Chuyển đổi xe máy chạy xăng và giấc mơ “Hà Nội mới”

Có nhiều dịp đi nước ngoài, một trong những điều khiến tôi trăn trở không phải là khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, mà là sự khác biệt trong tư duy quy hoạch, tổ chức đô thị và văn hóa giao thông. Trong khi hàng chục năm nay, văn hóa “nhà ống, xe máy” ngày càng trở nên phổ biến ở các đô thị nước ta, thì nhiều nước từ lâu đã hầu như không còn xe máy, vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ, giao thông công cộng bao phủ toàn thành phố.

Tôi từng đứng lặng người trên đại lộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) – một thành phố cách đây 15 đến 20 năm có lẽ rất giống Hà Nội của chúng ta - để nhìn dòng người đi bộ, xe đạp điện và xe buýt nối nhau trật tự, không tiếng còi xe, không khí mát lành. Lúc đó tôi không khỏi tự hỏi: Bao giờ thành phố của tôi – Hà Nội ngàn năm văn hiến – có thể được như thế?

Những ngày gần đây, tôi đã thấy có cơ sở để ước mơ ngày nào của mình dần trở thành hiện thực: Trên tinh thần chỉ thị số 20/CT‑TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đang triển khai các bước chuẩn bị cho lộ trình dừng hoạt động xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1 kể từ ngày 1/7/2026.

Theo tôi, đây không chỉ là một quyết định hành chính – mà là bước ngoặt tư duy, là cuộc cách mạng đô thị thực sự nếu chúng ta làm tới nơi tới chốn.

Chuyển đổi xe máy chạy xăng và giấc mơ “Hà Nội mới” - 1

Xe máy được cho là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất trong giao thông ở Hà Nội (Ảnh minh họa: Nguyễn Ngoan).

Hà Nội đang “nghẹt thở”. Hàng triệu xe máy và ô tô chạy xăng lưu hành trong một không gian không phải là quá rộng lớn của đô thị trung tâm, vỉa hè biến thành chợ, lòng đường thành bãi đỗ, không gian công cộng bị xâm lấn, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường, tai nạn rình rập từng khúc cua nhỏ. Khói bụi, tiếng ồn, kẹt xe trở thành “bản nhạc nền” quen thuộc mỗi ngày. Hà Nội – vốn từng thơ mộng, thanh lịch – đang đánh mất chính mình.

Giấc mơ một Hà Nội “đáng sống” sẽ chỉ là khẩu hiệu, nếu chúng ta không bắt đầu từ việc hạn chế xe cá nhân, bao gồm xe máy xăng, thì mọi nỗ lực quy hoạch, chỉnh trang cũng chỉ như “vá áo rách giữa trời mưa”.

Tôi hiểu, chủ trương chuyển đổi phương tiện xăng sang phương tiện xanh sẽ không dễ dàng. Bởi hàng triệu người dân – đặc biệt là người lao động nghèo – đang mưu sinh bằng chiếc xe máy xăng của mình. Trong số đó có những người làm nghề xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, người giao hàng, người bán hàng rong, chạy chợ…

Thêm vào đó, giao thông công cộng chưa phủ đều, chưa có buýt điện mini luồn lách vào các ngõ nhỏ như ở Tokyo (Nhật Bản) hay Bắc Kinh (Trung Quốc). Bãi đỗ xe, trạm sạc xe điện còn khiêm tốn; đa số chung cư thì cấm sạc xe điện vì lo cháy nổ. Ý thức sử dụng không gian công cộng còn yếu, nhiều người vẫn dựng xe, bán hàng, vứt rác ngay trên lối đi chung.

Bước chuyển đổi nào cũng sẽ có khó khăn, thách thức. Nhưng tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta cần một quyết tâm mới, tư duy mới và cơ chế linh hoạt mới. Thành phố cần huy động cả hệ thống chính trị, giới chuyên gia, doanh nghiệp, người dân cùng vào cuộc.

Trước năm 2010, Quảng Châu (Trung Quốc) từng rối loạn vì xe máy – gần giống Hà Nội. Nhưng họ đã mạnh tay cấm xe máy xăng, đầu tư ồ ạt vào metro, xe buýt điện, xe đạp công cộng. Đồng thời họ cải tạo hàng loạt khu nhà cũ thành bãi đỗ và trạm dịch vụ.

