Don Jong Un
Xamer mới lớn


Phùng Gia Lộc, Tháng Sáu, 1988. (Hình: Tư Liệu Tuổi Trẻ)
Thanh Hóa – vùng đất nổi tiếng với những ông “cán to, miệng rộng, mồm to hơn cả cái loa phường” – không chỉ sản sinh những “lãnh tụ hét ra lửa mửa ra khói,” mà còn lặng lẽ cưu mang một nhà báo tên tuổi: Phùng Gia Lộc, người viết bài bút ký “Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” như một mũi dùi xuyên thẳng vào tâm địa tối đặc quánh của chế độ XHCN đương thời.
Bài ký ngắn ngủi, đăng năm 1987 trên báo Văn Nghệ, không màu mè lý luận, không phô trương khẩu hiệu – chỉ đơn giản là kể lại một đêm “trời không trăng, đất không người,” khi nhà ông bị công an và dân quân xã ập vào khám xét, tịch thu tạ lúa giấu dưới… hòm áo quan của bà mẹ già sắp chết. Nhưng chính cái lặng lẽ, chân thật đó lại là thứ thuốc độc ngấm sâu nhất vào tim can bọn gọi là “đầy tớ nhân dân.”
Một cái đêm khốn nạn. Đêm mà nhân danh “lợi ích nhà nước,” người ta cướp đi cả tạ lúa để dành cho lễ tang một bà cụ phù thũng 75 tuổi. Đêm mà cả gia đình níu áo xin “đừng lấy đi, đó là gạo làm đám ma!” Đêm mà một đứa trẻ khóc nấc, van xin giữ lại chút cháo trắng cho bà nội sắp lìa trần. Và đêm đó, người con trai – nhà báo Phùng Gia Lộc – phải bịt miệng mẹ mình lại, không phải vì thương, mà vì sợ. Sợ bị ghép vào tội “phản động,” “chống lại chủ trương chính sách,” sợ cả cái mạng mình và miếng cơm manh áo gia đình văng ra ngoài “quỹ đạo.”
Giữa thời buổi mà cầm bút là phải “định hướng tư tưởng,” phải “xây dựng con người XHCN,” thì Phùng Gia Lộc lại chọn kể thật. Chọn đứng về phía người dân đói khổ, thấp cổ bé họng, những người mỗi khi trời đổ gió là nghĩ tới… áo quan!
Sự thật ông viết ra, không mới. Ai sống qua “thời bao cấp” đều biết: cán bộ xã nghèo rớt mà vẫn có xe đạp Phượng Hoàng, đồng hồ Liên Xô, quần áo Tôn Trung Sơn, còn dân thì bốc từng hạt thóc trong đống tro để nấu cháo qua ngày. Nhưng điều mới là, có người dám viết.
Dám nói lên tiếng nói lương tri, dù biết trước cái giá phải trả không phải là tiền nhuận bút, mà có thể là bản án “kiểm điểm,” “cảnh cáo,” thậm chí “đuổi việc,” và lặng lẽ bị bóp chết dần trong cô lập và im lặng.
Nhiều người – nhất là đám trí thức mơ ngủ trong miền Nam sau 1975 – tưởng rằng đó là dấu hiệu “đổi mới tư duy,” rằng “chế độ đang tự điều chỉnh.” Nhưng ôi thôi, “bé cái lầm!”
Cứ tưởng ngòi bút là vũ khí chống bất công, là ánh sáng trong đêm đen, mà quên rằng đêm đen không cần ánh sáng – nó cần sự phục tùng! Và nếu có ánh sáng nào đó le lói, thì đó cũng là thứ ánh sáng được rọ mõm, đeo vòng kim cô, và chiếu đúng hướng quy hoạch.
Chẳng thế mà sau bài viết ấy, nhà báo Phùng Gia Lộc không được vinh danh, không được thưởng bằng lăng-xê chính trị, cũng không được phong Anh Hùng Lực Lượng Thông Tin Nhân Dân. Ông bị đẩy vào bóng tối, chết trong lặng lẽ – còn bọn thủ ác ngày xưa thì… leo cao, chễm chệ ghế to.
