
Trong bối cảnh cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa nhằm đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng, bảo vệ thương hiệu hàng Việt không chỉ là một chiến lược kinh tế, mà còn là trách nhiệm với người tiêu dùng, với doanh nghiệp nội và với chính tương lai của sản xuất Việt Nam.
Dòng chữ “Made in Vietnam” trên sản phẩm không chỉ là nhãn dán mà là cam kết về chất lượng, lòng tự tôn dân tộc và cả sức cạnh tranh của nền sản xuất nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thiếu quy định rõ ràng về tiêu chí hàng hóa xuất xứ Việt Nam đang tạo ra một khoảng trống pháp lý, khiến hàng gian, hàng giả đội lốt hàng Việt dễ dàng len lỏi, gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính.Bảo vệ sản xuất nội địa ngay trên sân nhà
Cuối năm 2024, chị Thanh, một bà nội trợ tại Hà Nội, mua trên chợ mạng một sản phẩm cá hồi đóng gói đông lạnh được quảng cáo là “sản xuất tại Việt Nam”. Tuy nhiên, sau khi mở ra chế biến, nhận thấy mùi vị và màu sắc khác thường, chị kiểm tra lại với người bán và phát hiện cá thực chất có nguồn gốc nước ngoài, chỉ sơ chế và đóng gói tại một cơ sở trong nước.
“Tôi nghĩ hàng trong nước nên yên tâm mua từ chỗ quen. Nhưng cuối cùng thất vọng, cả người bán cũng nói cũng 'bị lừa' vì nhãn mác ghi sản xuất tại Việt Nam”.

Với hàng hóa sản xuất trong nước, bao gồm cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và sau đó lưu thông trong nước hoặc thậm chí nguyên liệu hoặc hàng hóa là đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, hiện chưa có quy định như thế nào được gắn nhãn sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam.
Câu chuyện phản ánh một thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập trong việc ghi nhãn xuất xứ của hàng hóa lưu thông trong nước. Không ít hàng hóa sản xuất ở nước ngoài, không thực hiện công đoạn gia công, chế biến đáng kể nào tại Việt Nam nhưng lại được dán nhãn “made in Việt Nam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam”.
Thực tế, nhiều vụ việc gian lận thương mại liên quan đến xuất xứ, lợi dụng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, lợi dụng vào uy tín hàng Việt Nam đã được đưa ra ánh sáng thời gian qua.
“Những mặt hàng kém chất lượng sản xuất tại nước ngoài được giả mạo xuất xứ Việt Nam phổ biến nhất hiện nay là đồ điện, điện gia dụng, hàng thời trang như quần áo, giày dép, đặc biệt là hàng may mặc khi người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng hàng Việt Nam xuất khẩu”, ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho biết và dẫn chứng từ tháng 1/2024 đến tháng 7/2025 phát hiện 32 vụ vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tổng số tiền xử phạt là 5 tỷ đồng.
Đáng nói, đại diện cơ quan chức năng nêu thực trạng: Một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn sản xuất tại Việt Nam khiến người tiêu dùng thắc mắc nhưng cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý.
“Các quy định hiện hành chủ yếu nằm rải rác ở trong các luật Chất lượng sản phẩm, Hàng hóa, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thương mại; các nghị định của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản hướng dẫn khác nhưng chưa có sự thống nhất chi tiết về tiêu chí với hàng hóa của Việt Nam, hàng sản xuất tại Việt Nam cho thị trường nội địa”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hàng hóa lưu thông trong nước hiện chưa có cơ sở pháp lý hoàn thiện quy định tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý mà gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lúng túng trong việc xác định sản phẩm hàng hóa của mình có được xác định và ghi sản xuất tại Việt Nam hay không.
Bên cạnh đó, hiện nay không ít doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng nhà máy trong nước với máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại; sử dụng nguồn nguyên liệu, linh kiện trong nước; sử dụng lao động địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân. Các doanh nghiệp cũng tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, môi trường, thuế và ghi nhãn hàng hóa, góp phần tạo ra sản phẩm là hàng Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thế nhưng họ phải cạnh tranh thiếu công bằng với các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của quy định pháp luật gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Hệ quả là làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất thật sự, đồng thời làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam.
“Về lâu dài, điều này không chỉ gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước, mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ môi trường đầu tư và sự phát triển bền vững của hoạt động sản xuất tại Việt Nam”, Ths Bùi Thị Thùy Dương, Chuyên viên Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá.
