Sau khi có lộ trình cấm xe máy, ô tô xăng dầu lưu thông ở Hà Nội, người dùng đang dùng đã phải bán tháo xe, nhưng khó để thanh khoản.
Ô tô xăng dầu vẫn còn gần 1,5 năm để chuyển đổi
Mới đây, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, bảo đảm đến ngày 1/7/2026 không còn xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Còn gần 1,5 năm nữa để chuyển đổi ô tô xăng dầu sang xe điện.
Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực Vành đai 1, Vành đai 2, đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.
Người dùng bán tháo ô tô xăng dầu
“Từ đầu tuần, khi có thông tin lộ trình cấm xe xăng dầu ở Hà Nội, điện thoại tôi liên tục reo khi người dân gọi để bán lại xe. Mặc dù vậy, thời điểm này mua xe cũ rất nhiều rủi ro, nếu không muốn nói là mạo hiểm với những salon ở Hà Nội như chúng tôi”, anh Nguyễn Long, salon An Bình Auto chia sẻ.
Người dân đang có tâm lý bán tháo xe ô tô xăng dầu khi có thông tin bị cấm bởi càng để lâu sẽ càng mất giá, nhiều người cùng bán xe.
“Tôi phải từ chối rất nhiều người bán ô tô vì đa số là xe đời sâu cách đây đến hơn 10 năm, những dòng xe này thực sự giờ rất khó thanh khoản. Nếu ai đang có những dòng xe này có thể cân nhắc bán về các tỉnh không có lộ trình cấm xe xăng dầu. Trong khi đó, các salon ở Hà Nội hiện nay chủ yếu nhập xe lướt, bán lại ngay chứ không dám để lâu trước thông tin cấm”, anh Long nói thêm.

Người dân bán tháo xe cũ.
Salon xe cũ ngoài việc từ chối mua xe xăng dầu với lý do đời sâu, họ còn đang phải đối mặt với thách thức phải xả hàng tồn kho và không dám nhập xe ồ ạt, ngay cả xe lướt thời điểm này.
“Năm nay, thị trường ô tô cũ quá nhiều khó khăn từ đầu năm khi xe mới liên tục ưu đãi. Các dòng xe dễ thanh khoản như Mazda CX-5, Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent… hàng tháng nào cũng giảm vài chục đến gần 100 triệu. Khách tìm mua xe lướt thì cân đo với giá xe mới nên thanh khoản xe cũ rất khó. Giờ thêm thông tin sắp cấm xe xăng dầu ở Hà Nội nên lượng xe còn tồn ở salon tôi đến khoảng 20 chiếc rồi, không biết bao giờ mới đẩy đi được”, anh Minh Long nói.
Ở góc nhìn chuyên môn, chuyên gia Nguyễn Thanh Hải nhắc lại nhận định của mình đã đúng, nhưng không ngờ thị trường ô tô năm nay còn biến động mạnh bởi chính sách đến vậy.
“Năm trước, tôi nhận định thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn gặp khó ít nhất đến hết năm 2025, điều này đến thời điểm này chắc chắn là đúng. Xe mới cả hãng và đại lý đều xả kho, xe cũ nhiều, nhưng giá không rẻ nên khó thanh khoản.
Hiện nay, thị trường tiếp tục chững lại với thông tin còn chưa đầy 1,5 năm nữa sẽ cấm xe xăng dầu thì ai còn dám mua xe mới nữa. Nếu như ảnh hưởng của nền kinh tế khiến người dân hạn chế mua xe là tác động nhỏ thì chính sách tác động sẽ lớn hơn bởi mua xe không đi được vào nội đô thì còn ai dám bỏ cả tỷ để mua. Thời gian này nhiều gia đình sẽ tính toán đến việc bán xe xăng, chuyển đổi xe điện để có thể đi lâu dài”, ông Hải nói.

Xe mới giảm giá khiến thị trường biến động.
Ô tô điện mới phát triển ở Việt Nam 3 năm nay và không có nhiều lựa chọn dành cho khách hàng. Một số hãng xe Trung Quốc như BYD, Geely,.. sản phẩm vẫn còn quá ít không dành cho số đông. Đặc biệt, các hãng xe này đều không có trạm sạc, trong khi đó người mua xe có nhà riêng ở mặt đất không nhiều.
Lựa chọn tốt nhất với người Việt thời điểm này là thương hiệu VinFast. Hãng xe Việt ngoài danh mục sản phẩm đa dạng từ xe đô thị, mini car, còn có xe chạy dịch vụ, xe dành cho gia đình phủ ở nhiều phân khúc với mức giá hợp lý, nhiều ưu đãi.
Quan trọng nhất, duy chỉ có VinFast sở hữu hệ thống hạ tầng trạm sạc phủ kín cả nước đáp ứng nhu cầu sạc pin của người dùng với lượng xe bán ra hiện nay. Hãng xe Việt vẫn đang tiếp tục mở rộng trạm sạc với chính sách nhượng quyền.
Một năm rưỡi là thời gian đủ để người dân Thủ đô chuyển đổi phương tiện xe máy, ô tô xăng dầu sang xe điện trước khi lệnh cấm có hiệu lực, trước mắt ở khu vực Vành đai 1 trung tâm và mở rộng ra Vành đai 2, 3 đến hết năm 2030.

Người dùng bán tháo ô tô xăng dầu, salon xe cũ liên tục từ chối
Sau khi có lộ trình cấm xe máy, ô tô xăng dầu lưu thông ở Hà Nội, người dùng đang dùng đã phải bán tháo xe, nhưng khó để thanh khoản.