Don Jong Un
Xamer mới lớn

Chính quyền Trump đang gây áp lực lên các đối tác thương mại để đạt được thỏa thuận trước hạn chót ngày 9/7.
Các nhà đàm phán từ hàng chục đối tác thương mại lớn của Mỹ đang gấp rút để đạt thỏa thuận với chính quyền của Tổng thống Donald Trump trước thời hạn chót ngày 9/7 nhằm tránh thuế quan cao. Mới đây, ông Trump và nhóm của ông lại tiếp tục gây áp lực.Chỉ đạt được một thỏa thuận giới hạn với Anh cho đến nay, ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ chỉ gửi thư cho các đối tác thương mại nêu mức thuế mới của họ sau hạn chót. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết nguy cơ thuế quan tăng vào tuần tới là có thật.
“Có những nước đang đàm phán một cách thiện chí, nhưng họ nên biết rằng nếu chúng tôi không thể hoàn thành [thỏa thuận] vì họ ngoan cố, thì chúng tôi có thể quay trở lại mức ngày 2/4”, ông Bessent nói trên truyền hình Bloomberg ngày 30/6. “Tôi hy vọng điều đó sẽ không phải xảy ra”.

Thuế quan từ 10% đến 50% có thể trở lại nếu các đối tác thương mại không kịp đạt thỏa thuận song phương với Mỹ. Ảnh: Mike Blake/Reuters.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày thuế quan từ 10% đến 50% trở lại với hàng hóa từ nhiều nước nếu họ không kịp đạt được thỏa thuận thương mại song phương. Ngày 9/4, ông Trump đã tạm dừng 90 ngày đối với các mức thuế quan cao mà ông công bố một tuần trước đó đã khiến thị trường tài chính toàn cầu lao dốc. Kể từ khi đó, cổ phiếu đã tăng trở lại mức cao kỷ lục nhờ sự lạc quan rằng các thỏa thuận sẽ hoàn tất đúng hạn hoặc việc tạm dừng có thể được gia hạn.
Sau đây là tình hình đàm phán giữa Mỹ và một số đối tác thương mại:
Liên minh Châu Âu
Ủy viên Thương mại Liên minh Châu Âu Maros Sefcovic sẽ bay đến Washington vào ngày 1/7 để gặp các đối tác Mỹ và đã hoan nghênh các đề xuất từ Mỹ.
Không rõ tiến độ như thế nào, nhưng khối 27 thành viên đã tuyên bố không đàm phán các quy định của họ về các công ty công nghệ và mạng xã hội, vốn nghiêm ngặt hơn nhiều so với luật ở Mỹ.
Trong khi đó, EU sẵn sàng chấp nhận Mỹ áp dụng mức thuế chung 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của mình. Nhưng khối muốn Mỹ cam kết giảm thuế đối với những lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, rượu bia, chất bán dẫn và máy bay thương mại, Bloomberg đưa tin.
EU cũng đang thúc đẩy Mỹ áp dụng hạn ngạch và miễn trừ để giảm bớt mức thuế 25% của Washington đối với ô tô và phụ tùng ô tô, cũng như mức thuế 50% đối với thép và nhôm, theo báo cáo của Bloomberg.
Nhật Bản
Nhật Bản cho biết đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với Mỹ trong khi vẫn bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Trong khi đó, ông Trump tiếp tục cáo buộc Nhật Bản mua bán ô tô “không công bằng” với Mỹ – có thể là một tín hiệu xấu cho nỗ lực tránh thuế quan 25% với ô tô. Ông Trump cũng đề xuất Nhật Bản nên nhập khẩu nhiều hơn dầu và các hàng hóa khác của Mỹ.
Ngày 30/6, ông Trump cho biết Nhật Bản có thể là một trong những nước mà ông chỉ gửi thư nêu mức thuế quan, đồng thời phàn nàn về các hạn chế nhập khẩu mà nước này áp đặt đối với gạo trồng ở Mỹ.
“Tôi rất tôn trọng Nhật Bản, họ sẽ không lấy GẠO của chúng ta, nhưng họ lại đang thiếu gạo trầm trọng”, ông viết trên Truth Social. “Chúng ta sẽ chỉ gửi cho họ một lá thư và chúng ta rất vui khi có họ là Đối tác thương mại trong nhiều năm tới”.
Ấn Độ
Sự lạc quan ban đầu đã phai nhạt, khi cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Mỹ đình trệ do bất đồng về thuế quan của Mỹ đối với linh kiện ô tô, thép và hàng nông sản. Các quan chức thương mại Ấn Độ tại Washington cho biết họ sẵn sàng kéo dài thời gian ở đây. Điểm mấu chốt là liệu Ấn Độ có sẵn sàng nới lỏng biện pháp bảo hộ thương mại đối với nông sản Mỹ hay không và liệu Mỹ có nới lỏng thuế quan đối với thép và phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ hay không.
Indonesia
Bị một số nước cáo buộc thủ tục hành chính quá rườm rà, Indonesia đã nới lỏng các yêu cầu cấp phép nhập khẩu đối với một số mặt hàng và miễn các hạn chế nhập khẩu đối với nhựa, hóa phẩm và những nguyên liệu thô công nghiệp khác vào ngày 30/6. Đây được coi là cử chỉ thiện chí trước thời hạn đàm phán thương mại ngày 9/7 của ông Trump. Indonesia cũng đã mời Mỹ cùng đầu tư vào một dự án khoáng sản do nhà nước sở hữu.
Hàn Quốc
Mặc dù đã có nhiều vòng đàm phán và một số thỏa thuận sơ bộ, Hàn Quốc cho biết họ sẽ tìm cách gia hạn thời hạn ngày 9/7. Hàn Quốc áp thuế quan gần bằng 0 đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ theo một hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, Mỹ tập trung vào những vấn đề khác, bao gồm tỷ giá hối đoái và chi phí quốc phòng. Ông Trump thường phàn nàn về thỏa thuận chia sẻ chi phí cho 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.
Thái Lan
Với mức thuế quan đe dọa lên tới 36%, Thái Lan đang thể hiện sự lạc quan về đàm phán với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ. Các đề xuất của Thái Lan bao gồm giảm thuế quan của mình, mua nhiều hàng Mỹ hơn và tăng đầu tư.
Anh
Anh đi trước các nước khác: vào ngày 30/6, thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ Anh vào Mỹ chỉ còn 10%, giảm so với mức 27,5% trước đó. Thuế quan cũng được xóa bỏ hoàn toàn đối với động cơ máy bay và những sản phẩm hàng không vũ trụ khác. Hai nước vẫn đang đàm phán về thuế quan với thép và nhôm: Anh tìm cách tránh mức thuế 50% mà Mỹ đã áp dụng đối với những mặt hàng này.
Trung Quốc
Cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc theo một lộ trình khác: thời hạn hoàn thành một thỏa thuận chung được ấn định vào tháng 8.
Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã chững lại do vấn đề xuất khẩu khoáng sản đất hiếm và nam châm từ Trung Quốc vào Mỹ. Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu những mặt hàng này để đáp trả thông báo áp thuế của ông ông Trump vào tháng 4, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối tháng 6, Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để nối lại hoạt động xuất khẩu đó, trong khi hai siêu cường kinh tế tiếp tục đàm phán một thỏa thuận thương mại chung.