Cần bước đi chiến lược bảo vệ hàng Việt
Trước thực trạng này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu chính sách xây dựng bộ tiêu chí xác định hàng hóa có xuất xứ Việt Nam dành riêng cho hàng lưu thông nội địa. Bộ tiêu chí được kỳ vọng sẽ dựa trên hai trụ cột: hàm lượng giá trị Việt Nam và công đoạn sản xuất chính phải thực hiện tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, xây dựng bộ tiêu chí là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản lý xuất xứ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” một cách có căn cứ.
Tuy nhiên, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thao, đại diện Công ty Flying Legend Việt Nam (công ty liên doanh với đối tác Ý, sản xuất máy bay tại Vĩnh Phúc) quan tâm đến thủ tục xác định xuất xứ hàng hóa, mong muốn được thuận tiện, minh bạch, không mất thời gian, chi phí.
“Sản phẩm của chúng tôi dù sử dụng nguyên liệu nhập khẩu và thiết kế từ nước ngoài, nhưng nhà máy chúng tôi đang ở Vĩnh Phúc, người công nhân Việt Nam vận hành, kỹ sư Việt Nam giám sát quá trình đấy… Chúng tôi nghĩ đây là sản xuất ở Việt Nam, vậy cuối cùng xác định theo tiêu chí nào? Ví dụ như cần giá trị gia tăng là 30% thì xác định như thế nào?", đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, Ths Bùi Thị Thùy Dương đề xuất áp dụng một số giải pháp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo như xây dựng nền tảng trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá điều kiện được ghi “sản xuất tại Việt Nam” dựa trên các tiêu chí định lượng. Doanh nghiệp chỉ cần nhập các thông tin cơ bản (giá trị nguyên liệu, nơi gia công, mã HS...), hệ thống tự động xác định khả năng đáp ứng, cung cấp hướng dẫn ghi nhãn phù hợp, từ đó giúp giảm rủi ro vi phạm, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp nâng tỷ lệ nội địa hóa.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng gợi ý xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về chuỗi cung ứng và nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, nhãn điện tử (QR code, blockchain, RFID).
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa dù với hàng lưu thông trong nước cũng cần thực hiện từng bước, thận trọng, khuyến khích thay vì áp đặt, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông trong bối cảnh cần tăng cường kích cầu tiêu dùng nội địa.
Một số giải pháp được đưa ra như xây dựng quy định riêng hoặc nhãn riêng cho các sản phẩm sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; bắt buộc doanh nghiệp tự công khai và chịu trách nhiệm về tỷ lệ nội địa hóa; chọn một số ngành hàng nổi bật, đặc thù của Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí cụ thể.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
Hầu hết những nước có quy định liên quan đến xác định xuất xứ để ghi trên nhãn có một điểm chung là hàng hóa sẽ đáp ứng tiêu chí: được sản xuất toàn bộ tại nước đó hoặc công đoạn cuối cùng làm biến đổi tính chất, bản chất của hàng hóa được diễn ra tại nước đó. Đối với những mặt hàng phổ biến, cần được bảo hộ và có thương hiệu quốc tế thì thông thường các nước sẽ có những tiêu chí rất cụ thể. Còn lại đôi khi tiêu chí sẽ rất chung chung.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Xuất xứ Việt Nam nếu có tiêu chí rõ ràng không chỉ giúp công khai, minh bạch, chống hàng gian hàng giả mà còn là một giải pháp rất tốt để thúc đẩy sản xuất trong nước. Bởi nếu hàng trong nước có lợi thế thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thuận lợi sản xuất hơn. Hiện nay mập mờ, không biết sản phẩm nào thực sự là xuất xứ trong nước, gây tổn hại cho sản xuất trong nước và doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó trưởng Ban Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Hải quan, Bộ Tài chính
Trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí xuất xứ hàng hóa lưu thông trong nước, Việt Nam có thể lấy các bộ tiêu chí quốc tế làm mẫu như bộ tiêu chí xuất xứ của ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN), hay của WTO. Trong ASEAN, quan điểm là tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa khu vực và thúc đẩy thương mại nội khối nên bộ tiêu chí ATIGA tương đối linh hoạt, gần gũi với lưu thông hàng hóa trong nước của Việt Nam. Việc xây dựng bộ tiêu chí cần có tính hài hòa, nhưng đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết.