Đạo lý Kinh Nghiệm Học Phật - Vấn đáp Phật Pháp

PHẬT PHÁP CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI BIẾT CHÁN SỢ SINH TỬ.


Chỉ vậy thôi,

Không có biết chán sợ sanh tử thì Phật Pháp nầy tôi năn nỉ đừng có rớ tới là vì ba lý do :


1️⃣

Không có chán sợ sanh tử thì mình không có chấp nhận nỗi lời Phật bởi vì Phật xúi mình đi ra mà.
Mình chấp nhận không có nỗi.

2️⃣

Không chán sợ sanh tử thì có nghĩa là mình đang Mê.
Nếu mình còn Mê thì tại sao mình lại đúc cái đầu vô cái con đường lìa bỏ làm chi.

3️⃣

Cái lý tưởng Phật Pháp đi ngược lại cái đời sống của mình thì tại sao mình ngu dại gì mình đúc cái đầu vô trong đó.

Vì thế, Phật Pháp chỉ dành cho một hạng người duy nhất là biết CHÁN SỢ SANH TỬ.
Kẻ nào còn cầu mong hưởng phúc Nhân Thiên, còn mong được hưởng cái trăng thanh gió mát là kẻ đó chưa có phải là cầu đạo Giải Thoát.
Phải thấy một phút hít thở của La Hán cũng là Khổ thì mới thật sự chán sợ sanh tử ...!!!


Gớm như vậy đó,
Phải đến mức như vậy.
Cái một phút hít thở của La Hán chứ không phải của mình nha, một phút thôi cũng là Khổ thì mới thật sự là chán sợ sinh tử. Còn thấy mình còn muốn được cái nầy, cái kia là Chết.

Và tôi đã nói cái cuối cùng, mình thấy một phút mà hít thở của vị La Hán có gì đâu.
Hít với thở thôi đâu có gì mà thơm ngon, béo ngọt, bùi giòn gì đâu ...
Nhưng mà hễ còn có mặt là còn Khổ nha.

Đức Phật dùng hình ảnh nầy nè :

● Ngài nói giống như phân người dầu cho nó là một đống lớn hay nó chỉ dính một miếng nhỏ xíu trên đầu cây que thì lúc nào nó cũng là phân, lúc nào cũng đáng gớm.

● Dầu nó là một đống lớn hay chỉ là một miếng ở đầu que gỗ thì phân ở đâu cũng là phân.

● Ngài nói bất cứ hình thức hiện hữu nào, dầu thô hay là tế đến mấy thì cũng đều là đáng chán, đáng sợ hết.


Cái người không hiểu Đạo, không học Giáo Lý, không hành Tứ Niệm Xứ thì không có tin được cái chỗ nầy.

Các vị rất là ngạc nhiên là tại sao Đức Phật Ngài nói về cái chuyện sanh tử, cái chuyện có mặt ở đời này bằng cách nói rất là khắc khe, nghiêm túc như vậy.

Các vị phải thấy biết như vậy thì các vị mới thấy Ngài nói đúng.

Các vị thử tưởng tượng đi, cái này tôi đang nói kiểu thường thức dành cho người dốt đặc không có biết gì hết nè.
Trong một ngày, cái Tâm ác và Tâm thiện của quý vị cái nào nhiều hơn ...?!

Chắc chắn là Tâm ác nhiều hơn Tâm thiện rồi từ đó suy ra bước ra ngoài đời nhắm mắt quơ tay toàn là người xấu nhiều hơn người thiện không à.
Tại vì bản thân đã là xấu.

Các vị tưởng tượng đi, mình xấu mà chung quanh mình toàn là người xấu thì hỏi quý vị vậy có cơ hội nào để mà mình làm thiện không.
Rất hiếm.
Toàn là chuyện tầm bậy không.

● Bây giờ, các vị có nhan sắc một chút, có tiền một chút, có sức khỏe một chút, có tuổi trẻ một chút thì thử hỏi các vị cái tâm tình nào mà các vị tìm đến với Phật Pháp ...?!

Làm ơn trung thực, làm ơn chân thành với lòng mình một chút đi.
Bây giờ các vị có tiền, có sức khỏe, có nhan sắc, có tuổi trẻ, có uy tín quyền lực, có chức vụ, đặc biệt là có tình cảm nam nữ đang mùa yêu thì hỏi có bao nhiêu kẻ chịu đến để mà nghe đạo ...?


Nhưng mà các vị chán đời, sợ khổ nên trong cái room nào giảng cũng nhào vô nghe không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, nghe được cái gì bỏ túi bao nhiêu hay bấy nhiêu.

● Cho nên cái đạo này, là dành cho cái người Ly Tham, dành cho những người muốn Tịch Diệt, dành cho những người chán sợ Sanh Tử.

Ác nhiều bao nhiêu thì khổ nhiều bấy nhiêu.

Khi nào, cơ hội làm ác nó nhiều hơn cơ hội làm thiện thì cái cơ hội Đọa lớn hơn cái cơ hội sanh về Nhân Thiên.
Cái cơ hội làm giun, làm trùn, làm dòi, làm bọ nó lớn lắm.

Còn cái chuyện mình quay trở lại mình làm nam thanh nữ tú, tài tử giai nhân, đủ ăn đủ mặt, có học, có tiền, có nhan sắc, có sức khỏe, rồi có tình yêu, có quyền lực, có chức vụ ....


Tôi xin hứa với các vị cái chuyện đó nó hiếm dữ lắm.
Hiếm lắm ...
 
Sửa lần cuối:
Hỏi : TẠI SAO TU PHẬT CÒN ĐAU KHỔ HƠN CHƯA TU , ĐÁNH MẤT CẢ NIỂM TIN ?

Đáp:


Chắc chắn các vị nghe câu “hồng nhan bạc phận”. Thật ra, người đẹp hay người không đẹp đều có khả năng bạc phận như nhau. Nhưng tại sao người ta nói “hồng nhan bạc phận”? Là bởi vì thân phận của một người đàn bà có nhan sắc thường được chú ý nhiều hơn.

Năm nay tôi 50 ngoài dầu tôi ở trong chùa tôi cũng có dịp biết rằng Nam, nữ, đẹp và không đẹp đều có khả năng đau khổ như nhau hết nhưng mà vì nếu chúng ta là một giai nhân chúng ta thường được thiên hạ chú ý. Từ đó, nếu chúng ta may mắn, hạnh phúc thì người ta không có gì để nói. Còn nếu chúng ta sóng gió bất hạnh thì thiên hạ mới có cái để ý. Và, từ đó, có câu “hồng nhan bạc phận”.

Thưa đại chúng.

Trong Phật pháp mình có một vấn đề rất là lớn mà mình đặc biệt chú ý.

Đó là, hành giả tu tập Tuệ Quán hay không phải hành giả tu tập Tuệ Quán, thì phải luôn luôn nhớ một điều đó là tuyệt đối chỉ hành thiện lánh ác và xem thiện, ác, buồn, vui là những thứ đang từng phút trôi qua đời mình, chỉ xem 4 thứ đó trôi qua đời mình thôi; đừng có ý muốn trốn khổ tìm vui thì chuyện đó chỉ đem lại thất vọng mà thôi.

Là vì 2 lý do.

🌱
Thứ nhất,
nói về tiền nghiệp quá khứ thì chúng ta luôn có nhiều ác nghiệp hơn thiện nghiệp. Cho nên, đời này chuyện chúng ta trốn khổ tìm vui rất khó.

Còn nói về hiện tại, do khuynh hướng tâm lý, mình luôn luôn trốn khổ tìm vui, cho nên, trốn được bao nhiêu khổ cũng không đủ và tìm được bao nhiêu cái vui cũng không đủ. Thế là, khi nào còn sống ở đời này với một tâm niệm trốn khổ tìm vui, thì khi đó chúng ta không thể nào an lạc được.

🌱
Chuyện thứ hai,
khi còn có lòng đầu tư, kiếm tìm, vun bồi công đức và lấy đó làm điều; tu tập hạnh lành một cách tự nhiên là khác, còn thu gom công đức theo kiểu lượm ve chai là khác.
Khi còn có lòng nhìn về cái thiện như một kiểu đầu tư, khi tìm về hạnh phúc như một kiểu đầu tư thì khi đó chúng ta chưa có thể rốt ráo được.

Giờ chúng tôi quay lại câu hỏi.

Tại sao Phật tử tu tập cách mấy vẫn đau khổ? Thì tôi xin nói rõ rằng.

Chính ngay từ bước đi đầu tiên, khi chúng ta nghĩ rằng: Hễ tu theo Phật thì sẽ được an lạc, chúng ta đã sai rồi, vì đức Phật không hứa hẹn là theo Ngài sẽ được an lạc.

Mà Ngài chỉ có dạy mình một điều, nên sống thiện, bởi vì nếu có một kiếp sau, các vị coi chánh kinh, Ngài có xài chữ “nếu”. Nếu có một kiếp sau thì người sống thiện đương nhiên có chốn về an lành; còn giả định như không có một kiếp sau thì người sống thiện đương nhiên có đời sống anh lành và có cái chết đẹp. Trong kinh có nói như vậy.


Cho nên, chuyện quan trọng nhất là người Phật tử đến với đạo Phật không phải để đi tìm niềm vui, không đi tìm hạnh phúc mà như nhiều lần tôi nói, tu để chứng thánh không giống như việc tu để không còn phàm. Hai cái khác nhau nhiều lắm. Bởi vì mình không biết thánh ra sao nhưng mà phàm thì mình biết.

Cho đến bao giờ mình thấy phàm tâm mình còn thì mình biết rằng mình còn nỗ lực.

-Chuyện thứ nhất , tu để không còn phàm tốt hơn tu để chứng thánh.

- Chuyện thứ hai, tu là để buông bỏ không phải tu để có cái chứng đắc, có cái chứng đạt.


Tôi biết tôi nói nhiều người bị sốc nhưng mà đó là sự thật. Mình tu để buông chứ không phải tu để được.
Tu với ý niệm tu để được cái này, tu để được cái kia nó rất là nguy hiểm.

Cho nên, tu để buông, không phải tu để được. Tu để không còn phàm không phải tu để chứng thánh. Đó là cốt lõi tâm niệm của người tu Phật.

Và nếu mà chúng ta đến với đạo Phật bằng tâm niệm như vậy đó thì chúng ta không có trông đợi mình sẽ là người Phật tử hạnh phúc an lạc. Mà chúng ta chỉ cần mình ngày một tốt hơn.

Tốt ở đây có nghĩa là gì? Nhiều người trong đạo Phật nói rằng, Phật pháp hôm nay là mạt pháp, không thấy ai chứng đạo chứng thánh, chứng thiền chứng thông. Tôi nói “Có chứ. Có” Ngày nào còn có người tu Phật pháp thì ngày đó còn có người thành tựu các phép lạ. Cả pháp hội rất là ngạc nhiên.

Tôi nói rằng, chúng ta tuyệt đối phải tin rằng hôm nay trong thời buổi này, người Phật Việt Nam nói riêng và Phật tử toàn cầu nói chung, chúng ta phải tuyệt đối tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể có những phép lạ.
Phép lạ đó là gì?

- Đó là những chuyện lẽ ra nó không thể xảy ra mà nó lại xảy ra. Thí dụ như trong hoàn cảnh đó không thể nào có Từ Tâm, không thể nào có bao dung vậy mà người Phật tử vẫn có từ tâm, vẫn có bao dung, vẫn có hào sảng. Thì đó là phép lạ.

- Chuyện thứ hai, lẽ ra trường hợp đó mình nổi giận nhưng người Phật tử không nổi giận. Trường hợp đó cũng là phép lạ.


Và, các vị đừng có nói tôi nói ví von, đẩy đưa, mà phải nói rằng, giả định như chúng ta có khả năng đi trên mặt nước, đi trên than hồng, tôi xin thưa đại chúng, hai khả năng đó chỉ làm cho mình vui mắt thôi. Bởi vì những khả năng đó thấy nó hay thiệt nhưng nó chỉ thỏa mãn trí tò mò ở mình thôi, chứ không đem lại lợi ích cho ai hết. Chứ mình ngược lại, nếu đại chúng trước mặt tôi mà các vị có khả năng không nổi giận trong trường hợp đáng nổi giận, hào sảng trong tình huống không có gì để hào sảng thì đối với tôi đó làphép lạ.

Nếu nói như vậy thì hôm nay, Phật tử Việt Nam nói riêng, Phật tử thế giới nói chung, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, Phật pháp vẫn còn đó với những người thành tựu phép lạ, và nếu mình tu tập với niềm tin, với nhận thức như vậy chúng ta sẽ được an lạc.

