Theo kết quả khảo sát do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3-4.2025 với gần 3.000 người lao động, thì chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp).
Thực trạng đáng lo ngại này là một phần trong kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình đời sống, việc làm, thu nhập, chi tiêu của người lao động tại 10 tỉnh, thành phố, được thực hiện từ tháng 3 - 4/2025. Kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn thực hiện với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có 54,9% người lao động nói rằng tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Người lao động phải "thắt lưng buộc bụng", vay mượn để chi trả sinh hoạt phí, nhiều gia đình trì hoãn sinh con?
Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình, dẫn đến tình trạng người lao động phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống. Nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột suất. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy có 12,5% người lao động thường xuyên (hàng háng) phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3 - 4 tháng/lần) phải vay mượn tiền.
Về dinh dưỡng, chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp). Như vậy, còn một bộ phận không nhỏ chưa có mức dinh dưỡng ổn định và đầy đủ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu quả và năng suất lao động. Đồng thời, cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.
Thông qua kết quả khảo sát, Tổng Liên đoàn cũng ghi nhận tiền lương thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của công nhân lao động, khi có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình phản hồi như vậy. Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng.
Mức lương không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu hàng ngày, mà còn tác động đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai, và đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới.
Đáng chú ý, có tới 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Mức thu nhập ở mức đủ sống khiến các cặp vợ chồng lo lắng về khả năng tài chính để nuôi dạy con cái. Trong khi chi phí nuôi con, đặc biệt là chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe ngày càng đắt đỏ, nên họ đang trì hoãn sinh con để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Theo: Trang Đào - Đời sống pháp luật