Don Jong Un
Xamer mới lớn


Thuyền, tác phẩm của nhà văn Việt kiều Nguyễn Đức Tùng vừa ra mắt (Netabooks)
LTS: Thỉnh thoảng, vẫn có những văn nghệ sĩ từng ra đi tỵ nạn, rồi quay lại trong nước ra mắt sách, nhạc… Thương nhớ công chúng là đồng bào, đó là lẽ thường. Nhưng trong đó có những người đổi giọng, gập gối mọp lưng để làm những điều cho hệ thống cầm quyền xoa đầu, khen ngợi. Đôi khi họ còn trắng trợn đến mức vẽ ra những suy nghĩ khác, câu chuyện khác để đạp trên lưng đồng bào cùng chung khổ nạn một thời để hối hả bước về phía cường quyền.
Hồi đầu tháng Bảy này, Yến Năng có thể là một nghệ sĩ, nghệ nhân điêu khắc, ở Hà Nội, bị phòng an minh mạng sở tại mời lên làm việc, về một số nội dung mà người này đăng tải trên trang cá nhân cùng tên.
Sau buổi làm việc trở về, nghệ sĩ này cũng viết lại nội dung làm việc với phía công an. Trong đó, có đoạn như sau:
“Cuối buổi, Công an nói với tôi, nếu anh muốn triển lãm hay làm sự kiện gì đó mà gặp khó khăn, cứ chia sẻ, các anh ấy sẽ giúp đỡ nhiệt tình. Tôi cảm ơn và giải thích thêm, đại khái, tôi muốn người nghệ sĩ được tự do biểu đạt ở bất cứ đâu, theo bất cứ hình thức nào mà họ chọn mà không cần đến sự giúp đỡ mang tính cá nhân”.
Tôi không quen biết ông/bà Yến Năng, nhưng qua nội dung câu chuyện trên, tôi thấy kính trọng cách trả lời khước từ thẳng thắn trước những cám dỗ cho bản thân về danh và lợi. Yến Năng đã không chọn thứ “công lý một mình”, mà thay vào đó là “muốn người nghệ sĩ được tự do biểu đạt ở bất cứ đâu, theo bất cứ hình thức nào mà họ chọn”.
Tôi kính trọng, vì người nghệ sĩ này, trong thời không ấy, vẫn giữ gìn được sự tôn nghiêm của một kẻ sĩ, không vì miếng ăn, hay bả danh lợi mà cúi đầu, khom lưng, vuốt ve giai tầng cai trị, hòng đổi chác phẩm hạnh mang về lợi ích vật chất, hay na ná thế.
Nhiều năm về trước, sau khi người ta cưỡng bức không cho tôi kinh doanh buôn bán quán cà phê, triệt đường sống thì họ lại ân cần đưa ra những lời cám dỗ, muốn mở quán lại thì sẽ được hỗ trợ. Hoặc nếu tôi muốn viết báo cho họ, thì sẽ cho tôi cơ hội. Kể cả việc, khuyến khích tôi gia nhập Hội Nhà văn, thậm chí gởi tác phẩm (thơ) dự thi thì có thể sẽ đoạt giải.
Tôi mỉm cười cám ơn và từ chối tất cả. Tôi nói rằng, báo chí cần trung thực, nhưng báo chí cách mạng dường như chỉ phục vụ cho lý tưởng, mà Tổng Bí thư cuối cùng của Liên Xô từng nói: chỉ tuyên truyền và dối trá. Còn tôi có bệnh, chỉ cần nghe nhắc đến tên ông Chủ tịch Hội Nhà văn là tôi lại buồn nôn. Thì làm sao tôi có thể (xin) gia nhập vào mớ hổ lốn ấy. Hơn nữa, thơ của tôi là thứ thơ không kiểm duyệt, thì liệu họ có hiểu để mà trao giải, nếu có?
Ở chiều hướng khác, tôi thấy nhiều văn nghệ sĩ, một mặt chỉ trích xứ sở mà họ đang sống, không có quyền tự do biểu đạt, tự do tư tưởng, sáng tác. Và chỉ trích cả những cái Hội ăn hại tiền thuế của dân kia. Nhưng, chính họ lại là thành viên của Hội, còn tỏ vẻ hãnh diện về điều này, kể cả tham gia vào các cuộc thi mà Hội tổ chức.
Chao ôi, thế mới biết cái bả danh lợi mới đáng sợ và gớm ghiếc dường nào.
Hay mới đây, một tác phẩm Thuyền của nhà văn nào đó, với nội dung được cho là viết về Thuyền Nhân sau biến cố 30 tháng Tư 1975, được cấp phép xuất bản, thì người ta đã hồ hởi, phấn khởi ca tụng chính quyền “tạo điều kiện”, và hoang tưởng như Việt Nam đã thôi không còn kiểm duyệt mọi thứ, kể cả tư tưởng toàn dân.
Chẳng qua, tác phẩm Thuyền có những đoạn vuốt ve kiểu: “Thuyền có đau thương ly tán, đầy máu và nước mắt nhưng không có oán thán, hận thù. Thuyền có bi kịch, ân hận, sám hối nhưng không có đổ lỗi hay buộc tội”. Đây là thứ văn chương gian trá, khác xa với một sự kiện có thật. Nếu so sánh bản chất với tác giả của Chuyện Làng Nhô thì không khác biệt là mấy.
Có lẽ cùng tần số nên được cấp phép xuất bản mà thôi. Xin hãy nhớ về số phận bi đát của tác phẩm Gạc Ma và Vòng Tròn Bất Tử, và hằng hà những tác phẩm lịch sử, văn chương nghệ thuật khác, cũng như tác giả của chúng.
Bây giờ, muốn xuất bản một tác phẩm (tiếng Việt), thì có nhiều cách, kể cả bên ngoài biên giới Việt Nam. Hãy khắc nhớ điều này.
Tôi còn nhớ bức biếm họa của họa sĩ nổi tiếng ở Âu châu, với nội dung rằng, những thế chế độc tài thường chọn treo lên cổ bọn văn nghệ sĩ thật nhiều giải thưởng và miếng ăn, và đó sẽ là thước đo về phẩm hạnh liệu xem chúng có biết khước từ, hay cúi đầu vẫy đuôi vâng phục.
Xin đừng nhân danh vì miếng ăn, hay cơm áo gạo tiền, để rồi cắm đầu vào trong ấy, bất chấp liêm sỉ để nhận về chút bả vinh hoa, nhưng là thứ thừa thải của bọn người ban phát.