Uống trà như thế nào để không gây hại cho thận?

Nhiều người Việt có thói quen uống trà đặc, bởi thức uống này giúp tỉnh táo, giải khát. Tuy nhiên, ít ai biết rằng uống trà đặc thường xuyên, sai cách có thể gây hại nghiêm trọng cho thận, dạ dày.​

Thường xuyên uống trà đặc gây tổn thương thận

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), fluoride là một vi chất cần thiết ở lượng rất nhỏ, nhưng khi cơ thể hấp thụ quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc fluoride, gây hại cho xương, răng và đặc biệt là thận. Đây là cơ quan chính đảm nhiệm bài tiết fluoride.

Uống trà như thế nào để không gây hại cho thận? - 1

Uống trà đặc thường xuyên gây ảnh hưởng sức khỏe (Ảnh: Getty).

WHO khuyến cáo, mức fluoride trong nước uống không nên vượt quá 1,5mg/l. Tuy nhiên, nghiên cứu của Environmental Health Perspectives đã chỉ ra rằng, một số loại trà, đặc biệt trà đặc pha lâu, có thể chứa hàm lượng fluoride cao gấp 2-3 lần khuyến nghị.

Tiến sĩ Gary Whitford, chuyên gia tại Đại học Georgia Regents (Mỹ) cho biết, trà là nguồn nạp fluoride lớn nhất ngoài nước uống. Uống nhiều trà đặc đồng nghĩa với việc nạp vào cơ thể lượng fluoride đáng kể, làm tăng nguy cơ nhiễm độc fluoride, dẫn tới tổn thương thận, xơ hóa mô thận nếu kéo dài.

Uống trà đặc sau rượu là combo tàn phá thận

Một thói quen sai lầm phổ biến khác là uống trà đặc ngay sau khi uống rượu để “giải rượu”. Theo báo cáo của Hiệp hội Thận học Quốc tế (ISN), theophylline trong trà có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể đào thải nước nhanh.

Khi uống nhiều rượu, ethanol vào máu nhanh hơn khả năng gan chuyển hóa. Trong khi đó, thận là cơ quan lọc máu, nên ethanol sẽ đến thận, có thể gây tổn thương tế bào ống thận nếu nồng độ quá cao.

Nếu lại uống thêm trà đặc (gây lợi tiểu), có thể làm giảm thể tích tuần hoàn máu, dẫn đến thiếu máu nuôi thận.

Kết hợp trà đặc và rượu sẽ làm tăng gánh nặng, có thể dẫn đến viêm thận cấp, đặc biệt ở người có tiền sử bệnh lý thận.

Nguy cơ với dạ dày

Trà đặc chứa hàm lượng caffeine và theophylline cao, dễ gây kích thích mạnh lên tế bào thành dạ dày, làm tăng tiết axit dịch vị.

Theo nghiên cứu, những người uống từ 3 cốc trà đặc trở lên mỗi ngày có nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng cao gấp 1,7 lần so với người uống trà loãng hoặc không uống trà.

Niêm mạc dạ dày lâu ngày bị bào mòn có thể dẫn đến viêm, sung huyết, phù nề, xói mòn, thậm chí loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.

Tăng gánh nặng cho tim, nguy cơ đột quỵ

Nghiên cứu công bố trên European Journal of Preventive Cardiology chỉ ra, caffeine trong trà đặc làm tăng nhịp tim và huyết áp tạm thời, nhưng nếu uống quá thường xuyên, tim phải hoạt động liên tục ở mức cao.

Ở bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, điều này dễ dẫn đến loạn nhịp, suy tim cấp hoặc đột quỵ.

Người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh mạch vành không nên tiêu thụ quá 200mg caffeine/ngày (tương đương khoảng 2 cốc trà đặc), vượt quá mức này có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do biến cố tim mạch.

Ảnh hưởng đến hấp thu dinh dưỡng

Axit tannic trong trà đặc có thể cản trở hấp thụ sắt, gây thiếu máu thiếu sắt nếu sử dụng thường xuyên, nhất là ở phụ nữ mang thai, trẻ em, vốn là nhóm dễ thiếu sắt.

Một nghiên cứu cho thấy, uống trà đậm đặc trong bữa ăn có thể giảm hấp thu sắt từ thực phẩm tới 60%.

Ngoài ra, axit tannic kết hợp với protein và vitamin B1 trong thực phẩm hình thành kết tủa không tan, dễ gây táo bón kéo dài.

TS Sharon Palmer, chuyên gia dinh dưỡng Mỹ khuyến cáo: “Nếu không từ bỏ thói quen uống trà đặc, ít nhất hãy uống cách bữa ăn 1-2 giờ để hạn chế ảnh hưởng đến hấp thu sắt”.

Các chuyên gia y tế khuyên rằng, nếu muốn uống trà an toàn, chỉ nên uống trà loãng, không pha quá đặc; không nên uống ngay sau khi ăn no hoặc sau khi uống rượu.

Bên cạnh đó, nên sử dụng trà được kiểm định chất lượng, tránh tích tụ fluoride vượt ngưỡng an toàn. Đặc biệt, người có tiền sử bệnh dạ dày, thận, tim mạch cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi duy trì thói quen uống trà hằng ngày.
 

Có thể bạn quan tâm

Top