
Tổng thống Donald Trump muốn Hàn Quốc tự chi trả cho việc phòng vệ, thay vì trông cậy vào Mỹ.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi đã tái thiết Hàn Quốc. Chúng tôi đã ở lại đó. Chúng tôi đã tái thiết. Chúng tôi ở lại đó, nhưng họ trả cho rất ít tiền cho quân đội của chúng tôi”, Tổng thống Donald Trump phát biểu trong cuộc họp nội các hôm 8/7.
Tuyên bố của Tổng thống Trump là tín hiệu cho thấy chính quyền Mỹ có thể yêu cầu Hàn Quốc tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng hoặc chia sẻ chi phí cho việc đồn trú 28.500 quân của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK).
Ông Trump cũng cho rằng Hàn Quốc đã “kiếm được rất nhiều tiền”.
"Chúng tôi cung cấp quân đội một quốc gia rất thành công. Hàn Quốc đang kiếm được rất nhiều tiền và họ rất giỏi. Nhưng họ nên chi trả cho quân đội của họ", ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump nhắc lại các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về chia sẻ chi phí quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Các cuộc đàm phán này đã gây ra sự căng thẳng đáng lo ngại trong liên minh song phương khi ông Trump kêu gọi Hàn Quốc tăng mạnh đóng góp tài chính để duy trì lực lượng USFK.
"Tôi đã bắt họ trả hàng tỷ USD, nhưng sau đó ông Biden đã hủy bỏ điều đó khi ông ấy nhậm chức. Chúng tôi cung cấp cho Hàn Quốc quân đội miễn phí và tôi nghĩ họ nên trả cho chúng tôi 10 tỷ USD mỗi năm”, ông Trump tuyên bố.
Ông Trump dự đoán rằng cựu Tổng thông Joe Biden đã bị Hàn Quốc thuyết phục giảm chi phí quốc phòng "xuống mức không".
Trong các cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng vào năm 2019, ông Trump đã yêu cầu Seoul tăng gấp 5 lần khoản chi cho lực lượng USFK lên 5 tỷ USD. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng yêu cầu của ông Trump có thể làm suy yếu hợp tác an ninh giữa hai nước đồng minh vào thời điểm Triều Tiên đang gia tăng các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa.
Trong chiến dịch tranh cử năm ngoái, ông Trump tuyên bố Hàn Quốc sẽ phải trả 10 tỷ USD mỗi năm cho việc đồn trú của USFK nếu ông trở lại Nhà Trắng. Ông cũng gọi đồng minh châu Á này là "cỗ máy kiếm tiền".
Mỹ và Hàn Quốc đã hoàn tất đàm phán về thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng có tên gọi Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA), có hiệu lực đến năm 2030.
Kể từ năm 1991, Seoul đã gánh một phần chi phí theo SMA phục vụ việc duy trì lực lượng quân sự Mỹ ở Hàn Quốc, xây dựng cơ sở quân sự và các hỗ trợ hậu cần khác.
Ông Trump cũng nhiều lần đề nghị các đồng minh NATO tăng khoản đóng góp, chia sẻ gánh nặng chi phí với Mỹ. Ông cảnh báo, nếu các đồng minh không làm điều này, Mỹ có thể rút khỏi liên minh và Washington sẵn sàng làm ngơ nếu những nước này bị đe dọa.
TheoYonhap