Cuộc chiến thuế quan có đe dọa tham vọng kinh tế tư nhân của ông Tô Lâm?

Tổng Bí thư Tô Lâm

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
13 tháng 7 2025, 08:13 +07
Thỏa thuận đạt được với Việt Nam mà ông Trump đăng trên mạng xã hội có thể phần nào trút bớt gánh nặng cho doanh nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này, nhưng đồng thời có thể khiến căn bệnh trầm kha về năng lực sản xuất nơi đây thêm nghiêm trọng.
Có thể nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẽ hồ hởi vì có thể mua hàng sản xuất tại Mỹ với giá rẻ hơn khi ông Trump loan báo:
"Chúng tôi sẽ có thể bán sản phẩm vào thị trường Việt Nam với mức thuế BẰNG KHÔNG."
Trong viễn cảnh hàng Mỹ được miễn thuế như cách ông Trump nói, hàng Mỹ được nhiều người kỳ vọng sẽ tràn đến thị trường hơn 100 triệu dân này.
Nhưng điều đó cũng khiến cho không ít người lo, nhất là giới doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

SME được coi là xương sống của nền kinh tế, chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đang được quan tâm trở lại sau khi Nghị quyết 68 ra đời coi kinh tế tư nhân "là một động lực quan trọng nhất".
Đây là ngọn cờ giúp hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025 và hai chữ số trong những năm sau mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra.
Việt Nam hướng đến có 3 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2045 - gấp 3 lần con số hiện nay.
Các SME Việt Nam lâu nay vốn gặp khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ giá rẻ từ Trung Quốc. Họ được cho là càng chật vật hơn trong cuộc thương chiến của chính quyền Trump 2.0 khi hàng Trung Quốc không xuất khẩu được đến Hoa Kỳ đã tìm đường đến các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm đến.
Từ lâu, những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, công nghệ đều phụ thuộc vào nguyên vật liệu từ người láng giềng phương Bắc.
Giờ đây, khi mở toang thị trường cho hàng Mỹ như thông báo của ông Trump, những thách thức của khối SME dường như bị khuếch đại hơn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng miễn thuế từ Mỹ.
"Các nhà sản xuất Việt Nam hiện đang chịu áp lực từ hai phía: các đối thủ Trung Quốc cạnh tranh về giá và các nhà sản xuất Mỹ cạnh tranh về chất lượng. Áp lực kép này đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không thể cạnh tranh tốt về chi phí mà cũng không có đủ nguồn lực đổi mới để tạo sự khác biệt," Tiến sĩ Sven David - Giám đốc công ty tư vấn VIET Transformation Advisors có trụ sở tại TP HCM - nhận định với BBC News Tiếng Việt.
Tiến sĩ David dự báo có thể sẽ có sự sụt giảm dần thị phần trong nước ở các lĩnh vực như nội thất, bao bì, điện tử giá rẻ và chế biến nông sản – những lĩnh vực mà các doanh nghiệp trong nước có thể mạnh hôm nay nhưng lại dễ bị tổn thương trong nay mai.

Căn bệnh trầm kha của sản xuất Việt Nam​

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các khâu đơn giản trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các khâu đơn giản trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trình độ công nghệ còn thấp khiến doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các khâu đơn giản trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Tô Lâm từng trăn trở hồi đầu năm.
"Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài?
"Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?" người đứng đầu Đảng ******** Việt Nam băn khoăn.
Đối với Tiến sĩ David, nếu Việt Nam không hành động ngay bây giờ, đất nước có nguy cơ bị mắc kẹt trong vai trò trung chuyển và giá trị gia tăng thì vẫn được tạo ra ở nơi khác.
"Cơ hội đang hiện hữu, nhưng tính cấp bách cũng vậy."
Ngành công nghiệp phụ trợ yếu kém ở Việt Nam đang cản trở các doanh nghiệp trong nước cung cấp sản phẩm cho những công ty nước ngoài lớn, dù Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Sản xuất công nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là lắp ráp, "lấy công làm lãi" và thiếu hàm lượng chất xám, thể hiện rõ nhất qua việc Việt Nam tham gia sâu vào khâu hậu kỳ (đóng gói, kiểm định) của chuỗi sản xuất bán dẫn mà bỏ lỡ các khâu chiến lược ở tiền kỳ do Trung Quốc và Đài Loan đang thống lĩnh.
Giờ đây, khi chưa kịp gây dựng chỗ đứng vững chãi ở thị trường quốc tế thì các SME này đã gặp thêm thử thách ở thị trường quốc nội.
Ông Marco Forster - Giám đốc ASEAN tại công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, làm việc ở TP HCM - đánh giá các SME Việt Nam sở hữu tinh thần khởi nghiệp và "khả năng thích ứng đáng nể".
Với việc từng tham gia giúp các SME Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc, ông Forster cho hay những doanh nghiệp này có những ưu điểm nổi trội như lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng và chi phí cạnh tranh; vị trí địa lý chiến lược; khả năng tiếp cận ưu đãi đến các thị trường toàn cầu rộng lớn thông qua mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) sâu rộng như CPTPP và EVFTA.
Tuy vậy, nhà phân tích từ TP HCM cũng chỉ ra một số vấn đề đang cản trở sự phát triển của các SME.
Chi phí nguyên vật liệu và sản xuất tăng cao đang làm xói mòn lợi thế cạnh tranh về giá của họ, đồng thời gia tăng áp lực cạnh tranh từ các trung tâm sản xuất chi phí thấp khác.
Các SME phải đối mặt với những khó khăn dai dẳng trong việc tiếp cận tín dụng giá rẻ, với đa số gặp khó khăn trong việc vay vốn hoặc bị đề xuất mức lãi suất cao, làm kìm hãm nghiêm trọng khả năng đầu tư vào những điều chỉnh cần thiết của họ.
Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân được ban hành góp phần giải quyết bài toán tiếp cận vốn cho các SME. Theo đó, các ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tín chấp, dựa trên việc quản lý dòng tiền và thông tin minh bạch của doanh nghiệp.
"Tình trạng này, kết hợp với các thủ tục cấp phép nhập khẩu, hải quan phức tạp và sự phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm trung tâm, tạo ra một môi trường đầy thách thức, nơi sự năng động vốn có của họ bị hạn chế bởi những thiếu hụt mang tính hệ thống về hạ tầng mềm", ông Forster nói.
Hạ tầng mềm ở đây tức là các yếu tố vô hình như chính sách, thể chế, hệ thống tài chính,...

