“Nghèo thì đừng đẻ”: Sự va chạm tất yếu giữa hai luồng tư tưởng cũ mới

ham Học Hỏi..

Con Chym bản Đôn
Bàn về căn nguyên của các làn sóng lên tiếng phản đối sinh con khi vẫn còn quá nghèo hoặc thiếu sự chuẩn bị

Ảnh: Karry

Ảnh: Karry

Vài năm gần đây, chúng ta được chứng kiến một loạt hiện tượng xã hội của những người trẻ liên quan đến vấn đề sinh và nuôi con: Từ trào lưu DINK (Double income, no kids – kết hôn nhưng không sinh con), cho đến những lần dậy sóng về việc cha mẹ đẻ con mà không biết dạy (vụ quán cà phê ở Đà Nẵng từ chối trẻ em, hoặc vụ hai bé trai cố ý giẫm chết mèo, chẳng hạn), và lần dậy sóng mới đây nhất là phát ngôn trên fanpage của MC Đức Bảo “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện” được khá nhiều người trẻ tán thành.
Bất chấp những tranh cãi, mọi thứ đều cho thấy rõ ràng xã hội Việt Nam đang đến giai đoạn hứng chịu sức bật của môt lò xo đang bị đè nén quá lâu: Đó là sự vùng dậy của người trẻ trước nền văn hoá kìm kẹp của đạo hiếu, của làm con là phải sinh đẻ thì mới tròn chữ hiếu (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại – Tội bất hiếu có ba, không có con là tội nặng nhất), đặc biệt trong xã hội mà người dân không giàu có, người trẻ dường như đang bị kìm kẹp cả về giáo điều lẫn kinh tế.
img_0

Thái độ của tôi trước hiện tượng này thường có hai: Thứ nhất là cảm giác hi vọng khi thấy các bạn trẻ đã ít nhiều có lí trí hơn và dũng cảm hơn để chống lại giáo điều hàng trăm năm. Thứ hai là cảm giác ngưỡng mộ tầm nhìn xa đi trước thời đại mười nghìn ki lô mét của chính mình khi mà cách đây năm năm, 2019, tôi đã viết một bài lên án đạo hiếu rồi. [1] Hồi ấy dĩ nhiên là không có đủ nhiều người dũng cảm và trí tuệ để lên tiếng như bây giờ, nên sau khi đăng bài ấy tôi bất đắc dĩ phải chơi môn thể thao mạo hiểm có nội dung phối hợp là né bầy chó cắn và tránh đàn bò húc, càng nhiều càng tốt.
Tuy nhiên, sau năm năm học hành không ngừng nghỉ, tôi thấy mình vẫn có thể viết tốt hơn nữa về chủ đề này. Vậy nên bài viết này ra đời nhằm làm rõ những gì mà bài Đạo hiếu của năm năm trước chưa làm được.

I. MỐI QUAN HỆ CHA MẸ-CON CÁI TRONG LỊCH SỬ​

Phần đầu tiên, tôi muốn bày tỏ góc nhìn cảm thông về lòng hiếu thảo trước đã. Sẽ công bằng hơn nếu ta thấu hiểu căn nguyên của một tư tưởng mà ta vẫn thường nghĩ xấu về, đặc biệt là tư tưởng mà theo nghiên cứu của Low & Ang thì “Lòng hiếu thảo là một trong những đức tính cơ bản nhất được tìm thấy một cách phổ quát ở nhiều nền văn hóa khác nhau trong suốt lịch sử loài người.” (Low & Ang, 2013, tr.1135.) [2]
Thực vậy, lòng hiếu thảo không chỉ tồn tại ở phương Đông – mà cụ thể là Trung Quốc nơi nó trở nên khét tiếng – chúng ta sẽ được thấy lòng hiếu thảo với các cấp độ khác nhau ở khắp thế giới Do Thái giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo, và cả các tôn giáo ít người biết ở châu Phi.
Ảnh: Taravat Niki

