Chùa Thái Lan có 11 tỷ USD trong tài khoản ngân hàng, tiền đến từ đâu?

Don Jong Un

Xamer mới lớn
Vatican-City
Các ngôi chùa ở Thái Lan có nguồn quỹ lên tới 11 tỷ USD, chủ yếu là tiền quyên góp và cúng dường của tín đồ, cũng như trợ cấp chính phủ, song lại thiếu cơ chế giám sát.

Thái Lan đang chấn động về bê bối tình, tiền của loạt nhà sư, liên quan đến người phụ nữ tên Wilawan Emsawat (biệt danh Sika Golf, hay Cô Golf), 35 tuổi. Theo đó, giới chức xác định ít nhất 8 nhà sư nước này có quan hệ tình cảm với Cô Golf, ít nhất 15 người đã chuyển tiền cho cô này trong nhiều năm qua.

Đến nay, số lượng nhà sư bị cáo buộc có dính líu đến Cô Golf lên tới hơn 25 người, trong đó Theppatcharaporn, trụ trì chùa Wat Chujit Thammaram ở tỉnh Ayutthaya, thừa nhận đã chuyển tổng cộng gần 400.000 USD để chu cấp cho Cô Golf.
Các nhà sư cầu nguyện trong một buổi lễ cúng dường tại chùa Wat Phra Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani, phía bắc Bangkok, hồi năm 2015. Ảnh: Reuters
Các nhà sư cầu nguyện trong một buổi lễ cúng dường tại chùa Wat Phra Dhammakaya ở tỉnh Pathum Thani, phía bắc Bangkok, hồi năm 2015. Ảnh: Reuters
Trước làn sóng bức xúc của dư luận về bê bối này, giới chức Thái Lan ngày 13/7 công bố sao kê tài khoản ngân hàng của các chùa trên toàn quốc. Theo đó, tổng số tiền mà các chùa gửi trong tài khoản ngân hàng lên tới hơn 11 tỷ USD. Sự việc đã làm dấy lên không ít câu hỏi trong công chúng về việc quản lý số tiền lớn này.

Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan năm 2019 ghi nhận có 41.310 ngôi chùa trên khắp cả nước. Các nhà sư tại những ngôi chùa như vậy chủ yếu dựa vào khất thực và tiền cúng dường của các phật tử. Tại Thái Lan, văn hóa cúng dường cho các nhà chùa rất phổ biến và được xem trọng.

Người Thái cho rằng cúng dường là một hình thức “đầu tư nghiệp lành” cho đời sau và hành động cúng tiền cho nhà chùa giúp “tăng điểm công đức” nhanh hơn cho các tổ chức từ thiện hay hoạt động xã hội.

Theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) thực hiện, mức quyên góp, cúng dường của các phật tử cho mỗi ngôi chùa ở nước này lên tới 3,2 triệu baht (gần 100.000 USD) mỗi năm. Vào năm 2018, tổng số tiền mà người dân Thái Lan quyên góp cho các chùa là khoảng 1,6 tỷ USD.

Chính phủ Thái Lan quy định các khoản quyên góp tôn giáo được khấu trừ hoàn toàn thu nhập chịu thuế, tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp lẫn cá nhân giàu có cúng dường cho nhà chùa. Một số đại gia có thể dâng hàng trăm triệu baht một lần, kể cả vàng thỏi.

Như vậy, tổng số tiền quyên góp cho các ngôi chùa có thể lên tới hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD, mỗi năm. Trên danh nghĩa, số tiền này được đóng góp để trùng tu chùa, phục vụ nhang đèn hay tổ chức các lễ hội tôn giáo.

Ngoài tiền quyên góp của công chúng và các khoản cúng dường, nhiều ngôi chùa còn tạo ra thu nhập từ những nguồn khác như tiền cho thuê bất động sản, bán vé tham quan, bãi đỗ xe. Một số chùa thu hút nhiều đoàn hành hương quốc tế, lập kênh TV riêng để quảng bá du lịch.

Nhiều chùa tại Bangkok sở hữu những khu đất vàng ở trung tâm, giúp “hái ra tiền” nhờ các dịch vụ như cho thuê địa điểm tổ chức chợ đêm, chợ hoa hoặc trông giữ xe.

Một nguồn thu không nhỏ của các chùa đến từ việc bán bùa hộ mệnh. Các chùa có thể sản xuất bùa hộ mệnh để bán hoặc cho thuê, với giá vài trăm tới hàng triệu baht mỗi chiếc, giúp thu về hàng tỷ USD mỗi năm.

Ngoài những khoản tiền trên, các chùa Thái Lan còn nhận được nguồn tài trợ đáng kể từ chính phủ cho ba mục đích chính, gồm cải tạo cơ sở vật chất, giáo dục kinh Phật hay truyền bá Phật giáo.

