công lý, và vào sự thật.
Vinfast, nếu thực sự muốn trở thành niềm tự hào, hãy bắt đầu từ trách nhiệm và minh bạch. Nếu không, đó sẽ là một vết nhơ lịch sử và là một thảm họa quốc gia đúng nghĩa, không chỉ trên đường phố, mà trong chính tâm thức dân tộc này.