Ảnh: Taravat Niki

Trong thế giới Do Thái và Ki-tô giáo, lòng hiếu thảo được ghi ở rất nhiều đoạn trong Kinh Thánh. Điển hình là một trong Mười điều răn tuyên bố: “Hãy thảo kính cha mẹ.” (Exodus 20:12, Ephesians 6:2, Deuteronomy 5:16). Và giáo dân thường gọi Thiên Chúa là cha cho thấy cha mẹ-con cái là mối quan hệ rất quan trọng và thiêng liêng. Ngoài ra cũng nên lưu ý đến câu chuyện cha con Abraham-Issac (Genesis 22) nơi Abraham có toàn quyền hiến tế sinh mạng con trai Issac của mình, cho thấy có tồn tại sự sở hữu của cha đối với con, và sự tuân phục của con đối với cha, ngay cả khi vấn đề liên quan đến sinh mạng người con.
Trong thế giới Hồi giáo, có nhiều câu Kinh Koran nhắc đến lòng hiếu thảo, chẳng hạn: “Chúng ta lệnh cho mọi người phải tôn kính cha mẹ của họ.” (Surah Luqman 14), “Chúng ta khen ngợi những người đối tốt với cha mẹ họ.” (Surah al-Ahqaf 46), “Không thờ phượng ai ngoài Allah, và hãy đối tốt với cha mẹ.” (Surah al-Baqarah 83). Ở Brunei – một đất nước Hồi giáo – thậm chí không có viện dưỡng lão dành cho người Hồi giáo, bởi theo đạo Hồi việc chăm sóc người già luôn được giao cho con cái và người thân. Những viện dưỡng lão ở Brunei chỉ dành cho người không theo đạo Hồi. (Low & Ang, 2013, tr.1138.)
Ở châu Phi, hành động thờ cúng tổ tiên – một hình thức của lòng hiếu thảo – phổ biến khắp châu Phi và đôi khi được thực hiện cùng với các tôn giáo được chấp nhận sau này như Ki-tô giáo (chẳng hạn ở Nigeria trong cộng đồng người Igbo) và như Hồi giáo (trong các tộc người Mandé và Bamum). Các tổ tiên của họ trở thành các vị thần nhỏ. (Low & Ang, 2013, tr.1138.) Hình thức này của lòng hiếu thảo khá giống với các thực hành thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Và cuối cùng không thể không kể đến Nho giáo ở Trung Quốc với khái niệm đạo hiếu rất nổi tiếng của nó. Theo Nho giáo, hiếu thảo là cái gốc của đức nhân, hiếu thảo được nhắc đến trong rất nhiều sách: Tứ thư Ngũ kinh, Hiếu kinh, Nhị thập tứ hiếu. Và bởi năm năm trước tôi đã viết kĩ về nó rồi, ở bài này chỉ nói ngắn gọn rằng hiếu thảo trong Nho giáo là thứ vô cùng cực đoan, nó sẵn sàng dung dưỡng cho hành động mẹ kế mưu giết con chồng, và người con được khuyến khích là hãy cứ nhẫn nhục chịu đựng. Chi tiết mời đọc thêm ở bài Đạo hiếu dưới chú thích.
img_1

Đến đây ta có thể kết luận rằng việc người xưa sử dụng lòng hiếu thảo làm một cấu trúc xã hội để áp đặt quyền lực của người già lên người trẻ là việc phổ quát trong mọi nền văn hoá trên thế giới. Điều này thật ra là hiển nhiên. Hãy nghĩ về một xã hội nơi chưa có các hình thức phúc lợi cho người già từ chính quyền, vậy thì dĩ nhiên theo chiến lược sinh tồn, những người già sẽ phải tìm cách để tự cứu mình khi họ bước vào những năm cuối đời đầy yếu ớt và dễ tổn thương.
Trong hoàn cảnh ấy, con cái chính xác là “quỹ hưu trí” duy nhất mà họ có. Biết rằng toàn bộ xã hội ấy cùng những đứa trẻ của xã hội ấy đều được người lớn xây dựng và nuôi dưỡng, vậy nên sẽ là hiển nhiên khi người lớn muốn được đền đáp công lao khi họ về già, trở thành những người bất lực và lệ thuộc. Và sẽ càng khôn ngoan hơn khi họ không chỉ dựa dẫm vào lương tâm của người trẻ, mà thay vào đó xây dựng một hệ tư tưởng để điều khiển và thao túng người trẻ.
Nhưng từ đâu mà những cái hiển nhiên như vậy dần dần trở thành cái có vấn đề? Câu trả lời nằm ở quãng thời gian vẫn được cho là vĩ đại nhất và đáng tự hào nhất của loài người: Thời kì Khai sáng.

