

Nguồn hình ảnh,Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang/Quốc hội
3 giờ trước
Công an xã có thể sắp có một vài điều tra viên từ tỉnh "cử xuống" với thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự trong một số trường hợp.
Đó là đề xuất của Bộ Công an vào ngày 20/5 từ tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Cụ thể, dự thảo này quy định điều tra viên trung cấp trở lên, do cấp tỉnh chỉ định là trưởng hoặc phó công an cấp xã có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Cùng thời điểm, khi đưa tin về đề xuất này, VOV cho biết sẽ có một bộ máy giúp việc cho trưởng và phó công an cấp xã trong trường hợp này.
Thời điểm ấy, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, đã ủng hộ đề xuất nói trên.
"Công an tỉnh 'xa tít mù mù' vì mở rộng địa bàn hành chính cấp tỉnh. Nếu không tăng cường cán bộ điều tra cho cấp cơ sở, khi có sự vụ, sự việc, công an cấp xã chỉ có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý hiện trường, không có quyền điều tra, phải đợi công an tỉnh xuống, phải mất thời gian bao lâu?" báo Thanh Niên dẫn lời ông Hòa.
Ông Hòa cho rằng mỗi xã nên có một hoặc hai điều tra viên dạng này.
Tới ngày 27/5, trong phiên thảo luận sửa đổi BLTTHS, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến dẫn báo cáo của Bộ Công an nói rằng "sẽ bố trí số lượng khoảng từ 30 - 40 cán bộ công an, thậm chí những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, những xã lớn có thể từ 50 - 60 cán bộ công an và số lượng điều tra viên có thể từ 6 - 7 hoặc từ 8 -10".
Ông Tiến cho biết thêm bộ luật này quy định điều tra viên trung cấp trở lên mà là trưởng hoặc phó trưởng công an được thực hiện một số thẩm quyền ủy quyền trực tiếp, thông qua luật, của thủ trưởng hoặc phó trưởng cơ quan điều tra.
Cán bộ này được chỉ huy các điều tra viên của cấp xã để thực hiện, chứ không phải chỉ có một điều tra viên.
Ông không nói cụ thể là những điều tra viên nói trên là sơ cấp, trung cấp hay cao cấp.
Theo Điều 48, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, điều tra viên trung cấp cần "có năng lực điều tra các vụ án thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng".
Tuy nhiên, khi "về xã", dự thảo trên chỉ cho phép điều tra viên trung cấp khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.
Việc không tổ chức công an cấp huyện chính thức được đưa ra vào ngày 24/1/2025 trong Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương và đã được triển khai trên thực tế từ ngày 1/3.
Trước đó một ngày, Thông tư 11 được ban hành quy định về tổ chức bộ máy của lực lượng công an. Theo đó, Bộ công an quy định cơ quan cảnh sát điều tra chỉ còn hai cấp là cấp bộ và tỉnh.
Hơn hai tháng sau khi Thông tư 11/2025/TT-BCA được ban hành và công an cấp huyện giải thể, đề xuất cách tổ chức điều tra viên kiêm nhiệm trưởng, phó trưởng công an xã, đang đặt ra nhiều dấu hỏi.
BBC News Tiếng Việt đã phỏng vấn hai luật sư về vấn đề này. Cả hai đều nhận định rằng việc bỏ công an cấp huyện đang tạo ra một "khoảng trống quản lý" giữa tỉnh và xã.
'Khoảng trống'?
"Vậy trưởng hoặc phó công an cấp xã được giao các quyền trên sẽ lấy danh nghĩa là gì, con dấu ra sao? Nếu lấy danh nghĩa công an cấp xã để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam sẽ phát sinh thêm một cơ quan điều tra công an cấp xã."Ví dụ, TP HCM sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có 168 phường, xã và đặc khu, đồng nghĩa phát sinh 168 cơ quan điều tra cấp xã," Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải, đoàn TP HCM, nêu ý kiến trong buổi thảo luận tại tổ vào ngày 20/5.
Ông Hải cũng cho rằng điều này hết sức vô lý trong bối cảnh đang chuyển mô hình cơ quan điều tra ba cấp thành hai cấp.
Cũng tại đây, ông Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an và là đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để khi vận dụng và tiến hành thì quy định này không bị suy diễn.
"Với góc độ cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân, tôi khẳng định, công an cấp xã không phải là một cấp điều tra, mà đây là điều tra viên thuộc cơ quan điều tra được bố trí là trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã.
"Điều tra viên này thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng, dưới chức danh tư pháp là điều tra viên, không phải chức danh hành chính là trưởng, phó trưởng công an cấp xã," báo Công an Nhân dân dẫn lời ông Tỏ.
