
Thủ tướng nêu rõ, trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo.

Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 - Ảnh: VGP
8 điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025 thống nhất đánh giá, trong tháng 6 và từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; trong đó có 8 điểm nổi bật về công tác chỉ đạo, điều hành.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, triển khai cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chuẩn bị tốt phục vụ kỳ họp thứ 9 mang tính lịch sử của Quốc hội (trình 44 dự án luật, nghị quyết, nhiều nhất từ trước đến nay tại một kỳ họp).
Trong tháng 6/2025, Chính phủ ban hành 57 nghị quyết, 53 nghị định (trong đó có 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền); Thủ tướng Chính phủ ban hành 22 công điện, 5 chỉ thị. Tính chung 6 tháng, Chính phủ đã ban hành 170 nghị định, 231 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 1.505 quyết định, 21 chỉ thị, 95 công điện.
Thứ hai, tập trung thực hiện quyết liệt nhiều nhiệm vụ quan trọng, mang tính cách mạng, lịch sử: Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; triển khai quyết liệt "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị (các Nghị quyết 57, 59, 66, 68) và đang tập trung hoàn thiện, trình Bộ Chính trị các dự thảo Nghị quyết về y tế, giáo dục, văn hóa.
Thứ ba, tập trung chỉ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công cao nhất có thể để cuối năm đạt 100% kế hoạch; hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính; xây 100.000 căn nhà ở xã hội… Tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các dự án trọng điểm quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025, phát triển nhà ở xã hội; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Thủ tướng yêu cầu kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân - Ảnh: VGP
Thứ tư, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ. Chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động các biện pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp (Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp, chỉ đạo sát sao, thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị); đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thứ năm, chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt nhiều sự kiện trọng đại của đất nước (kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng; 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; đang tập trung chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9).
Thứ sáu, tập trung xử lý nhiều công trình, dự án tồn đọng, kéo dài, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Thứ bảy, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng cơ chế, chính sách nhà ở xã hội, thúc đẩy xóa nhà tạm, nhà dột nát; nghiên cứu đề xuất miễn học phí cho học sinh, dùng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để xây dựng trường học bán trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thứ tám, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, triển khai thành công nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao; lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các nước và đi thăm các nước.
Tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua
Về kết quả kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025, nhìn chung, tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực, với 10 điểm nổi bật.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng cao nhất cùng kỳ trong gần 20 năm qua.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý II/2025 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng khoảng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2 - 0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, điều đáng mừng là cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt (nông nghiệp 3,85%; công nghiệp, xây dựng 8,18%; dịch vụ 7,83%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tháng tăng 9,3%.
Đặc biệt, các địa phương đầu tàu tăng trưởng đạt kết quả tốt. Tính theo 63 tỉnh, thành phố cũ, TPHCM tăng 7,82%, Hà Nội tăng 7,63% và 10 địa phương tăng trưởng 2 con số (gồm Bắc Giang tăng 14,01%, Quảng Ngãi 12,4%, Nam Định 11,84%, Đà Nẵng 11,7%, Hải Dương 11,59%, Hà Nam 11,09%, Hải Phòng 11,04%, Quảng Ninh 11,03%, Phú Thọ 10,33%, Vĩnh Phúc 10,07%). Tính theo 34 tỉnh, thành phố mới, có 6 địa phương tăng trưởng 2 con số (Quảng Ngãi tăng 11,51%, Hải Phòng 11,2%, Quảng Ninh 11,03%, Ninh Bình 10,82%, Bắc Ninh 10,47%, Phú Thọ 10,09%).
Thứ hai, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, an ninh lương thực, năng lượng, cung cầu lao động được bảo đảm).
CPI bình quân 6 tháng tăng 3,27%. Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt gần 76,15 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ; tính chung 6 tháng đạt trên 432 tỷ USD, tăng 16,1% (xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 17,9%), xuất siêu 7,63 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng trên 1,33 triệu tỷ, đạt 67,7% dự toán năm, tăng 28,3% so với cùng kỳ.

Ước tính sớm vào cuối tháng 5, GDP quý II/2025 đạt khoảng 7,7%, 6 tháng tăng khoảng 7,3%. Cập nhật số liệu đến nay, GDP 6 tháng có thể tăng thêm 0,2 - 0,3%, tiệm cận mục tiêu đã đề ra - Ảnh: VGP
Thứ ba, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá cao; quý I tăng 8,3%, quý II tăng 10,5%, 6 tháng tăng 9,8%. Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21,5 tỷ USD, tăng 32,5%, cao nhất 15 năm qua; vốn FDI thực hiện gần 12 tỷ USD, tăng 8,1%.
Thứ tư, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km (dự kiến đến cuối năm vượt 3.000 km). Ngày 19/4/2025 đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình lớn trên cả nước gồm cả công trình của nhà nước và của khu vực tư nhân. Tích cực hoàn thành thủ tục, chuẩn bị giải phóng mặt bằng để khởi công tuyến đường sắt Lao Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 12/2025, đẩy mạnh làm thủ tục đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Thứ năm, sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc, nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Trong tháng 6 có 24.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay; hộ kinh doanh thành lập mới đạt trên 124.300 hộ, tăng 118,4%. Tính chung 6 tháng có 152.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp).
Thứ sáu, khách quốc tế phục hồi mạnh; tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 17,1%; 6 tháng đạt trên 10,6 triệu lượt, tăng 20,7%.
Thứ bảy, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong 6 tháng có 96,5% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%; hỗ trợ an sinh xã hội hơn 41,1 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ người dân trên 10,3 nghìn tấn gạo. Liên hợp quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ tám, công tác cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh.
Thứ chín, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ tội phạm trong 6 tháng năm 2025 giảm 22,55% so với cùng kỳ năm 2024. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, nhất là thuốc giả, thực phẩm giả.
Thứ mười, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, duy trì được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Nhiều tổ chức quốc tế uy tín (như IMF, WB, WEF, OECD…) tiếp tục đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới cũng như đóng vai trò ngày càng quan trọng, rõ nét trong nền kinh tế khu vực, toàn cầu.
Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả với 3 "không để"
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp và thay mặt Chính phủ, ghi nhận, biểu dương các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tạo nền thành tích rất đáng ghi nhận, tự hào về sắp xếp, tổ chức bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của cả nước, tạo khí thế, niềm tin hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của cả năm 2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ một số điểm đáng lưu ý về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá còn cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn. Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% còn rất nhiều khó khăn, áp lực. Một số quy định pháp luật còn chưa thuận lợi; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; bộ máy cấp tỉnh, cấp xã mới đi vào hoạt động từ 1/7/2025, cần thời gian. Buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc, tình trạng găm hàng, đội giá, thao túng thị trường… và thiên tai, biến đổi khí hậu… còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm; sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tích cực tham gia của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Về nguyên nhân hạn chế, tồn tại, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu chưa cao. Ở trong nước, những tồn tại, yếu kém tích tụ từ lâu, nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Công tác phân tích, dự báo, phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự chủ động, sáng tạo, có nơi có lúc còn sợ sai, sợ trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng.
Một là, phải tăng cường đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Hai là, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; không nóng vội, không chủ quan, lơ là nhưng cũng không sợ sệt, rụt rè; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; đề cao vai trò của người đứng đầu; phải có tư tưởng biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể để vượt qua khó khăn, thách thức với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp".
Ba là, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; kiên định mục tiêu đề ra và tập trung thực hiện với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; phân công nhiệm vụ bảo đảm "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả với 3 "không để" - Ảnh: VGP