II. MỐI QUAN HỆ CHA MẸ-CON CÁI Ở HIỆN TẠI​

Trong quyển sách năm 1960, L'enfant et la vie familiale sous l'ancien régime, nhà sử học Philippe Ariès đã đưa ra một phát hiện nổi tiếng: Khái niệm “thời thơ ấu” là một phát minh hiện đại, nó chỉ bắt đầu hình thành và phát triển từ sau thế kỉ thứ mười bảy. Còn trước đó, trong thời kì trước khi nổ ra Cách mạng Công nghiệp, trẻ em đơn giản được coi là một người lớn thu nhỏ (adulte-miniature). Vậy nên hồi đó người ta cư xử với trẻ em cũng gần như với người lớn vậy, dĩ nhiên là trừ những việc quá khả năng của chúng, việc trẻ em phải làm việc ngay khi có thể – mà thời đó là làm nông và những việc vặt ở nhà – là chuyện dĩ nhiên, khái niệm bóc lột trẻ em hay trẻ em là tuổi để ăn ngủ học chơi là thứ chưa tồn tại.
Thế kỉ thứ mười bảy cũng chính là quãng thời gian bắt đầu Thời kì Khai sáng, một tác gia nổi tiếng của thời đại ấy, Jean Jacques Rousseau, đã tạo ra các thái độ lãng mạn dành cho tuổi thơ trong chuyên luận giáo dục ra mắt năm 1762, Émile, ou De l’éducation. Và dựa trên một loạt các ý tưởng của những tác gia lừng danh trong thời Khai sáng và Lãng mạn, tuổi thơ trong quãng thế kỉ 17-19 đã khoác lớp áo mới bằng những tính chất như ngây thơ, tinh khiết, yếu thế, và là quãng thời gian trú ẩn ngắn ngủi trước khi bước vào thế giới người lớn đầy hiểm nguy.
Cuối thế kỉ thứ mười tám, Cách mạng Công nghiệp nổ ra mạnh mẽ ở Anh, trước tình trạng có quá nhiều trẻ em phải làm việc trong các công xưởng với thời gian dài và điều kiện tệ hại, các nhà hoạt động xã hội đã làm dấy lên làn sóng can thiệp bằng pháp lí để bảo vệ trẻ em. Đầu tiên là yêu cầu giảm giờ làm cho trẻ em, tiếp đến là tăng độ tuổi lao động của trẻ em, những điều này cứ thế phát triển dần dần từ thế kỉ 19-20. Và đây là nền tảng đầu tiên cho việc hình thành quyền trẻ em trong pháp luật.
Ảnh: Rahma Cartoons

