VinSpeed – Tay không bắt giặc và giấc mơ "ăn cỗ không trả tiền"
Việc Vingroup thông qua dự án VinSpeed đề nghị Nhà nước cho vay tới 49 tỷ USD, lãi suất 0% trong vòng 35 năm, cùng hàng loạt ưu đãi phi thực tế như miễn thuế, được giao đất để kinh doanh bất động sản bên cạnh tuyến đường sắt, và hơn thế nữa, dùng luôn cả doanh thu bán vé để tái đầu tư cho tập đoàn, là một điển hình hoàn hảo cho chiến lược "tay không bắt giặc".
Sự vô lý nhìn từ góc độ tài chính và kinh tế
Trong lịch sử đầu tư hạ tầng thế giới, chưa từng có tiền lệ nào tương tự như đề xuất của Vingroup. Hãy nhìn các quốc gia hàng đầu đã xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc như Nhật Bản, Pháp, Đức, Trung Quốc để hiểu sự phi lý trong mô hình Vingroup đưa ra:
- Nhật Bản (Shinkansen): Nhật xây dựng tuyến Shinkansen đầu tiên năm 1964 với nguồn vốn ngân sách và vay quốc tế, nhưng chưa bao giờ cho một tập đoàn tư nhân vay tiền gần như miễn phí, chưa nói tới việc miễn thuế nhập khẩu toàn bộ thiết bị hay trao quyền kinh doanh bất động sản khổng lồ hai bên tuyến đường. Ngược lại, các công ty vận hành như JR East, JR Central sau này tự vận hành có trách nhiệm về vốn, trả nợ theo đúng nguyên tắc thị trường.
- Pháp (TGV): Đường sắt cao tốc TGV là biểu tượng quốc gia, nhưng mô hình tài chính luôn rõ ràng, phần lớn vốn là đầu tư công hoặc PPP, chưa từng có chuyện một tập đoàn tư nhân được giao "toàn quyền" phát triển bất động sản hai bên đường mà không phải trả phí đất hay được miễn hoàn toàn các loại thuế phí. SNCF, tập đoàn quốc gia Pháp quản lý đường sắt, phải đảm bảo cân đối tài chính và trả lãi đầy đủ khi vay vốn.
- Đức (ICE): Cũng tương tự, dự án đường sắt ICE đều có sự minh bạch trong tài chính, không ai có đặc quyền miễn thuế nhập khẩu thiết bị, và càng không ai có quyền dùng doanh thu vé tàu tái đầu tư tùy tiện cho mục đích tư nhân. Vốn vay luôn được quản lý chặt chẽ, có tính lãi suất rõ ràng theo thị trường.
- Trung Quốc (CRH): Vốn đầu tư công 100% do Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đầu tư, không bao giờ Trung Quốc, dù nổi tiếng với các khoản đầu tư lớn, cũng không dễ dàng giao một khoản tiền lên tới 49 tỷ USD (hơn GDP của nhiều quốc gia nhỏ), không lãi suất, không kiểm soát rủi ro cho bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào.
Sự bất thường trong ưu đãi đất đai và thuế má
Việc Vingroup đề nghị được nhà nước Việt Nam chi trả toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, rồi sau đó lại giao luôn phần đất dọc tuyến để phát triển bất động sản, là một yêu cầu bất thường chưa từng thấy. Đây chính xác là chiến lược "vừa được ăn vừa được nói", nghĩa là:
- Nhà nước chịu mọi chi phí ban đầu khổng lồ (giải phóng mặt bằng thường chiếm tỷ lệ rất lớn chi phí dự án).
- Vingroup thì nhận trọn vẹn lợi ích từ phát triển bất động sản quanh tuyến đường sắt (nơi giá đất chắc chắn tăng mạnh do hưởng lợi từ hạ tầng công cộng).
- Chưa hết, tập đoàn còn yêu cầu miễn thuế nhập khẩu toàn bộ thiết bị. Điều này có nghĩa là ngân sách quốc gia mất thêm một khoản thu lớn, trong khi tập đoàn tư nhân nghiễm nhiên được "hưởng lộc".
Rủi ro quốc gia, lợi nhuận tư nhân: "Tay không bắt giặc" kiểu mới
Câu hỏi đặt ra: Nếu dự án thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm?
- Khi dự án đường sắt cao tốc California (Hoa Kỳ) đội vốn gấp 2-3 lần dự toán, tiểu bang California đã phải chịu trách nhiệm và giải trình trước người dân. Nhưng đó là dự án công. Còn với VinSpeed, trách nhiệm sẽ hoàn toàn được chuyển giao cho quốc gia, trong khi lợi nhuận, nếu có, lại rơi vào túi một tập đoàn tư nhân duy nhất.
- Tại Anh Quốc, dự án HS2 (đường sắt cao tốc London – Birmingham) gây tranh cãi vì đội vốn và rủi ro lớn, nhưng cũng không ai có đặc quyền như Vingroup. Các tập đoàn tư nhân tham gia luôn phải minh bạch và chịu trách nhiệm rủi ro, không có chuyện được vay vốn gần như miễn phí, hưởng lợi từ bất động sản tự do mà không cần trả phí tương xứng.
VinSpeed đã "nâng cấp" khái niệm đầu tư PPP (đối tác công-tư) lên một tầm cao mới, nơi quốc gia gánh mọi rủi ro và tập đoàn tư nhân hưởng trọn lợi ích. Đây không còn là PPP, mà là "PPN" – Public Pays, Private earns Nothing risk ("Công trả tiền, tư hưởng lợi không rủi ro").
Tay không bắt giặc hay ăn cỗ không trả tiền?
Việc đề xuất của Vingroup giống như mời cả đất nước tham gia vào bữa tiệc lớn, nhưng sau đó lại đẩy hóa đơn thanh toán khổng lồ về phía người dân và ngân sách nhà nước.
Dân gian có câu "tay không bắt giặc" để chỉ sự khôn ngoan, nhưng trong trường hợp này, có lẽ cần cải biên một chút: "Tay không bắt… tiền tỷ". Thực tế, "khôn ngoan" kiểu này không phải sáng tạo, mà chính xác là sự vô lý và trắng trợn trong việc lợi dụng nguồn lực quốc gia phục vụ lợi ích tư nhân.
Lời kết
Một dự án đường sắt cao tốc tốt sẽ phải là một mô hình minh bạch, cân bằng lợi ích giữa quốc gia và doanh nghiệp tư nhân, chứ không phải là trò "tay không bắt giặc", nơi doanh nghiệp hưởng mọi ưu đãi vô lý, còn quốc gia và nhân dân thì lãnh đủ rủi ro.
Với VinSpeed, dường như tập đoàn Vingroup muốn chứng minh rằng ở Việt Nam, bạn không chỉ có thể kinh doanh bất động sản bằng đất đai miễn phí từ nhà nước, mà còn có thể vay tiền mà không cần trả lãi. Một kỷ lục mới của thế giới kinh doanh:
"Tư nhân làm giàu, cả nước trả tiền".