

Nguồn hình ảnh,Getty Images
- Tác giả,Simon Jack
- Vai trò,Biên tập viên kinh doanh
- 6 giờ trước
Dự luật ngân sách cắt giảm thuế của ông Trump - điều đã được ban hành thành luật - dự kiến tăng thêm ít nhất 3.000 tỷ đô la vào khoản nợ khổng lồ 37.000 tỷ đô la của Mỹ.
Không thiếu người chỉ trích kế hoạch chi tiêu này, đặc biệt là cựu đồng minh Elon Musk của ông Trump, người gọi văn bản luật này là "sự gớm ghiếc kinh tởm".
Khoản nợ ngày càng tăng khiến một số người tự hỏi liệu có giới hạn nào cho số tiền mà phần còn lại của thế giới sẽ cho Chú Sam (biệt danh của Mỹ) vay hay không.
Những nghi ngờ đó đã xuất hiện gần đây khi đồng đô la mất giá và các nhà đầu tư yêu cầu lãi suất cao hơn để cho Mỹ vay tiền.
Mỹ lại cần phải vay số tiền này để bù đắp chênh lệch giữa số tiền kiếm được và số tiền chi tiêu hằng năm.
Kể từ đầu năm nay, đồng đô la đã giảm 10% so với đồng bảng Anh và 15% so với đồng euro.
Mặc dù chi phí vay của Mỹ nhìn chung vẫn ổn định, nhưng chênh lệch giữa lãi suất phải trả cho các khoản vay dài hạn so với các khoản vay ngắn hạn - được gọi là đường cong lợi suất - đã tăng hoặc dốc hơn, báo hiệu sự nghi ngờ ngày càng tăng về tính bền vững lâu dài của hoạt động vay của nước này.
Điều đó diễn ra dù Mỹ đã giảm lãi suất chậm hơn EU và Anh. Thông thường, việc này sẽ giúp đồng đô la mạnh hơn, vì nhà đầu tư có thể hưởng lãi suất cao hơn nếu gửi tiền ngân hàng.
Người sáng lập quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, Ray Dalio, tin rằng hoạt động vay của Mỹ đang ở ngã ba đường.
Theo quỹ đạo hiện tại, ông ước tính Mỹ sẽ sớm chi 10.000 tỷ đô la mỗi năm cho các khoản vay và trả lãi.
"Tôi tin chắc rằng sức khỏe tài chính của chính phủ Mỹ đã đến điểm mấu chốt. Nếu không xử lý dứt điểm ngay lúc này, gánh nặng nợ sẽ tăng lên đến mức rất khó xoay xở mà không phải chịu những hậu quả nghiêm trọng," ông nói.
Vậy những hậu quả đó có thể là gì?
Thứ nhất, đó có thể là việc cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ, tăng thuế đáng kể, hoặc cả hai. Ông Ray Dalio cho rằng việc giảm thâm hụt ngân sách từ mức 6% hiện tại xuống 3% trong thời gian tới có thể giúp tránh được rắc rối trong tương lai.
Kế hoạch ngân sách mới của ông Trump có cắt giảm một phần chi tiêu, nhưng lại cắt giảm thuế nhiều hơn, nên quỹ đạo chính trị hiện tại đang đi ngược lại.
Thứ hai, như trong các cuộc khủng hoảng trước đây, ngân hàng trung ương Mỹ có thể in thêm tiền và dùng số tiền đó để mua lại nợ chính phủ – như đã thấy sau cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008.
Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến lạm phát và gia tăng bất bình đẳng, bởi vì những người sở hữu tài sản như nhà cửa và cổ phiếu sẽ có lợi hơn rất nhiều so với những người sống dựa vào việc làm công ăn lương.
Thứ ba, và cũng là điều tồi tệ nhất, là việc Mỹ vỡ nợ trực tiếp. Đơn giản là không thể trả và sẽ không trả. Xét rằng "niềm tin và uy tín của Bộ Tài chính Mỹ" là nền tảng của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu, thì việc này sẽ khiến cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008 trở thành chuyện nhỏ nhặt.
'Chiếc áo bẩn sạch nhất'
Vậy những kịch bản này có khả năng xảy ra đến mức nào?May mắn thay, hiện tại thì xác suất xảy ra không cao lắm.
Thế nhưng, lý do lại chẳng hề dễ chịu chút nào. Thực tế là, dù muốn hay không, thế giới vẫn có quá ít lựa chọn thay thế cho đồng đô la.
Nhà kinh tế học và cựu trùm trái phiếu Mohamed El-Erian chia sẻ với BBC rằng nhiều người đang tìm cách giảm lượng đô la họ nắm giữ.
"Mọi người đều biết đồng đô la đang được định giá quá cao. Vàng, euro và bảng Anh đang lên giá nhưng việc thay đổi đồng tiền ở quy mô lớn không hề dễ dàng, nên thực sự có rất ít lựa chọn thay thế."
"Đồng đô la giống như chiếc áo sạch nhất trong số những chiếc áo bẩn và bạn vẫn phải tiếp tục mặc nó."
Tuy nhiên, tương lai của đồng đô la và tài sản chuẩn mực toàn cầu – tức là trái phiếu chính phủ Mỹ – đang được bàn luận ở cấp độ cao nhất.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh gần đây đã nói với BBC rằng mức nợ của Mỹ và vị thế của đồng đô la "rất được Bộ trưởng Tài chính [Mỹ] Bessent quan tâm. Tôi không nghĩ đồng đô la đang bị đe dọa nghiêm trọng vào lúc này, nhưng ông ấy nhận thức rất rõ những vấn đề ấy và tôi không nghĩ ông ấy coi nhẹ chúng."
Khoản nợ 37.000 tỷ đô la là một con số khó tưởng tượng nổi. Nếu bạn tiết kiệm một triệu đô la mỗi ngày, bạn sẽ mất tới 100.000 năm mới có thể tích lũy được số tiền đó.
Cách xem xét nợ một cách hợp lý là xem xét nó dưới dạng tỷ lệ phần trăm so với thu nhập của một quốc gia. Nền kinh tế Mỹ tạo ra thu nhập khoảng 25.000 tỷ đô la mỗi năm.
Dù tỷ lệ nợ trên thu nhập của Mỹ cao hơn nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn chưa bằng Nhật Bản hay Ý. Hơn nữa, Mỹ còn có một lợi thế lớn: nền kinh tế đổi mới sáng tạo và tạo ra của cải hàng đầu thế giới.
Ở nhà, tôi có cuốn sách tên là Cái chết của đồng đô la do William F. Rickenbacker viết, trong đó ông cảnh báo về những rủi ro đối với vị thế tiền tệ dự trữ của thế giới của đồng đô la. Cuốn sách được viết vào năm 1968. Ông Rickenbacker không còn sống nữa nhưng đồng đô la thì vẫn còn.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vị thế và giá trị đồng đô la là một đặc quyền vĩnh viễn.