Ông Tỏ đưa ra phát biểu này với tư cách đại biểu Quốc hội nhưng lại nói từ góc độ của ngành công an về đề xuất liên quan trực tiếp tới ngành của mình.
Nhận định về đề xuất của Bộ Công an với BBC News Tiếng Việt vào ngày 26/5, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói rằng sau khi bỏ cấp huyện, đang có một "khoảng trống thẩm quyền" giữa cấp tỉnh và cấp xã, do đó việc lấp đầy "khoảng trống" là cần thiết.
Tuy nhiên, để áp dụng đề xuất Bộ Công an và đảm bảo không có tình trạng khó phân biệt danh nghĩa như nhận định của ông Dương Ngọc Hải, Luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng cần có cơ chế quy định rõ ràng về:
- Thẩm quyền: khi nào hành động với tư cách điều tra viên cấp tỉnh, khi nào với tư cách công an xã;
- Cơ chế trách nhiệm: ai chịu trách nhiệm về quyết định nào;
- Hệ thống giám sát: để đảm bảo không có sự lạm quyền hay nhầm lẫn thẩm quyền.
"Phải có quy định chế độ báo cáo rõ ràng, hoạt động nào phải báo cáo lên tỉnh, hoạt động nào thuộc thẩm quyền xã," Luật sư Sơn nói thêm.
Tương tự, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ, đoàn TP HCM, ủng hộ đề xuất này nhưng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả và tính pháp chế.
Ngoài ra, bà Lệ cho rằng nên cân nhắc một lộ trình cụ thể - thí điểm ở một số địa bàn trước khi áp dụng rộng rãi.

Nguồn hình ảnh,VGP
Chụp lại hình ảnh,Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ
Luật sư Sơn cũng đề xuất thành lập cơ quan điều tra khu vực, tương ứng với cấp tòa án khu vực.
"Mỗi cơ quan phụ trách 5-10 xã, có vị trí địa lý thuận tiện. Trang bị đủ điều tra viên chuyên nghiệp, thiết bị và cơ sở vật chất. Công an xã đóng vai trò hỗ trợ thu thập thông tin ban đầu, thi hành các quyết định tố tụng. Mô hình này cân bằng được yêu cầu chuyên nghiệp và tính khả thi thực tế," ông nêu.
Theo đề xuất của ông Sơn, cơ quan điều tra cấp khu vực là đơn vị chuyên môn trực thuộc công an tỉnh và không phải cấp trên của công an xã.
"Cơ quan điều tra khu vực là đơn vị trực thuộc công an tỉnh, không phải cấp trung gian quản lý. Đơn vị này chuyên trách điều tra, chỉ tập trung chuyên môn điều tra vụ án hình sự, không can thiệp hoạt động hành chính, an ninh trật tự của công an xã.
"Công an xã thì chịu chỉ đạo trực tiếp từ công an tỉnh về mọi hoạt động, thực hiện nhiệm vụ an ninh trật tự, hành chính trên địa bàn; hỗ trợ cơ quan điều tra khu vực khi có vụ việc hình sự," ông giải thích.
Cách làm này, theo Luật sư Sơn, cũng cần những cơ chế phối hợp rõ ràng:
- Trong hoạt động điều tra hình sự: cơ quan điều tra khu vực chủ trì, công an xã hỗ trợ;
- Trong quản lý nhân sự, tài chính: công an tỉnh quyết định trực tiếp;
- Trong chỉ đạo nghiệp vụ: từ tỉnh xuống xã, không qua trung gian.
Theo Dự Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân sửa đổi, viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sắp tới sẽ có ba cấp: tối cao, tỉnh và khu vực.
Tuy nhiên, dường như chính quyền vẫn còn những khúc mắc trong việc định nghĩa "khu vực".
Ngày 8/5, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Quốc hội Lê Tấn Tới bày tỏ sự băn khoăn về việc thành lập tòa án khu vực và viện kiểm sát khu vực.
"Phải trùng nhau, khu vực là bao nhiêu xã. Việc xác định khu vực của tòa án, của viện kiểm sát với điều tra là phải thống nhất, không thống nhất là không được. Mà ai là người quyết định khu vực cái này, tiêu chí của khu vực này ai đặt ra," ông Tới đặt vấn đề.
'Liệu có làm nổi không'?