Ảnh: Rahma Cartoons
 
Một trong những di sản vĩ đại mà Thời kì Khai sáng để lại cho chúng ta là tâm thế dám dũng cảm dùng lí lẽ để đạp đổ giáo điều. Khao khát về hạnh phúc cá nhân là thứ khao khát cổ xưa của loài người ở mỗi người, thế nhưng nó thường xuyên bị đè nén bằng những giáo điều nhằm duy trì các cấu trúc xã hội cũ. Và trong khi trước kia con người ta không dám vùng lên đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân – đặc biệt ở những xã hội đặt nặng tính cộng đồng như ở phương Đông – thì giờ đây khi đã được rọi ráng nhờ Thời kì Khai sáng, người ta trở nên dũng cảm hơn và lí trí hơn trong việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân.
Trong thời đại toàn cầu hoá ngày nay, dường như hạnh phúc cá nhân đang là ý tưởng thống trị mọi nền văn hoá. Đây chính là điều lí giải cho việc bất chấp các xã hội phương Đông bảo thủ và đặt nặng tính cộng đồng như Trung Quốc và Việt Nam, trào lưu DINK (kết hôn không sinh con) vẫn trỗi dậy mạnh mẽ. Và nó cũng là điều lí giải cho các làn sóng lên tiếng của người trẻ trong vài năm qua, họ không chống lại việc sinh con mà chỉ là họ đề cao hạnh phúc cá nhân hơn việc đó.
Khi tôi nói rằng người ta “đề cao hạnh phúc cá nhân” thì nó có nghĩa rằng mỗi người đều đề cao hạnh phúc cá nhân của mọi người trong xã hội, chứ không chỉ riêng bản thân người tư duy. Thế nên có nhiều người cuộc sống và kinh tế không hề khó khăn, nhưng bởi vì họ thấy rằng xã hội này vẫn có quá nhiều vấn đề so với xã hội mà họ trông đợi, nên họ vẫn quyết định không sinh con. Và những quyết định của những người như vậy đều đến từ mối quan tâm cho hạnh phúc cá nhân của đứa trẻ, chứ không hề của họ. Đó chính là tình cảnh mỗi người đều đề cao hạnh phúc cá nhân của mọi người trong xã hội vậy.
Để thấm nhuần ý tưởng này hơn, chúng ta hãy tìm hiểu một truyện ngắn triết học.

III. NHỮNG NGƯỜI RỜI BỎ OMELAS​

The Ones Who Walk Away from Omelas là một truyện ngắn triết học ra mắt năm 1973 của nữ nhà văn người Mĩ Ursula K. Le Guin.
Omelas là một thành phố utopia nơi mọi thứ đều như trên thiên đường, người dân hạnh phúc và thông thái, cuộc sống không có bạo lực và không có cảnh tầng lớp này áp bức tầng lớp khác. Câu chuyện được tác giả dành hẳn nửa đầu chỉ để miêu tả rằng thành phố này là nơi không có đau khổ, một thiên đường trần gian.
Nhưng nửa sau câu chuyện, chúng ta được biết rằng ở Omelas vẫn có nỗi đau khổ, một người duy nhất phải đau khổ. Đó là một đứa trẻ, không rõ trai hay gái, bị nhốt dưới hầm sâu của một ngôi nhà ở Omelas. Nó bẩn thỉu, bốc mùi, đói khát, mông và đùi đầy vết mưng mủ và tiếp tục mưng mủ vì nó luôn phải ngồi trên đống chất thải của chính mình. Nó đã từng có cha mẹ, qua việc thời gian đầu bị nhốt nó luôn miệng gọi mẹ và van xin được thả ra, thế nhưng sự khước từ liên tục đã khiến nó giờ đây trở nên câm lặng và ngớ ngẩn. Chỉ đơn thuần tồn tại giữa bóng tối và chất thải của mình bằng nửa bát ngũ cốc mỗi ngày.
Điều đáng lưu ý là mọi người dân Omelas đều biết đến sự tồn tại của đứa trẻ ấy, bất kì đứa trẻ nào khác ở Omelas cũng đều được nghe kể về nó ngay khi đủ lớn, người dân thậm chí còn được xuống hầm nhìn ngắm đứa trẻ ấy nữa. Nhưng không ai thả nó ra cả, bởi họ biết rõ điều kiện rằng để Omelas được là một thành phố thiên đường như vậy thì phải trả giá bằng cách tra tấn vĩnh viễn đứa trẻ ấy. Thả nó ra là ngay lập tức Omelas biến mất. Vậy nên giao kèo đã được cam kết kĩ.
Dần dà người dân Omelas bắt đầu có suy nghĩ rằng việc thả đứa trẻ ra không hề là chuyện tốt đối với chính nó. Họ cho rằng nó đã quen sống ở đấy rồi, thế giới bên ngoài không còn phù hợp với nó nữa. Vả lại, nó đã trở nên ngớ ngẩn rồi, có thả ra nó cũng chưa chắc đã biết vui. Tóm lại, nó đã quen với nơi chốn ấy, quen với bóng tối, thậm chí quen với những vết mưng mủ và việc ngồi lên chất thải của chính mình rồi.
Thế nhưng vẫn có những ngoại lệ ở Omelas, những người sau khi đến chứng kiến đứa trẻ ấy, họ không trở về nhà nữa mà lang thang ngoài đường, rồi từ ngoài đường họ đi thẳng ra cổng thành và rời xa Omelas mãi mãi. Không ai biết họ đi đâu, ngay đến tác giả cũng không biết họ đi đâu, nhưng bà đoan chắc chính họ là người tự biết rõ nhất mình đi đâu.
Ảnh: Anna Xuan