Hướng đi nào cho các SME Việt Nam?​

Bên trong một nhà máy dệt may của Việt Nam

Nguồn hình ảnh,Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Bên trong một nhà máy dệt may của Việt Nam
Trong khi tác động "cởi trói" của Nghị quyết 68 cho kinh tế tư nhân chưa được ghi nhận rõ rệt, thì "6 tháng qua, cả nước có đến 127.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cho thấy 'sức khỏe' của doanh nghiệp chưa thực sự tốt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần sự hỗ trợ để có thể mở rộng sản xuất kinh doanh", VOV tường thuật hôm 4/7.
Không chỉ đương đầu các biến động chính sách thuế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị leo thang, các SME Việt Nam còn đối mặt với chiến dịch truy xuất nguồn gốc hàng hóa lẫn hóa đơn, chứng từ.
Ông Forster từ TP HCM đồng tình rằng để vượt qua giai đoạn đầy biến động này, Chính phủ Việt Nam cần triển khai một chiến lược hỗ trợ đa chiều.
Theo ông, thay vì chỉ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trên diện rộng, cần có những can thiệp có mục tiêu nhằm trực tiếp trao quyền cho doanh nghiệp, đặc biệt là các SME.
Điều này bao gồm cả việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện cho SME, mở rộng các lựa chọn tài trợ ngoài các khoản vay truyền thống, và cải thiện quỹ bảo lãnh tín dụng để giải quyết vấn đề kinh niên về tiếp cận tài chính của họ.
"Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ tài chính có mục tiêu như trợ cấp hoặc miễn giảm thuế cho những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng hết sức cần thiết, nhằm giảm bớt tác động tức thì của thuế quan", ông Forster nói.
Để bảo vệ SME, cũng như tham vọng kinh tế tư nhân của đất nước, Tiến sĩ Sven David cũng cho rằng chính phủ nên hỗ trợ chính thức hóa các SME, đầu tư vào hạ tầng số, và giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn tuân thủ quốc tế. Đây chính là con đường để Việt Nam chuyển mình từ một nền tảng cạnh tranh về chi phí thành một nền tảng cạnh tranh về năng lực.
Ông nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ không phải là câu trả lời mà giải pháp thực sự nằm ở việc nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị.
"Đối với ngành may mặc, điều này có nghĩa là tập trung vào xây dựng thương hiệu, thiết kế kỹ thuật và tính bền vững còn các ngành liên quan nông nghiệp đòi hỏi khả năng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và đổi mới sản phẩm.
"Riêng với ngành điện tử, câu chuyện lại khác. Vấn đề ở đây không phải là chất lượng, mà là độ sâu. Việt Nam đang là nơi đặt nhà máy của nhiều thương hiệu toàn cầu, nhưng đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất nhỏ. Để thay đổi điều đó, cần tập trung vào việc củng cố các nhà cung cấp nội địa, khuyến khích hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D), và đào tạo các kỹ năng kỹ thuật. "
Việc ông Trump tuyên bố mức thuế 40% đối với hàng trung chuyển qua ngả Việt Nam - dù chưa rõ phía Mỹ sẽ xác định "trung chuyển" cụ thể ra sao - cũng đặt ra yêu cầu về tính "thoát Trung" của doanh nghiệp Việt.
Không lâu sau bài đăng của ông Trump, trang Thời báo Hoàn Cầu thân nhà nước Trung Quốc đăng tải bài viết cho rằng con số 40% trên có thể ảnh hưởng đến một số mặt hàng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
"Chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện đang phụ thuộc sâu sắc vào các yếu tố đầu vào từ Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, máy móc và hàng hóa chế biến. Ngay cả khi công đoạn lắp ráp cuối cùng diễn ra tại Việt Nam, chuỗi giá trị vẫn bị neo chặt vào bên ngoài," ông David bình luận.
Tiến sỹ David chỉ ra ba giải pháp cấp thiết để giảm phụ thuộc vào người láng giềng phương Bắc:
  • Phát triển hệ sinh thái nhà cung cấp nội địa: Các SME cần được hỗ trợ để đạt được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
  • Đa dạng hóa nguồn cung khu vực: Tìm kiếm nguồn cung từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia và các quốc gia khác có thể giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một nguồn duy nhất.
  • Nâng cao tính minh bạch: Việt Nam cần cải thiện các hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác minh hàm lượng để tránh những cáo buộc về trung chuyển hàng hóa bất hợp pháp.
"Nhìn chung trên tất cả các lĩnh vực, điều mà cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp trong nước cần nhất chính là sự rõ ràng trong chính sách," Tiến sĩ David kết luận.
 
Doanh nghiệp vừa và nhỏ nào ? :vozvn (22):
Tôi chỉ nhìn thấy 1 đám điêu dân trốn thuế bán hàng giả...

Bowl - Golden Bull said :confident:
 

Có thể bạn quan tâm

Top