An lạc ở đây không phải hiểu theo nghĩa thế gian là được tăng phúc, tăng lộc, tăng thọ mà an lạc ở đây có nghĩa là chúng ta sống giữa dòng đời với nhận thức rất là tỉnh. Chúng ta làm ơn định nghĩa lại thế nào là hạnh phúc? Thế nào là đau khổ? Như tôi đã hàng vạn lần tôi nói. Phải định nghĩa lại. Hạnh phúc và đau khổ đến từ chuyện mình quan tâm đến cái gì, thì mỗi người có kiểu quan tâm khác nhau. Và chính vì mối quan tâm đó được thỏa mãn thì mình gọi đó là hạnh phúc. Nó không được đáp ứng mình gọi đó là đau khổ. Như vậy thì, vấn đề quý vị đau khổ hay hạnh phúc nó năm ở ngay bản thân quý vị là: Quý vị quan tâm cái gì?

Chẳng hạn như tôi, trong hình thức một tu sĩ. Các vị nghĩ nếu mà tôi có những tục niệm, tôi có những mong đợi rất là đời thì theo các vị tôi chắc chắn khổ là bởi vì trong hình thức một tu sĩ, thì những ước vọng rất đời, rất trần tục như vậy làm sao có thể thỏa mãn được.

Cho nên, muốn có nếp đời an lạc trước hết tôi phải nhìn lại:
- Tôi là ai?
- Những gì tôi trông đợi là cái gì?

Cái đó mới là quan trọng.

Còn đằng này các vị nói rằng tu tập mà không được an lạc thì làm ơn, tôi xin nhắn riêng những người đó, chuyện đầu tiên, các vị hãy xác định dùm tôi:

1/Mục đích các vị đến với đạo Phật, là để chứng thánh hay để không còn phàm?

2/ Đến với đạo Phật để buông hay để được cái gì?

3/ Và cái cuối cùng, xin các vị đó làm ơn tự tra vấn chính mình xem điều các vị trông đợi ở đạo Phật là cái gì?

-Chuyện thứ nhất Đạo Phật kêu các vị buông, các vị đủ sức buông như đức Phật đề nghị chưa?

-Chuyện thứ hai, khi các vị không làm theo lời Phật chuyện các vị bỏ Phật mà đi là chuyện sớm chiều thôi.

Khoan nói đến niềm tin tôn giáo. Khoan nói đến Chánh Tín đối với Tam Bảo. Chỉ riêng niềm tin đối với dân gian, thế tục của xã hội, khi chúng ta đến với nhau mà chưa kịp tìm hiểu nhau, đến với nhau chỉ vì bóng sắc, chỉ vì những thứ bên ngoài thì tôi nghĩ rằng sẽ có một ngày chúng ta nhanh chóng xa nhau. Chúng ta đến với nhau bằng con đường nào thì cũng bằng con đường đó chúng ta mất nhau.
 
Sửa lần cuối:
Hỏi: Để củng cố niềm tin Tam Bảo, Phật tử cần lưu ý điều gì?

Đáp:


Chuyện đầu tiên anh phải cho tôi biết anh có phải là Phật tử đúng nghĩa không cái đã. Anh đến chùa vì tò mò, anh đến chùa vì ngoại đi, mẹ đi, thế là anh đi; đi để cầu phúc, cầu lộc, đó không phải là Phật tử. Đi vì buồn chuyện nhà mà đi, đó không phải Phật tử.

Mà phải là người hiểu được sự có mặt của mình là vô nghĩa, vô ích, vô bổ.
Tôi biết cái này người Phật tử Việt Nam 10 người chưa được 1. Có nghĩa là 100 có thể được 1 nhưng 10 thì không. 1% thì có chứ 10 thì không.

Khi nào mình thấy được sự có mặt của mình ở đời này nó không cần thiết. Kể cả mình có là ông thánh đi nữa thì ở đời làm cái gì? Thuyết pháp, độ sinh à?

Cho nên đây là lý do vì sao trong kinh nói, bậc Thánh không thiết tha cái sống mà cũng không thiết tha cái chết, vì cái chết không có gì để mình phải thiết tha, cái sống cũng không có gì để mình thiết tha. Các ngài chỉ chờ duyên tới, duyên sống còn thì tiếp tục sống, duyên chết đến thì chết.

Một người Phật tử thứ thiệt, trong từng phút trôi qua xem mình thích cái gì, coi mình ghét cái gì, và tự hiểu rằng, chính cái thích, cái ghét này nó là một con đường dẫn mình về một nơi chốn nào đó tương ứng với cái thích, ghét trong tương lai.

Mỗi người trong đời sống này có điểm quan tâm khác nhau. Có người sống nhiều với mắt, tai, có người sống nhiều với mũi, lưỡi, có người sống nhiều với văn hóa, nghệ thuật; có người sống nhiều với chính trị, có người sống nhiều với tôn giáo; thì mình nhìn vào đó mình thấy hướng đi của mình.


Mang tiếng là Phật tử chứ còn chúng ta tắt thở một cái là chúng ta phải đi về mỗi người một phương, khác nhau diệu vợi bởi vì cái thích và cái ghét của mình nó không giống nhau.

Và cái thích, ghét nó đâu nó ra? Nó do tiền nghiệp, và Khuynh hướng tâm lý.


Bây giờ do tiền nghiệp nó có điểm đồng, chúng ta gặp nhau ở đây; điểm đồng có chút xíu thôi. Chúng ta chẳng qua có mặt trên cùng một chiếc tàu, lát nữa khi đến cái ga nào đó sẽ mất nhau từ từ, đến ga cuối thì không còn ai hết, mỗi người sẽ xuống một trạm. Một lát nữa tôi sẽ đi về nhà ga nào đó, các vị đi về nhà ga nào đó, và kể cả những người đang nghe tôi nói, đang nghe bằng sự khó chịu, đang nghe bằng sự đồng tình, đồng thuận, đang nghe bằng sự chia sẻ. Trước mắt là vậy thôi, chứ còn khi mình về mình xét lại, thì các vị sẽ hiểu vì sao có li dị.
Có yêu nhau mới cưới nhau. Nhưng cưới nhau về thì một thời gian nó đồng sàng dị mộng. Chuyện đó rất là bình thường.

Cho nên tôi ước mong một chuyện thôi, tất cả những câu hỏi liên quan đến đề tài Chánh tín, tôi chỉ mong các vị nhớ 4 tiêu chuẩn của người Phật tử mà tôi vẫn thường nói:

🌻- Một, tôn chỉ nào, đường lối nào, sư phụ nào, hệ phái nào không dạy cho mình buông bỏ. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ vật chất, buông bỏ tình cảm, buông bỏ tri thức, buông bỏ tôi hay tôi dở tôi giỏi; mà bất cứ sư phụ nào, hệ phái nào, không dạy mình buông bỏ thì theo tôi cái đó phải xét lại. Bởi vì, cứu cánh đạo Phật là buông, chứ không phải để được. Cứu cánh đạo Phật là tu để không là phàm mà mình cứ mong là thánh. Hai cái đó khác hay giống? Chỉ chỉnh chút xíu thôi. Tu để không còn là phàm nó khác mà tu để chứng thánh nó khác.
Chuyện tu học đầu tiên là khả năng buông bỏ.

🌻- Thứ hai, trách nhiệm. Sống không trách nhiệm là không được. Mình muốn người ta đối xử với mình như thế nào thì mình phải đối xử với người khác như vậy “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Mình đừng làm điều gì cho người khác theo cách mình không muốn. Cái gì mình ghét mình đừng làm cho người ta. Đó là câu của Tàu, câu đó của Khổng Tử. Còn câu của Tây nó là: Anh muốn người ta cư xử theo hướng nào thì anh phải cư xử với người ta theo hướng đó. Đó là Tây nói.

🌻- Thứ ba, phải nhớ rằng, chỉ có đời sống tỉnh thức thì mới là cơ hội duy nhất để chúng ta thực hiện tất cả lời Phật. Không có lời nào Phật dạy dành cho người thất niệm hết. Người sống thiếu kiểm soát. Không có. Một câu cũng không có. Tất cả lời Phật dạy chỉ dành cho người sống tỉnh thức thôi.

🌻- Và, cái cuối cùng. Phải cẩn trọng. Luôn luôn phải cẩn trọng nhìn xuống chân mình, xem coi mình đang đứng đâu, và nếu ngày nào mình chưa là thánh thì tất cả những nhận thức, những hiểu biết những quan điểm, những lập trường của mình đều phải xét lại. Bởi vì, đời là một dòng chảy nay vầy mai khác. Bữa nay mình thấy nó đúng nhưng mai nó sẽ không còn đúng nữa.

Ở đây ai mê thời trang thì biết, trong bài giảng hôm qua ở ngoài Hà Nội tôi có giảng nguyên bài pháp về thời trang. Trên đời không có gì mỉa mai bằng chữ fashion. Nó vừa tốn tiền mà nó vừa ngắn hạn. Cho nên tụi tui mặc thế này là 26 thế kỷ. Còn mấy bà mấy cô cứ Gucci mùa thu, Chanel mùa đông, 2023, 2024 cứ đổi hoài như vậy. Tiếp tục cái cũ thì nó bị demode, còn cứ chạy theo thì nó vừa mất tiền mà nó vừa ngắn hạn. Đời sống của mình vừa đắt tiền vừa ngắn hạn. Cái mạng của mình đó. Đắt tiền là sao? Giữ được cái mạng này mình phải đầu tư rất nhiều. Ngắn hạn có nghĩa là giữ được bao lâu?
Tôi vẫn thường nói đó là, nếu cuộc đời mình 100 năm chia làm 5 lần 20 thì giá trị mỗi lần 20 nó khác nhau, đúng không?

KHÔNG HỌC GIÁO LÝ CĂN BẢN, MÀ CỨ TU TẬP ĐỀ MỤC THIỀN CHỈ-THIỀN QUÁN THÌ BIẾT CÁI GÌ MÀ TU. TÔI YÊU CẦU CHÂN THÀNH BÀ CON LẬN LƯNG MỘT ÍT GIÁO LÝ CĂN BẢN.

Chúng ta không thể nào hấp tấp vội vã mong được cái này đắc cái kia khi chúng ta thiếu thời gian chuẩn bị thích hợp. Tôi không tin tưởng tuyệt đối, nghi ngờ những hành giả Đời Này chữ Đời Này viết bằng mực đỏ, không có học giáo lý căn bản mà cứ tu tập đề mục Tuệ Quán hay là Thiền Chỉ nào đó thì tôi rất là nghi ngờ, vì các vị không có căn bản giáo lý thì các vị biết cái gì mà tu ?Các vị đừng có nói với tôi là “học mất thời giờ, tôi chỉ có thiền thôi.”

Tứ Niệm Xứ là nhận diện bản thân mình, nhận diện những hoạt động của thân và tâm. Hoạt động của thân thì mình biết rồi cầm lên để xuống, cắn, nhai, nuốt, tắm rửa, dùng khăn, mở cửa, tắt đèn, dỡ, bước, đạp, ngồi xuống, đứng lên, sờ, chạm..v..v.Tất cả những hoạt động của thân thì mình còn nhận diện được, nhưng còn những hoạt động của tâm, nhận diện bằng cách nào khi mình không học giáo lý làm sao mình biết cái nào là ngã mạn, phóng dật, tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, hối hận, tật đố, xan lẫn...v..v. Sẵn đây tôi nói luôn, giáo lý căn bản là học về lộ tâm, lộ sắc, người và cõi, 12 Duyên Khởi, 37 Phẩm Bồ Đề, 24 Duyên Hệ, Bất Thiện Tập Yếu. Đại khái giáo lý Tứ Đế chứ không thể nào mù tịt không biết Tứ Đế là gì .

Lộ Tâm
Là học để biết rõ cái gọi là tâm.Tâm thức của chúng sanh phàm và thánh,
từ lúc mình đầu thai tâm mình diễn tiến ra sao ? Rồi khi giây phút đầu đời trở đi trong từng phút tâm tư chúng ta diễn tiến ra sao ? Khi mắt thấy cảnh sắc, tai nghe tiếng, rồi khi mình ngồi yên suy nghĩ chuyện này chuyện kia, khi mình sống bằng tâm bất thiện, khi sống bằng tâm thiện, thì cái diễn biến tâm thức của mình nó ra sao ?Thế nào là sát na tâm ? Thế nào là lộ tâm ?Tâm nào có mặt ở cõi nào ? Loài nào có được tâm nào ? Chứ không phải các loài đều có đủ các tâm giống nhau. Hoặc như con heo, con chuột, nó không thể có đủ các tâm của loài người, và loài người không thể có đủ các tâm của Phạm Thiên. Thí dụ như thánh nhân có những cái tâm mà người phàm không có, rồi phàm có những cái tâm mà thánh nhân không có. Đó là học về Lộ Tâm.