Ảnh: Anna Xuan
Trong câu chuyện này, thành phố Omelas ẩn dụ cho cuộc đời nơi mà bất công và nỗi khổ luôn tồn tại một cách tất yếu. Số đông người dân Omelas tượng trưng cho nhóm người được hưởng đặc quyền, đứa trẻ là nhóm người yếu thế, và nhóm người thứ nhất thường tự huyễn hoặc bản thân bằng cách cho rằng những người thiệt thòi hơn họ sống cuộc sống khốn khổ như thế là xứng đáng và phù hợp, như một cách để xoa dịu lương tâm của những người không muốn chia sẻ đặc quyền của mình với ai.
Nhưng câu chuyện còn nhóm người thứ ba rất đáng chú ý, đó là những người rời bỏ Omelas, họ tượng trưng cho những người không chấp nhận được tình trạng bạc ác tất yếu của cuộc sống này. Hành động rời bỏ Omelas tượng trưng cho mong muốn được từ chối tham gia vào cuộc sống. Chúng ta có thể diễn giải nó theo hai nghĩa: tiêu cực thì là tự sát, tích cực thì là không kéo thêm sinh mạng nào tham gia vào bản giao kèo tàn nhẫn của Omelas nữa, tức là không sinh con.
Tư tưởng này nhuốm rất nhiều màu sắc của Anti-natalism (mời đọc lại bài Đạo hiếu để hiểu về nó), và Anti-natalism được xây dựng trên nền tảng rằng con người nhận thức được rằng cuộc đời này luôn có đau khổ, và không điều gì – ngay cả hạnh phúc – xoá bỏ được đau khổ đã xảy ra. Nhìn chung, đây là một thứ triết lí bi quan và dường như chỉ được giải quyết bằng cách khiến loài người ngừng sinh sản.
Tuy nhiên tôi không cho rằng xã hội này lại chuộng suy tư về nỗi khổ đến mức khiến số đông người dân trở thành Anti-natalist. Lí do có lẽ đơn giản hơn nhiều: Người dân xã hội này không suy tư về nỗi khổ, mà là phải trải nghiệm nỗi khổ đủ nhiều, sau khi đã trải nghiệm rồi họ mới bắt đầu suy nghĩ và lờ mờ nhận ra những thứ mà các nhà tư tưởng đi trước đã nhận ra.
Ảnh: Rahma Cartoons

Ảnh: Rahma Cartoons
Hạnh phúc cá nhân là căn nguyên cho thảy những điều này. Dưới tư cách một loài thì mỗi cá thể sướng hay khổ sẽ không trở thành vấn đề nếu như bộ gene của nó vẫn được truyền lại và loài ấy tiếp tục tồn tại. Dưới tư cách cộng đồng cũng thế, một gia tộc nào đó nếu chỉ hướng về mục đích tiếp nối và duy trì gia tộc thì việc sinh ra những con người mới mang cái họ của tộc đó là đủ, hạnh phúc của con người mang cái họ ấy chỉ là thứ yếu. Nhưng dưới tư cách hạnh phúc cá nhân, mọi thứ bị đảo lộn, người ta sớm nhận ra rằng để theo đuổi hạnh phúc cá nhân thì họ buộc phải từ bỏ nhiều thứ, ngay cả đó có là sự tồn tại của những hậu duệ của mình.
Việc đánh giá ý tưởng hạnh phúc cá nhân là xấu hay tốt là thứ nằm ngoài khả năng của tôi. Nhưng tôi có thể chỉ ra rằng theo đuổi hạnh phúc cá nhân là ham muốn bản năng của loài người. Tỉ lệ sinh con giảm chính là một biểu hiện của mưu cầu hạnh phúc cá nhân, và biểu hiện này được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, bất kể chủng tộc hay tôn giáo. Theo Hans Rosling trong quyển sách ra đời năm 2018, Factfulness, ông đã đưa thống kê cho thấy rằng ngay cả với những đất nước mộ đạo nhất, nơi mà tôn giáo bảo họ rằng sinh nhiều con là tốt và dùng biện pháp tránh thai là xấu, thì tỉ lệ sinh vẫn cứ giảm. Và điều này không liên quan đến tôn giáo hay chủng tộc, mà nó liên quan đến mức độ giàu có của quốc gia. (Rosling, 2018, tr.245-7.) Như một quy luật, khi người ta giàu lên, điều kiện sống và y tế tốt lên khiến giảm tỉ lệ tử vong của trẻ em, thì các cha mẹ tự khắc sinh ít lại để giảm công sức nuôi dưỡng và tăng thời gian hưởng thụ cuộc sống. [3]
Mưu cầu hạnh phúc cá nhân luôn tỉ lệ nghịch với tỉ lệ sinh. Và khi ý tưởng hạnh phúc cá nhân đã được kích hoạt thì việc già hoá dân số là không tránh khỏi.

IV. NHƯNG CÓ PHẢI NGHÈO THÌ ĐỪNG ĐẺ?​

Phải nói rõ luôn rằng quan điểm của tôi là không.
Tôi cho rằng “Nghèo thì đừng đẻ” là cách diễn đạt sai của những người đang lên tiếng. Cách diễn đạt đúng ở trường hợp này là “Thiếu chuẩn bị thì đừng đẻ” và sự chuẩn bị ở đây quan trọng nhất là chuẩn bị những gì nhằm khiến đứa con được cảm thấy cuộc sống này đáng sống.
Tôi quả quyết rằng những tiếng nói phản đối sinh con chỉ xuất hiện trước các trường hợp con cái vô giáo dục và cha mẹ cũng vô giáo dục, những trường hợp mà đứa trẻ lớn lên khả năng cao trở thành tội phạm, chứ trước các trường hợp nghèo vượt khó hay chỉ đơn giản là nghèo nhưng hạnh phúc và cảm thấy cuộc sống đáng sống, thì sẽ không một ai nảy lên suy nghĩ thà những người như vậy đừng sinh ra cả. Trong trường hợp này, suy nghĩ như thế có phần độc ác.
Cũng tiện nói, tôi sẽ không đưa ra bất kì tiêu chuẩn cứng nào cho sự chuẩn bị để đứa con cảm thấy đáng sống, bởi một khi đã đưa tiêu chuẩn là chúng ta dễ rơi vào sự một sự phân cấp nào đó trong cấu trúc xã hội. Và một khi đã đưa tiêu chuẩn rồi gò ép người ta sinh hoặc không sinh con theo đó, thì đấy chính là tư tưởng của thuyết ưu sinh – thứ mà mọi con người của xã hội văn minh đều muốn đào thải.
Ảnh: Mohammad Sabaaneh

Ảnh: Mohammad Sabaaneh

Trong khi đó điều tôi muốn hướng đến trong những lần lên tiếng như thế này là nhằm tạo ra một tư tưởng mới xoay quanh chuyện sinh con mà thôi. Cụ thể, tư tưởng ấy là hãy sinh con với một nhận thức đầy đủ, và mọi nhận thức hãy hướng vào đứa con, coi đứa con là trung tâm. Đối với tôi, cha mẹ chỉ cần có nhận thức như vậy là đủ, bất kể đứa con khi lớn lên có thấy cuộc đời đáng sống hay không, bởi cảm xúc con người là thứ không ai lường được.
Biết rằng trong những xã hội phương Đông bảo thủ như Việt Nam, nhận thức này là thứ xa xỉ. Có những gia đình sinh con ra chỉ để cho vui nhà, tức là vui cho cha mẹ ông bà nó, chứ nó có vui hay không không được quan tâm, hoặc có quan tâm cũng chỉ là mối quan tâm xếp sau. Lại có những gia đình sinh con để vợ giữ chồng, chồng giữ vợ, thật trớ trêu khi một vấn đề hoàn toàn của người lớn và do người lớn nay lại được giao phó vào một đứa trẻ chưa biết gì về cuộc đời. Và thảm hại nhất là những trường hợp sinh con vì đơn giản là lỡ có bầu, mà có bầu đơn giản vì ý thức kém đến mức không biết dùng biện pháp tránh thai.
Vậy nên câu “Thiếu chuẩn bị thì đừng đẻ” nghe thật hiển nhiên, nhưng khi áp vào xã hội này nó lại trở thành thứ xa xỉ, điều này chỉ cho thấy xã hội này đang có vấn đề lớn đến mức nào. Và sự thay đổi từ không (chuẩn bị) thành (chuẩn bị) ở đây là một bước tiến khổng lồ. Nghe tưởng chừng dễ nhưng để nó vận hành thì không dễ chút nào.
Ảnh: Paco Baca

Ảnh: Paco Baca

Thực tế, mọi cuộc cách mạng trên đời này đều chỉ bắt đầu nhờ bước tiến khổng lồ từ không thành có ấy mà thôi. Giải phóng nô lệ không là gì ngoài bước tiến từ không áp dụng nhân quyền thành có áp dụng nhân quyền cho nô lệ. Bãi bỏ chế độ quân chủ không là gì ngoài sự thay đổi từ không trao quyền cho người dân thành có trao quyền cho họ. Biết rằng sau khi bước tiến ấy hoàn thành thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết; người da màu sẽ không ngay lập tức ngang bằng với người da trắng được dẫu đã bãi nô, tàn dư của nền quân chủ sẽ vẫn còn vương vất ở tâm trí của người dân trong nền cộng hoà.
Thế nhưng, thảy những điều ấy đều cần đến bước tiến đầu tiên trước đã, bước tiến từ không thành có.
 
Đến con vật còn biết quấn quít, yêu quý cha mẹ, giờ lũ quái thai cánh tả đánh tráo khái niệm, coi rẻ chữ hiếu, con người mà ko có chữ hiếu thì khác gì rác rưởi :look_down:
 
Thứ tối thượng mà vạn vật khao khát là Tự Do.

