Với mức thuế 20%-40% của Việt Nam, theo như buổi phỏng vấn diễn ra vào ngày hôm qua 8/7 của đài CNBC Mỹ với Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent, ông đã xác nhận mức thuế 20% của Việt Nam là mức tổng thay vì là mức cộng thêm.
Ví dụ mặt hàng quần áo may mặc (HS code 61) đang chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đến Mỹ là khoảng 14% trước 9/4, từ 9/4 đến nay mức thuế cho mặt hàng này là 24% (do cộng thêm 10% thuế đối ứng) và mức thuế mới nhất đã đàm phán thành công, có thể sẽ được áp dụng chỉ là 20%.
Mặc dù vậy, chỉ dựa trên những thông tin được viết trên mạng xã hội của Tổng thống Trump hay kể cả những lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, mà chưa có con số cuối cùng chính thức từ các cơ quan Hải quan Việt Nam và Mỹ, thì có lẽ chúng ta vẫn cần đợi thêm để có được sự khẳng định rõ ràng cho điểm tích cực này.
Ngoài thông tin trên, hàng loạt các nước đối thủ của Việt Nam phải chịu mức thuế từ 1/8 như Malaysia (40%), Indonesia (32%), Bangladesh (35%), Thailand (36%), hay kể cả hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản đều chịu mức 25%. Điểm quan trọng cần chú ý ở đây là trong văn bản trên website của Nhà Trắng nêu rõ đây là mức thuế Đối Ứng mới, tức đây sẽ là mức cộng thêm với mức thuế đã có sẵn trước ngày 9/4.
Lấy ví dụ cùng là mặt hàng may mặc HS code 61 như ở trên, Bangladesh cũng chịu một mức thuế MFN khoảng 14% giống Việt Nam, tuy nhiên điểm rất khác ở mức thuế mới này là trong khi Việt Nam sẽ chỉ chịu mức mới là 20%, thì mặt hàng này của Bangladesh có thể sẽ phải chịu lên đến 49% (do 14% thuế MFN + 35% thuế đối ứng).
Với việc chênh lệch lớn thế này, có thể kỳ vọng cho một sự chuyển dịch về đơn hàng xuất khẩu, hay thậm chí dòng vốn FDI trong thời gian tới vào Việt Nam và có thể còn mạnh mẽ hơn cả thời kỳ 2018-2019 khi chỉ có Trung Quốc chịu tác động từ Mỹ, còn bây giờ là cả những đối thủ trực tiếp khác.