Lộ Sắc .
Biết rõ tấm thân bốn đại này ở các loài noãn thai thấp hoá. Noãn tức là sanh ra bằng trứng.Thai tức là sanh ra nguyên con. Thấp là sanh ra trong điều kiện ẩm thấp của thiên nhiên. Hóa là tự nhiên xuất hiện, đột hiện. Cái gọi là thế giới vật chất, tấm thân vật chất ở các loài nó khác nhau như thế nào ?Từ lúc nó xuất hiện buổi đầu đời cho đến lúc nó chết, trong thời gian đó tấm thân sinh lý, tấm thân vật chất của mỗi loài lúc nào nó ra sao mình phải biết rõ. Đó gọi là Lộ Sắc.

Người Và Cõi .
Tức là mình biết rõ có vô lượng vũ trụ, trong mỗi vũ trụ như vậy nó có 31 cõi. Trong 31 cõi đó nó chia làm 3 phần : Dục, Sắc và Vô Sắc.
Cõi Dục gồm những cõi nào ? Cõi Sắc gồm những cõi nào ? Cõi Vô Sắc gồm những cõi nào ? Ở cõi nào có loại chúng sanh nào ?Thí dụ như ở cõi Dục thì có những chúng sanh ở cõi Sắc không có, học Người Cõi là học như vậy.

12 Duyên Khởi
Học 12 Duyên Khởi để thấy rằng đời sống của chúng ta chỉ là sự ghép nối của 6 căn. Lúc thì chúng ta sống bằng nhãn căn, lúc thì nhĩ căn, nhưng có một điều đời sống đó chúng ta sống kiểu gì mà chúng ta tiếp tục tạo ra một đời sống khác. Một vị A La Hán cũng có mắt, tai, mũi, lưỡi như mình, nhưng khi Ngài tắt thở rồi thì xong, không còn tái sanh nữa. Còn đời sống của mình cũng là 6 căn nhưng mình sống kiểu gì ? Bằng tâm gì ? Bằng những động cơ nào ? Những thúc đẩy nào ? Tác động nào ? Cũng là đời sống 6 căn, mà hễ 6 căn này nó rụi rồi là bèn có 6 căn khác. Thì đó được gọi là giáo lý duyên khởi hay là 12 nhân duyên.

37 Phẩm Bồ Đề
Là biết rõ chúng ta sanh tử là do phiền não, bây giờ chúng ta phải sống ngược lại với phiền não đó bằng cách là trau dồi các thiện pháp đối xứng.Thí dụ như ngày xưa tới giờ mình chỉ biết tham, sân, si, tà kiến, ngã mạn, bỏn xẻn, ganh tị, thì bây giờ mình phải tu tập những thiện pháp đối lập lại, đối xứng với những bất thiện đó gồm có : Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Mình phải học về các pháp thiện, tức là con đường giải thoát. Rồi mình cũng phải học Bất Thiện Thập Yếu để mình biết rõ vì đâu mà mình sanh tử, và muốn thoát sanh tử thì mình phải tu tập cái gì ? Chứ không phải khơi khơi vô thiền viện rồi thiền sư hướng dẫn kỹ thuật hít thở theo dõi chánh niệm như vậy là đủ.

Tôi xin nói rõ chỗ này, nói thiệt chậm : Thời Phật có cả một tỉ người không cần học giáo lý họ vẫn đắc dễ dàng là vì ít nhất là 2 lý do :

-Những nhân vật dễ dàng đắc chứng họ là ai ? Họ đã tu bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp rồi, mình nhắm mình có bì bằng họ không ?

-Người hướng dẫn họ là Đức Phật, là các vị thánh tăng, là những vị thánh cư sĩ. Nói chung là các bậc thánh nhân. Khả năng của họ tràn trề thừa mứa, không phải đủ mà là thừa mứa, đã vậy đương sự được sự hướng dẫn toàn là những vị phước báu cao như núi, sâu như biển thì làm sao mình bì với họ được. Cho nên mình đừng dựa vào một hai câu chuyện mấy nhân vật đó rồi mình nghĩ là không cần học giáo lý.

Tôi chỉ yêu cầu chân thành bà con lận lưng một ít giáo lý căn bản. Còn các vị học thế nào ? Học cái gì ? Học với ai ? Chuyện đó của các vị. Khi nào các vị tìm đến tôi là chuyện của tôi. Phải hội đủ những điều kiện này thì chúng ta mới có thể thành tựu được tâm nguyện giải thoát của mình.
 
Sửa lần cuối:
Có bốn hạng nghe Pháp:
  1. Hạng thứ nhất: nghe rồi trớt quớt, coi như không nghe.

  2. Hạng thứ hai: nghe rồi treo toòng teng đó. Lâu lâu đụng chuyện móc ra xài một cái, xài xong máng lên trở lại. Nghe rồi lâu lâu đi đám ma bắt đầu mới suy niệm "đúng là đời vô thường!". Nhưng mà vừa niệm xong móc cái phone ra "Hôm nay Galleria 70% off! OK! Go!" Cái hạng này là nghe rồi máng lên tường lâu lâu đụng chuyện kéo xuống xài, xong rồi móc lên trở lại.

  3. Hạng thứ ba: Học Đạo, hành Đạo và bị đốt nóng bởi những thứ mình đã học. Tức là tu thì chuyên tâm lắm nhưng mà làm khổ mình khổ người. Tôi nói hoài có nhiều người họ ăn chay mình nhìn mình khó chịu, có nhiều người họ Bát Quan mình khó chịu. Có nhiều "kiểu tu" mình nhìn thấy ghét lắm. Tu như vậy là đốt nóng mình và đốt nóng người.

  4. Hạng thứ tư: học Đạo, hành Đạo và biến nó thành suối nguồn an lạc cho mình và cho người khác. Mình tu làm sao mà bản thân mình càng ngày càng an lạc và trong mắt mọi người họ gặp mình họ muốn gần mình. Cái đó mới đúng là người tu và nếu quý vị hiểu tu là đóng khung, là khắc kĩ, thì các vị A La Hán chắc không ai gần nổi đâu. Trí tuệ, đạo hạnh cao như ngài Xá Lợi Phất chắc ở một mình luôn nhưng mà không, trong kinh nói rằng ngài Xá Lợi Phất cực kì dễ gần, cực kì dễ thương, dễ mến. Phải nói là "cực kì".

    Đến một lúc nào đó người ta trở nên dễ thương như người ta không biết gì. Bởi vậy ngài Ca Chiên Diên ngài mới nói là "trí nhiều làm như ngu, sức nhiều làm như yếu, có mắt làm như mù, có tai làm như điếc". Nghe nói mà nổi da gà. Rất là độc. Ngài nói trí mà thượng thừa như thằng ngu, thằng khờ. "Có mắt làm như mù" tức là không có dòm ngó ai mặc dù chuyện gì cũng biết. "Có tai như điếc", không nghe chuyện tầm bậy của đời mặc dù chuyện gì cũng nghe được, nhưng mà không ngóng. "Có sức làm như yếu" tức là không có cạnh tranh đấu đá với đời. Có trí làm như ngu, có mắt làm như mù, có tai là như điếc, có sức làm như liệt. Đó là cái pháp tu thượng thừa Đạo Phật.
Còn mình mới được có ba mớ là bắt đầu thấy ghét rồi, muốn đúc tòa sen rồi. Tôi kể hoài về mấy cái người tôi gặp khi đi dạy học. Họ gặp tôi, đặc biệt khi một mình họ với tôi thì họ không bao giờ hỏi Đạo. Họ lại luôn luôn hỏi trước đám đông. Hỏi để cho người ta biết họ đã tới "cảnh giới" đó rồi. Có nhiều lúc không phải là hỏi mà họ bắt tôi phải nghe thành tích của họ.

"Con nghe Sư về, con hoan hỷ, con tới con hỏi Sư một hai chuyện con thắc mắc từ lâu" - "Cô hỏi đi cô!" -

"Dạ con sau này con không có biết giận ai, ai nói gì con cũng thấy thương người ta quá! Mà con bố thì không có tiếc, có nhiêu bố hết vậy đó. Còn ngồi thiền coi như ba tiếng không có biết mỏi. Không biết nó là sao?".

Tôi mới nói "Cái đó giờ về mua xi măng đúc tòa ngồi chứ đâu có thắc mắc gì nữa!".

Họ nổ, kiếp trước họ làm pháo nên bây giờ họ nổ, can không kịp! Tu như vậy làm khổ người ta quá. Mình tu là phải làm cho người ta thấy dễ gần.

Tôi nói hoài: có những người sống lâu thành đồ cũ, có những người sống lâu thành đồ cổ. Cái đồ cổ càng lâu nó càng quý. Có nhiều người họ sống lâu, đem ra garage sale người ta còn không muốn lấy nữa. Có nhiều món chỉ ra tới yard sale, garage sale, nhưng có nhiều món đáng đưa vào museum, vào antique shop. Cho nên sống lâu thành đồ cũ và sống lâu thành đồ cổ, hai cái khác nhau.

Có những người đời sống của họ chỉ là sự góp mặt chứ không phải là đóng góp và từ đó có những cái chết chỉ là sự vắng mặt, không phải là sự mất mát trong đời. Lý do tại sao? Là bởi vì lúc họ sống họ chỉ là sự góp mặt thôi, chỉ là góp phần chen lấn thôi chứ không phải là sự đóng góp. Sống phải là đóng góp thì chết mới là sự mất mát và người được như vậy thì sống càng lâu mới là "đồ cổ", không được như vậy càng lâu thành "đồ cũ".
 
Sửa lần cuối:
🌈 CÁI BIẾT TỪ VAY MƯỢN.
(MÌNH ĐI CHÙA BAO NHIÊU NĂM, KỂ CẢ MÌNH GIỎI GIÁO LÝ ... )


Trong Kinh chia cái BIẾT ra nhiều cấp. Đó chính là nội dung tôi nói hôm nay. Miệng nói tu là phải Giác Ngộ nhưng Giác Ngộ nó có nhiều cấp.

- Cấp một : GIÁC NGỘ VAY MƯỢN.

Là sao ? Copy từ cái biết của người khác.
Cho nên, chữ giác ngộ, trình độ giác ngộ chia làm ba cấp.

● Cấp một là khả năng nhận thức dựa trên cái biết của người khác, dựa trên cái gì mình nghe, mình học từ người khác.
Đa phần 99% Phật tử của mình, tôi không nhắc đến Tăng Ni ở đây vì đó là chuyện không nên, chỉ nói Phật tử thôi.

99% Phật tử của mình nếu có nhận thức, hiểu biết gì đó về đạo thì tôi e 99% là ở tầng một :

- Vay mượn từ Tăng Ni.

Như tôi nói rất nhiều lần, chúng ta có hai cách để đến với chân lý :

- Cách một - Hiểu vấn đề như nó là.

- Cách hai - Hiểu vấn đề như mình muốn.


Cho nên, ngay ở trong tầng nhận thức một, tầng nhận thức đầu tiên thấp nhất là cái biết vay mượn từ người khác, thì bản thân chúng ta đa phần lại chọn hiểu vấn đề như mình muốn chứ không phải chọn Hiểu nó như nó là.

Các vị nghĩ kỹ các vị mới khiếp.

- Một, mình chỉ chọn nghe người nào mình thích.
- Hai, gặp người đó rồi mình chọn nghe điều mình thích.
- Ba, mình lại hiểu vấn đề theo ý mình thích.
Như vậy qua ba cái thích này nó còn nước non nào nữa, có hiểu không ?

Quá dễ sợ.

- Một là chọn nghe người mình thích.
- Hai là chọn đề tài mình thích.
- Ba là chọn cách hiểu mình thích.


Chiều nay, tôi muốn gởi các vị một vài chuyện cho các vị nghĩ lại. Nếu không muốn nói là giật mình thì ra mình đi chùa bao nhiêu năm, kể cả mình giỏi giáo lý, coi chừng mình chỉ ở cấp một thôi.

Có nghĩa là chỉ biết giáo lý qua vay mượn của người khác mà đã vậy.

- Cái biết của mình là một cái biết hạn cuộc, đóng khung.
- Cái biết chúng ta đến từ những vị Thầy mình thích, đến từ những đề tài, nhận xét, ý tưởng, ý chí mà mình thích.

Và cái thứ ba mình chọn :

- Cách hiểu mà mình thích.

