Ai đắc lợi khi đòn thuế của ông Trump khiến châu Á chao đảo?

Tổng thống trump lại gia hạn cho các thỏa thuận thuế quan - lần nữa

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống trump lại gia hạn cho các thỏa thuận thuế quan - lần nữa
    • Tác giả,Osmond Chia
    • Vai trò,Phóng viên Kinh doanh, BBC News
    • Singapore
  • 2 giờ trước
"Vô cùng đáng tiếc" – đó là cách Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba mô tả lời đe dọa áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump – mức thuế 25% đối với hàng hóa Nhật Bản.
Tokyo, một đồng minh lâu năm của Mỹ, đã cố gắng hết sức để tránh chính điều mà họ nói là đáng tiếc đó.
Nhật Bản đang cố gắng thuyết phục Mỹ nhượng bộ đối với các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn của mình, trong khi vẫn vật lộn chống lại áp lực mở cửa thị trường Nhật cho gạo Mỹ.
Đã có nhiều vòng đàm phán. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản đã đến Washington DC ít nhất bảy lần kể từ tháng Tư, thời điểm ông Trump công bố các mức thuế sâu rộng đối với cả đồng minh lẫn đối thủ.
Thế nhưng, những chuyến đi đó dường như chẳng mang lại kết quả rõ ràng nào.

Cách ông Trump gọi Tokyo cũng chuyển từ "cứng rắn" sang "được nuông chiều" khi các cuộc đàm phán kéo dài lê thê.
Và rồi trong tuần này, Nhật Bản gia nhập danh sách 23 quốc gia bị gửi thư đe dọa áp thuế – trong đó có 14 nước ở châu Á. Từ Hàn Quốc đến Sri Lanka, nhiều nước trong số này là các trung tâm sản xuất dựa vào xuất khẩu.
Hôm thứ Sáu, ông Trump công bố mức thuế 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông dự định tăng thuế đồng loạt từ mức 10% lên đến 20% đối với hầu hết các đối tác thương mại, bất chấp lo ngại rằng các mức thuế bổ sung có thể làm tăng lạm phát.
"Chúng tôi sẽ chỉ nói rằng tất cả các quốc gia còn lại đều sẽ phải trả thuế, có thể là 20% hoặc 15%. Chúng tôi sẽ giải quyết điều đó ngay bây giờ," ông nói với NBC News.
Các quốc gia trên thế giới có thời hạn đến ngày 1/8 để đạt được thỏa thuận với Mỹ. Nhưng họ có lẽ đang tự hỏi liệu mình có cơ hội hay không, khi mà Nhật Bản – một đồng minh trung thành của Mỹ, công khai theo đuổi thỏa thuận – vẫn đang đối mặt với mức thuế nặng.
Ông Trump lại một lần nữa đặt lại "đồng hồ thuế quan".
Vậy ai đang thắng, và ai đang thua?

Người thắng: Các nhà đàm phán muốn có thêm thời gian​

Xét ở một khía cạnh, hầu như tất cả các quốc gia bị ông Trump nhắm đến hồi đầu năm nay đều được hưởng lợi từ việc gia hạn thời hạn – họ giờ đây có thêm ba tuần để đạt được thỏa thuận.
"Kịch bản lạc quan là giờ đây đang có áp lực buộc các bên phải tham gia đàm phán thêm trước thời hạn 1/8," ông Suan Teck Kin, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng United Overseas (UOB), nhận định.
Những nền kinh tế đang tăng trưởng như Thái Lan và Malaysia, là các quốc gia mới nhận được thư áp thuế trong tuần này, đặc biệt sẽ mong muốn sớm tìm ra giải pháp. Các nước này cũng đang mắc kẹt giữa căng thẳng Mỹ - Trung, khi Washington nhắm vào hàng hóa Trung Quốc được chuyển hướng qua các nước thứ ba, thường được gọi là hàng trung chuyển.
Các nhà kinh tế nói với BBC rằng việc gia hạn thêm là điều rất có thể xảy ra, xét đến tính chất phức tạp của các hiệp định thương mại.
Các quốc gia sẽ cần thời gian để thực hiện các yêu cầu từ phía ông Trump – mà, theo nội dung các lá thư, vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, theo nhận định của ông Alex Capri, giảng viên kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore.
Chẳng hạn, hàng trung chuyển đã bị đánh thuế riêng trong thỏa thuận thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Nhưng vẫn chưa rõ điều đó áp dụng cho hàng hóa thành phẩm hay toàn bộ linh kiện nhập khẩu.
Dù theo cách nào, điều đó cũng sẽ đòi hỏi công nghệ phức tạp hơn nhiều để giám sát chuỗi cung ứng, ông Capri nói.
"Đây sẽ là một quá trình chậm, dài hạn và liên tục thay đổi, với sự tham gia của nhiều bên thứ ba, công ty công nghệ và đối tác hậu cần."

