
Không phải ai cũng đủ bình thản để đứng trong đám cưới của người từng đầu ấp tay gối, lại càng ít người đi cùng… mẹ ruột của mình.
Tôi là Quân, 34 tuổi, đang sống cùng vợ và con trai đầu lòng ở Hà Nội. Nhưng buổi trưa hôm nay, thay vì cùng vợ đi ăn trưa như thường lệ, tôi lại cùng mẹ mình… đi dự đám cưới của người phụ nữ từng một thời là tất cả của tôi.Vợ cũ của tôi - Mai - hôm nay kết hôn lần hai.
Cô ấy từng là mối tình 7 năm của tôi, là người mà tôi nghĩ sẽ cùng mình đi đến tận cuối đời. Nhưng rồi đời sống hôn nhân đâu chỉ cần tình yêu để duy trì.

6 năm sau ly hôn, tôi và mẹ lại tay trong tay đến dự ngày trọng đại của… cô ấy (Ảnh minh hoạ: Sina).
Hồi đó, sau khi cưới, chúng tôi hăm hở tính chuyện sinh con. Thả nửa năm chẳng thấy tin vui, đi khám thì bác sĩ nói khả năng có con của Mai rất thấp.
Chúng tôi vẫn tin chỉ cần cố gắng, điều kỳ diệu sẽ đến. Suốt 3 năm, thuốc Bắc, thuốc Nam, Tây y, Đông y, không nơi nào chúng tôi chưa thử. Nhưng những hy vọng mong manh cứ dần mờ nhạt theo từng lần thất bại.
Càng cố gắng, không khí giữa chúng tôi càng nặng nề. Tôi là cháu đích tôn trong gia đình, gánh nặng sinh con nối dõi trở thành sức ép đè lên cả hai. Cô ấy mệt, tôi cũng mệt. Có những ngày, tôi không kiềm được mình, để lời nói tổn thương phóng ra như gai. Mai không trách, chỉ im lặng.
Một buổi tối, sau khi ăn cơm xong, cô ấy nhìn tôi rất lâu và nói nhẹ: “Anh mệt rồi, em cũng thế. Hay mình dừng lại, để mỗi người được thở một chút?”.
Chúng tôi ly hôn trong sự tôn trọng. Thủ tục diễn ra yên bình, không tranh cãi, không nước mắt. Trước khi rời tòa, chúng tôi còn ôm nhau, một cái ôm cuối cùng, thay lời cảm ơn cho tất cả.
6 năm trôi qua, chúng tôi không liên lạc nhiều. Phải nói rằng, để tránh vướng bận cảm xúc cho cả hai, chúng tôi chủ động giữ khoảng cách.
Nhưng mối quan hệ giữa hai bên gia đình vẫn tốt đẹp đến kỳ lạ. Mẹ tôi và mẹ Mai vẫn thường đi ăn, thi thoảng còn rủ nhau đi chùa. Bố tôi và bố Mai vẫn gọi nhau là “thông gia”, như thể chẳng có cuộc ly hôn nào từng xảy ra.
Tôi cũng đã đi bước nữa, vợ hiện tại là bạn cấp 3, đi du học về đúng lúc tôi đang chơi vơi giữa hai lựa chọn: Độc thân hay cho mình cơ hội mới. Chúng tôi cưới vào năm 2021, năm sau thì chào đón con trai đầu lòng. Hôm đầy tháng con, Mai cũng tới, mang theo món quà nhỏ và nở nụ cười hiền lành như ngày cũ chúc mừng vợ chồng tôi.
Còn hôm nay, tôi ngồi giữa tiệc cưới của Mai, lặng lẽ nhìn người phụ nữ từng là vợ mình, diện váy trắng, rạng rỡ bên người chồng mới.
Chồng cô ấy, tôi nghe mẹ kể, là người đàn ông từng một mình nuôi con nhỏ sau khi vợ cũ bỏ đi. Cậu ấy trẻ hơn Mai một tuổi, cao ráo, đàng hoàng và điềm tĩnh. Họ quen nhau sau một lần làm từ thiện rồi bén duyên lúc nào không ai rõ. Nhìn ánh mắt họ trao nhau hôm nay, tôi hiểu đó là hạnh phúc.
Khi Mai cùng chồng mới đến chào mâm, mẹ tôi nắm tay cô ấy, nở nụ cười đầy cảm động: “Mẹ mong con hạnh phúc. Không chỉ mẹ, mà cả Quân cũng mong như thế”.
Tôi cũng gật đầu. Có lẽ suốt bao năm qua, điều khiến tôi day dứt không phải là mất đi một người vợ, mà là nỗi sợ cô ấy không thể có được điều tốt đẹp hơn sau ly hôn. Hôm nay, tôi yên tâm rồi.
Sau đám cưới, trên đường về, mẹ tôi im lặng một lúc rồi nhẹ nhàng hỏi: “Con có thấy tiếc không?”. Tôi cười: “Không mẹ ạ. Con thấy nhẹ lòng”.
Tình yêu đôi khi không chỉ là nắm giữ. Có khi, buông tay đúng lúc lại là điều tử tế nhất chúng ta có thể dành cho nhau.
Nếu bạn hỏi tôi ly hôn có phải là điều tồi tệ không, tôi sẽ nói: "Không". Đó đơn giản là lựa chọn để mỗi người đi đúng con đường dành cho mình. Như tôi và Mai, rẽ lối nhưng đều tìm thấy hạnh phúc.
Và tôi biết, ở một nơi nào đó trong trái tim mình, tôi vẫn luôn mong cô ấy được bình yên.
Tôi biết, câu chuyện của mình có thể khiến nhiều người bất ngờ, có thể cảm động, cũng có thể hoài nghi. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn tin rằng, không phải cuộc ly hôn nào cũng là thất bại và không phải kết thúc mối quan hệ nào cũng mang theo tổn thương.
Có lẽ, chúng tôi từng sai khi nghĩ rằng, tình yêu chỉ sống được trong hôn nhân. Nhưng hôm nay, khi đứng giữa hôn lễ của người cũ, tôi mới hiểu, có những tình cảm dù đã đổi tên, vẫn xứng đáng được tôn trọng.
Còn bạn thì sao? Nếu một ngày phải đối mặt với tình huống như tôi, đi dự đám cưới của người từng là vợ/chồng mình, bạn sẽ phản ứng thế nào?
Bạn nghĩ sao về việc sau ly hôn, hai bên vẫn có thể giữ gìn một mối quan hệ tốt đẹp?