

Nguồn hình ảnh,Getty Images/BBC
17 tháng 7 2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố Mỹ sẽ "đấu với Trung Quốc theo cách rất thân thiện", nhưng liệu Trung Quốc có "thân thiện" khi Việt Nam và Mỹ có thỏa thuận?
Trung Quốc được cho là một nhân tố chủ chốt trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump, do vậy các phản ứng của nền kinh tế số hai thế giới này được giới quan sát theo dõi kỹ, đặc biệt là đối với những thỏa thuận giống như của Việt Nam và Mỹ.
"Việt Nam sẽ trả cho Hoa Kỳ mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa được đưa vào Lãnh thổ của chúng tôi, và 40% đối với mọi hàng hóa trung chuyển," ông Trump từng tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 2/7.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa chính thức xác nhận hay công bố bất kỳ mức thuế quan thương mại nào đã thống nhất với Mỹ ngoài việc thông tin mức thuế được "giảm đáng kể" so với 46% trước đó.
Thông tin từ phía Mỹ chủ yếu là các thông báo vắn tắt trên mạng xã hội của ông Trump, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và một số phát biểu của các quan chức chính quyền với báo chí.
Nhưng giới truyền thông thạo tin cho rằng Việt Nam mong đạt được một thỏa thuận thấp hơn, với mức thuế chỉ từ khoảng 10-15% đối với hàng sản xuất trong nước.
Trong thông báo của ông Trump về Việt Nam, phần thuế 40% lên hàng trung chuyển được cho là yếu tố ảnh hưởng tới Trung Quốc.
Nhưng các chuyên gia cho rằng hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ định nghĩa hàng "trung chuyển" là như thế nào và bày tỏ hoài nghi rằng đó là một yếu tố mang tính chính trị.
Trong một bài viết đăng ngày 15/7 trên The Diplomat, bà Trần Thị Mộng Tuyền, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Quốc lập Chính trị ở Đài Loan, đánh giá rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Việt Nam do ông Trump công bố không giống như các hiệp định thương mại truyền thống - vốn nhấn mạnh vào việc cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường, mà lại tập trung vào việc giám sát và truy xuất nguồn gốc.
"Mặc dù khung thuế quan mới của Mỹ không công khai chống Trung Quốc, việc thực thi có thể gây ảnh hưởng không tương xứng đến các mặt hàng có thành phần từ Trung Quốc. Nếu việc tuân thủ của Việt Nam bị xem là hạn chế khả năng tiếp cận đối với các sản phẩm có liên hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng," bà Tuyền nêu.
Vào ngày 3/7, Trung Quốc đã lên tiếng nhấn mạng rằng các thỏa thuận thuế quan giữa các quốc gia không nên gây ảnh hưởng tới bên thứ ba và khẳng định Bắc Kinh sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận gây tổn hại tới họ.
Trung Quốc có thể phản ứng thế nào?
Theo Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia quan hệ quốc tế từ Singapore, về cơ bản Mỹ sẽ có hai kịch bản định nghĩa "trung chuyển" – hẹp và rộng."Hẹp" là các hàng hóa chỉ đưa sang Việt Nam để thay nhãn mác và tái xuất khẩu sang Mỹ, còn "rộng" là khi những mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam nhưng có sử dụng linh kiện và nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ khó có khả năng phản ứng khi Mỹ áp dụng cách định nghĩa "hẹp", bởi vì vừa thiếu cơ sở lại vừa vì những thúc đẩy quan hệ kinh tế và chính trị Trung Quốc mới đạt được với Việt Nam trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Tư vừa rồi.
Tuy nhiên, "khi các linh kiện hay nguyên liệu Trung Quốc với tỷ lệ nhỏ hơn cũng bị coi là vi phạm điều khoản trung chuyển, phản ứng của Trung Quốc có thể sẽ quyết liệt hơn", ông Hiệp nhận xét trong bài viết ngày 14/7 trên trang Fulcrum của Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore).
Theo ông Hiệp, Trung Quốc có thể trả đũa bằng các biện pháp như kinh tế (siết nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam), chính trị (gia tăng căng thẳng trên Biển Đông).
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh cũng phải cân nhắc tới những lợi ích kinh tế của mình, đặc biệt là hình ảnh mà họ đang cố xây dựng là một đối tác đáng tin cậy thay thế cho Washington.
Cũng vào ngày 15/7, ông Bo Chen, nghiên cứu viên cấp cao từ Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng còn có một cách định nghĩa khác trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung.
