TPHCM lên ý tưởng chuyển 400.000 xe máy xăng chạy dịch vụ sang xe điện
Xe hai bánh công nghệ có tần suất di chuyển gấp 3-4 lần người bình thường. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, họ là nhóm phát thải cao nhất tại thành phố.
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) vừa có dự thảo “Đề án Chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TPHCM”.Dự thảo cuối cùng của đề án sẽ được trình lên UBND thành phố trong tuần này, trước khi qua các bước góp ý và thẩm định tính pháp lý cho các đề xuất chính sách. Sau đó, TPHCM sẽ gửi kiến nghị ra Trung ương.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc HIDS cho biết, TPHCM đang có khoảng 400.000 xe hai bánh công nghệ hoạt động. Đây là nhóm được triển khai chuyển đổi trước tiên trong kế hoạch điện hóa phương tiện giao thông trên địa bàn.

Tại TPHCM, nhóm xe hai bánh công nghệ và giao hàng đang gây phát thải nhiều nhất. Ảnh: Thanh Tùng
Bởi, theo khảo sát năm 2023, mỗi tài xế công nghệ tại TPHCM di chuyển trung bình 80-120 km mỗi ngày, gấp 3-4 lần so với người dân thông thường. Thậm chí, nhiều tài xế di chuyển tới 150 km/ngày. Điều đó đồng nghĩa, chuyển đổi một chiếc xe máy chạy xăng của tài xế công nghệ sang xe máy điện có tác động giảm phát thải lớn gấp nhiều lần so với xe hai bánh cá nhân khác.
"Chúng tôi chọn nhóm tài xế công nghệ và giao hàng, những người có tần suất di chuyển cao nhất, làm đối tượng ưu tiên trong kế hoạch giảm phát thải của thành phố. Giải quyết được họ là giải quyết cơ bản vấn đề phát thải của xe hai bánh”, ông Hải nói.
Trước lo ngại những người chạy xe công nghệ sẽ không có đủ kinh phí để thực hiện quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, ông Hải khẳng định: “Chính sách được thiết kế để không ai bị bỏ rơi. Mục tiêu cốt lõi của đề án là kiểm soát khí thải và cải thiện chất lượng không khí cho TPHCM".
Theo ông Hải, tài xế giao hàng là đối tượng cần được hỗ trợ thông qua các chính sách xã hội, không phải là người phải tự gánh chịu chi phí từ chính sách giảm phát thải.
Đại diện HIDS cũng nhận định, chất lượng không khí của TPHCM đang bớt ô nhiễm hơn so với khoảng 2 năm trước do có sự xuất hiện của xe máy điện Xanh SM. Loại xe này đang chiếm tới 39% thị phần xe công nghệ, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng không khí thành phố.
Để thực hiện đề án, HIDS kiến nghị TPHCM đề xuất Trung ương miễn 100% phí trước bạ, phí đăng ký biển số và thuế VAT đối với xe máy điện do tài xế công nghệ đứng tên khi mua mới, áp dụng trong toàn bộ giai đoạn triển khai từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2029.
Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thiết lập cơ chế cho vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, lãi suất trần khoảng 6%/năm, giúp tài xế dễ tiếp cận nguồn vốn mua xe điện.
Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay và ngân hàng liên kết với tài xế hoặc doanh nghiệp vận tải công nghệ trích nợ tự động từ cước vận tải để bảo đảm trả nợ đúng hạn.

TPHCM lên ý tưởng chuyển 400.000 xe máy xăng chạy dịch vụ sang xe điện
Xe hai bánh công nghệ có tần suất di chuyển gấp 3-4 lần người bình thường. Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, họ là nhóm phát thải cao nhất tại thành phố.