Chế ảnh, dựng chuyện vụ lật tàu ở Hạ Long: Coi chừng trách nhiệm pháp lý

Theo luật sư, hành vi dựng chuyện, chế ảnh sai sự thật liên quan thảm kịch lật tàu có thể bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng, thậm chí bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội.​

Bốn ngày trôi qua, thảm họa lật tàu Vịnh Xanh 58 tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) khiến 37 người thiệt mạng vẫn khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa bởi hậu quả thảm khốc mà vụ tai nạn để lại.

Tuy nhiên, trong không khí tang tóc đó, khi mà những nạn nhân còn chưa được tìm thấy hết, khi mà nỗi đau xé lòng của những gia đình người bị thiệt mạng chưa thể nguôi ngoai, đã có những bức ảnh do cá nhân sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) dựng lên, cùng với đó là những câu chuyện được thêu dệt về thảm kịch để tạo tương tác trên mạng xã hội.

Không chỉ thể hiện sự phản cảm, vô đạo đức, người thực hiện hành vi còn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chế ảnh, dựng chuyện vụ lật tàu ở Hạ Long: Coi chừng trách nhiệm pháp lý - 1

Những hình ảnh về thảm họa được tạo dựng bởi AI (Ảnh: T.M.).

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận trong bối cảnh tang thương, khi cả nước hướng về gia đình các nạn nhân với sự đau xót, thương cảm thì hành vi sử dụng AI để chế ảnh, dựng chuyện về thảm kịch nhằm "câu like" trên nỗi đau người khác không chỉ trái thuần phong mỹ tục, đi ngược với những giá trị đạo đức cơ bản của xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và cần bị xử lý nghiêm.

Cụ thể, theo Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân, tổ chức cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính về hành vi Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội.

Mức phạt có thể áp dụng đối với cá nhân vi phạm là 5-10 triệu đồng, với tổ chức vi phạm là 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn do thực hiện hành vi vi phạm.

Nghiêm trọng hơn, trong trường hợp hành vi bị xác định gây hậu quả nghiêm trọng trong xã hội như làm hoang mang dư luận, gây phẫn nộ, bức xúc trong nhân dân, tạo tâm lý tiêu cực cho gia đình nạn nhân hay dẫn tới khó khăn, cản trở cho công tác cứu hộ, người vi phạm có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Mức phạt có thể áp dụng là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.
 
Top