Hạnh phúc cá nhân là một nhu cầu biểu kiến. Rất dễ nhầm lẫn nếu nhìn nhận ở tư duy thuần lý bởi lẽ giản dị rằng không có bất kỳ thứ gì mà không cần năng lượng cả. Nhất là ở các sinh vật sống. Thậm chí sự ra đời của nó như một sản phẩm phái sinh đầy tính nhân đạo của sự sinh đẻ. Định nghĩa tuyệt luân của hạnh phúc là bất khả tri, ta chỉ thấy nó qua kinh nghiệm tri giác và hoàn toàn biểu kiến chứ chưa xét tới một loạt luận cứ khoa học về bản chất hạnh phúc được giải thích lung khởi và sôi sục như phản ứng hoá học.
Để tri giác hoàn hảo, hãy quan sát các con vật nhỏ, các trẻ em nhỏ khi chúng cười; sự lây nhiễm thú vị cảm xúc từ đám đông tác động tới những sinh vật NHỎ TUỔI.
người xưa sử dụng lòng hiếu thảo làm một cấu trúc xã hội để áp đặt quyền lực của người già lên người trẻ là việc phổ quát trong mọi nền văn hoá trên thế giới. Điều này thật ra là hiển nhiên. Hãy nghĩ về một xã hội nơi chưa có các hình thức phúc lợi cho người già từ chính quyền, vậy thì dĩ nhiên theo chiến lược sinh tồn, những người già sẽ phải tìm cách để tự cứu mình khi họ bước vào những năm cuối đời đầy yếu ớt và dễ tổn thương.
Là nghĩa lý gì nếu người trẻ ở xã hội chưa có hình thức phúc lợi cho người già, vì mải mê theo đuổi cái gọi là hạnh phúc cá nhân của mình mà từ chối nghĩa vụ hiếu thảo với người bố mẹ già lão của anh ta?
Nhưng dưới tư cách hạnh phúc cá nhân, mọi thứ bị đảo lộn, người ta sớm nhận ra rằng để theo đuổi hạnh phúc cá nhân thì họ buộc phải từ bỏ nhiều thứ, ngay cả đó có là sự tồn tại của những hậu duệ của mình.
Tôi nên hiểu hai điều trên là mâu thuẫn không tránh khỏi nhằm phục vụ 'hạnh phúc cá nhân' hay là chúng ta đang mơ hồ rơi vào một quan điểm tất định? Hoặc phải chăng, để phục vụ cả hai chiến lược trên, loài người đã sẵn có trong mình, như các loài vật vậy, một thứ gì cao cả hơn hẳn vật chất? Hành vi ăn thịt người bất kể vị lý do gì, đói, tôn giáo... Bỏ ngoài tất tật các phạm trù đạo đức thì ta áp dụng cái 'hạnh phúc cá nhân' liệu có phù hợp để mà phổ quát hoá hay không?
Và sự thay đổi từ không (chuẩn bị) thành (chuẩn bị) ở đây là một bước tiến khổng lồ.
Thế nhưng, thảy những điều ấy đều cần đến bước tiến đầu tiên trước đã, bước tiến từ không thành có.
Không- cái gì là cái được coi là 'KHÔNG' trong óc tác giả đây nếu 'KHÔNG' thì làm thế nào tác giả viết ra thành chữ?. Vũ trụ ( ở đây không chỉ nói đến vũ trụ của thiên văn học) nếu không có cái 'KHÔNG' đó tức không hiện hữu gì cả ư??? Hay là cái ' KHÔNG' tự nó đã ở sẵn đó rồi?

Tôi trích dẫn câu này của tác giả ở cuối:
Cụ thể, tư tưởng ấy là hãy sinh con với một nhận thức đầy đủ, và mọi nhận thức hãy hướng vào đứa con, coi đứa con là trung tâm.
Thế thì các người già hãy nghe đây: -Tôi, một đứa trẻ là chủ nhân của các vị!
Thứ nhân quả thô thiển ở câu:
người xưa sử dụng lòng hiếu thảo làm một cấu trúc xã hội để áp đặt quyền lực của người già lên người trẻ là việc phổ quát trong mọi nền văn hoá trên thế giới.
Sự lẫn lộn giữa tư duy xã hội và tư duy tự nhiên tất sẽ đẩy con người ta đến nhận xét lầm lẫn trong khái quát hoá vấn đề.
Đi từ điểm khởi phát, thông qua con đường 'hạnh phúc cá nhân' sẽ giống như đọc một cuốn sách kinh không hồi kết, nghĩa là ta chẳng biết sẽ đi đến đâu, dừng lại chỗ nào là trang cuối cùng đặng ngửng mặt lên, thông tri cho thiên hạ tường ta đã xong việc vậy!
 
Top