Cần trả lại quyền xét tuyển cho các trường đại học thay vì chỉ dựa vào điểm số thi tốt nghiệp - rất dễ sinh bất công và thiếu chuyên nghiệp.
Trước đây, thi tốt nghiệp là thi tốt nghiệp, thi đại học là thi đại học. Thi tốt nghiệp tỷ lệ đỗ khá cao, từ 80% trở lên. Nhưng thi đỗ đại học cực khó, nhất là vào trường top đầu. Nhiều học sinh giỏi, kể cả học sinh giỏi cấp quốc gia vẫn trượt là điều hết sức bình thường.
Cái khó của đại học hồi đó cũng nên hiểu cho đúng, là nhu cầu việc làm không nhiều. Đại học ra hầu hết làm cho nhà nước, nên thi đại học đỗ ít và khó là dễ hiểu. Bây giờ, nhu cầu việc làm lớn, các công ty mọc lên nhiều, thì đào tạo nhân lực theo nhu cầu thị trường là điều dễ hiểu.
Những năm gần đây, bỏ kỳ thi đại học, xét tuyển đại học dựa trên điểm thi tốt nghiệp. Nhiều nước trên thế giới như Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga…, cũng đã áp dụng cách thức này.
Tuy nhiên, dù các nước trên làm như vậy, nhưng các trường đại học vẫn nắm quyền chủ động khi xét tuyển đầu vào. Như Tây Ban Nha và Ý, dù dùng điểm tốt nghiệp xét tuyển đại học, nhưng một số ngành đặc thù như Y khoa thì xét tuyển sinh riêng.
Pháp cũng xét tuyển đại học dựa vào thi tú tài, nhưng một số trường đại học vẫn có kỳ thi đầu vào riêng. Hàn Quốc: một số trường top dù dựa vào điểm tốt nghiệp phổ thông nhưng còn xét hồ sơ năng lực, học thực lực và phỏng vấn…
Nhật Bản phải thi thêm kỳ thi riêng của từng đại học. Còn Mỹ, không xét tuyển bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ xem là một điều kiện, còn để vào đại học phải dựa vào SAT/ACT, GPA, hoạt động ngoại khoá, bài luận và thư giới thiệu.
********
Năm nay, thí sinh kêu đề thi tốt nghiệp khó. Có báo viết đề toán và tiếng Anh đến cả học sinh giỏi còn nhăn nhó. Còn tiếng Anh thì người nước ngoài kêu là không thể hoàn thành trong thời gian thi được. Nghĩa là nó vừa khó vừa đánh đố. Nhưng một vài giáo viên lên báo kêu là phải khó như thế thì mới ra cái năng lực thật.
Năm ngoái, thí sinh hớn hở vì đề dễ, thế là cơn mưa điểm 10 rào rào. Và hậu quả là nhiều cô cậu 28-30 điểm vẫn…trượt đại học như thường.
Có lẽ, mọi người đang không hiểu, là việc đề khó hay đề dễ không phải là vấn đề. Mà vấn đề là: người chấm có thoáng tay hay không, có tư tưởng cục bộ cho con em tỉnh mình điểm đẹp để dễ vào đại học hay không, và có con cha cháu ông nâng điểm rào rào lên thành thủ khoa như Hà Giang, Hoà Bình năm xưa không…
Đấy chưa nói, khả năng lộ đề, học tủ, ôn đúng đề thi sau khi lộ, cộng với cả tâm lý điểm cho không biếu không, phản cảm và bất công, nhất là bất công với các trường đại học phải tuyển những sinh viên mà điểm đầu vào thiếu trung thực.
Đặc biệt, một số trường cần người có năng lực thật sự như trường Y, mà tuyển các bạn kiểu này vào chẳng khác gì gián tiếp làm hại xã hội từ khâu tuyển sinh.
Thi tốt nghiệp là để tốt nghiệp, nhưng xét tuyển vào các trường đại học mà trường mình nhưng điểm do ông khác ở đâu đó nó chấm, thì rõ ràng đã thiếu công bằng với chính từng cái trường đó rồi.
Phụ huynh đã đúng khi nêu ý kiến rằng nên trả lại quyền xét tuyển cho các trường đại học. Bởi các trường chịu trách nhiệm đào tạo ra con người thì họ được quyền kiểm tra lại nguồn đầu vào của họ.
Trả lại sự tuyển sinh cho các trường đại học là việc nên làm. Ở đó, các giáo viên với chuyên môn của họ, họ sẽ nhìn ra thí sinh nào có thực lực, thí sinh nào phù hợp hay không phù hợp với các tiêu chí tuyển sinh của họ. Còn điểm tốt nghiệp nên chỉ là để tốt nghiệp thôi, còn vào đại học thì không cào bằng và đổ đầu chung như vậy.
Nếu là được điều đó, mới chính là một nền giáo dục chuyên nghiệp và công bằng!