Đạo lý Tà Kiến

Tà Kiến theo quan điểm Phật giáo

Tà Kiến được chia làm 2 : Thường Kiến và Đoạn Kiến

Trong Paṭisambhidā magga (Vô ngại giải đạo) có giải thích:

“Tà kiến là gì? Là thấy sai, hiểu sai”

Chữ diṭṭhi nghĩa là thấy, thường được hiểu là “quan điểm, ý kiến, chủ thuyết”.

Diṭthi khi đi kèm với tỉnh từ sammā (sammādiṭṭhi) là “hiểu biết đúng, quan điểm đúng”, khi đi kèm với tỉnh tử micchā (micchādiṭṭhi) hay đơn độc (diṭṭhi) là: “hiểu biết sai, quan điểm sai”.

Kiến thủ là bám chắc vào một lý thuyết sai, hoặc nắm giữ một quan điểm sai.

Kiến thủ nói gọn là: bám chắc vào quan điểm “thường hằng (sassata)” hay bám chắc vào quan điểm “đoạn diệt (uccheda)”.

“Dvīhi, bhikkhave, diṭṭhigatehi pariyuṭṭhitā devamanussā olīyanti eke, atidhāvanti eke..."

“Này các Tỳkhưu, chư thiên và loài người bị xâm chiếm (pariyuṭṭhitā) bởi hai tà kiến, một số chấp chặt (olīyanti), một số đi quá trớn (atidhāvanti)..."

Và Đức Thế Tôn có giải thích: “Người chấp chặt là chấp có (thường kiến), người đi quá trớn là chấp không (đoạn kiến)”.

Thường kiến (sassatadiṭṭhi) là cho rằng: “Có một tự ngã thường hằng bất biến, không bao giờ bị hoại diệt”.

Đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) là cho rằng: “Có một tự ngã sau khi chết thì diệt mất”.

Cho là “thường hằng” hay “diệt mất” đều là tà kiến, vì sao?

Vì đó là quan niệm có một thực thể, thực thể này không hề bị tiêu hoại, nên gọi là thường kiến, hoặc thực thể đó bị tiêu hoại không còn dư sót, nên gọi là đoạn kiến.

Thực ra chẳng có một thực thể nào cả, những gì đang hiện bày chỉ là kết quả của nhân duyên, khi nhân duyên hội hợp pháp ấy hình thành, nên gọi là hữu vi (saṅkhāra), ví như dùi trống chạm vào mặt trống, tiếng trống phát sinh lên, tiếng trống không hề có sẵn trong dùi trống hay trong mặt trống.

Diễn dịch theo ngôn ngữ hiện đại

Thường kiến :


Dựa trên Phật ngôn :

KTC (VI) (112) Thỏa Mãn
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba? Thỏa mãn kiến, tùy ngã kiến, tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba? Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến, tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến, tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này phải tu tập.

AN 6. 112. Assādasuttaṃ
‘‘Tayome, bhikkhave, dhammā. Katame tayo? Assādadiṭṭhi, attānudiṭṭhi, micchādiṭṭhi. Ime kho, bhikkhave, tayo dhammā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya tayo dhammā bhāvetabbā. Katame tayo? Assādadiṭṭhiyā pahānāya aniccasaññā bhāvetabbā, attānudiṭṭhiyā pahānāya anattasaññā bhāvetabbā, micchādiṭṭhiyā pahānāya sammādiṭṭhi bhāvetabbā. Imesaṃ kho, bhikkhave, tiṇṇaṃ dhammānaṃ pahānāya ime tayo dhammā bhāvetabbā’’

Thường kiến là sao? Thường kiến gồm có 3:

  1. Tin rằng có một cái "tôi" trong hình thức linh hồn, hay là cái bản ngã mà nó đi từ đời này sang đời khác. Thân này có bề gì nó giống như cái lồng chim mà bị hư, bị sút ra rồi con chim trong cái lồng đó nó bay qua cái lồng khác. Nghĩa là có một con chim nó đi từ cái lồng này qua cái lồng khác. Mình tin như vậy, mình tin có một cái tôi, có một cái linh hồn mà nó đi từ kiếp này sang kiếp khác, từ hình hài này sang hình hài khác.Vậy thường kiến đầu tiên là gì? Là tin có một cái tôi bất tử, thường hằng, vĩnh cửu, tồn tại xuyên suốt qua mọi không gian, thời gian. Tôi đọc lại: Cái thường kiến đầu tiên là nó tin tưởng có một cái tôi, nó trường cửu, nó hằng tại, nó bất biến, nó lưu chuyển, nó lăn trôi từ cái đời này sang kiếp khác, theo cách của một con chim mà bỏ lồng này sang lồng khác nhưng vẫn là con chim ấy.