Kết quả là Quảng Châu xanh hơn, sạch hơn, phát triển bền vững hơn, và người dân ủng hộ vì họ cảm nhận được cuộc sống tốt lên từng ngày.

Chúng ta không thể cứ mãi nhìn ra nước ngoài để “giá như”, mà phải nỗ lực trở thành hình mẫu cho người khác học hỏi. Hà Nội từng là nơi khởi phát nhiều đổi mới – giờ đây cũng cần là nơi khởi đầu cho cuộc chuyển đổi văn minh giao thông đô thị.

Đây cũng là lúc ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch phải thay đổi tư duy. Không thể chỉ làm đường để phục vụ xe máy cá nhân nữa. Phải nghĩ tới giao thông công cộng, tới kết nối liên hoàn, tới sự thuận tiện cho người đi bộ, người già, trẻ em, người khuyết tật. Phải nghĩ tới một thành phố cho con người, chứ không chỉ cho phương tiện giao thông.

Tôi mơ về một ngày không xa, Hà Nội sẽ có vỉa hè sạch đẹp, người đi bộ thong dong, xe buýt điện nhẹ nhàng lướt qua phố cổ, không còn cảnh người chen người trong khói bụi. Giấc mơ này đang đến gần nếu chúng ta quyết tâm, đồng lòng và hành động.

Bước đầu thành phố Hà Nội dự kiến hỗ trợ 3 triệu đồng/người để chuyển đổi xe máy xanh. Đây là vấn đề mà tôi và chắc là nhiều người khác nghĩ đến trong những ngày này. Tôi xin nêu một số đề xuất của mình như sau:

1. Hỗ trợ tài chính để chuyển đổi phương tiện:

* Trợ giá xe máy điện, hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới (hiện nay đã có dự kiến như nêu trên).

* Chính quyền cần phối hợp với các hãng xe, ngân hàng để triển khai hình thức trả góp không lãi suất, hoặc cho thuê xe máy điện giá rẻ dành cho mọi đối tượng.

2. Tận dụng một số trụ sở công dư thừa sau sáp nhập để làm bãi đỗ, trạm sạc:

* Thành phố nên xây dựng đề án chuyển đổi công năng sử dụng, cải tạo một số trụ sở công dư thừa làm bãi đỗ xe máy, xe đạp điện, trạm sạc công cộng.

* Đây là lúc giới kiến trúc sư, kỹ sư quy hoạch, các nhà kỹ thuật cần nhập cuộc để thiết kế giải pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa thẩm mỹ, tiện lợi.

3. Tổ chức giao thông công cộng len lỏi vào từng ngõ phố:

* Cần thí điểm buýt điện mini, xe sử dụng chung ở khu dân cư cho các tuyến hẹp.

* Khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mô hình vận tải công cộng nhỏ gọn, phục vụ nhiều người (tương tự như xe điện gom khách chạy trong các khu phố cổ ở Nam Kinh, Vũ Hán, Trung Quốc).

4. Cho phép sạc xe máy điện tại chung cư theo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy.

* Cần có tiêu chuẩn mới, lắp ổ sạc công cộng an toàn, có hẹn giờ, ngắt tự động, đồng hồ đo điện… giống như các khu nhà tập thể cũ ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã cải tạo thành công.

5. Truyền thông và giáo dục thói quen mới:

* Một xã hội không thể văn minh nếu vẫn coi vỉa hè là nơi buôn bán, dựng xe, bán hàng rong.

* Cần có chiến dịch vận động cộng đồng, đưa vào trường học, đoàn thể, để mỗi người dân là người gìn giữ bộ mặt đô thị.

Chuyển đổi phương tiện giao thông xanh thành công, Hà Nội sẽ mở ra con đường mới cho cả nước trong việc xây dựng các đô thị xanh – thông minh – nhân văn.

Và tôi tin: chúng ta sẽ làm được.

Tác giả: Ông Lý Văn Vinh là Tiến sĩ quản lý đô thị; nguyên thư ký Bộ trưởng Bộ Xây dựng; nguyên Giám đốc Cung triển lãm kiến trúc, quy hoạch quốc gia.
 

Có thể bạn quan tâm

Top