Ngoài nỗi lo về việc không rõ ràng thẩm quyền, Đại biểu Dương Ngọc Hải cũng lo ngại về vấn đề quá tải khối lượng công việc cho công an cấp tỉnh.Theo ông Hải, nếu công an cấp xã thực hiện hoạt động tố tụng nhưng lấy danh nghĩa cơ quan điều tra công an cấp tỉnh (dấu của cơ quan điều tra công an cấp tỉnh và chữ ký của thủ trưởng cơ quan điều tra công an cấp tỉnh) thì với 168 phường/xã ở TP HCM, một ngày có rất nhiều quyết định tố tụng được ban hành.
Nếu phải đưa hồ sơ lên công an cấp tỉnh để đóng dấu, ký chữ, liệu có nổi không, ông Hải đặt vấn đề.
Điều này dường như có thể được giải quyết bằng đề nghị của ông Trần Quốc Tỏ - sửa đổi Điều 110 về giữ người trong trường hợp khẩn cấp và Điều 113 về bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
"Bây giờ đang giao thẩm quyền điều tra viên cấp xã thì nên giao nhiệm vụ này thì phù hợp hơn vì từ xã đến tỉnh rất là xa," ông Tỏ nêu lý do cho đề xuất của mình.
Theo tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Khoản 1 Điều 113 có thể sẽ được sửa đổi.
Về cơ bản, Khoản 1 Điều 113 BLTTHS quy định về thẩm quyền ra lệnh bắt tạm giam, cụ thể sẽ thuộc về:
- Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (trong trường hợp này, lệnh bắt phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành);
- Viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát quân sự các cấp;
- Chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân và chánh án, phó chánh án tòa án quân sự các cấp, hội đồng xét xử.
Theo luật hiện thời, công an không được độc lập ra quyết định bắt tạm giam.

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh bỏ công an cấp huyện và Bộ Công an cũng luôn tuyên bố rằng cơ quan cảnh sát điều tra của mình chỉ còn hai cấp.
Một cách khác có thể giải quyết vấn đề do ông Hải nêu ra là việc thành lập cơ quan điều tra của công an cấp khu vực như đã nói ở trên. Theo đó, cơ quan điều tra khu vực của cảnh sát sẽ phối hợp với viện kiểm sát nhân dân khu vực tương ứng, với quy trình ghi trong Điều 113 nói trên.
Từ Hà Nội, Luật sư Trần Đại Lâm nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 27/5 rằng cần có một sự cải cách căn bản và toàn diện hơn.
"Thực tế, hệ thống cũ dù còn nhiều hạn chế, nhưng hệ thống này đã tồn tại trong thời gian dài và tạo ra một sự ổn định nhất định trong việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng."
"Việc đổi mới hệ thống hiện nay, nếu không mang tính toàn diện, rất dễ dẫn đến tình trạng 'sửa chỗ này, vướng chỗ kia' gây ra nhiều vướng mắc về thể chế," ông nêu.
Ông cho rằng nên cân nhắc nghiên cứu việc chuyển các quyết định liên quan tới quyền con người/quyền công dân như khởi tố, bắt tạm giam về cho viện kiểm sát hoặc tòa án cấp khu vực xem xét, chấp thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức năng giám sát tố tụng mà không làm ảnh hưởng tới tốc độ điều tra.
"Về bản chất, cơ quan điều tra vẫn là chủ thể thực hiện việc thu thập chứng cứ, xác minh sự thật khách quan của vụ án."
"Tuy nhiên, các quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người như khởi tố, bắt, khám xét… nên do viện kiểm sát hoặc tòa án cấp khu vực chấp thuận một cách độc lập, tương tự như mô hình kiểm sát/tư pháp được nhiều nước tiến tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, áp dụng," ông Lâm nói.
Ông Lâm nói rằng như vậy sẽ góp phần cân bằng quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết được tình trạng bất cập trong quá trình điều tra.
"Việc tách quyền điều tra và quyền phê chuẩn ra khỏi cùng hệ thống hành pháp, tức bên công an, sẽ là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, cũng như giữ gìn tính minh bạch và độc lập của tiến trình tố tụng," ông nêu.
Những thay đổi và đề xuất nói trên diễn ra trong bối cảnh Bộ Công an đề xuất bỏ cơ quan điều tra VKSND Tối cao trong Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Nhiệm vụ của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao là điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân.
Trong bài viết ngày 9/5 của BBC News Tiếng Việt, các luật sư được phỏng vấn đã nói rằng nên giữ lại cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao để tránh việc Bộ Công an trở thành độc quyền trong điều tra, không đảm bảo được tính minh bạch, khách quan của quá trình tố tụng.
Hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có giữ cơ quan điều tra của VKSND Tối cao hay không.