Cuộc sống hiện đại có quá nhiều cám dỗ, thử thách

Có lẽ trong trí óc chúng ta, cho dù lớn lên, già đi thế nào chăng nữa cũng sẽ vẫn có những thứ chẳng thể nào quên. Đấy là kí ức của tuổi thơ và kí ức thanh xuân.

Ảnh: TL
Chẳng những thế, bằng trải nghiệm cá nhân, tôi (và có lẽ cả nhiều người khác) nhận thấy càng lớn, càng trưởng thành và nhất là khi có gia đình riêng, chứng kiến sự lớn lên của con hàng ngày, những kí ức bám chặt lấy trí nhớ là những trải nghiệm của thời học sinh. Thời sinh viên đương nhiên cũng có nhiều kỉ niệm nhưng không hiểu sao, sau khi đi làm vài năm những chuyện ấy trong đầu tôi chỉ còn lại là ảo ảnh sương mờ.
Những kí ức thời học sinh cũng thường trở đi trở lại trong những giấc mơ.
Cho đến giờ sau khi đã tốt nghiệp đại học 14 năm và làm giáo viên một thời gian, có những lần tôi vẫn giật mình tỉnh dậy giữa đêm khuya và toát mồ hôi vì trong giấc mơ tôi vừa thấy mình không làm được bài thi và bên tai vang lên tiếng trống hết giờ. Hoặc trong những giấc mơ khác, tôi vẫn thấy mình đánh khăng, thả diều cùng với mấy bạn thời tiểu học. Những gì hằn lên vỏ não trong thời học sinh sẽ có tác động lâu dài đến cuộc đời mỗi người. Cả kí ức vui, hạnh phúc lẫn kí ức buồn đau đều thế.
Có một chuyện đến giờ, khi đứng ở đây tôi vẫn còn nhớ rõ.
Một kỉ niệm buồn.
Ngày đó, khi sắp thi vào ngôi trường này, tôi được gia đình cho lên ôn thi chừng một tháng. Nhà tôi ở dưới xã Liên chung, cách đây chừng 7km. Hồi đó tôi bé tí (và bây giờ cũng chẳng lớn hơn là bao). Mùa hè rất nắng nên bố tôi mua cho tôi một cái mũ nan rất mới. Được mấy ngày thì xảy ra chuyện. Một cậu có lẽ lớn hơn tôi vài tuổi nhà ở thị trấn Cao Thượng đã cùng nhóm bạn “đầu gấu” vào trường trong giờ nghỉ trưa và giật lấy chiếc mũ tôi đang đội trên đầu. Tôi chạy theo giằng lại thì bị cậu ta đấm vào ngực.
Tôi khóc.
Không có ai để cầu cứu. Bạn bè đều sợ hãi. Tôi chạy đi gọi chú Hào (râu) bảo vệ. Chú đuổi theo lấy lại mũ cho tôi nhưng hình như cậu kia có chửi tục nên chú bạt tai cậu ta một cái. Sau đó, cứ đến buổi trưa tôi lại trốn vào một xó nào đó ở trường vì sợ cậu kia trả thù. Hơn 20 năm, chuyện ấy vẫn mới như ngày hôm qua. Nó tạo ra một vết thương trong lòng tôi cho dù tôi không còn thù ghét cậu thiếu niên ấy nữa.
Bạo lực đã hằn sâu vào vỏ não giống như là những kỉ niệm ngọt ngào như thế.
Nhưng tôi biết nỗi khổ sở và rắc rối mà tôi phải chịu đựng là rất nhỏ khi so với nhiều người khác.
Nhiều học sinh ở những ngôi trường khác, ở những thời điểm khác đã phải chịu đựng nỗi khổ đau lớn hơn nhiều cả về thể xác lẫn tinh thần vì bạo lực. Nhiều người, do không vượt qua được sự ám ảnh của bạo lực đã tìm cách tự chấm dứt cuộc đời hoặc lại trở thành thủ phạm gây ra bạo lực.
20 năm đã trôi qua! Thời thế đã khác.
Bây giờ, nhìn các bạn học sinh ngồi đây, bạn nào cũng ăn mặc đẹp và chắc là không có bạn nào còn đi dép tổ ong tới trường nữa. Thời chúng tôi học ở đây, đi dép tổ ong là chuyện thường. Nhưng, cho dẫu thế thì nhìn vào mắt các bạn tôi biết, các bạn cũng có những nỗi buồn và sự lo lắng riêng.
Trước kia chúng tôi buồn vì vào đầu năm học mới bố mẹ không có tiền mua cho mình một bộ quần áo mới. Nhưng giờ đây các bạn lại có thể lại thấy buồn vì cha mẹ cho dù hay mua cho mình thứ nọ thứ kia nhưng lại không thể bỏ ra 5 phút để lắng nghe những gì bạn muốn nói.
Trước kia chúng tôi khổ sở vì không có sách để đọc, không có máy tính để dùng thì giờ đây các bạn có thể lại gặp khó khăn khi có quá nhiều sách để đọc mà không biết đọc sách gì hay không thể nào tập trung đọc nổi.
Trước kia tôi buồn vì buổi tối, mỗi khi học bài xong, ngồi dưới mái hiên nhìn ra chỉ thấy đêm đen phủ kín lũy tre làng.
Còn giờ đây, có bạn lại thấy buồn và trống rỗng trong căn phòng riêng đầy đủ tiện nghi.
Cuộc sống hiện đại đang có quá nhiều cám dỗ và thử thách.
 
Top