  2. Tin rằng có một cái cõi vĩnh hằng, Tây phương hay là thiên đàng. Ở đây tôi không có ý bài xích, nhưng mà có rất nhiều bà con hiểu lầm về cái cõi vĩnh hằng. Theo kinh điển mình ghi rất rõ là không hề có một cái cõi nào gọi là vĩnh hằng. Không có vĩnh hằng. Có là có cái Nghĩa trang Vĩnh Hằng thì ở Việt nam thôi. Chứ cõi là không có cõi vĩnh hằng. Mình tin là có cõi thiên đàng nào đó, hỏa ngục đời đời, thiên đàng vĩnh cửu. Nhưng thực ra là không có. Trong kinh nói chung, A tỳ đàm nói riêng là không hề nhìn nhận có cái chuyện đó. Không có cái cõi nào mà vĩnh hằng hết. Nhưng do thường kiến mình ráng mình tin là có một cái cảnh giới vĩnh hằng.

  3. Tin vào cái sự hiện hữu, cái sự tồn tại của một cái đấng gọi là đấng chí tôn, đấng sáng tạo muôn loài an bài mọi thứ.
Thì 3 cái đó cộng lại được gọi là thường kiế


Đoạn kiến :

Phiền não thì có nhiều lắm: tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, ... tầm bậy tầm bạ. Dục ái, sắc ái, vô sắc ái, sân, ngã mạn, phóng dật, trạo hối, hoài nghi, ... tùm lum hết. Nhưng mà gom chung lại hết thì trong tất cả các phiền não thì phiền não nặng nhất hết thảy đó chính là tà kiến.

Người tu mà không có giới thì giống như người què. Người không biết giáo lý thì giống như người đui. Nhưng người mắc tà kiến là giống như người điên. Không biết quý vị có hiểu không. Tại vì giới là phương tiện đi lại, người tu không có giới giống như người què vậy đó, nhưng lết đi được. Người tu không có giới thì còn lết đi được. Còn người tu không biết giáo lý giống như người bị mù vậy đó, mệt mỏi hơn chút, nhưng ít ra còn có lối giải quyết. Nằm bên đường la làng thế nào cũng có người cứu. Mình nói rõ nhà mình ở đâu, hoặc mình khát nước, hoặc mình đang bị cái gì thì có người cứu.

Nhưng riêng cái thằng cha mà tà kiến thì giống như người mất trí, người điên chỉ - có trời mới cứu được thôi. Có nghĩa là người điên rồi thì vô phương. Nhớ nhé. Người không giới giống như người què hoặc cụt chân, người không biết giáo lý giống như người mù, người mà tà kiến rồi thì giống như người bị tâm thần vậy đó.

Cho nên cái phiền não chướng nó có nhiều lắm, nhưng đặc biệt cái nỗi bật trong đó là tà kiến. Tà kiến cố định (niyatadiṭthi) nó có nghĩa là cố định, đặc định. Chấp một cách cố định, chấp một cách gọi là ngoan cố lỳ lợm không có chịu sửa đổi, không cách nào giúp họ được.

Thì cái tà kiến đó được gọi là phiền não chướng.

Dầu tham sân gì gì đi nữa thì cũng không có cái gì bằng tà kiến. Tà kiến là thường kiến (sassatadiṭṭhi) và đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi). Là Hiểu sai. Tà kiến có nhiều lắm, nó có 62 lận. Mà ở đây mình gom lại thì cái nặng nhất là đoạn kiến.

Thường kiến sửa được. Thường kiến là tin có một cái tôi, tin có một cõi vĩnh hằng, tin có một đấng cao xanh nào đó. Cái đó sửa được.

