Bản án 30 năm tù của ông Nguyễn Văn Hậu và câu hỏi còn để ngỏ

ảnh minh họa

11 tháng 7 2025
Dù đã nộp tiền khắc phục vụ án thừa 60 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, vẫn nhận án sơ thẩm 30 năm tù giam, là mức án cao nhất án có thời hạn.
Cụ thể, ông Hậu bị tuyên 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ", 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và 9 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Các mức án này có một sự khác biệt nhỏ so với mức án mà cơ quan công tố là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đề nghị trước đó.
Ví dụ, đối với tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", ông Hậu bị đề nghị 11-12 năm tù, nhưng tòa án tuyên còn 9 năm.
Theo bản án, ông Hậu đã "thao túng, làm tha hóa, biến chất, sa ngã" nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ của nhiều địa phương nên cần nghiêm trị, dù đã rất tích cực khắc phục hậu quả.

Hội đồng xét xử cho rằng hành vi đưa hối lộ của ông Hậu đã "làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng xấu tới cách hành xử của các bị cáo là cán bộ; đe dọa sự tồn vong của chế độ".
Trước tòa, cơ quan công tố cáo buộc ông Hậu đã đưa tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi với tổng số tiền là 132 tỷ đồng.
Hành vi sai phạm của ông Hậu và các đồng phạm được cho là gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, với tổng số tiền hơn 1.160 tỷ đồng.
Trước đó, ông Hậu đã nộp khắc phục hậu quả 768 tỷ đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội để khắc phục hậu quả. Theo luật sư của ông Hậu, số tiền này thậm chí thừa hơn 60 tỷ đồng so với mức Viện Kiểm sát quy buộc.
Các "bị cáo là cán bộ" nhận tiền hối lộ của ông Hậu từng là những người nắm giữ quyền cao chức trọng ở các địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi.
Nổi bật trong số đó là cựu Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan lãnh án 14 năm tù. Bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ cùng 1 triệu USD từ ông Hậu. Một chi tiết bà Lan bị cáo buộc là "ngón tay triệu đô".
Theo đó, vào ngày 19/3/2021, bà Lan đã gọi ông Hậu đến nhà riêng, giơ một ngón trỏ bàn tay phải và nói: "Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu Mỹ." Ngay lập tức, ông Hậu đã chỉ đạo người chuẩn bị tiền và đem 1 triệu USD đến tận nhà cho bà Lan. Số tiền này, theo kết luận điều tra, là ông Hậu đưa theo yêu cầu của bà Lan vì đang triển khai Dự án Chợ đầu mối để bà Lan chỉ đạo, tác động đến các sở, ngành liên quan tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện.
Trước tòa, bà Lan khai về khoản tiền 1 triệu USD này không phải là hối lộ mà chỉ là mượn từ ông Hậu.
"Bị cáo nói Hậu cho mượn nhưng sau này Hậu nói đưa cho bị cáo để nhờ giúp cho dự án chợ đầu mối. Bị cáo khai trước tòa thành thật như vậy và chấp hành quyết định của cơ quan tố tụng", bà Lan nói trước tòa hôm 25/6.
Một loạt các quan chức ở Vĩnh Phúc cũng nằm trong danh sách những người nhận hối lộ từ ông Hậu.
Một cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc khác, ông Phạm Văn Vọng, bị tòa tuyên án 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Hội đồng xét xử đã tuyên cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành 12 năm tù trong khi cựu Phó Bí thư Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh bị phạt 8 năm tù.
Không chỉ ở Vĩnh Phúc, Phúc Sơn còn vươn bàn tay đến các cán bộ ở Quảng Ngãi và Phú Thọ.
Tòa cũng đã tuyên án ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, mức án 7 năm tù.
Cùng mức án 7 năm tù về tội nhận hối lộ là ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Cùng tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Ngô Đức Vượng bị tòa tuyên án 3 năm tù giam trong khi đó, ông Nguyễn Doãn Khánh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ bị phạt 30 tháng tù treo.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ về "lãnh đạo cấp cao"​

Giữa dàn lãnh đạo cấp cao của các địa phương, ông Đặng Trung Hoành xuất hiện trong tư cách bị cáo trước tòa với một chức danh khá khiêm tốn: cựu Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, Vĩnh Long.
Ông Hoành không bị truy tố về tội nhận hối lộ mà tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Trong khi cơ quan công tố đề nghị phạt ông này mức án 24-30 tháng tù giam, Hội đồng xét xử tuyên ông này chịu mức án 30 tháng tù giam.
Ông Hoành xuất hiện trước tòa vì liên quan đến một nhân vật được các cơ quan công tố và truyền thông gọi là "lãnh đạo cấp trên".


Suốt thời gian xét xử, danh tính cảu nhân vật "lãnh đạo cấp trên" không được nêu ra, dù trước đó đã nhiều lần được nhắc tới trong bản cáo trạng, kết luận điều tra và cả trong phiên tòa.
Ông Hậu khai đã yêu cầu một cán bộ tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long dùng 8,5 tỷ đồng để mua đất cho "người nhà lãnh đạo cấp trên".
Cán bộ huyện mà ông Hậu đề cập là ông Đặng Trung Hoành, cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, người cũng đã xác nhận lời khai trên.
Cựu Bí thư Huyện ủy Nguyễn Huỳnh Thu, xuất hiện trước tòa với tư cách đại diện bên có quyền lợi liên quan là Huyện ủy Mang Thít, cũng đã nhắc tới vị "lãnh đạo cấp trên này".
Bà Thu cho biết Thu cho biết trong số 8,5 tỷ đồng ông Hậu mua đất cho "người nhà lãnh đạo cấp trên", vẫn còn thừa 700 triệu đồng là tiền để chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm lên đất thổ cư.
Các báo VnExpress và Tuổi Trẻ dẫn lời bà Thu cho rằng "người nhà lãnh đạo cấp trên" đã trả lại cho huyện.
Những lời khai này cho thấy tác động và sự liên đới của nhân vật "lãnh đạo cấp trên" với vụ án Phúc Sơn.
Cũng không thấy tòa nhắc đến việc "người nhà lãnh đạo cấp trên" nhận bốn thửa đất từ ông Hậu, có bị điều tra về hành vi nhận hối lộ hay liên quan đến việc nhận số đất nói trên hay không.
Hơn nữa, theo cách báo chí Việt Nam tường thuật phiên tòa, chủ tọa phiên tòa cũng không chú trọng vào việc tìm hiểu xem "lãnh đạo cấp trên" này là ai.
Báo chí chính thống ở Việt Nam cũng không hề đặt vấn đề về danh tính của "lãnh đạo cấp trên".
 

Có thể bạn quan tâm

Top