Dữ liệu từ Cục Ngân sách cho thấy từ năm 2013 đến 2019, nhà nước đã chi trung bình 92,4 triệu USD mỗi năm cho các khoản trợ cấp chùa, với mức chi tiêu lên tới 144 triệu USD vào giai đoạn 2016-2017.

Những yếu tố này giúp các chùa dần tích lũy nguồn tiền lớn, nhưng trên nguyên tắc, sư trụ trì không được phép tự quyết chi tiêu những khoản lớn hơn 90.000 baht (gần 2.800 USD), mà phải xin cấp trên phê duyệt.

Hội đồng Tăng già Tối cao (SSC) năm 2014 đặt ra tiêu chí và thẩm quyền phê duyệt chi tiêu của nhà chùa, quy định những khoản chi trên 15.400 USD phải được SSC phê duyệt.

Tuy nhiên, những quy định trên khó áp dụng trong thực tế do thiếu hệ thống kế toán tiêu chuẩn và không có cơ chế kiểm toán đạt chuẩn quốc tế. Do vậy, phần lớn nguồn tiền thu về sẽ được gửi vào ngân hàng, sinh lãi kép qua nhiều năm và tích lũy thành khối tài sản hơn 11 tỷ USD, tương đương với GDP danh nghĩa của một số quốc gia nhỏ.
Cảnh sát Thái Lan đọc lệnh bắt Cô Golf ngày 15/7. Ảnh: TNA
Cảnh sát Thái Lan đọc lệnh bắt Cô Golf ngày 15/7. Ảnh: TNA
Các chùa Thái Lan nắm giữ nguồn tiền lớn như vậy nhưng cơ chế quản lý tài chính lại còn nhiều lỗ hổng, theo báo cáo mới đây của TDRI. Báo cáo cảnh báo việc thiếu cơ chế giám sát và minh bạch nguồn tiền này đã tạo cơ hội cho các nhà sư của hành vi tham nhũng và rửa tiền, làm xói mòn lòng tin của công chúng vào Phật giáo.

TDRI năm 2023 đã viện dẫn một số vụ án nổi cộm, trong đó có bê bối “tiền hoa hồng quỹ bảo trì chùa” trong giai đoạn 2014-2018. Cơ quan điều tra lúc bấy giờ đã vạch trần hành vi tham nhũng của các quan chức thuộc Văn phòng Phật giáo Quốc gia (NOB) khi biển thủ hơn 8 triệu USD bằng cách yêu cầu các ngôi chùa chi tiền lại quả cho những khoản trợ cấp nhà nước họ nhận được.

Một bê bối đáng chú ý khác là vụ thượng tọa Nen Kham, người đã kêu gọi tín đồ quyên góp để xây tượng Phật ngọc và bệnh viện, nhưng lại dùng số tiền đó để tiêu xài cá nhân, hay vụ cựu trụ trì chùa Wat Rai Khing bị cáo buộc biển thủ hơn 9 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của chùa để đánh bạc trực tuyến.

Những sự việc trên đã làm dấy lên lo ngại rộng rãi về việc nhà chùa có thể bị lợi dụng như bình phong cho các hành vi sai trái về tài chính.

Điều khiến công chúng Thái Lan lo ngại là quy trình phân bổ ngân sách cho các chùa thường thiếu minh bạch và dễ bị lạm dụng do không có cơ chế kiểm toán độc lập hay công khai thông tin.

Mặc dù luật pháp hiện hành yêu cầu các chùa nộp báo cáo thu chi hàng tháng cho văn phòng Phật giáo tỉnh, TDRI nhận thấy các tiêu chuẩn kế toán lại không đồng nhất. Hầu hết các chùa vẫn sử dụng sổ ghi quỹ tiền mặt mà không có đối chiếu hay phân loại hàng tháng phù hợp.

Ngoài ra, chưa đến một nửa số chùa nộp báo cáo tài chính đúng hạn và hầu như không có thông tin chi tiêu nào được kê khai, như dán thông báo trong khuôn viên chùa hoặc đăng tải trên trang web chính thức.

Giới chức Thái Lan cũng thiếu nhân sự có chuyên môn về giám sát tài chính chùa chiền, trong khi năng lực giám sát của NOB bị đánh giá là yếu kém. Quyền lực vẫn tập trung trong tay trụ trì và các ngôi chùa thường phản đối những biện pháp cải cách.

TDRI đã kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường minh bạch về tài chính tại các tổ chức tôn giáo, đồng thời khôi phục niềm tin của công chúng vào công tác quản lý tài chính chùa chiền. Theo họ, nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát ngân quỹ của các chùa một cách hiệu quả, những bê bối tình tiền như vụ Cô Golf sẽ có nguy cơ tái diễn.
 

Có thể bạn quan tâm

Top