● Chúng ta cũng một nhóm nhưng thật ra trong đó chúng ta có nhiều điểm khác nhau ghê lắm.
Vì sao vậy ?
Như tôi vừa nói, nền tảng nhận thức của chúng ta vốn dĩ khác nhau.
Và khi nền tảng nhận thức khác nhau thì nhận thức mình không tài nào giống nhau hết và từ đó dầu là cùng chùa, cùng một Thầy, chúng ta khó có tiếng nói chung.
Thế là chúng ta cần đến tầng nhận thức thứ hai, tầng thứ hai đó chính là cái biết thông qua sự thấm thía, tiêu hóa của bản thân.

Trong bài giảng lần trước tại pháp hội này, tôi có nói giống như chuyện ăn uống thôi, một miếng ăn phải
được mình xử lý qua ba giai đoạn :
- Đưa vào mồm nhai : Giai đoạn tiêu thụ.
- Đưa vào bao tử : Giai đoạn tiêu hóa.
- Chuyển hóa các thành phần hóa chất đi khắp cơ thể : Giai đoạn tiêu dung.

Như vậy là ba giai đoạn tiêu :
- Tiêu thụ - Tiêu hóa – Tiêu dung.

1️⃣ Nhận thức cấp một :


- Cái biết do người khác trao truyền cho mình chưa qua tiêu hóa giai đoạn này là giai đoạn kiến thức tiêu thụ thôi. Bao nhiêu sách vở, bao nhiêu bài giảng của thầy, bà, Tăng Ni mình cố mình đọc thuộc lòng luôn thì cũng mới chỉ là tiêu thụ thôi.

2️⃣ Đến giai đoạn hai :

- Đó là giai đoạn tiêu hóa, nói theo từ trong nước là Tư Duy.

Quá trình mình thẩm thấu, tư duy, chắt lọc, thấm thía, và đương nhiên cũng trên nền tảng cá nhân mà chúng ta ở mỗi người có một khả năng tiêu hóa khác nhau. Không ai giống ai. Thí dụ như, cũng vấn đề đó mà ông Phật tử - Tiến sĩ ổng tiêu hóa khác. Ông Tiến sĩ vật lý ổng khác với ông Tiến sĩ văn chương, về triết học, về sử học. Chắc chắn, vì chuyên ngành của mình nó ảnh hưởng tới mình rất sâu, rất nặng, nặng lắm các vị.

Mà bên cạnh kiến thức chuyên môn nó còn có sở thích.
Còn cái gì nữa ?
Còn môi trường nữa quý vị, còn môi trường sống.
Tất cả những cái đó làm nên sự khác biệt ở chúng ta ngay cả khi chúng ta học đạo, ngay cả khi chúng ta ngồi xuống suy tư cái mình đã học.

Trong Kinh nói như thế này :
- Sự tồn tại của thế giới này chính là sự tồn tại của sáu Căn, sáu Trần.
- Hoạt động của thế giới này chính là sự hoạt động, vận hành của sáu Căn, sáu Trần.
- Tất cả những máu, lệ, nụ cười trần gian này cũng đến từ chuyện chúng ta xử lý, chuyện sáu Căn, xử lý sáu Trần.

Tây có một câu rất là hay :
- Mọi chuyện xảy đến chúng ta, chỉ có 20% là bản thân nó, 80% là do thái độ của chúng ta đối với nó.
Có tin không ?
Mọi chuyện xảy ra trên đời chúng ta cảm nhận nó ra sao thì 20% là do chính nó, chính nó như thế nào, hết 80% là do cảm nhận của mình.

● Giác ngộ có ba cấp
- Cấp một, cái biết được vay mượn từ người khác
, cái biết này thì đương nhiên khó xài, vì nó chưa qua xử lý, nó chưa qua tinh lọc của người ta sao mình bê về nguyên con như vậy.
Và tôi đã nói không biết bao nhiêu lần. Tất cả các tác giả, dịch giả, soạn giả, tất cả những diễn giả, thiền sư, pháp sư, giảng sư, lung tung sư ... khi họ truyền đạt, chuyển tải bất cứ cái gì đến cho chúng ta, luôn luôn và luôn luôn họ đính kèm và gắn kết theo đó những dấu ấn cá nhân.
Hãy cẩn thận cái đó.

3️⃣ Tầng nhận thức thứ ba.
Đó là thực nghiệm.

- Tầng một là kiến thức vay mượn, những gì chúng ta nghe, chúng ta đọc từ người khác.
- Tầng hai là chúng ta về thấm thía, suy nghĩ, nghiền ngẫm.
- Tầng ba, tôi phải thưa rõ với đại chúng, chân lý nó phải hiểu ở tầng ba - tầng thực chứng.

Thí dụ, miệng mình nói như vẹt, két, nhồng, sáo, cưỡng, mình nói đời là vô thường, chỉ có người sống chánh niệm họ mới hiểu vô thường là cái gì. Họ thấy có sự chuyển đổi rất rõ ràng từ cái vui qua cái buồn, từ cái thiện qua cái ác; từ cái hào sảng qua cái bủn xỉn, từ vị tha, độ lượng sang toan tính nhỏ mọn; chỉ có hành giả sống chánh niệm mới thấy rất rõ cái này. Còn không đa phần chúng ta chỉ là nói tưởng tượng thôi.
Và thực nghiệm này phải có ở một người thành tựu công phu cụ thể, điển hình, rõ ràng, chứ không thể nào cứ mỗi Chủ nhật vào nghe giảng, chạy về về yên chí mình đã hiểu Phật Pháp.

Cái đó không có đúng.

Bởi vì các vị không tin, tôi chứng minh. Đó là ly cafe. Chuyện đơn giản thôi. Không cần Niết Bàn, không cần giải thoát, không cần trí tuệ thánh nhân, dẹp, dẹp ...

Mình trở về với ly cà phê. Chưa có dịp nếm qua ly cà phê thì đọc cuốn sách mười ngàn trang thì chúng ta cũng không biết cà phê nó ra làm sao.
 
Sửa lần cuối:
-----TỨ NIỆM XỨ -----

…Khi anh tu Tứ Niệm Xứ anh thấy cả thế giới này nó thiên hình vạn trạng mấy đi nữa nó chỉ còn gom lại trong sáu thứ đó là những gì thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng thôi.

✅ Khi anh sống đơn giản thì tự nhiên nhu cầu của anh đơn giản. Và khi nhu cầu đơn giản thì đòi hỏi của mình sẽ đơn giản. Mà khi đòi hỏi đơn giản chúng ta không có tàn phá thiên nhiên, không có làm phiền người xung quanh. Khi mình sống thu gọn thế giới mình lại thì tự nhiên nhu cầu của mình nó đơn giản. Mà nhu cầu đơn giản thì cái đòi hỏi nó cũng đơn giản. Đòi hỏi đơn giản thì hạn chế chuyện tàn phá thế giới.

✅Cho nên một người sống chánh niệm là một người đang đóng góp rất tích cực cho thế giới. Mà khi xưa giờ mình nghĩ tôi là một cá thể, cá nhân không thấm thía gì với cái vũ trụ bao la này. Sai. Tôi hỏi quý vị, trước khi thành Phật ngài có phải là một cá thể nhỏ bé như mình không?. Và cái cá thể đó sau bao nhiêu kiếp tu hành đã để lại ảnh hưởng cho vô lượng kiếp vũ trụ đúng không? Như vậy không có cá thể nào là nhỏ đúng không. Không có cái gì là nhỏ hết. Đức Phật trước khi ngài thành Phật ngài là một cá thể rất là nhỏ bé, vô danh như mình, sau vô lượng kiếp Ngài trở thành một nhân vật có sức ảnh hưởng thiên hạ lớn như vậy. Hôm nay quý vị về quý vị nghe tôi cũng là nhờ Đức Phật vì không có lời dạy của Đức Phật chúng ta không có dịp gặp nhau để chia sẻ mấy cái này.

✅Nên pháp môn Tứ Niệm Xứ nó quan trọng vô cùng.

🔹️Thứ nhất là Thân Quán Niệm Xứ, nó là một trong bốn cách để làm chủ sáu căn, biết rõ từng cái hoạt động của thân mình từ cái nhỏ nhất là hơi thở cho đến cái lớn nhất là đi, đứng, nằm, ngồi, chạy, nhảy đều được ghi nhận đầy đủ.

🔹️Thọ Quán Niệm Xứ là biết rõ cảm giác của thân tâm ra sao. Giờ tôi đang ngồi, tôi không có làm gì hết, tôi theo dõi hơi thở, ra biết ra, vào biết vào, đó là bước đầu, giờ qua bước hai, tôi thở ra bằng sự khó chịu tôi biết rõ tôi thở ra bằng sự khó chịu, tôi đang thở ra bằng sự dễ chịu tôi biết rõ tôi đang thở ra bằng sự dễ chịu. Lúc bấy giờ tôi đang kết hợp vừa thân mà vừa thọ.

🔹️Qua đến cái thứ ba, tôi đang thở ra bằng cái tâm bực mình tôi biết rõ tôi đang thở ra bằng sự bực mình, tôi đang thở vào bằng sự bực mình tôi biết rõ tôi đang thở vào bằng sự bực mình. Tôi đang thở ra bằng sự thích thú tôi biết rõ tôi đang thở ra bằng sự thích thú. Như vậy là qua Tâm Quán Niệm Xứ.

🔹️Còn Pháp Quán Niệm Xứ là gì, là nó gom ba cái kia lại một cách Professional, khi tu Tâm Quán Niệm Xứ, tâm sân có mặt thì tôi ghi nhận là tâm sân nhưng khi tôi tu Pháp Quán Niệm Xứ tâm sân xuất hiện tôi phải ghi nhận đây là sân triền cái. Hay nói cách khác tôi ví dụ hoài mà bà con hay quên.

Vd : Bà má đang làm bếp nghe tiếng bấm chuông, kêu thằng nhóc nhỏ nhất chạy ra “ra coi ai bấm chuông con”, nó mới có bốn tuổi à, lẫm đẫm chạy vô “mom mom, cái ông nào mập ú, đen xì à”. Bà mà nghe vậy bả biết ai không. Bả mới kêu thằng tám tuổi “mày ra mày coi ai, nó nói tao không có hiểu” – “ồ, ông hàng xóm mình đó má”. Như vậy câu trả lời của thằng tám tuổi nó rõ hơn thằng kia. - Tức là cái đầu của thằng tám tuổi nó phải khá hơn cái thằng kia, nó qua khỏi cái “mập ú, đen xì” mà nó biết là hàng xóm. Bà mẹ tay bả dơ, bả vẫn đứng đó làm bếp, bả thấy thằng lớn đi xuống “mày ra mày coi hai, hai thằng này nó nói tao không hiểu. Ai vậy?”

“Ông nha sỹ vừa rồi nhổ răng cho má đó”.

⭐Qúy vị phải đồng ý với tôi, phải có kiến thức biết nha sĩ là gì, nhổ răng là gì. Không phải ai trên đời này cũng biết xài chữ nha sĩ. Ở cái tuổi nào đó với một cái trình độ nhất định nào đó người ta mới biết xài cái chữ “nha sỹ”, mới biết xài mấy cái chữ chuyên môn. Trước sau ba anh em, thằng nhóc thì “mập ú, đen xì”, thằng lớn hơn thì là “ông hàng xóm”, thằng lớn nhất là “ông nha sỹ”. Thì ở đây cũng vậy, Pháp Quán Niệm Xứ chỉ là ghi nhận tất cả nhưng nó ghi nhận chuyên nghiệp hơn. Qúy vị có biết năm triền cái không? Tham, sân, hoài nghi, trạo hối, hôn trầm. Các vị có biết Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo không?

Người tu Tâm Quán Niệm Xứ họ chỉ biết mình đang có niệm, đang có định thôi, nhưng qua Pháp Quán Niệm Xứ họ mới biết đây là chánh niệm, chánh định trong Bát Chánh Đạo. Tại sao bốn cái này nó quan trọng, vì nó tạo điều kiện cho quý vị biết rõ mình là ai, và mình đang như thế nào. Cái đó có cần không? Qúa cần. Các vị sẽ thấy một điều là mình an lạc hơn khi học giáo lý, tại sao mình không học sớm hơn.

✅Từ đó đến giờ mình nghĩ rằng mình phải có cái xe mình mới hạnh phúc, có một cái mái nhà mình mới hạnh phúc nhưng đến một ngày quý vị sẽ thấy hạnh phúc không phải là có được cái gì mà là hạnh phúc là do không có cái gì, hạnh phúc là do không thích cái gì. Hai cái khác nhau nhiều lắm. Có người hạnh phúc khi họ mang được đôi giày họ muốn, có người hạnh phúc vì đôi giày nào họ mang cũng được. Người Mỹ họ có câu rất là hay “Người giàu nhất không phải là người có được món mình thích mà người giàu nhất là người thích được cái mình có”. May mắn là cưới được người mình thương còn thương được người mình lỡ cưới là trình độ… Tôi nhớ có ông đó có cái bí quyết mà bảo vệ hôn nhân rất là hay, người ta nói “bà vợ của ông tánh rất là khó ưa mà tại sao ông sống chung được?. Ổng nói thế này “Lúc đầu tôi muốn sửa bả, sửa không được, thôi tui sửa tui”. Cái câu này nhiều người nghe tưởng chuyện cười nhưng nó rất là sâu, không có thích cái gì bằng “thích nghi” hết.

