Don Jong Un
Xamer mới lớn


Ông Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố các quyết định ở Hải Phòng. (Hình: VnExpress)
Thêm một bước ngoặt lịch sử tại Việt Nam, 63 tỉnh/thành cũ chính thức sáp nhập thành 34 đơn vị hành chính.
Một cuộc cải cách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, nhưng lại ẩn chứa ván cờ sinh tử thấm đẫm mùi đấu đá, dàn quân, chia ghế của giới chóp bu CSVN… tất cả chuẩn bị cho một “chiến trường” tại Đại Hội Đảng XIV.
Ngày 30 tháng 6, 2025, toàn bộ các tỉnh/thành của Việt Nam đồng loạt tổ chức lễ công bố nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập Đảng bộ và nhân sự lãnh đạo địa phương. Giới chóp bu CSVN cũng đã phân chia người đi tham dự “ngày lịch sử” của hệ thống chính trị. Tổng Bí Thư Tô Lâm tham dự tại Sài Gòn, Chủ Tịch Nước Lương Cường có mặt tại Hà Nội, Thủ Tướng Phạm Minh Chính tới Hải Phòng, Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn về tận Cần Thơ và Thường Trực Ban Bí Thư Trung Ương Trần Cẩm Tú đến Đà Nẵng…
Sự hiện diện theo vùng miền cho thấy việc sáp nhập hành chính không chỉ là cuộc cải cách bộ máy, mà còn là bước đi đầy toan tính quyền lực chính trị của CSVN trong công tác nhân sự.
Như vậy, kể từ ngày 1 tháng Bảy, 2025, Việt Nam chính thức chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố), kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: tỉnh- xã. Có thể nói đây là đợt cải tổ hành chính lớn nhất từ trước đến nay của CSVN, ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của người dân, diễn ra ở thời điểm cận Đại Hội Đảng và bầu cử Quốc Hội khóa XVI làm gia tăng những màn đấu đá quyền lực trong việc phân bổ nhân sự cấp cao, phe nhóm chính trị tranh giành ảnh hưởng để níu kéo lợi ích.
Mặc dù mục tiêu của công cuộc cải tổ hành chính là tinh giản bộ máy hành chính vốn cồng kềnh, nâng cao hiệu quả quản lý công và giảm lãng phí ngân sách, nhưng từ thực tế nó cũng đang cho thấy một điều, CSVN mượn đường để cơ cấu lại quyền lực địa phương để tập trung quyền lực ở Trung Ương.
Quyền lực tập ở Trung Ương càng lớn sẽ tự quyết hoàn toàn việc loại bỏ những cán bộ địa phương cũ, rồi sau đó điều phối người tin cậy về nắm giữ. Cơ chế này giúp các ủy viên Bộ Chính Trị dễ dàng thao túng hệ thống chính quyền và kiểm soát lợi ích nhóm ở địa phương. Ngay sau khi ông Tô Lâm ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư, hàng loạt cán bộ cùng quê Hưng Yên được luân chuyển đi nắm các chức vụ chủ chốt ở tỉnh/thành như Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Nội… Ông, bà nào là bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh sau sáp nhập, sẽ có khả năng cao lọt vào danh sách ủy viên Trung Ương Đảng nhiệm kỳ tới.
Ông Tô Lâm nắm phe an ninh-nội chính, có mặt tại Sài Gòn để công bố các quyết định của Trung Ương về việc thành lập Đảng bộ và nhân sự lãnh đạo. Nguyên do là vì thuộc cấp thân tín, người cùng quê Hưng Yên- thiếu tướng công an Mai Hoàng vừa được bổ nhiệm nắm quyền giám đốc công an Sài Gòn. Đồng thời, Nguyễn Thanh Nghị con trai cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, hiện là Phó Bí Thư Thường Trực Sài Gòn. Trước đó, ông Tô Lâm và ông Dũng có những cú bắt tay đầy ẩn ý, một tín hiệu thể hiện sự hợp tác quyền lực giữa giữa hai người.
Dư luận đồn đoán, hết nhiệm kỳ XIII này, Bí Thư Sài Gòn Nguyễn Văn Nên sẽ về hưu vì đã quá tuổi ứng cử, ông Nghị sẽ là người thay thế chức vụ của ông Nên. Để thực hiện được điều này, ông Nghị phải đắc cử ủy viên Bộ Chính Trị khóa XIV. Với sự vận động hành lang tích cực từ ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Tô Lâm đứng sau hậu thuẫn, con đường thăng tiến của ông Nghị vào thời gian tới chắc không gặp trở ngại gì đáng kể.
Ông Phạm Minh Chính nắm phe kinh tế-hành chính, có mặt tại Hải Phòng, vì thành phố biển này vừa được Quốc Hội CSVN thông qua nghị quyết cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế và Bí Thư Tỉnh hiện là ông Lê Tiến Châu, trước đây được ông Chính bổ nhiệm, nâng đỡ. Hải Phòng đang được xem là trung tâm quyền lực về chính trị-kinh tế-tài chính của ông Chính cùng phe nhóm. Với sự trợ giúp của ông Chính, cộng thêm điều kiện ông Châu đạt được những chỉ tiêu phát triển địa phương như kỳ vọng, khả năng cao sẽ tiếp tục đắc cử ủy viên Trung Ương Đảng, thậm chí là lọt vào Bộ Chính Trị.
Từ việc phân chia phe nhóm, đến việc chuẩn bị địa bàn chiến lược lẫn cài cắm người, rồi gia tăng mâu thuẫn quyền lực và sau cùng là công khai tung đòn để được chia ghế tại đại hội sắp tới, nên trong khoảng thời gian này, CSVN ưu tiên giải quyết xáo trộn trong nội bộ hơn là giải quyết mối lo của người dân về vấn đề kinh tế. Người dân nằm ngoài cuộc chơi của giới cầm quyền, dù ngày ngày phải khổ sở lao động để đóng thuế.
Đại hội sắp tới sẽ quyết định toàn bộ nhân sự Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư và Trung Ương Đảng, tiếng nói của các ủy viên là rất lớn. Ủy viên nào lãnh đạo địa phương lớn, giàu có và ổn định thì tiếng nói có trọng lượng hơn. Phe nào “cài cắm” nhiều ủy viên có trọng lượng sẽ tạo sức bật quan trọng cho các ứng cử viên nằm tóp tối cao trong bộ máy như nhóm “Tứ Trụ.”
Mọi diễn biến đều diễn ra trong âm thầm dưới vỏ bọc sáp nhập đơn vị hành chính, nhưng càng lúc càng đầy “gió tanh mưa máu,” phe nhóm lợi ích giành giật nhau từng chiếc ghế, địa phương trở thành vũ khí chiến lược để các ứng cử viên tranh đấu tại Trung Ương. Hậu trường chính trị CSVN lúc này quá căng thẳng.