Don Jong Un
Xamer mới lớn


Bà Hoàng Thị Thúy Lan, cựu bí thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc, bị tố nhận hối lộ hàng triệu đôla. (Hình minh họa: Phúc Bình/Thanh Niên)
Từ năm 2012, nhiều chuyên gia đã đề nghị ban hành luật truy thu tài sản bất minh. Tuy nhiên, đến năm 2024, luật này vẫn nằm trong “danh mục nghiên cứu.” Cho đến tận thời điểm này, vấn đề “lập hội đồng xử lý tài sản thi hành án các vụ đại án kinh tế, tham nhũng” vẫn tiếp tục được “đề xuất” – như bài báo ngày 15 Tháng Năm, trên VTC News cho biết.
Người ta tiếp tục bàn luận và “góp ý” sôi nổi, chẳng hạn hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Thi Hành Án Dân Sự – Giải pháp xử lý tài sản trong thi hành án các vụ án kinh tế” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 14 Tháng Năm.
“Lưới” pháp luật
Người dân vẫn thường nghe rằng “pháp luật chưa hoàn thiện,” “chưa có chế tài cụ thể,” hay “khó chứng minh tài sản do tham nhũng mà có.” Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ khác: Người nắm pháp luật có thật sự muốn dùng pháp luật để thu hồi tài sản không?
Trong vụ đại án Việt Á, ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á, khai chi tiền “lại quả” hàng trăm tỷ đồng cho hàng loạt quan chức, nhưng trong danh sách tài sản bị kê biên gần như không thấy có bất kỳ khoản tiền mặt lớn nào. Tiền đã đi đâu? Những kẻ nhận tiền “hoa hồng” đã rửa tiền bằng cách nào?
Câu trả lời nằm ở sự tinh vi của nghệ thuật tẩu tán.
Biến tiền thành đất: Trước khi bị điều tra, nhiều quan chức kịp thời mua nhà đất đứng tên người thân, đôi khi còn đầu tư vào dự án hạ tầng hoặc bất động sản du lịch. Các dự án này được bảo vệ bằng “quan hệ” và giấy tờ pháp lý tinh vi.
Gửi ra nước ngoài: Theo một báo cáo không chính thức từ Ngân Hàng Nhà Nước, hàng trăm triệu đô la đã được chuyển hợp pháp ra nước ngoài dưới hình thức “đầu tư gia đình,” mua quốc tịch Malta, Cyprus, Canada… Đây là một hình thức rút tài sản có kế hoạch, hợp pháp hóa sự tẩu thoát.
Tạo công ty bình phong: Các công ty do vợ hoặc người thân đứng tên, không có hoạt động kinh doanh thực tế, nhưng sở hữu khối tài sản lớn. Một dạng rửa tiền nội địa.
Quỹ từ thiện giả: Một số quan chức lập quỹ “từ thiện” để chuyển tài sản từ dạng “tiền bẩn” sang hình thức “có mục đích nhân văn,” nhưng thực chất là tiền không bao giờ đến người nghèo.
Lá bùa “về hưu”
Không khó để thấy rằng nhiều vụ đại án chỉ được điều tra sau khi các quan chức đã nghỉ hưu. Họ ung dung rút lui, sống trong biệt thự cao cấp, đi chùa xì xụp vái Phật, thỉnh thoảng thăm hỏi các đồng chí lão thành cách mạng gần đất xa trời. Đôi khi, tại các đám tang viên chức chính trị cấp cao, người dân cũng thấy họ tụm năm túm bảy đi viếng…
Trước khi bị khởi tố, ông Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Y Tế) đã kịp rút khỏi các vị trí quản lý. Tài sản của ông được cho là “không rõ nguồn gốc,” nhưng lại không thể kê biên đầy đủ vì phần lớn đứng tên con và vợ. Tương tự, cựu Thứ Trưởng Tài Chính Nguyễn Hữu Chí bị kết luận có liên quan đến việc buông lỏng quản lý trong vụ công ty Nhựt Thành Tân, nhưng không bị truy tố vì đã nghỉ hưu. Cần nhắc lại, trước khi “hạ cánh an toàn,” ông Nguyễn Hữu Chí đã được trao Huân Chương Độc Lập Hạng Nhì (năm 2017).
Bài báo về vụ này trên trang web Bộ Tài Chính còn lưu: “Sinh ra và lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là người con của Liệt sĩ, Đồng chí Nguyễn Hữu Chí được Đảng, Nhà nước quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Với kiến thức sâu rộng về quản lý kinh tế, tài chính, ngân hàng, đồng chí đã có đóng góp to lớn vào công tác quản lý Nhà nước trong nhiều lĩnh vực của ngành Tài chính…”
“Đã nghỉ hưu” trở thành một dạng miễn trừ ngầm, khi chính quyền không bao giờ đụng chạm đến các đồng chí từng có công lớn với “sự nghiệp xây dựng đất nước,” từ “đồng chí X” Nguyễn Tấn Dũng đến đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, từ “đồng chí Hai Nhựt” Lê Thanh Hải đến cựu Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng…
Đây là sự thất bại chính trị?