Nhưng ớn nhất là cái anh đoạn kiến, nhất là tà kiến cố định. Là sao? Tà kiến cố định (niyatadiṭthi) gồm có 3:

  1. Vô hành kiến (akiriyadiṭthi) cho rằng không có thiện ác thích thì làm không thích thì thôi chứ không có cái chuyện mà báo ứng.
  2. Vô nhân kiến (ahetudiṭthi) có nghĩa là cho rằng mọi sự ở đời này là ngẫu nhiên mà có chứ không có cái nhân duyên, cái tác động của bất cứ một điều kiện nào hết. Tự nhiên nó có vậy thôi. Cái đó gọi là ahetudiṭthi.

  3. Vô hữu kiến (natthikadiṭthi) có nghĩa là phủ nhận triệt để rốt ráo hoàn toàn tuyệt đối. Phủ nhận tất cả những gì mà mình không hiểu được, không thấy được, không chứng minh được, thì tất cả những thứ đó theo mình là không có.
Cái Vô hữu kiến đó rất là nguy hiểm, rất nguy hiểm. Chẳng hạn như các vị tưởng tượng đi, tôi không biết chữ, tôi không biết gì hết làm sao tôi có thể hình dung ra được cái cấu trúc của một chiếc máy bay. Làm sao tôi hình dung ra được sự hiện hữu của chiếc máy bay trên cuộc đời này. Thế là tôi phán rằng không có một phương tiện nào có thể bay lên trời được hết. Mà nhất là nó nặng mấy trăm tấn lận. Nó nặng tới mấy trăm tấn. Trong khi một cục đất nó nặng chừng khoảng 100 gram thì nó không cách nào bay lên trời được. Mình cầm mình liệng thì được chứ nó bay suốt mấy tiếng đồng hồ thì không thể nào. Còn bây giờ một cái khối kim loại mấy trăm tấn mà nó bay lên trời suốt cả 10, 15, 20 tiếng đồng hồ thì tôi hỏi quý vị chứ nếu mà lấy cái não trạng của một người không biết chữ thì quý vị hiểu bằng cách nào đây? Mà nếu mình dựa vào cái biết của mình để phán đoán rằng: tôi tuyệt đối phủ nhận bất cứ cái gì tôi không hiểu được, không thấy được, không chứng minh được thì đó là cách nói quá nguy hiểm. Vậy mà có, có đó. Đừng có nói người ta ngu mà rồi không có, có cái đó thiệt. Chứng minh là người ta đã nhân danh khoa học, nhân danh tri thức, nhân danh thái độ của một người tiến bộ người ta đã phủ nhận sự có mặt của thứ mà bản thân họ không cách nào hiểu được, không thể nào chứng minh được. Thí dụ như kiếp trước kiếp sau, luân hồi báo ứng, sự chứng đắc của các bậc thánh nhân và cuối cùng là cứu cánh niết bàn. Đây là những cái mà không thể nào chứng minh một cách điển hình cụ thể rõ ràng để mà có thể sờ đụng được. Đây, khi mà họ không chứng minh được họ bèn phán một câu xanh lè đó là: "Không có. Cái gì tôi không thấy, không tin, không chứng minh được thì cái ấy không có thật." Cái đó gọi là natthikadiṭthi nhé.

Thì 3 cái này được gọi là niyatadiṭthi, là tà kiến cố định. Mắc vào bà cái này chỉ có trời cứu.

Và bên Hán tạng có một câu quý vị cũng phải suy nghĩ đó là:

Ninh chấp hữu như Tu Di sơn
Mạc chấp vô như giới tử.


himalaya.jpg
Thà là có thường kiến bự như cái núi Tu Di còn đỡ hơn có đoạn kiến nhỏ như hạt cải.
"Ninh chấp hữu" - Hữu ở đây là thường kiến, là tin vào 3 cái tôi nói: tin có một cái tôi, tin có một cõi vĩnh hằng, tin có một đấng cao xanh nào đó.
"Mạc chấp vô" - Vô ở đây là chỉ cho đoạn kiến, cho rằng tất cả đều là không.
"như Tu Di sơn" - Nếu bà con trong đây không biết núi Tu Di là gì thì tôi nói cho nó dễ hiểu đi. Mình cứ tưởng tượng như cái đỉnh Everest, cao lớn vậy đó.
"như giới tử" - Giới tử là hạt cải.

