Don Jong Un
Xamer mới lớn


Tranh của Erhan Yalvaç (www.setav.org)
Chiến sự ở Ukraine sắp chứng kiến một bước ngoặt khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump đang cho thấy có sự thay đổi trong cách tiếp cận xung đột, xuất phát từ sự thất vọng của ông với Moscow.
“Ông Putin đã nói nhiều điều vớ vẩn. Ông ta luôn tỏ ra lịch sự, nhưng mọi thứ đều vô nghĩa,” ông Trump nói. Hẳn ông Trump có lý khi nói như vậy. Nghĩa lý gì ở đây khi Putin luôn mồm nói mình sẵn sàng cho hòa bình nhưng lại cương quyết không chấp nhận ngừng bắn.
Vậy là, với việc trước sau không nhượng bộ các yêu cầu cốt lõi của Moscow nhằm giải quyết “tận gốc rễ các vấn đề,” bao gồm việc Ukraine phải nhượng cho Nga Crimea và 4 tỉnh miền Đông và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, ông Putin xem như phải chấp nhận đối mặt với cuộc chiến ở Ukraine ở mức độ cam go hơn và chắc chắn sẽ kéo dài hơn, điều trái với mong đợi của ông ta là cuộc chiến kết thúc càng sớm càng tốt, trước tình hình kinh tế Nga đang bên bờ vực suy thoái.
Nói thẳng ra, ngoài cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine, Putin còn phải đương đầu với cuộc chiến chống suy thoái kinh tế. Tại Diễn Đàn Kinh Tế St Petersburg hôm 20 Tháng Sáu vừa qua, ông Putin nhấn mạnh nền kinh tế Nga không được phép rơi vào suy thoái trong bất kỳ trường hợp nào. “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải bảo đảm nền kinh tế được tăng trưởng cân bằng,” ông Putin nói. Theo ông, tăng trưởng cân bằng nghĩa là lạm phát vừa phải, tỷ lệ thất nghiệp thấp và động lực kinh tế tích cực được duy trì.
Trước đó, Bộ Trưởng Kinh Tế Nga là ông Reshetnikov đã cảnh cảnh báo rằng kinh tế Nga đang tiến gần đến suy thoái, và rằng những quyết định về chính sách tiền tệ sẽ quyết định nền kinh tế có rơi vào suy thoái hay không. Ông này cho rằng kinh tế Nga đang có dấu hiệu giảm tốc. Theo ông, kinh tế Nga đang ở lằn ranh giữa tăng trưởng chậm lại và suy thoái.
Ông Vedyakhin, một lãnh đạo của ngân hàng quốc doanh lớn nhất Nga Sberbank nói với Reuters rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hiện tại ở Nga đang tạo ra rủi ro vượt mức. Theo ông này, mức lãi suất lý tưởng để kích hoạt hoạt động cho vay đầu tư nên ở mức 12% – 14%. Trước đó Nga đã đưa mức lãi suất từ 21% xuống 20%. Nhưng các doanh nghiệp của nước này vẫn than phiền lãi suất quá cao.
Nói đi nói lại, Nga là nước đang trong chiến tranh thì đương nhiên nền kinh tế của nó phải chịu nhiều tác động. Không thể có chuyện kinh tế Nga không bị ảnh hưởng gì như lời tuyên bố trước đây của Thủ Tướng Nga Mikhail Mishustin. Đó chỉ là những lời tự ru ngủ mà thôi. Ông này vốn có bằng tiến sĩ kinh tế nhưng cho dù ông ta có mười bằng tiến sĩ đi chăng nữa cũng khó lòng giúp nước Nga thoát khỏi cảnh lao đao. Nền kinh tế Nga hiện hoàn toàn bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine: Tiền lương cho binh lính, máy bay, xe tăng, tiền bồi thường cho các binh sĩ tử trận…
Ông Putin luôn khẳng định rằng các lệnh trừng phạt của Phương Tây, gồm cả việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và nhiều công ty lớn của Phương Tây rời khỏi Nga không gây ra tổn hại lâu dài cho sự ổn định kinh tế của Nga. Tình hình căng thẳng hiện tại của kinh tế Nga cho thấy lời khẳng định của ông Putin là không đáng tin. Bản thân ông ta chưa chắc còn tin vào lời của chính mình.
Như để trấn an lòng dân, cái gọi là “Quỹ Dư Luận Công Chúng” do Moscow điều hành đưa ra một cuộc khảo sát cho thấy mức độ tin tưởng của người dân Nga vào ông Putin vẫn ở mức suýt soát 80%. Chẳng ai tin thứ khảo sát này vốn được cho là do Moscow bịa ra để người ta tưởng rằng dân Nga vẫn tin cách chính phủ điều hành đất nước, và rằng nước Nga do Putin lèo lái vẫn đang đi đúng hướng.
Vậy là trong khi phải căng đầu lo đối phó với cuộc chiến ở Ukraine, Moscow còn phải đương đầu với cuộc chiến chống suy thoái kinh tế. Nếu Moscow thất bại trong cuộc chiến chống suy thoái kinh tế thì ắt cũng sẽ thất bại trong cuộc chiến ở Ukraine. Đây chính là lý do ông Putin muốn cuộc chiến ở Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt. Cái khó của ông ta là phải đưa nước Nga ra khỏi cuộc chiến trong thế thắng, với 4 tỉnh miền Đông của Ukraine thuộc về Nga ngoài Crimea vốn đã thuộc về quyền kiểm soát của Nga từ năm 2014. Còn nếu chỉ giữ được Crimea thì xem như Nga là kẻ bại trận trong cuộc chiến mà ông ta đã phát động ở Ukraine. Khi đó ông ta không còn lý do gì để tiếp tục ngồi trên đầu dân Nga.
Lúc này đây, có lẽ ông Putin và bộ sậu của ông ta ước gì nước Nga đang ở thời kỳ trước năm 2022, thời kỳ tuyệt đẹp của nước Nga. Nhưng làm sao được. Mơ ước chỉ là ước mơ