✅Mình thích đủ thứ nhưng vẫn không sướng bằng cái đứa “thích nghi”. Thích nghi là cỡ nào nó cũng OK hết. Cho nên mình phải tu Tứ Niệm Xứ để mình hiểu sâu về con người của mình, thì ra cái được gọi là nhu cầu của mình là do mình chế ra. Mà khi mình bịa ra nhu cầu, mình theo đuổi nhu cầu, mình khổ như trâu để mình theo cái nhu cầu đó.

Tu Tứ Niệm Xứ là mình thoát kiếp trâu chuyển qua kiếp người. Tôi biết tôi nói nặng lắm. Tu Tứ Niệm Xứ để biết mình là ai, để bớt làm trâu. Nếu không cả đời mình đi trốn cái mình ghét, đi tìm cái mình thích, mình khổ cả đời như trâu vậy đó. Nhưng mà khi mình hiểu được giáo lý mình sẽ khá hơn, mình làm chủ được mình.
 
Sửa lần cuối:
PHÁP MÔN TU ĐÚNG

Bà Gotami, di mẫu của đức Phật, dì ruột của thái tử Tất Đạt. Khi bà xuất gia, chứng La Hán, thì bà trở thành bậc Ni tổ, người đầu tiên sáng lập hệ thống tỳ-kheo-ni.

Lần đó, bà đến gặp Phật: Bạch Thế Tôn, rồi đây sẽ có rất nhiều người thậm xưng hay mạo mạo nhận đây là lời Phật, người hậu tấn về sau biết dựa vào đâu xác minh đâu là lời dạy Thế Tôn, đâu không phải là lời Phật ?

Đức Phật trả lời cho bà Gotami. Chúng ta biết rằng, chỉ dựa vào bài kinh Kalama và bài kinh Bác đoán Phật pháp, chúng ta hoàn toàn có thể hiểu rằng, nếu câu hỏi đó, được hỏi lại ở hoàn cảnh khác với đối tượng khác thì chắc chắn rằng đức Thế Tôn sẽ có cách trả lời khác, nhưng nội dung vẫn là bài kinh Kalama.

Có nghĩa là: Cái gì thiện thì theo, cái gì bất thiện thì bỏ. Nhưng thiện ở đây là cái gì? Bất thiện ở đây là cái gì? Thì, tùy chỗ mà Ngài nói rộng, nói sâu khác nhau. Nhớ nha. Tùy chỗ mà Ngài giải thích cái thiện và cái bất thiện rộng, sâu khác nhau, tùy căn cơ chúng sinh.

Cho nên, ở đây, trước mắt chúng ta có bài kinh Bác đoán Phật pháp, có thể làm chuẩn mực chung để hiểu bài kinh Kalama một cách rộng rãi và dễ nuốt hơn. Chứ còn tiêu chuẩn thiện & bất thiện thì gọn quá.

⛩Ở trong bài kinh Bác đoán Phật pháp, khi được bà Gotami hỏi như vậy, đức Thế Tôn, trả lời rộng rãi hơn. Ngài dạy :

1/ Pháp môn hành trì nào mà người thực hành lâu ngày thích sống một mình, không muốn gần gũi đám đông.
Cái đó đúng là lời Phật.

2/ Pháp môn nào càng hành trì người ta càng tinh tấn trong chuyện tu thiện, lánh ác. Phải nói rõ như vậy. Chứ tinh tấn ở đây không phải là bày ra đủ thứ chuyện để làm mà không liên quan gì đến giáo lý, đến chuyện tu hành thì cái đó không phải tinh tấn theo nghĩa ở đây. Nghĩa ở đây, có nghĩa là tinh tấn trong chuyện tránh ác hành thiện, trong trau dồi Tam học, hành trì 37 Bồ Đề phần (thất giác chi, Bát chánh đạo, ngũ căn, ngũ lực, tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ niệm xứ). Tinh tấn đó mới được kể ở đây. Ngài dạy, pháp môn nào càng đi theo càng tinh tấn, mà tinh tấn kiểu đó thì đó là lời Phật.

Pháp môn nào mà càng theo càng xa rời lời Phật, càng xa rời lý tưởng tu hành giải thoát. Nói đến tu hành giải thoát người nó bải hoải, nó chán nản, nó ê ẩm, ngán ngẩm thì sai. Con đường mình nào càng theo càng trở nên tinh tấn, có hứng thú trong chuyện tu tập hơn đó là con đường đúng.
Như vậy, chuyện đầu tiên, càng đi theo mà càng thích sống một mình hơn, không thích đàn đúm, tụ tập. Thay vì “tu tập” thêm dấu nặng thành “tụ tập”. Nhớ nha. Mùa covid là mua tu tập không phải mùa tụ tập. Nhiều khi thêm dấu chấm là nó tan hoang cuộc đời hết. Ở đây là chỗ tu tập không phải chỗ tụ tập. Cho nên, đó là 2 tiêu chuẩn.

Tiêu chuẩn tiếp theo.

3/ Càng tu càng trở nên dễ nuôi. Dễ nuôi không phải dễ duôi nha.
Dễ nuôi có nghĩa là, hoàn cảnh nào, điều kiện vật chất ra sao cũng sống được.

Dễ nuôi không gói gọn trong chuyện ăn mặc đâu, mà nó còn ghê hơn nữa: Ăn, mặc, ở, điều kiện sinh hoạt, thì sao cũng được, coi nó là chuyện phụ, chuyện nhỏ thôi. Miễn sao có đủ sức khỏe, miễn sao đời sống tinh thần mình không bị đời sống vật chất ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thí dụ, nắng nóng quá, chỗ đó lạnh quá, chỗ đó ồn quá, hôi hám quá, chỗ đó ô nhiễm quá, khói bụi nhiều quá,… thì cái đó mình phải tránh. Chứ còn ăn, mặc, ở sao cũng được. Phải nói vậy.

Chứ còn, nên nhớ. Cái đơn giản ở đây là phải đơn giản trong cái an toàn & An lạc. 2 chữ “An” nha: An toàn & an lạc. Chứ không phải đơn giản là thách thức với mọi nguy cơ có thể phương hại đến sức khỏe và đến đời sống tâm lý thì cái đó là liều mạng chứ không phải dễ nuôi. Cái đó là liều mạng, cái đó là ngu xuẩn. Mà ở đây là đơn giản, đạm bạc nhưng trong điều kiện An lạc & An toàn. Nhớ cái đó. Nhớ 2 chữ An này nha. Xăm lên người. Đó là dễ nuôi.
Càng tu nhu cầu vật chất càng trở nên đơn giản hơn, đạm bạc, nâu sòng nhưng trong tiêu chí an lạc & an toàn.

4/ Pháp môn nào càng tu tập mình càng hướng đến xuất ly chứ không quay lại sanh tử.
Có nghĩa là, càng tu càng muốn buông thôi.
 
Sửa lần cuối:
ĐỐI PHÓ PHIỀN NÃO BẰNG CÁCH TIÊU THỤ VẬT CHẤT TRONG KIỂM SOÁT

Một vị tỳ kheo nếu mà tu đúng (tỳ kheo nguyên thủy) thì đời sống vị tỳ kheo gồm hai phần: phần tâm linh, tinh thần gồm Tam học Giới- Định- Tuệ, hoặc Bát Chánh Đạo, hoặc 37 Bồ Đề Phần, tùy cách nói.

Nhưng về vật chất vị tỳ kheo chỉ cần bốn thứ nhu yếu tối cần. Đó là ăn, mặc, ở và thuốc chữa bệnh.

Về mặt vật chất nếu mình hiểu cực đoan sai lầm, ngộ nhận nào đó mà mình tự ép xác, thì cái mình có được chỉ là sự đau khổ, chỉ là sự hao mòn, suy kiệt mà thôi. Hoặc là mình sống hưởng thụ, trụy lạc, tiện nghi nó lại là một cực đoan khác.

Ở đây Ngài dạy có trường hợp mình đối phó phiền não bằng cách tiêu thụ vật chất trong kiểm soát. Đó cũng là một cách tu.

Bởi vì mình nhịn quá, kiêng khem thái quá cũng là phản tinh thần tu học, phản đạo.
Mà mình vùi sâu cắm đầu, úp mặt hưởng thụ đó cũng là phản đạo. Phản đạo là đi ngược lại lời dạy giải thoát của Thế Tôn...

Lạnh quá không có y áo thì chết. Con người không thể lõa lồ khỏa thân được, cho nên phải cần tới y áo. Người tu cũng vậy, phải cần cái che thân, phải cần cái giữ ấm, giữ mát cho thân này là lá y. Lá y là nhu yếu tối cần không thể thiếu.

Thứ hai, mình tu hành thì tu nhưng còn mang thân người thì dứt khoát mỗi ngày mình phải có cái gì để mình ăn, uống, nuôi dưỡng cái thân này.

Mỗi lần ăn uống như vậy, sử dụng y áo như vậy vị tỳ kheo phải nhớ lấy một điều là ta sử dụng những thứ này với một mục đích là đối phó với những hệ lụy đói lạnh, nhờ vậy ta được an lạc để tu tập, có điều kiện tu tập tốt đẹp. Vị tỳ kheo luôn luôn nhớ như
vậy. Dầu là trong lúc sử dụng các phương tiện nhu yếu ăn, mặc, ở và thuốc men phải luôn luôn tâm niệm như vậy. Ta sử dụng, ta tiêu thụ các điều kiện vật chất này chỉ vì một lý do duy nhứt đó là bảo vệ điều kiện tu học, duy trì điều kiện tu học, chỉ vậy thôi.

Nghe qua rất là cạn nhưng suy cho cùng vị tỳ kheo có lúc nào trên người mà không có lá y. Trừ ra vị tỳ kheo thọ đầu đà chớ vị nào một ngày mà không ở dưới mái che. Có vị tỳ kheo nào mỗi ngày không có ít nhứt một bữa ăn. Cứ mỗi lần đặt chân vào trú xá, mỗi lần khoác lên người lá y, mỗi lần ăn uống thực phẩm, giải khát hay là mỗi lần dùng thuốc chữa bịnh thì vị ấy phải luôn luôn tâm niệm rằng ta uống cái này, ta ăn cái này, ta mặc cái áo này, ta có mặt trong cái mái che này đều là nhắm đến mục đích tu hành giải thoát. Nếu mà luôn luôn tâm niệm, ghi nhớ như vậy đây cũng là một cách tu. ..

Bài Kinh này nghe thoáng qua thì không có gì, nhưng nó sâu là sâu chỗ này:

- Ngài dạy mình cách để đối phó với phiền não không chỉ có tâm mà còn qua thân.
Có những cái chúng ta phải giải quyết bằng tâm. Có những cái chúng ta giải quyết qua vật, tâm lý, vật lý.

- Thứ hai có những trường hợp chúng ta phải tu tập bằng cách tránh né từ xa.

- Có trường hợp chúng ta tu tập bằng cách đối diện trực tiếp đương đầu.
- Có những trường hợp chúng ta phải gồng, phải chịu đựng.
- Có trường hợp chúng ta phải tu tập một pháp môn khác để đối phó. Một cái trực diện với nó, còn cái thì quẹo qua hướng khác. Thí dụ như tu tập Thất Giác Chi.

Có nghĩa là bao nhiêu cái mình thích mình ghét không màng tới, chỉ chuyên tâm tu tập Thất Giac Chi, đó cũng là một cách tu.
Tôi nói rằng để làm đẹp một gương mặt, chúng ta có hai cách (nhiều cách lắm, cả tỷ cách lận nhưng mình gom có hai).
Đó là thêm cái gì vào và lấy bớt cái gì ra. Cơ thể cũng vậy, muốn cho khỏe mạnh thì thêm cái gì vào và bớt cái gì ra là cơ thể khỏe mạnh. Cái nhà muốn cho nó đẹp cũng đem cái gì đó vào nhà hoặc là lấy bớt cái gì đó ra là cái nhà đó ok.