Bởi vì một người đã không tin vào gì nữa hết thì người đó rất rùng rợn rất dễ sợ. Nó đã không tin gì hết thì chuyện gì nó cũng dám làm hết, quý vị ạ. Còn cái đứa kia nó tin một cái tôi thường hằng bất biến, tin có một cõi vĩnh hằng bất biến, tin có một đấng tối cao chí tôn vô thượng nào đó thì ít ra nó cũng còn biết làm lành lánh dữ. Còn riêng những cái tên mà nó mắc vào cái đoạn kiến rồi thì nó sống tệ lắm, tệ hơn con thú nữa. Vì con thú ít ra, như con chó con ngựa, nó cũng có nghĩa, có tình thiệt luôn. Mặc dù nó không biết cái gì thiện ác kiếp trước kiếp sau nhưng ít ra nó còn có nghĩa có tình. Còn cái người đoạn kiến cực kỳ nguy hiểm. Là vì sao? Vì nó không chịu trách nhiệm những gì nó làm. Mà trong khi đó nó lại được giá cố bởi trí khôn của con người. Không biết tôi nói quý vị trong đây có hiểu không. Con thú như con cọp thấy nó ghê thiệt đó nhưng nó chỉ độc ở chỗ là nó đi kiếm mồi thôi, mình đã khuất cặp mắt nó rồi thì OK nhé. Còn con người đã đoạn kiến rồi thì không sợ tội. Đã vậy rồi nó còn cộng thêm trí thông minh của một con người nữa. Quý vị tưởng tượng đi. Một cái thằng sát nhân mà nó có dao bén trên tay thì cái mức sát thương, cái độ nguy hiểm nó đáng ngại cỡ nào? Con thú dữ mình thấy nó quá trời quá đất vậy đó, như con cọp, con voi rừng, con trâu rừng châu Phi, nhìn thấy nó ớn thiệt, nhưng nó không có trí thông minh, tầm hoạt động của nó tới đâu thì nó sát tới đó. Còn con người mình, cái tầm hoạt động của con người mình cộng thêm cái trí khôn nữa, thì tầm hoạt động nó tới đâu. Bởi vì nó nghĩ ra bao nhiêu chuyện động trời, nó có thể nghĩ ra một cách mà chết 2, 3 triệu người đó. Đó cái trí thông minh của con người đó. Đọc sử thế giới mình mới thấy có những cái đầu mà coi như nó ngồi nó nghĩ ra những cách mà kể như giết người phải hàng triệu, cỡ dưới một triệu là nó không sướng cái tay nhé. Thì cái loại đó gọi là niyatadiṭthi, có nghĩa là tà kiến cố định sửa không được. Sửa không được nhé.

Nó có cái chi tiết hơi phong thần, thần số với quý vị đó, nhưng tôi không kể đó là cảnh giới riêng của những người tà kiến cố định, nhưng nói ra đây rồi bà con thấy đạo Phật sao mà phong thần quá, rồi bà con bỏ đạo mà đi thì uổng nhé.

Tôi có quan điểm thế này, cái gì trong kinh điển mà tôi chưa hiểu hết thì tôi để qua một bên chứ tôi không có ngồi nghĩ tầm bậy tầm bạ, rồi ngồi đó mà hoang mang chỗ khác. Chỗ nào tôi thấy quá mức của mình thì tôi để qua một bên nhé. Mình đi nghiên cứu cái khác bữa nào quởn quởn quay trở lại. Chứ còn đằng này mình liếc vô mình thấy cái gì đó không vừa ý cái là mình phán luôn. Mình phán kinh Phật này nọ thì tội chết luôn, nhớ vậy
 
THÂN KIẾN

Thân kiến là cái nhìn liên hệ đến ‘ngã’. Là cái nhìn cho ta thấy có sự ràng buộc giữa cái gì đang xảy ra vào ý niệm ‘ngã tính’. Hơi khó hiểu, thí dụ cái ly này giả sử nó rớt xuống bể thì chúng ta ngồi đây sẽ có hai phản ứng.
Một là cảm thấy mất mát lớn nếu ly đó là của chúng ta.
Một phản ứng khác dửng dưng hơn nếu cái ly đó không phải của chúng ta.


Cái ‘của chúng ta’ và ‘không của chúng ta’ nó tạo sự khác biệt rất lớn trong đời sống.