Còn Hà Trọng Hòa – tay bí thư Tỉnh Uỷ Thanh Hóa khi ấy – người bị đồn là “đứng sau chỉ thị lục soát đêm,” bị bài viết làm cho “mất ăn mất ngủ” – rồi cũng được rút về trung ương, lên cao hơn chứ đâu có rớt đài. Đúng như Phùng Gia Lộc đã nhận định bằng giọng cay đắng:
“Đứa nào leo lên được cái ghế này rồi cũng rứa! Giống như một cái máy photocopy vậy! Những gì nó in ra, giống hệt nhau không sai một ly.”
Phùng Gia Lộc đã chết. Mẹ ông – cụ bà vàng vọt như quả thị rụng – chắc cũng đã thành cát bụi. Nhưng cái đêm hôm ấy… vẫn chưa qua. Nó vẫn kéo dài suốt từ năm 1987 cho tới tận bây giờ – năm 2025 – chỉ khác là cái hòm bây giờ to hơn, lúa không còn, mà dân thì vay tiền ngân hàng để… làm đám ma!
Lũ công an, dân quân ngày xưa không còn đạp hòm người chết để lục gạo, nhưng chúng vẫn tịch thu đất, cưỡng chế nhà, cướp chợ, đập trường học, và vung dùi cui vào đầu những người mẹ đang bồng con đi đòi công lý.
Và ở một tầng sâu hơn, điều đau nhất – là nỗi sợ vẫn còn nguyên.
Sợ viết. Sợ nói. Sợ đăng. Sợ bị gán ghép “chống phá.” Sợ mất chức, mất nhà, mất gạo cho vợ, mất sữa cho con. Những người làm báo hôm nay – sau hơn 50 năm “giải phóng” – phần lớn chỉ còn là những cái loa, lập lại những câu chữ dập khuôn như photocopy từ thời Xô Viết.
Phùng Gia Lộc chỉ còn là một cái bóng mờ, một “người xưa cũ” giữa thời đại “báo chí chính thống bị dẫn đường bởi Đảng.”
Nếu bài ký ấy đăng trên một tờ báo miền Nam trước 1975, chắc chắn sẽ có một làn sóng dư luận, một phiên điều trần Quốc Hội, và có thể là một cuộc điều tra báo chí – theo đúng vai trò “watchdog”(chó giữ nhà cho dân). Nhưng ở cái thiên đường XHCN thì bài ấy chỉ là… một tai nạn nghề nghiệp. Một vết rách nhỏ trên bức tường bưng bít, nhanh chóng được chùi lấp, che lại bằng báo cáo thành tích và danh hiệu “tỉnh xuất sắc toàn diện.”
Còn bà mẹ nghèo – người bị bịt miệng trong đêm – nếu sống lại hôm nay, chắc cũng nói câu nói cũ: “Tao phải sống để nhìn con cháu được sung sướng chứ. Khổ mãi rồi!”
Nhưng, than ôi! Con cháu hôm nay vẫn đi “xuất khẩu lao động,” đội mũ bảo hiểm phơi nắng trên công trường Nam Hàn, gửi từng đồng về quê nuôi em, cúng giỗ bà. Vẫn là những “cái hòm áo quan” được chuẩn bị trước – không phải để chôn người chết, mà để chôn cả tương lai.
***
“Cái đêm hôm ấy… đêm gì?” Chính là đêm của nỗi nhục tập thể. Đêm mà một dân tộc bị cưỡng bức đến nỗi phải xin từng tạ lúa để… làm đám tang, rồi bị chính đứa con ruột bịt miệng lại, vì… sợ! Sợ những cái loa to hơn lương tri. Sợ một hệ thống cai trị coi nhân dân như cỏ rác. Và điều bi thảm nhất là: Đêm ấy, vẫn chưa hết. Nó vẫn tiếp tục, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi thế hệ.
Chỉ mong sao, tiếng kêu năm ấy – của bà mẹ Phùng Gia Lộc – sẽ có ngày không cần phải bịt miệng lại nữa.