Miếng đất, một khu vực nào cũng vậy, muốn nó phát triển mình vẫn xài hai cái chuyện thêm và bớt, thêm cái gì vào và bớt cái gì ra cũng là cách làm cho nó trở nên hấp dẫn, giàu đẹp phú cường thạnh mậu. Ở đây cũng vậy, từ hàm răng đến cơ thể mình, đến căn phòng, cái giường ngủ, cái nhà, miếng đất của mình, bao nhiêu điền viên tài sản của mình thì mình chỉ có hai cách xây dựng nó. Một là thêm vào cái gì, hai là lấy ra khỏi nó cái gì thì nó trở nên tốt đẹp.

Trong sáu phương hướng tu hành này Ngài đề nghị mình chỉ có hai con đường đó. Có trường hợp mình tu tập thông qua tâm thức. Có trường hợp mình tu tập thông qua gđời sống vật chất. Có trường hợp mình tu tập bằng cách trực diện nó, đương đầu.Có trường hợp bằng cách gồng mình chịu đựng hoặc là mình phải có khả năng tránh
né...

Nhớ đến lý tưởng tu hành thì dứt khoát chúng ta tinh tấn, dứt khoát chúng ta miên mật thôi. Cũng là một cách tu, nhe!
 
BIỂU HIỆN CỦA NGƯỜI CÓ BA-LA-MẬT

(Sư Toại Khanh)

Có người họ hỏi:

- Ngài Angulimala (Vô Não ) tu quá chừng, mà tại sao ngài giết người dễ dàng vậy ?

Tôi đã trả lời: Có hai khuynh hướng: khuynh hướng thiện và khuynh hướng ác.

Cái ác của ngài nó mạnh nhưng cái thiện của ngài nó mạnh cũng không kém. Bằng chứng là khi ngài gặp Phật rồi, ngài tu chỉ có ba nốt nhạc là ngài đắc A-La-Hán. Quí vị biết ngài Angulimala ở ngoài đời ác như vậy nhưng khi ngài đi tu chúng ta trong room này làm không nổi. Ngài Angulimala ôm bình bát đi giữa trưa nắng, mà chúng nó lấy đá liệng vô đầu máu chảy ướt mặt, bể bình bát, máu thấm y mà vẫn lặng lẽ hiền ngoan đi về chùa không có phản ứng, không sân tâm.

Lúc đó Đức Phật nhìn thấy ngài Angulimala và nói:

- Này Bà La Môn hãy kham nhẫn, này Bà La Môn hãy kham nhẫn. ( Bà La Môn là một tiếng gọi trân trọng ), so với những gì mà ngươi đã làm, những chuyện mà ngươi phải chịu đựng hôm nay không đáng gì đâu, lẽ ra với chừng ấy ác nghiệp ngươi phải đi xuống địa ngục trăm ngàn triệu ức tỉ năm, bây giờ chỉ u đầu lỗ trán chảy máu là nhẹ nhàng.

Chuyện đó mình có làm nổi như ngài hay không ? Đúng ! Mình có thể không ác bằng ngài, nhưng bây giờ có kẻ tấn công mình , máu me tùm lum như vậy mình có chịu nổi hay không ? Riêng ngài Angulimala thì ok coi như không có chuyện gì hết . Đó là nhờ ba-la-mật.

Vị nào có ba-la-mật thì vị đó có nhiều biểu hiện lắm:

- Có vị có được từ tâm không ai sánh được dù họ chưa chứng thánh.
- Có vị họ kham nhẫn giỏi dù họ chưa chứng thánh.
- Có vị trí tuệ hơn thường dù họ chưa chứng thánh.
- Có vị có khả năng tu định , tu niệm rất xuất sắc dù họ chưa chứng thánh.
Đó là những biểu hiện của một người có ba-la-mật .

Còn chúng ta học thì ba mớ, định ba mớ, niệm ba mớ, giới ba mớ, thí ba mớ, văn ba mớ, tàm ba mớ, uý ba mớ, đức tin ba mớ, cái gì cũng ba mớ, cộng lại thành nguyên một mớ mà mình tưởng mình hay.

Thật ra bữa nay khi nói chuyện về kham nhẫn tôi xin nhí ra một chuyện cho quí vị giật mình đó là đừng có tưởng mình giỏi, mình hành thiền nhiều, mình học đạo nhiều thật ra quí vị nhớ giùm câu thần chú này để tự dạy tự răn mình: “Những gì tôi học, tôi hiểu, tôi nhớ, tôi hành trì có đủ để khiến cho tôi tốt hơn hay không ?“. Đó là câu thần chú. Tốt hơn là sao ?

- Kham nhẫn tốt hơn.
- Bao dung tốt hơn.
- Bố thí tốt hơn.
- Giữ giới tốt hơn.
- Buông bỏ tốt hơn.

Học nhiều, hành thiền nhiều, làm thí chủ nhiều, cúng dường nhiều mà vẫn y như thuở nào thì có nghĩa là kiểu tu của mình chưa tới hoặc là chưa đúng. Chưa tới có nghĩa là cũng hơi giống lời Phật dạy nhưng chưa tới nơi tới chốn. Chưa đúng có nghĩa là không như lời Phật dạy .

Một người có lòng tu tập trong kinh nói rất rõ là phải có Ba la mật. Tức là nhiều đời nhiều kiếp đã từng sợ sanh tử, từng muốn chấm dứt luân hồi và tu tập công đức. Đó là công đức mà được thực hiện bởi lý tưởng giải thoát thì công đức đó được gọi là Ba la mật. Còn cũng công đức đó mà không gắn liền với lý tưởng giải thoát thì đó là phước báu hữu lậu, là công đức sinh tử. Cũng công đức bố thí, niệm Phật, quét rác, chùi cầu nhưng bằng lý tưởng giải thoát thì đó là Ba la mật.

Người mà có Ba la mật nhiều, sâu dầy, thì khi ra đời họ có được cái trí hiểu những điều mà người khác không hiểu, họ tin được những điều mà người khác không có tin, họ có khả năng tinh tấn mà người khác không có, họ có khả năng chánh niệm và thiền định mà người khác không có, nghĩa là tín tấn niệm định tuệ của họ tốt hơn người khác.

Nguyện cho tất cả chúng sanh luôn tràn đầy tình thương, không oan trái lẫn nhau, thoát khổ thân tâm, luôn được nhiều an lành, luôn được thành tựu ước nguyện chơn chánh riêng.
 
Sửa lần cuối:
TU ĐÚNG

Đừng nghĩ ta già, ta chết, ta sẽ đi đầu thai. Nghĩ vậy là sai bét. Vì kiếp sau của bạn có thể là ngày mai, có thể chiều nay, có thể lát nữa. Cái suy nghĩ kiếp sau nghĩa là đằng sau cái chết, mà cái chết lại là đằng sau tuổi già là rất sai. Chắc gì mình đã chết khi mình già.

Tóm lại: Mình sống như thế nào thì có nghĩa là chúng ta kín đáo xây dựng cho mình 1 thế giới cho kiếp sau. Kiếp sau ấy không phải là đến khi chúng ta đã già, không cần phải trải qua một cơn bạo bệnh, không cần phải trải qua những năm tháng liệt giường, liệt chiếu. Kiếp sau có thể là ngay bây giờ.

Trong Kinh dạy chúng ta có 3 lý do để chúng ta liên tục sống chánh niệm:

Không biết chúng ta sẽ chết lúc nào

Không biết được cơ hội đắc đạo của chúng ta là khi nào.

Khi mình thất niêm, khả năng tạo ác nghiệp của mình cực lớn.

Tôi nhắc lại: Chúng ta luôn luôn tu hành bằng tâm rất là tiểu thừa, nghĩa là luôn tu với cái tâm mặc cảm: tôi là người vô duyên, thiếu phước, giờ tôi phải vun bồi phước báu để kiếp sau tôi đắc. Cái kiểu tu này rất là sai vì kiếp trước mình đã tu bao nhiêu mình không biết. Cho nên vun bồi ba la mật không bằng phát huy ba la mật.

Có 5 điều kiện để đắc đạo trong đời này:

1. Có sức khỏe tốt
2. Có nền tảng cơ bản kiến thức giáo lý
3. Có thầy bạn tốt
4. Có trú xứ thích hợp
5. Hành thiền liên tục.

Năm cái này mình làm được cho thấy rằng ba la mật của mình cũng không đến nỗi xoàng. Trong Kinh Trường Bộ, đoạn cuối bài Kinh Tứ Niệm Xứ có đoạn “Này các tỳ kheo, một người tinh tấn tu tập Tứ niệm xứ này thì lâu nhất là bảy năm, nhanh nhất là bảy ngày sẽ chứng đắc được hai quả: Alahan và Anaham.”

Hồi đó nghe đoạn này tôi rất shock vì tôi nghĩ: "Ủa, sao đắc khó vậy mà Ngài nói chắc chắn vậy?" Nhưng đến khi già tôi mới hiểu: "Không dễ gặm đâu. Đó là một cách nói mẹo."

Quý vị nghe kỹ điều này: Nếu tu đúng bốn niệm xứ này thì chậm lắm bảy năm cũng đắc. Cho đến khi già mình nghiệm ra: Ba la mật yếu làm sao mà có thể tu đúng trong bảy năm được? . Tu đúng là rất mệt vì chín mươi chín phần trăm người tu thiền Tứ niệm xứ đều có cái hiểu lầm vô cùng lớn này: Tất cả đều quán chiếu danh sắc từ vị trí TÔI. Tôi đang thở ra, tôi đang thở vào, Tôi đang có tâm thiện, Tôi đang có tâm bất thiện, lúc này chánh niệm của tôi tốt, v.v...

Cho nên có một câu chuyện là một anh say rượu cầm một cái búa rất to vào phòng đập nát tất cả mọi thứ nhưng có duy nhất một thứ anh ta không đập được chính là cái búa.

Mình tu thiền là mình đập tan hoang hết (sắc, tài, tiền, danh lợi …), mình thấy cái nào cũng vô thường chỉ có cái thằng đang tu này là thứ thiệt thôi! Tức là nó quán chiếu tam thiên, đại thiện, ba đời mười phương đều vô ngã, vô thường. Nó nói nghe đã lắm nhưng cuối cùng cái thằng này là thằng ngon lành nhất, cả cái thiền đường này không có ai tu tốt bằng thằng này đó. Chết ngay là ở chỗ này. Chín mươi chín phần trăm người ba la mật yếu không làm được chuyện đó, không làm được chuyên nhìn mình như nhìn người khác.

Có những chuyện mình làm không thấy kỳ mà nhìn người ta làm mình lại thấy kỳ. Ví dụ thấy người ta ăn uống nhồm nhàm thì không thấy đẹp nhưng chính mình đang ăn vậy thì lại không thấy.

Nên chín mươi chín phần trăm người tu Tuệ quán phải tập cho được cái này. Trong Kinh nói đối với Tứ Đế phải suy nghĩ và phải hiểu như sau:

"Chỉ có sự khổ chứ không ai chịu khổ;
Chỉ có nguyên nhân tạo ra khổ chứ không có ai tạo ra khổ;
Chỉ có sự thoát khổ chứ không có người thoát khổ;
Chỉ có con đường thoát khổ chứ không có kẻ hành trì con đường ấy."


Cái này rất là sâu. Phải có một ngày bà con thấy rằng lại có tâm tham xuất hiện và rồi lại có nguyên nhân khổ. Thấy vậy là đủ rồi chứ đừng có tư tưởng "tôi" đang bị tham, "tôi" đang bị khổ. Cái đó rất là kẹt.

Trong Kinh ghi rất rõ: Khi một hành giả đang bị bệnh chỉ có hai cách quán chiếu như sau: "Tôi đang bị đau" hay là "Cơn đau đang có mặt."

Cách thứ hai tốt hơn vì theo cách thứ hai thì cơn đau dừng lại ở cái đau, không có thêm nữa. Còn cách thứ nhất thì cơn đau bị nhân đôi. Đau rồi còn có TÔI đau nữa (Đau tâm lý và Đau sinh lý). Có học A Tỳ Đàm chúng ta sẽ thấm cái này dữ lắm.


Đêm qua tôi nhận được một cú phone từ Việt Nam, có một Sư cô mất do ung thư, người gọi điện là người em, cũng là một ni. Trước khi mất Sư cô có nói một câu dặn lại cho mấy chị em cùng là ni cô: "Không thể tu chơi chơi được. Phải tu rốt ráo nếu không lúc này chịu không nổi."

Trích bài giảng Vài nét tiêu biểu về chúng sanh và vũ trụ.
 
Sửa lần cuối:
Ngủ Ngầm

Anusayā ca me samugghātaṃ gacchissanti

samugghātaṃ gacchissanti có nghĩa là chặt đứt, cắt đứt, đốn tận gốc. Anusaya đây là phiền não.


