Thợ Săn🏹
Con chim biết nói

Hà Nội lên phương án loại bỏ xe máy chạy xăng trong vành đai 1
Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, được yêu cầu xây dựng vùng phát thải thấp, hạn chế xe dùng nhiên liệu hóa thạch. Mục tiêu đến 2028 loại bỏ xe máy xăng trong vành đai 1, mở rộng ra vành đai 2 vào 2030, thúc đẩy giao thông sạch.Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 20 ngày 12/7/2025 với tinh thần hành động quyết liệt, cụ thể, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong thực thi pháp luật về môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba trụ cột phát triển bền vững, song thực tiễn vẫn cho thấy những tồn tại đáng lo ngại. Nhiều đô thị, làng nghề, khu công nghiệp, lưu vực sông... đang đối mặt với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Riêng Hà Nội, ô nhiễm không khí thường xuyên ở nhóm cao trên thế giới, trong khi chất lượng nước sông nội thành liên tục vượt giới hạn cho phép.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số nơi vẫn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; pháp luật còn thiếu đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật.

Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực thi hành, đặc biệt là phù hợp với mô hình chính quyền 3 cấp mới.
Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần
Bộ Công an được giao nhiệm vụ rà soát, điều tra, xử lý triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; đặc biệt là tại các khu vực nhạy cảm như đô thị lớn, làng nghề, lưu vực sông. Trong quá trình điều tra, Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có hành vi thiếu trách nhiệm, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che vi phạm.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tự động, kết nối với Bộ Công an để hỗ trợ giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm. Một trong những điểm đáng chú ý là đề xuất sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng mức phạt, mở rộng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng công an và bổ sung biện pháp cưỡng chế như tạm ngừng cung cấp điện, nước hoặc hạ xếp hạng tín dụng đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu bổ sung thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông và hoàn thiện chính sách ưu đãi cho giao thông xanh. Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thúc đẩy xây dựng hệ thống giao thông công cộng và áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới.
Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, được yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án vùng phát thải thấp, lộ trình hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng đầu tư cho giao thông sạch. Mục tiêu là đến năm 2028 loại bỏ hoàn toàn xe máy chạy xăng trong vành đai 1, mở rộng đến vành đai 2
vào năm 2030.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các cơ sở dịch vụ tại khu vực trung tâm từ quý 4 năm 2025, đồng thời thúc đẩy xây dựng khu công nghiệp tái chế, các nhà máy xử lý rác thải hiện đại nhằm giảm chôn lấp, cải thiện mỹ quan đô thị.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố công khai danh sách các cơ sở sản xuất chưa lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và đôn đốc thực hiện. Tiến độ, nội dung các chương trình, dự án môi trường phải được công khai để người dân giám sát. Trách nhiệm người đứng đầu sẽ là một tiêu chí đánh giá thi đua, phân loại cán bộ.
Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai thanh tra chuyên đề về quản lý môi trường tại các địa phương xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, kể cả chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn hệ thống tín dụng tích hợp tiêu chí môi trường trong xếp hạng tín dụng, nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được giao đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội, lồng ghép nội dung môi trường trong các phong trào thi đua. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam được giao xây dựng chuyên mục tuyên truyền hằng tuần, áp dụng công nghệ truyền thông mới để nâng cao nhận thức người dân.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin và chuyển đổi số được đẩy mạnh trong tiếp nhận, xử lý phản ánh vi phạm qua Zalo, VNeID, đường dây nóng... Cơ sở dữ liệu vi phạm môi trường sẽ được tích hợp vào Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối với dữ liệu dân cư để phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Chỉ thị nêu rõ, trong năm 2025 phải tập trung tối đa nguồn lực để giải quyết rõ nét tình trạng ô nhiễm môi trường, phấn đấu đạt các mục tiêu về môi trường nước, không khí trước năm 2030. Các địa phương phải hoàn thành rà soát hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, triển khai hệ thống quan trắc không khí, thực hiện lộ trình phân loại rác thải tại nguồn và xây dựng vùng phát thải thấp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương định kỳ báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11 hằng năm, sơ kết vào tháng 12/2025 và tổng kết vào tháng 6/2030.