Thân kiến nói theo đạo Phật là cái nhìn “Ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn. Ở trong ngũ uẩn có ta và trong ta có ngũ uẩn”.
Một cảm giác, niềm vui nỗi buồn của ta có đến và có đi, nhưng thái độ của ta đối với cảm giác cảm thọ đó nó khiến ta có những phản ứng lớn. Thí dụ khi nghe ai nói nặng xúc chạm tự ái ta thấy tức giận, điều đó có nghĩa là ‘cảm thọ là ta, ta là cảm thọ, trong cảm thọ có ta’.


Chúng ta đang ngồi đây, Phật tử A nói nặng Phật tử B một câu, quí vị khác thì thấy bàng quan, ờ thì đi chùa đụng chạm nhau thôi. Nhưng ngày mai cô B ra ngoài đường bị ông Mỹ đen đánh chẳng hạn, thì chúng ta cảm thấy rất giận nói ờ người VN bị Mỹ đen ăn hiếp. Thì lúc đó chúng ta thấy cô B có quan hệ với chúng ta, cổ bị Mỹ đen ăn hiếp, trong khi cổ ở giữa những người VN chúng ta thì mình không thấy như vậy.

Tức là quan hệ giữa một người với chúng ta nó là một ý niệm, là một quan hệ hoàn toàn có tính cách quy ước.

Ở trong nhà, mình thấy anh em ruột thịt nhưng ‘chuyện của mày mày lo chuyện tao tao lo’. Chuyện ai nấy lo không thể lo cho nhau được. Nhưng nếu ra đường ai đụng tới anh em của mình thì lúc đó mình nói là ‘anh của mình em của mình’.

Thậm chí chúng ta có thể bênh vực một người tại vì người đó cùng địa phương với mình hoặc cùng màu da với mình. Trong khi cũng là những người đó nhưng ở trong hoàn cảnh bình thường khác thì mình không quan tâm tới họ, tới sự sống chết của họ. Có nghĩa lúc nào đó trong hoàn cảnh nào đó mình thấy mình với họ có sự ràng buộc.

Cái đó Phật gọi là thân kiến.
Chúng ta có vô số những sợi dây ràng buộc liên quan tới thân kiến, cụ thể là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

💎
Sắc là những cái cụ thể thuộc vật chất, thuộc về thân chúng ta. Cái đẹp cái xấu khi nó thuộc về ta thì ta có cảm giác khác. Nếu nó của người khác thì ta có cảm giác khác. Đó là ta có thân kiến ở trong sắc uẩn hay không.

💎
Thọ uẩn cũng vậy.Nếu nghe hai người gây gổ nhau, ta thấy người này không quá đáng mà người kia phản ứng như vậy là quá đáng.
Ta nghĩ đáng lẽ họ không nên phản ứng như vậy. Nhưng nếu chúng ta là người trong cuộc thì ta sẽ nghĩ khác, vì khi đó ‘Thọ uẩn là ta, ta là thọ uẩn. Ở trong thọ uẩn có ta và trong ta có thọ uẩn’.

💎
Tưởng uẩn cũng vậy. Tưởng uẩn là sự hấp thụ giáo dục, văn hóa quá khứ của ta. Tại sao ta hãnh diện về văn hóa VN. Vì ở đó là nơi ta lớn lên, và bây giờ cái gì ta thể hiện ra ở đây tức là ta thể hiện kinh nghiệm của mình trong quá khứ. Ta quan niệm rằng cái gì đẹp thì nó phải đều, ở giữa và cả hai bên đều đẹp thì nó mới đẹp. Cái gì bên lớn bên nhỏ thì không đẹp, thì đó cũng chỉ là vấn đề văn hóa thôi. Nhưng chúng ta vẫn chấp đó là văn hóa VN, là ta có bổn phận phải bảo vệ văn hóa của mình. Tức là ta nói “Tưởng uẩn là ta, ta là tưởng uẩn. Ở trong tưởng uẩn có ta và trong ta có tưởng uẩn’.

💎
Hành uẩn là những quan niệm về thiện ác, cái đúng cái sai, đen trắng v.v…khiến ta chấp vào quan niệm thế giới này là ********, là tư bản, của tự do của dân chủ thế này thế kia. Những ý tưởng đó trở thành mật thiết trong đời sống và nếu ai động chạm chính kiến của mình thì mình lồng lộn lên. Ta phãn ứng mạnh mẽ vì ‘trong hành uẩn có ta, trong ta có hành uẩn’.

