Người Hà Nội tích đồ trước bão Wipha, chợ và siêu thị đông đúc

VIP0005

Đàn iem Duy Mạnh

Trước ảnh hưởng của bão số 3, nhiều gia đình tại Hà Nội đã chủ động mua thực phẩm, đồ khô để dự trữ. Ghi nhận cho thấy nguồn cung vẫn ổn định, không xảy ra khan hiếm.

Trước cảnh báo về mưa lớn trên diện rộng do ảnh hưởng từ bão số 3, nhiều gia đình tại Hà Nội đã chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại các chợ dân sinh và hệ thống siêu thị trong thành phố cho thấy sức mua tăng cao, đặc biệt với nhóm hàng thiết yếu như rau củ, thịt cá, thực phẩm khô.

Tuy nhiên, không xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, các nhà cung ứng đều đã có phương án dự trữ, điều phối nguồn hàng từ sớm.

Tại các chợ dân sinh như chợ Thành Công, chợ Thái Hà, chợ Nghĩa Tân, lượng người mua tăng rõ rệt từ sáng 21/7.

Người Hà Nội tích đồ trước bão Wipha, chợ và siêu thị đông đúc - 1

Thịt lợn, thịt bò được tiêu thụ nhanh tại các chợ dân sinh, nhiều tiểu thương chủ động nhập thêm để đáp ứng nhu cầu tích trữ thực phẩm (Ảnh: Lê Phương Anh).

Tại chợ Thành Công, nhiều sạp rau, thịt, cá đông khách từ sớm. Một số mặt hàng rau xanh như rau muống, cải ngọt, bí xanh được tiêu thụ nhanh chóng.

Chị Trương Thị Hằng, một người dân đi chợ Thành Công cho biết: “Tôi đi chợ sớm hơn mọi ngày để mua rau củ và thực phẩm khô tích trữ cho vài ngày tới. Dù người mua đông hơn thường lệ, nhưng nếu đi sớm vẫn có thể chọn được đồ tươi”.

Phương Dung, người dân sống tại phố Láng Hạ, chia sẻ: “Tôi mua rau ngót, cá, thịt để nấu ăn trong 2-3 ngày tới. Giá rau có tăng nhẹ nhưng không quá đáng kể. Quan trọng là vẫn mua được thực phẩm còn tươi”.

Nhiều tiểu thương cho biết đã tăng lượng hàng gấp đôi so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu người mua tăng cao.

Chị Ngọc, tiểu thương bán rau tại chợ Thành Công cho hay: “Tôi không tăng giá, chỉ mong bán hết hàng sớm để người dân có đồ tích trữ, mình cũng được về nhà sớm vì ở xa”.

Người Hà Nội tích đồ trước bão Wipha, chợ và siêu thị đông đúc - 2

Dù lượng khách tăng, nhiều quầy rau và thịt tại chợ dân sinh vẫn đảm bảo nguồn hàng và giá cả ổn định (Ảnh: Lê Phương Anh).

Tại chợ Thái Hà, bà Vân, tiểu thương bán thịt cho biết: “Tôi bán thịt ở đây gần 20 năm, hôm nay lượng khách có tăng nhưng không quá tải. Sáng nay, gia đình tôi thịt 3 con lợn và vẫn đủ bán. Nếu người dân cần thêm, tôi có thể thịt tiếp”.

Trong khi đó, các hệ thống siêu thị như WinMart, GO! cũng ghi nhận lưu lượng khách tăng cao trong ngày đầu tuần. Nhiều kệ hàng thực phẩm khô, mì gói, rau củ dễ bảo quản liên tục được bổ sung.

Một số siêu thị nhỏ ở khu vực như Đê La Thành, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh cũng ghi nhận lượng khách đông trong cả buổi sáng 21/7.

Người Hà Nội tích đồ trước bão Wipha, chợ và siêu thị đông đúc - 3

Khách hàng xếp hàng tại quầy thanh toán ở WinMart Trúc Khê (Hà Nội), nhiều người ưu tiên mua thực phẩm khô cho những ngày mưa bão sắp tới (Ảnh: Lê Phương Anh).

Chị Ngọc, nhân viên tại một siêu thị trên địa bàn phường Giảng Võ cho biết, đơn vị đã chủ động làm việc với nhà cung cấp, tăng lượng hàng nhập từ đầu tuần nhằm ứng phó với diễn biến thời tiết bất lợi.

“Các nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, mì gói, đồ hộp, nước uống… đều được đảm bảo luân chuyển thường xuyên giữa kho trung tâm và các điểm bán, tránh tình trạng thiếu hụt cục bộ”, chị Ngọc nói.

Hiện các siêu thị vẫn duy trì thời gian mở cửa bình thường từ 7h đến 22h tại các điểm độc lập và từ 8h đến 22h tại trung tâm thương mại. Các mặt hàng đông lạnh, thực phẩm trữ mát và nhóm thực phẩm khô luôn được ưu tiên dự trữ.
Người Hà Nội tích đồ trước bão Wipha, chợ và siêu thị đông đúc - 4

Ghi nhận tại siêu thị GO! Thăng Long, lượng khách tăng cao so với ngày thường nhưng hàng hóa vẫn được bổ sung đều đặn (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Còn tại siêu thị GO! Thăng Long, nhiều hộ dân cũng tranh thủ mua thực phẩm cho vài ngày. Chị Dung, cư dân tại đây, chia sẻ: “Tôi mua đủ dùng 2-3 ngày, không tích trữ quá nhiều vì biết hàng hoá vẫn có đều. Mưa bão chỉ ảnh hưởng trong thời gian ngắn nên không cần quá lo lắng”.

Ghi nhận trong ngày cho thấy, hệ thống cung ứng vẫn vận hành ổn định, hàng hóa không bị gián đoạn. Các chợ dân sinh, siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch đều duy trì nguồn cung phong phú, đảm bảo phục vụ người dân trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Việc chủ động dự trữ thực phẩm trong thời điểm thời tiết bất ổn là cần thiết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân không nên mua sắm vượt quá nhu cầu để tránh gây áp lực lên hệ thống phân phối và lãng phí thực phẩm, nhất là khi nguồn cung vẫn đang được đảm bảo đều đặn.

Người Hà Nội tích đồ trước bão Wipha, chợ và siêu thị đông đúc - 5

Khách hàng chọn mua rau củ tại siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội) sáng 21/7, tranh thủ tích trữ thực phẩm trước khi bão số 3 ảnh hưởng đến khu vực (Ảnh: Nguyễn Hà Nam).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Hà Nội nằm trong vùng có nguy cơ ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt.

Sáng 21/7, bão số 3 di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 15-20km/h, tâm bão cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 233km về phía đông. Dự báo đến chiều tối nay, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ. Khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 7-9; đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rất to và dông.

Từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to (100-200mm), có nơi trên 300mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ mưa lớn cường suất cao (trên 150mm trong 3 giờ), có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt tại các vùng trũng thấp.
 

Có thể bạn quan tâm

Top