"Mức thuế 40% có thể được áp dụng đối với các sản phẩm do các công ty thuộc sở hữu hoặc do một nước thứ ba, chẳng hạn như Trung Quốc kiểm soát, ngay cả khi những sản phẩm đó được sản xuất tại Việt Nam," ông viết trên ThinkChina - một tạp chí điện tử tiếng Anh tập trung vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, trực thuộc tờ Liên Hợp Tảo Báo của Singapore.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng cách Mỹ định nghĩa hàng "trung chuyển" như thế nào đi nữa thì cũng không ảnh hưởng quá lớn tới Trung Quốc, đặc biệt là khi hai quốc gia này vẫn đang đàm phán thuế quan.
Ông Bo dự đoán một kịch bản lạc quan khi Trung Quốc đàm phán thành công hạ mức thuế quan từ Mỹ xuống còn khoản 30 - 35%, tức chênh lệnh khoảng 10 - 15% so với mức thuế Mỹ áp lên hàng Việt Nam.
Theo chuyên gia từ Viện Đông Á, trước nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump, mức thuế của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào khoảng 20%, trong khi Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế trên 8% đối với các sản phẩm phi nông nghiệp.
"Điều này tạo ra một lợi thế thuế quan khoảng 12% cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Do đó, mức chênh lệch thuế đối với các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ không đáng kể [mức 10-15% ở lần này], trừ khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung thất bại và cuộc chiến thương mại leo thang trở lại," ông Bo nêu.
Bên cạnh đó, sau tuyên bố mức thuế vào ngày 2/7 của ông Trump, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin rằng một số nhà sản xuất Trung Quốc tại Việt Nam đã thở phào nhẹ nhõm, đánh giá rằng thỏa thuận đạt được "tốt hơn mong đợi", và chấm dứt ba tháng bất ổn.
Hầu hết các nhà xuất khẩu Trung Quốc khả năng cao là sẽ tiếp tục vận hành tại Việt Nam sau thỏa thuận thương mại Việt-Mỹ, khi các doanh nghiệp và giới phân tích tại Việt Nam cho rằng mức thuế mà ông Trump công bố là "có thể chấp nhận được", báo này nêu.
Tuy nhiên, Việt Nam dường như vẫn chưa chính thức chấp nhận mức thuế 20% toàn diện và 40% trung chuyển nói trên.
Nguồn tin của Politico và Bloomberg cho biết Việt Nam mong muốn có một mức thuế nằm trong khoảng từ 10 – 15%.
Bloomberg dẫn các nguồn tin nói rằng kể từ sau cuộc điện đàm với ông Trump vào hôm 2/7, ông Tô Lâm đã chỉ đạo nhóm đàm phán tiếp tục nỗ lực nhằm giảm mức thuế xuống.
Nếu Việt Nam thành công đạt được mức thuế mong muốn, mức chênh lệnh với khoảng 30 - 35% của Trung Quốc sẽ tăng lên thành 20%, gần gấp đôi mức 12% của thời kỳ Trump 1.0.
Theo bà Trần Thị Mộng Tuyền, Việt Nam đang thúc đẩy các nhượng bộ mang tính tương hỗ, đặc biệt là nhằm để Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ cao.
"Nếu Hà Nội được kỳ vọng sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát thương mại nghiêm ngặt hơn để phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ, thì Việt Nam cũng sẽ mong đợi sự ghi nhận về tiến bộ trong quản lý và sự trưởng thành về kinh tế của mình như một sự trao đổi tương xứng," bà đánh giá.
Trước đó vào ngày 7/7, tờ The Guardian nhận định rằng các nhà hoạch định chính sách tại Hà Nội vẫn đang phải duy trì thế cân bằng mong manh trên mặt trận ngoại giao.
Báo này cũng dẫn nhận định của ông Peter Mumford, Trưởng nhóm phụ trách khu vực Đông Nam Á tại Eurasia Group, rằng Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp kinh tế hoặc gây sức ép trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ông cho rằng khả năng Trung Quốc "trả đũa mạnh mẽ" Việt Nam là không cao.
"Thậm chí Hà Nội có thể đã gửi tín hiệu cho Bắc Kinh về những bước đi mà họ buộc phải thực hiện để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ," ông nói.
Điều này dường như được thể hiện qua phản ứng không quá gay gắt của Trung Quốc vào ngày 3/7.
Trong một diễn biến liên quan, theo Reuters ngày 8/7, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường của Trung Quốc đã gặp nhau, bày tỏ sự đồng thuận tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Dẫu vậy, Việt Nam cũng đã có động thái siết lại vấn đề hàng trung chuyển, mượn đường xuất khẩu.
Vào ngày 10/7, Reuters cho biết Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn nhằm dẹp bỏ hành vi gian lận thương mại và trung chuyển hàng hóa trái phép, đồng thời tập trung kiểm tra hàng hóa từ Trung Quốc trong nỗ lực tuân thủ các cam kết đã đưa ra với Washington.