Kẻ thua: Những doanh nghiệp sản xuất ở châu Á​

Rõ ràng là chính sách áp thuế sẽ không sớm chấm dứt, điều này khiến thương mại toàn cầu trở thành bên thua cuộc.
Các công ty đến từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc có hoạt động kinh doanh toàn cầu vẫn đang đối mặt với rủi ro, ông Capri cho biết. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, mà còn ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Mỹ.
Và đây cũng là một đòn giáng mạnh vào tham vọng kinh tế của nhiều quốc gia châu Á, vốn khởi sắc nhờ hoạt động sản xuất – từ điện tử cho đến dệt may.
Công nhân ngành may mặc của Campuchia mưu sinh nhờ vào một ngành công nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Công nhân ngành may mặc của Campuchia mưu sinh nhờ vào một ngành công nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu
Ông Capri cho biết, việc đánh giá nước nào đang thắng hay thua theo kiểu "người thắng kẻ thua" là điều thiếu khôn ngoan, bởi vì thương mại quốc tế – đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc – phụ thuộc rất lớn vào nhau.
Tuy nhiên, một số quốc gia có thể chịu thiệt hại nhiều hơn những nước khác.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á đạt được thỏa thuận với Mỹ, nhưng nước này có rất ít khả năng gây được sức ép gì lên Washington, và hiện đang đối mặt với mức thuế cao nhất lên đến 40%.
Campuchia cũng trong tình cảnh tương tự – là một quốc gia nghèo phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, Campuchia đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận trong khi ông Trump đã đe dọa áp mức thuế 35%.
Hàn Quốc và Nhật Bản, ngược lại, có thể cầm cự lâu hơn, vì họ là những quốc gia giàu có hơn và có đòn bẩy địa chính trị mạnh mẽ hơn.
Ấn Độ, một đất nước cũng có đòn bẩy riêng, đến nay vẫn chưa nhận được thư áp thuế.
Một thỏa thuận tưởng như sắp được ký kết nhưng hiện đang bị trì hoãn bởi những bế tắc trong thương thảo các vấn đề then chốt, trong đó có vấn đề tiếp cận thị trường nông sản Ấn Độ và các quy định nhập khẩu của nước này.

Kẻ thua: Liên minh Mỹ-Nhật​

"Bất chấp mối quan hệ kinh tế và quân sự mật thiết với Mỹ, Nhật Bản vẫn đang bị đối xử giống như các đối tác thương mại châu Á khác," nhà kinh tế học Jesper Koll nhận định.
Và điều đó có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Tokyo – với nguồn dự trữ tài chính lớn – dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chơi lâu dài.
"Nhật Bản đã chứng tỏ mình là một đối tác đàm phán cứng rắn và tôi nghĩ điều đó khiến ông Trump khó chịu," ông Koll nói.
Dù việc thiếu hụt gạo đang khiến giá cả tăng vọt, Thủ tướng Ishiba vẫn từ chối mua gạo Mỹ, thay vào đó ông chọn bảo vệ nông dân trong nước. Chính phủ của ông cũng từ chối nhượng bộ yêu cầu của Mỹ về việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Các doanh nghiệp toàn cầu như Samsung đang rơi vào tình trạng bất định vì chính sách áp thuế của ông Trump

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Các doanh nghiệp toàn cầu như Samsung đang rơi vào tình trạng bất định vì chính sách áp thuế của ông Trump
"Họ đã chuẩn bị rất kỹ," ông Koll nhận định. Ông cho biết, ngay ngày hôm sau khi ông Trump công bố áp thuế hồi tháng Tư, Tokyo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế và thành lập hàng trăm trung tâm tư vấn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
"Nhật Bản sẽ tìm kiếm một thỏa thuận đáng tin cậy," ông nói, bởi vì làm sao có thể đảm bảo rằng ông Trump sẽ không đổi ý một lần nữa?
Bầu cử Thượng viện Nhật Bản sẽ diễn ra trong tháng này, vì thế nếu một thỏa thuận được ký kết trước tháng Tám thì đó sẽ là điều bất ngờ, ông Koll nhận định.
"Không ai cảm thấy hài lòng cả. Nhưng liệu điều này có dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế ở Nhật không? Không."

Người thắng: Mỹ hay Trung Quốc?​

Châu Á từ lâu đã được xem là một chiến trường quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh, và theo các nhà phân tích, chính sách áp thuế của ông Trump có thể khiến Mỹ đang dần mất lợi thế.
Một phần vì các thỏa thuận thương mại thường rất phức tạp, nên theo một số ý kiến quan sát, việc ông Trump tiếp tục gia hạn có thể là một nước đi sai.
"Vị thế đàm phán của Mỹ thực chất đã suy yếu vì đã để lộ ra sơ hở là họ không mạnh như đã thể hiện," giáo sư kinh tế David Jacks từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhận định.
Và những thỏa thuận đạt được có thể phải trả giá bằng việc tái cấu trúc toàn bộ hệ thống thương mại và quan hệ song phương đã xây dựng qua hàng thập kỷ.
Việc ông Trump đăng tải các thư áp thuế công khai trên mạng thay vì thông qua các kênh ngoại giao truyền thống có thể phản tác dụng, ông Capri cho biết và gọi đó là một dạng "sân khấu chính trị".
Sự rối loạn gây ra bởi cách làm này là một "món quà lớn" dành cho Trung Quốc, quốc gia đang cố gắng thể hiện mình là một đối tác ổn định trước sự khó lường của ông Trump, ông Capri nói thêm.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ không dễ bị thay thế, và Trung Quốc cũng đang đối mặt với không ít căng thẳng trong khu vực, từ Việt Nam đến Nhật Bản.
Trung Quốc hiện cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, dù họ có thời hạn dài hơn để đạt được thỏa thuận toàn diện – đến ngày 13/8.
Vì vậy, việc ai sẽ giành được nhiều đồng minh hơn trong cuộc chiến thương mại này vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng cuộc đua vẫn đang tiếp diễn.
"Cả hai bên đều thấy cần phải ly hôn," Giáo sư Jacks nói, "nhưng quá trình đó sẽ rất khó khăn và có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ."
 

Có thể bạn quan tâm

Top