💎
Thức uẩn là cái gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Những cái này cũng gắn liền với tự ngã của mình.
Người vợ mua bức tranh về treo trong nhà mà người chống đối là vì cảm thọ về sắc của hai người không giống nhau. Nếu người vợ nghĩ treo bức tranh đó mà đụng chạm đến mình thì cái đó ta nói ‘thức uẩn là ta, ta là thức uẩn’. Mọi sự vật tồn tại độc lập hết, từ bản thân ta, con cái ta, tôn giáo ta, những người cùng một màu da…Tuy nhiên khi ta dán vào trong đó ‘cái này là của tôi’ rồi là ở đó có chuyện.

Do vậy thân kiến là một thứ kiết sử cột trói ta vào thế giới này. Kiết sử đó làm chúng ta có đôi lúc thấy rằng nó là chân lý bất di bất dịch. Trên đời này không ai sống mà không có thân kiến. Nhưng khi ở một lúc lắng đọng tâm tư nào đó ta sẽ thấy rằng cái gọi là thân kiến thật ra nó chỉ là ảo giác, nó hoàn toàn chỉ là ảo giác.

Ta có con, ta nghĩ đó là con của mình. Nhưng đến lúc nào đó con nó có cuộc sống của nó mà quan hệ giữa ta với con rất là tương đối thôi. Bởi vì nếu nó là của ta thì ta có thể an bài tất cả mọi thứ cho nó. Nhưng thực sự nó lớn lên như một cá thể độc lập mà ta không thể nào kiểm soát hoàn toàn. Ta chấp cái này là của mình, cái kia là của mình, nhưng thực sự không phải vậy.

👉
Ta sống bằng thân kiến ta khổ vì nó, và ta sẽ cảm thấy trống vắng nếu ta không có nó. Giống như ta nhìn dòng xe chạy trên đường, xe đẹp thật nhưng xe là xe của thiên hạ, không phải của mình. Nếu mình mua một chiếc xe dầu rất cũ, tuy cũ nhưng mình vẫn nâng niu vì lúc đó mình dán nhãn hiệu đó là xe của mình, mình đã cảm thấy nó khác đi.

Nhưng quan niệm về ngã tính là quan niệm không thể nào khác và chúng sanh trên đời này trầm luân vì cái sợi dây cột đầu tiên và nặng nhứt đó là ‘thân kiến’.

Chúng tôi xin dành thì giờ nói về bốn quan niệm về thân kiến: ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn, trong ngũ uẩn có ta và trong ta có ngũ uẩn. Quí vị sẽ hỏi tại sao phải nói chi tiết vậy?

Nói ‘ngũ uẩn là ta’ nó khác với ‘ta là ngũ uẩn’. Ngũ uẩn đáng lẽ nó là một thế giới khách quan nhưng ta biến nó thành thế giới chủ quan. Quí Phật tử đi chùa lâu nói chùa này là chùa của mình, mấy sư này là sư của mình. Đó là ta lấy khách quan ở ngoài làm chủ quan.

Đôi khi lấy cái chủ quan làm cái khách quan, tức là ‘ta là ngũ uẩn’, tức là một sự áp đặt lên đó. Thí dụ ta thấy người khác lấy lá cờ VN làm cái gì đó thì ta thấy quan niệm về ngã tính chúng ta áp đặt ngay lập tức. Tức lúc đó không phải ‘ngũ uẩn là ta’ mà là ‘ta là ngũ uẩn’.

“Ở trong ngũ uẩn có ta và trong ta có ngũ uẩn” tức là chúng ta nói lên sự hàm chứa. Ta không nắm thế giới này trọn vẹn nhưng trong đó có cơ sở của ngã tính. Như quí vị sống ở Houston, quí vị không thể nói Houston là tôi được. Nhưng đi đâu mà quí vị nghe ai chê Houston không ra gì là quí vị giận, là tự ái vì ‘ở trong đó có ta’
. Mà quí vị nghe người ta chửi TP Atlanta hay Miami thì ta không thấy gì, vì ‘ở trong đó không có ta’.
Đó cũng là thân kiến.
 
Top