
Theo dự kiến, để triển khai thực hiện tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, hơn 2.000 hộ dân tại các phường, xã của tỉnh Thanh Hóa sẽ được di dời đến khu tái định cư.
Ngày 3/7, tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Hội nghị được kết nối từ điểm cầu UBND tỉnh tới các điểm cầu UBND các phường, xã có dự án đi qua.Tuyến đường sắt tốc độ cao qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chiều dài hơn 95km, đi qua địa phận 7 phường và 11 xã.
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng và cần thu hồi tại địa phương là hơn 572ha.
Dự kiến có khoảng 2.107 hộ dân phải di dời và bố trí tái định cư. Ngoài ra, khoảng 41 công trình gồm cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng sẽ phải di dời.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị (Ảnh: Lê Hợi).
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về triển khai dự án, tỉnh Thanh Hóa đang đầu tư xây dựng hạ tầng cho 39 khu tái định cư tại 16 phường, xã với tổng diện tích khoảng 300ha, tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 3.873 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng hạ tầng khu tái định cư tại thôn Mỹ Phong, xã Công Chính; hoàn tất các thủ tục, phê duyệt thiết kế và đang giải phóng mặt bằng tại 8 khu.
Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết và đang triển khai lập dự án tại 1 khu; đang lập quy hoạch chi tiết cho 28 khu; xin ý kiến nhân dân về vị trí xây dựng 1 khu tại xã Trung Chính.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các phường, xã căn cứ vào hồ sơ đã lập, tập trung rà soát chính xác diện tích các loại đất bị ảnh hưởng, số hộ dân bị ảnh hưởng (đặc biệt là đất ở), số hộ cần bố trí tái định cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng... để làm cơ sở xác định quy mô các khu tái định cư.
Ông cũng yêu cầu đến ngày 11/7, các xã, phường phải gửi báo cáo về Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, để tổng hợp, trình UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, các địa phương khi quy hoạch khu tái định cư cần tổ chức lấy ý kiến của người dân bị ảnh hưởng. Trong quá trình triển khai, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo ngay UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ.
Các sở, ngành và đơn vị liên quan cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo quy định pháp luật.