Phiền não là sao? Phiền não có 3:

1. Vitikkamakilesa: là phiền não bộc phát qua thân, khẩu ai nhìn cũng thấy.

2. Pariyutthanakilesa: là phiền não trong dạng ý nghiệp, chỉ đương sự và người có thần thông mới biết. Thí dụ bây giờ tôi đang bực mình thì chỉ trời biết. Tôi đang nhăn răng tôi cười nè nhưng mà trong bụng tôi đang nổi điên lên, thì lúc đó chính tôi tôi biết, tôi biết tôi đang sân và cái người có thần thông cũng biết là tôi đang sân, đang bực mình. Hoặc tôi cũng y áo trang nghiêm thế này nhưng mà tôi nhìn một cái gì đó tôi thích, thì người ta đâu biết tôi đang thích cái gì, họ thấy y áo trang nghiêm, mắt lim dim lim dim thế này, thì lúc đó chính tôi, tôi là đương sự tôi biết mình đang sống bằng phiền não và người có thần thông họ nhìn vô, họ biết cái ông này đang phiền não.

3. Nhưng mà cái phiền não thứ ba mới mệt. Phiền não thứ ba này là Anusayākilesa, tức là phiền não trong cái dạng tiềm tàng khi ngộ sự mới xuất hiện, mới lộ diện.

Phiền não thứ nhứt là phiền não bộc phát qua thân, khẩu, ai nhìn vô cũng thấy; như thấy tôi đang sát sanh, tôi đang chửi bới, tôi đang đâm chém, v v ... cái phiền não đó ai nhìn cũng thấy. Phiền não thứ hai chỉ có trong tâm tôi, chỉ có một mình tôi và người có thần thông họ biết thôi. Phiền não thứ ba là dạng tiềm tàng. Tức là chỉ khi nào ngộ sự nó mới lộ diện.

Mình thấy một người đi chùa mặc áo dài thướt tha, nhu mì. "Trời ơi, mặt nó hiền từ." Nó lim dim, nó chắp tay, nó ngoan hiền, nó đi thướt tha, chánh niệm, từ tâm tràn đầy. Nhưng chỉ cần nó liếc mắt lên mà nó thấy một người khác đi chung với chồng nó là rồi. Là nó xăn tay áo lên, là nó cầm guốc nó xử người ta liền. Thí dụ như vậy. Hoặc là một người mình thấy trí thức như vậy, kiếng cận như vậy, ăn nói nhỏ nhẹ như vậy, mà chỉ cần một cái quyền lợi hay cái danh dự, cái sĩ diện của họ mà bị tấn công, bị chà đạp là họ cũng nổi cơn lên liền. Bằng cấp bác sĩ, kỹ sư cỡ nào đi nữa tới lúc đó là tự nhiên nó quên sạch hết. Đấy, mà trong khi trước đó thì không có gì hết. Thì cái lúc mà không có gì hết, lúc đó phiền não của họ trong cái dạng "Anusayā", gọi là phiền não tiềm tàng.

Ở Việt Nam mình nó có một cái chữ rất là kỳ, đó là chữ ngủ ngầm. Chữ này không hề có trong tiếng Việt nam. Ngủ ở đây là nằm ngủ, còn ngầm ở đây có nghĩa là kín khuất. Cái chữ này chỉ có ở trong Phật giáo Nam tông Việt Nam mà thôi. Bởi vì tiềm là kín đáo, giống như tiềm thủy đỉnh, hoặc là tiềm tàng, tiềm ẩn, còn miên là ngủ. Hai cái chữ "tiềm miên" này thật ra nó cũng không có trong văn chương thế tục. Bởi vì sao? Vì nó được dịch sát từ chữ Anusayā, chữ này chỉ trong kinh Phật mới có. Từ cái chữ Anusayā dịch qua tiếng Hán Việt là "tiềm miên", và từ cái chữ tiềm miên thì người Việt Nam mình bèn dịch ra là ... "ngủ ngầm". Những người đi chùa lâu năm họ tưởng cái chữ đó là tiếng Việt Nam. Tôi xin thưa với các bố, cái chữ đó chỉ có những người trong Nam Tông Việt Nam mình xài thôi. Chớ còn không có cái ngôn ngữ nào, từ ngữ nào trong tiếng Việt Nam mình mà có xài chữ "ngủ ngầm". Mặc dù bây giờ đi chùa quen nghe nên mình hiểu nói cái gì. Đúng ra cái đó phải dịch là "phiền não tiềm tàng", chớ còn cái đó mình dịch là "ngủ ngầm" nghe nó kỳ dữ lắm, nó rất là kỳ.

Tôi thí dụ thêm. Cái y của ông sư, bên ngoài là cái y lớn nầy nè, mấy ông sư có mặc cái nhỏ ở trong như áo lót vậy đó, mà nó chỉ che có một bên thôi, che bên trái còn bên phải bỏ trống. Các vị đi hỏi dùm tôi coi người Việt Nam mình, ngay cả một số vị sư và đặc biệt là cư sĩ, các vị hỏi dùm tôi họ kêu cái đó bằng cái gì? Toàn là nghe nói không, không ai biết cái đó gọi là cái gì. Họ kêu là cái đó là cái "hồng sắc". Coi đã hông? Có người kêu là cái "hằng sắc". Bây giờ hỏi xong rồi có một nhân vật trả lời là "hồng sắc". Tôi xin thưa chữ đó là chữ "ăn sắt" chớ hỏng phải là "hồng sắc". "Ăn" đây giống như ăn uống vậy, còn "sắt" ở đây như sắt thép vậy đó. Mà tại sao vậy? Tại sao kêu "ăn sắt"? Là bởi vì nó từ cái tiếng Phạn là amsaka tức là cái che vai; "amsa" là vai, là shoulder, là cái vai. Mà cái đạo mình là các Ngài đem từ bên Miên về, bên Thái về. Họ không có dịch chữ đó mà họ đọc chữ đó, "amsaka", theo tiếng Thái, theo tiếng Miên là "amsak". Thế là Việt Nam mình từ chư tăng tới phật tử là cứ nghe sao lặp lại như vậy, mà lặp riết từ cái "amsak" mà nó qua tới cái "hằng sắc". Rồi thấy hằng sắc nó hỏng có đã lắm, và bởi vì nó màu hồng thôi kệ, kêu nó là "hồng sắc". Cuối cùng đi đè Nguyễn Lân ra hỏi "hồng sắc" là gì, ông Đào Văn mà còn sống hỏi ổng ... hỏi đó là cái gì, hỏng có bố nào biết hết trơn. Là bởi vì nó hoàn toàn hỏng có phải. Amsak là cái vai, amsaka là cái che vai. Nhớ cái đó.

Cũng giống như cái bài nhật tụng

Idam me ñatinam hotu
Sukhita hontu ñatayo
(Những cái phước con làm đây
xin hồi hướng cho quí bà con được an vui)

Việt Nam mình mỗi người đọc một cách. "Idam vo ñatinam hotu" họ không có đọc như vậy, mà họ nhái theo. Tôi nghe là "cây đàn vô giá cây đàn hôn tú hôn tú nhà ta dô", mà họ đọc suốt mùa thu, họ đọc từ năm này qua năm khác, đọc suốt như vậy. Cứ là "cây đàn vô giá cây đàn ... ".

Rồi thì có một bà tu nữ trên Bửu Long, bây giờ bả mất rồi. Lúc bà bị bịnh nặng cận tử, mấy sư xuống giống như là hộ niệm, rồi có nhắc bà niệm Phật.

Thì bà nói rằng: "Con vững tâm lắm, con vững tâm đi lắm, vì mấy chục năm qua là không có giờ nào mà con quên niệm Phật. Con cứ là hả ra ăn con niệm riết." Thì ông sư mới hỏi: "Bà đọc kỹ cho tôi nghe coi bà niệm làm sao?" Thì bà niệm "Hả ra ăn..." Thì ông sư nói: "Không, A ra hăn là A la hán." A-ra-hăn là 1 trong 9 hồng danh của Phật, mà bà đọc trong suốt nhiều năm, bà đọc: "Hả ra ăn". Các vị nghĩ coi, động trời không?

Tôi kể ra những cái chuyện này tuyệt đối không phải để bôi bác, để bài xích, để dè bỉu ai hết. Mà tôi muốn nhắm tới một chuyện thôi. Đó là cẩn trọng, đừng có làm cái chuyện là bắt chước mà bắt chước không giống.


Như cái ông đó mà ổng nghe hàng xóm nói nho mà ổng bắt chước. Ổng nghe hàng xóm la là: "Tao không có thích la mày, tao biết là giáo đa thành oán." Tức là dạy riết nó thành thù. Mà ảnh nghe hỏng rõ. Ãnh về ảnh la con ảnh, ảnh nói: "Bố hỏng muốn đánh con, bố cũng biết là "gáo tra dài cán. Nhưng mà tại vì thương con thì bố phải dạy..." Đại khái như vậy. Lộn như vậy đó, hiểu hỏng có tới.
 
Sửa lần cuối:
Nghiệp Trổ

Trong vô số kiếp luân hồi mình tạo vô số nghiệp và những cái nghiệp đó đến lúc thích hợp thì nó trổ. Trong kinh nói nó giống như một cái chuồng bò nhiều con. Mỗi sáng khi mở cửa ra thì con nào nó đứng gần cửa chuồng nhất thì con đó đi ra trước. Khi mà mình cả đời tu hành mình làm phước hoặc cả đời mình ác ôn côn đồ, cà chớn, lưu manh thì cái đó không quan trọng. Mà quan trọng nhất là lúc mà cận tử, ngáp ngáp. Lúc đó trong vô số cái nghiệp kiếp trước, cái nghiệp nào mà nó trổ nhằm ngay lúc đó là chính nó dắt mình đi. Cho nên nhiều khi cả đời mình tu hành rất là khả kính, nhưng tắt thở lại đi đọa. Còn cái thằng kia nó cà chớn nhưng mà nó chết rồi nó lại đi lên. Là tại vì ngay cái lúc nó tắt thở là nhằm cái lúc mà cái quả lành kiếp trước nó trổ.

Quý vị hiểu không?

Cho nên đừng có lấy làm lạ là tại sao nhiều người cực kỳ ác ôn mà coi như đời nó may mắn vô cùng. Còn có nhiều người nó hiền lương vậy, mà nó xui banh xác luôn. Là tại sao? Là như thế này.

Mười năm về trước tôi siêng vô cùng. Tôi trồng nào là măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, ổi, tùm lum hết. Mấy năm nay tôi lại làm biếng. Nhưng sau đủ 10 năm thì mấy cái cây mà 10 năm trước tôi trồng đó bây giờ là lúc tôi thu hoạch. Đúng không? Còn cái bà này 10 năm trước bả làm biếng không có tả xiết. Nhưng mấy năm gần đây thì bả lại rất là siêng. Thì năm nay tôi có sầu riêng ăn, mặc dầu tôi rất làm biếng. Còn bả năm nay tuy bả rất là siêng nhưng bả có sầu riêng ăn không? Không. Vì sao? Chưa tới lúc. Chính xác! Cho nên người không có rành, đi ngang thấy bả quần quật, quần quật. Tôi thì tôi cứ dật dựa vầy mà sầu riêng đầy nhà hết trơn, ăn hỏng hết, vừa ăn vừa bán, vừa cho vừa tặng mà hỏng kịp luôn. Còn bả là bả ra bả lạy cây sầu riêng mà cũng nó không có được một cái bông nữa. Tại sao? Vì nó chưa có đến lúc.

Cho nên là cứ mỗi lần mà ta có một thiện niệm hay ác niệm thì ta đã kín đáo tạo ta một cái tâm đầu thai cho kiếp khác. Và cái tâm đầu thai đó nó sẽ xuất hiện vào một cái thời điểm nào đó tùy vào cái lực mạnh của lúc mình tạo nghiệp.

Có ba cái làm nên cái lực mạnh và yếu cho một nghiệp:

đối tượng tạo nghiệp là cá nhân hay tập thể.

đức độ hay không đức độ.

tâm trạng của mình lúc tạo nghiệp mạnh hay yếu.


Thí dụ như mình cố ý cắt cổ gà cái tội nó khác. Còn đằng này mình cầm cái ly nước sôi mình tráng rồi mình hất ra đường, nó nhẹ hơn cắt cổ gà, đúng không? Nhưng mà khi mình hất một ly nước sôi vậy thì nó chết lũ phũ ở ngoải.

Cho nên có hai loại nghiệp: vô ý và cố ý.


Nghiệp cố ý có nghĩa là hôm nay mình cố ý mình giết người ta thì mai mốt mình bị đứa khác nó cố ý nó giết lại.