Vấn đề không chỉ là lỗ hổng pháp lý mà là tính trật tự của quyền lực. Khi một cán bộ cấp cao bị xử lý, sẽ có hàng loạt hệ quả dây chuyền trong hệ thống quan hệ chồng chéo. Từ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp ngành, cho đến các doanh nghiệp sân sau. Đụng đến một người là đụng đến một mạng lưới.
Không thể chống tham nhũng nếu vẫn duy trì cơ chế kiểm tra nội bộ thiếu độc lập và báo chí chẳng bao giờ được phép điều tra mà chỉ lặp lại y khuôn “kết quả điều tra” của công an. Việc kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo không có người kiểm chứng thì khác nào cho phép hợp pháp hóa tài sản bất minh. Chừng nào quyền lực chính trị còn có thể đứng trên luật pháp, chừng đó tài sản tham nhũng còn được che chắn.
Trong khi Indonesia, Nam Hàn, Singapore… đều có cơ chế pháp lý cho phép “chứng minh tài sản lành mạnh” thay vì “chứng minh tài sản bất minh.” Nghĩa là, nếu anh có 50 tỷ, anh phải chứng minh được anh kiếm 50 tỷ ấy từ nguồn nào. Nếu không, nhà nước có quyền thu giữ. Ở Việt Nam thì ngược lại. Nhà nước phải chứng minh tài sản của “đối tượng đó” có từ đâu, được tạo ra như thế nào, có liên quan đến vụ án không.
Không thu hồi được tài sản tham nhũng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là thất bại chính trị – ít nhất trên bề mặt là như thế. Người dân không ngu. Họ thấy kẻ ăn cắp tiền ngân sách vẫn sống sung sướng, con cái học trường quốc tế, đi xe sang, còn mình thì nai lưng đóng thuế từng đồng. Khi niềm tin bị bào mòn, xã hội sẽ trở nên vô cảm trước bất công. Người dân sẽ không còn muốn tố giác (thật ra cũng chẳng dám tố giác), không còn tin vào cơ quan kiểm tra, không còn trông đợi vào cơ chế “làm trong sạch nội bộ.” Họ chỉ còn một lựa chọn. Đó là co cụm, tránh xa chính trị, và sống lặng lẽ như một cách tự vệ. Tức lắm thì “chửi lén” trong nhà thôi.
Muốn thu hồi tài sản, phải thu hồi đặc quyền và đặc lợi. Không thể chống tham nhũng nếu không dám động đến vùng cấm quyền lực. Không thể thu hồi tài sản nếu vẫn giữ cơ chế “về hưu là an toàn,” hoặc “tài sản đứng tên vợ con là bất khả xâm phạm.” Chừng nào luật pháp còn bị chính trị hóa, chừng đó những chiếc ô quyền lực vẫn tiếp tục che chắn cho tài sản bẩn. Và như thế, chống tham nhũng và “đốt lò” mãi là một trò trình diễn, thay vì một cuộc cải cách thể chế thật sự.
Nếu nhìn từ góc độ pháp lý, rõ ràng việc không thu hồi được tài sản tham nhũng là một thất bại hành chính và tư pháp. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh quyền lực chính trị, nó lại có thể được hiểu như một “thành công” – không phải của công lý, mà của một cơ chế được thiết kế để bảo vệ chính nó.
Thể chế ấy tưởng chừng hỏng nhưng thật ra không thất bại. Nó đang vận hành chính xác theo cách mà nó được lập trình. Đó là bảo vệ cấu trúc quyền lực bằng cách giữ lại các mắt xích, dù đã “nghỉ hưu,” bảo đảm sự trung thành bằng cách không truy xét tận cùng tài sản bất minh, biến chống tham nhũng thành trò chơi quyền lực có kiểm soát, nơi ai bị xử và xử đến đâu đều là kết quả của việc “thống nhất trong nội bộ,” chứ không phải do áp lực công lý hay nhân dân.
Việc không thu hồi được tài sản tham nhũng không còn là biểu hiện của năng lực yếu kém mà là sản phẩm của một cơ chế đã “tự hoàn thiện” trong việc… duy trì vùng an toàn cho kẻ đương chức lẫn bọn từng có quyền. Bởi vì, trong một hệ thống mà tài sản và quyền lực đi liền với nhau như hình với bóng thì việc động vào tài sản là động vào quyền lực – mà động vào quyền lực là làm lung lay chính nền móng tồn tại của thể chế.
Chống tham nhũng ở Việt Nam luôn có “giới hạn.” Và giới hạn ấy chính là điều bất khả xâm phạm của một thể chế dựa trên hệ thống bất minh, từ trung ương xuống địa phương. Vì vậy, câu hỏi “tại sao không thu hồi được tài sản tham nhũng?” đôi khi không cần trả lời bằng lý lẽ pháp luật, mà bằng một sự thật hiển nhiên: Đơn giản vì người ta không muốn.