Xây hạ tầng ven biển vô lối, gần 200 hécta san hô ở vịnh Nha Trang bị xóa sổ

Don Jong Un

Xamer mới lớn
Vatican-City
Gần 200 hécta rạn san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất, khó hồi sinh, chỉ vì cách phát triển hạ tầng bừa bãi của chính quyền sở tại.

Báo VNExpress hôm 8 Tháng Bảy dẫn công bố của Trung Tâm Nhiệt Đới Việt-Nga hồi tháng trước, cho biết kết quả phân tích ảnh viễn thám và học máy trên khu vực rộng 160 cây số vuông cho thấy từ năm 2002 đến 2024, vịnh Nha Trang mất khoảng 191 hécta rạn san hô, tập trung ở khu vực xung quanh đảo Hòn Tre, Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Hòn Miễu.

Gần 200 hécta rạn san hô ở khu vực xung quanh đảo Hòn Tre, Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Hòn Miễu đã biến mất. (Hình: Bùi Toàn/VNExpress)
Hồi năm 2001, Ban Quản Lý Vịnh Nha Trang được thành lập để ngăn chặn tình trạng trên, nhưng tình trạng “tẩy trắng san hô” vẫn tiếp diễn.


Tuy nhiên, ngoài việc ô nhiễm từ đất liền, khai thác hải sản trái phép, biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do sự phát triển hạ tầng ven biển bao gồm xây dựng đường sá, khu nghỉ dưỡng và cảng biển… đã kích hoạt những thay đổi lớn về sử dụng đất ở vịnh Nha Trang, gây thất thoát 125 hécta rạn san hô trong giai đoạn 2002-2016.

Ông Mai Thuận Lợi, Trung Tâm Nghiên Cứu và Phát Triển Du Lịch Bền Vững thuộc Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM, cho biết tình trạng tẩy trắng và chết hàng loạt của san hô đang đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, cũng như sức hút du lịch biển đảo tại Nha Trang.

“San hô không chỉ là nơi cư trú của hàng trăm loài sinh vật biển, mà còn là điểm nhấn trong các tour lặn biển tại vịnh Nha Trang,” ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, nếu không có những biện pháp quản lý tài nguyên biển hiệu quả và quyết liệt, du lịch Nha Trang sẽ đánh mất bản sắc. Cảnh quan dưới biển đang dần biến mất. Nếu trải nghiệm không giống với những gì được quảng bá, đặc biệt với khách quốc tế, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng và ít có khả năng quay lại.

Bên cạnh biến đổi khí hậu, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những hoạt động thiếu kiểm soát trong quá khứ như neo đậu sai vị trí, lặn không đúng quy định hay xả thải ra biển là nguyên nhân khiến hệ sinh thái rạn san hô suy yếu nhanh chóng.

“Phục hồi san hô là quá trình dài hơi. Cần kiên trì, đồng bộ và đặt yếu tố bảo tồn lên hàng đầu,” ông Lợi nhấn mạnh

Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất thế giới. (Hình: Bùi Toàn/VNExpress)
Theo Ban Quản Lý Vịnh Nha Trang, công tác bảo tồn đang gặp khó do “thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, nhận thức cộng đồng còn hạn chế và khó khăn về tài chính, nguồn thu chưa đủ đáp ứng hoạt động bảo tồn.”

Hiện, các hoạt động bảo tồn tại vịnh Nha Trang bao gồm phối hợp với các câu lạc bộ lặn và tình nguyện viên để giám sát hệ sinh thái, thu gom rác dưới đáy biển, bắt sao biển gai và theo dõi hiện tượng tẩy trắng. Khi có trở ngại môi trường, Ban Quản Lý Vịnh Nha Trang chủ động phối hợp với các nhà khoa học để xử lý.

Ngoài ra, Ban Quản Lý Vịnh Nha Trang đang “xây dựng đề án thành lập vườn ươm cung cấp giống san hô, thử nghiệm mô hình rạn nhân tạo kết hợp với du lịch sinh thái và nghề cá giải trí.
 

Có thể bạn quan tâm

Top