Còn nghiệp vô ý là hôm nay mình vô ý mình giết cái con gì đó, mai mốt mình cũng bị một tai bay họa gở nào đó mình chết. Như đang đi cột điện ngã, chết. Hoặc là đường đèo đá bị lở không hay, lái xe đi luôn. Và ngày xưa tạo nghiệp vô tình, hôm nay chết cũng một cách ngẫu nhiên. Hay lắm. Có nghĩa là cái nghiệp nó rất là chặt chẽ.


Trong kinh Đức Phật dạy thế này: Có trường hợp nghiệp trắng thì cho quả trắng, nghiệp đen thì cho quả đen, nhưng có trường hợp trắng đen nó trộn nhau thì sẽ cho quả lẫn lộn cả đen lẫn trắng.

Trong kinh dạy có cái cô đó cổ gặp một vị A La Hán ôm bát đứng trước nhà cổ. Các vị đã đắc A La Hán rồi thì cái lòng từ của các Ngài lớn lắm, các Ngài không có làm cái chuyện nhóm lửa hoặc là đào đất bởi vì như vậy nó sẽ gây thương tổn cho chúng sanh. Thì cái vị A La Hán này Ngài ở trên núi Ngài cần một cục đất sét tốt để làm việc nên buổi chiều đó Ngài mới đi xuống cái lò gốm. A La Hán thì buổi chiều không có đi bát. Nhưng mà Ngài ôm bình bát Ngài đứng chỗ lò gốm. Mục đích của Ngài là Ngài xin đất sét thôi. Thì cô con gái của ông chủ lò, cổ dòm Ngài cổ nói: "Muốn xin đất hả?" Thì cổ nhìn Ngài cổ hỏi Ngài muốn cái gì thì Ngài trả lới muốn xin một ít đất. Thì cổ mới nói câu này: "Đàn ông con trai, sức vóc như vậy, một cục đất sét cũng không kiếm được mà tới đây xin. Tưởng xin cái gì quí hiếm, ai ngờ đất sét mà cũng lại chỗ có sẵn mà xin, sao không ra bờ sông, bờ suối mà lấy." Miệng thì nói vậy mà tay vẫn lựa cái cục ngon nhất bỏ vô bát cho. Nhưng miệng cũng phải đớp vài câu cho nó đã, nó hả cái nư của bà. Mà cổ không hề biết rằng cái người mà cổ cho cục đất là một vị A La Hán. Cổ miệng thì cầu nhầu mà tay thì vẫn lựa cục đất tốt nhất mà cho. Thì cổ không biết là cổ vừa tạo cái nghiệp vừa đen lẫn trắng. Do cái tâm cầu nhầu một vị A La Hán nên sanh ra đời đời kiếp kiếp cổ xấu hơn tôi nữa. Nhưng cổ tạo cái phước là cổ lựa miếng đất mà tốt, mịn, không có sạn, không có tạp chất; lúc cổ lựa cổ có ý tìm cái mịn, không tạp chất; thì lúc cổ nghĩ tốt cổ mới lấy. Thì khi cổ tái sanh cổ xấu ma chê quỉ hờn do cái cầu nhầu vị A La Hán đó, nhưng mà do cái tâm lựa cái mịn cho nên cổ lại có cái phước rất là lạ: ai mà chạm cổ rồi thì về bán nhà đội bàn thờ đi theo.

Cho nên có nhiều ông mê vợ bé mà vợ bé xấu hơn vợ cả. Chuyện ấy vì sao, chỉ có chàng biết. Bây giờ các vị hiểu rồi chứ? Có nhiều cái người lạ lắm, họ có một cái mùi nói rằng thơm thì không được nhưng mà nó như lia thia quen chậu, hương gây mùi nhớ. Nó có một cái gì đó rất là riêng mà nó quến một cái là kẻ kia không cách chi bỏ được.
 
Sửa lần cuối:
GIÂY PHÚT HỘ NIỆM

... Người Việt Nam, người Tàu thờ Phật mà mê chuyện thờ cúng người chết, nhưng lại chớ hề tìm đọc những bài kinh liên hệ đến chuyện hộ niệm siêu độ. Vậy mới ghê chứ! Nó đau chỗ đó! Mình thờ Phật mà mình lại khoái cái chuyện cúng vong, cúng tang mà trong khi đó chớ hề đọc mấy bài kinh.

Thí dụ như ông Mahānāma hỏi Thế Tôn "Khi một người thân của con cận tử chúng con hỗ trợ, hộ niệm họ bằng cách nào?" Bài kinh đó có ai đọc đâu? Mà tôi nghĩ Phật tử hình như cũng không biết bài kinh đó luôn! Hoặc là ổng hỏi "Bạch Thế Tôn, trong tình huống mà con ra đi với tai nạn thảm khốc nào đó thì trong sự hoảng hốt, hoảng loạn đó con sẽ đi về đâu? Con nói riêng và những người tu Phật tin Phật, tin Thế Tôn, sẽ đi về đâu khi mà ra đi trong sự chớp nhoáng, hoảng loạn như vậy?"

Bài kinh đó (Tương Ưng Dự Lưu 21. I. Mahànàma) quá hay mà lại không thèm đọc. Lạ vậy. Mà rồi cứ vô cho thầy bà phán sao nghe như vậy, tới hồi một lúc may mắn ngộ ra được bắt đầu mới tiếc.

"Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài,
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây


Biết bao nhiêu năm đi chùa nghe pháp mà mấy cái đó không chịu học lại cứ vô nghe kêu làm phước riết thôi. Thầy thì chớ hề giảng mà cứ nói, nắn sao cho thấy mình số một, không để ý tới lợi ích của học trò.


Rồi thêm nữa, chú giải nói về siêu độ chúng sanh có 3 hạng. Ác nhiều hơn Thiện, Thiện Ác đề huề và Thiện nhiều hơn Ác.

Đối với cái hạng Thiện nhiều hơn Ác, thì một là không cần hộ niệm, hai là ai cũng có thể hộ niệm được.

Hộ niệm cho người cận tử là tụng kinh cho họ nghe. Hộ niệm không phải là để cầu nguyện cho họ. Mình cứ hiểu lầm hộ niệm là cầu tha lực. Hiểu vậy là sai. Vì sao? Bởi vì nếu nói rằng do cầu nguyện lúc cận tử cho kẻ sắp đi mà họ được sự hộ trì từ ai đó, nếu nói chuyện đó có thật, thì tôi xin hỏi một câu thôi:

- Tôi cả đời gian ác thì có thầy bà nào mà lại cầu cho tôi được không?

Hãy tự trả lời một cách thông minh, công bằng và bình tĩnh đi. Nếu mà được thì chỉ có 2 trường hợp thôi: Một là tôi nhờ phước cũ nào đó trong quá khứ. Hai là do cận tử nghiệp. Có nghĩa là giờ cuối tôi hồi đầu hướng thiện - gọi là phóng hạ đồ đao lập địa thành Phật, là buông đao thành Phật. Lúc đó là tôi chuyển tâm, tôi có lòng qui hướng thiện pháp, chánh pháp, Phật Pháp. Thì với lòng qui hướng ấy nó trở thành cận tử nghiệp để tôi cầm cái đó mà ra đi. Chỉ có 2 trường hợp đó, một là nghiệp cũ, hai là nghiệp ngay tức thì.

Chứ còn nói có sự gia trì từ nguồn ngoại lực nào đó thì tôi không tin. Vả lại nó rất là vô lý. Bởi vì nếu đương sự không nhờ phước xưa cũng không nhờ phước nay mà chỉ bằng vào sự gia trì của một thế lực ngoại tại ngay tại chỗ lúc lâm chung cận tử thì như vậy bất công quá. Nó ác cả đời rồi bây giờ nó quăng một đống tiền ra nó rước thầy bà về là nó siêu à?

Trich bài Tuỳ Miên
 
NHỮNG SUY TƯ CỦA NGƯỜI TRÍ

Trước khi, đang khi mình biết Phật pháp, vốn dĩ trong cái đầu bự của phàm phu mình có biết bao nhiêu là biên kiến, định kiến và thành kiến về bao nhiêu là vấn đề trong thế giới này (văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, xã hội, tín ngưỡng, tâm lý, triết học…) nhưng khi biết đạo rồi thì mình nên làm gọn lại vấn đề, thu gọn lại cảnh giới rong ruổi.

Chỉ nhớ một chuyện thôi: khôn cho lắm cũng chết, ngu cho lắm cũng chết, sướng khổ cho lắm cũng chết, thiện ác cho lắm cũng chết… Nếu như vậy, trong mấy chục năm này mình có nên dành ít thời gian cho những câu hỏi sau đây: Tôi là ai trong cuộc đời này? Ở đâu tôi tới? Tôi sẽ về đâu? Bây giờ tôi phải làm gì? Người mà biết trăn trở như vậy mới có nhu cầu đến với chánh pháp, còn không mà cứ nghĩ đến chuyện chết rồi sanh về cõi này coi kia, còn không nữa thì ngay bây giờ lạy Phật, cúng Phật mong được mua may bán đắc, may mắn trong tình yêu gia đạo v.v... với não trạng đó thì đừng có hòng tìm được nhận thức đúng đắn và cần có đối với lời dạy của chư Phật. Vì sao?

Vì các ngài một đời hoằng hóa độ sinh chỉ nói đến hai chuyện thôi, đó là ngài vạch rõ cho mình thấy cái gì là cuộc đời: Đời = khổ và Khổ = cuộc đời. Không có gì ngoài ra.

Thứ nhất là Ngài nói về cái khổ, là bản chất của đời sống và thứ hai là Ngài nói cho mình biết con đường đi ra khỏi nó.

Cả đời của Ngài từ năm 35 tuổi đến năm 80 Ngài chỉ có làm hai việc:

Ngài cho mình biết mình đang là ai, mình đang có mặt trong một cõi đời như thế nào; và điều thứ hai, Ngài dạy, nếu con muốn thì đây là con đường để con ra khỏi cuộc đời này, cái cuộc đời mà hạnh phúc là do ảo giác, đau khổ là do hiểu lầm. Một thế giới mà gia tài chỉ có hai là hạnh phúc và đau khổ mà một cái là do ảo giác, một cái do hiểu lầm thì con nghĩ mình có nên đi hay không? Bốn mươi lăm năm ấy Ngài chỉ dạy chừng đó thôi, phải có nhận thức đó mình mới đến với đạo được.


Vì vậy, đặc điểm thứ 6 của chánh pháp là «Paccattaṃ veditabbo viññūhi»:

Chánh pháp chỉ được nhận thức bởi người hiền trí, tức kẻ chịu nhìn lại mọi định kiến. Nghĩa là đạo này chỉ dành cho người hiền trí mà thôi.

Chứ còn kẻ sống trong máu lệ mà còn đi tìm một chỗ nương trong cõi phù du thì người này chưa đến lúc gõ cửa Không môn.

Phải có một lúc biết thao thức, biết trăn trở, tự dằn xé với những câu hỏi mà tôi đề nghị: mình là ai, ở đâu mình tới, chết rồi mình đi về đâu và bây giờ khoảng thời gian còn lại mình nên làm gì, suy tư kiểu gì? Không lẽ bây giờ cứ đói ăn khát uống, còn trẻ thì đi bán tuổi trẻ kiếm tiền, tới già lấy tiền mua tuổi trẻ? Rồi lăn đùng ra, đứa khôn đứa ngu, đứa sướng đứa khổ cũng chun xuống cái lỗ hai thước rồi chờ mục rã? Người trí phải biết suy nghĩ những điều đó.

Đọc lời tâm sự cận tử của Steve Jobs – ông tổ Apple - mới thấy thấm:


“Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tượng của thành công. Tuy vậy phía sau của công việc tôi có rất ít niềm vui

Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hóa với tôi. Trong lúc này trên giường bệnh viện, hồi tưởng về cuộc đời, những lời khen ngợi, tự cao, tự hào về tài sản nhưng tôi cảm thấy thật vô nghĩa trước tử thần, cái chết.

Trong bóng tối, khi nhìn ánh đèn màu xanh và tiếng ồn ào của máy dưỡng khí, tôi cảm nghiệm được những hơi thở của tử thần rất gần kề. Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho cuộc đời của bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc. Nên tìm một điều gì quan trọng hơn…”

Ông đã có trong tay bao nhiêu thứ mà hàng tỷ người mơ ước, từ kiến thức, danh tiếng, tiền bạc, đến khi nằm nghe cái máy dưỡng khí mới bỗng nhận ra ý nghĩa đằng sau của cuộc đời này, thì ra những thứ mà ông có đến bây giờ đâu có thứ gì giúp được ông đâu, ngoài nhận thức tí ti về lẽ sống và sự chết.
 
Top