'Xẻ thịt' bờ biển Phú Quốc

Hãy đặt mình vào tâm thế của người dân địa phương và đặt câu hỏi: tại sao tôi phải trả tiền để được tắm trên bãi biển quê hương mình?

Tôi rất đồng cảm với tác giả bài viết: "Phú Quốc 'mất chất'". Nhắc đến câu chuyện resort "xẻ thịt" bờ biển, tôi lại nhớ đến mảnh đất Phan Thiết, nơi mà ngày nay người ta thường gọi là "thủ phủ resort". Tại đây, các resort được xây san sát nhau và ôm sát bờ biển, khiến cho các bãi tắm công cộng giờ chỉ còn là điều xa xỉ. Câu chuyện này dường như cũng đang xảy ra ở Phú Quốc cũng như nhiều địa phương nổi tiếng với du lịch khác trên cả nước.

Nếu muốn lấy một ví dụ về cách phát triển đô thị biển bền vững, chúng ta có thể nhìn về Nha Trang. Ở đó, các khách sạn trên đường ven biển Trần Phú phải được xây ở phía bên kia đường, chứ không được phép lấn sát biển. Khi đó, khách nghỉ tại các khách sạn nếu muốn tắm biển sẽ phải băng qua đường và tắm ở bãi biển công cộng. Theo tôi, đây là cách làm hợp lý để bảo vệ bãi tắm công cộng miễn phí cho người dân địa phương cũng như du khách.

Cứ thử hình dung, nếu bãi tắm nào cũng phải tốn tiền mua vé để vào thì không lẽ người dân địa phương cũng phải bỏ tiền để được tắm biển trên chính quê hương mình? Tất nhiên, việc thương mại hóa đó có thể khiến một bộ phận người dân giàu lên nhờ kinh doanh và thu tiền dịch vụ, nhưng cái sự giàu có đó của họ sẽ duy trì được trong bao lâu, khi dần dần sẽ có nhiều người có cùng suy nghĩ như tôi và tác giả ? Và khi du khách đã quay lưng với Phú Quốc vì điều đó, người dân ở đây sẽ còn lại gì, kiếm tiền từ đâu?

Có người nói rằng "nếu cứ mong Phú Quốc giữ mãi chất hoang sơ như ban đầu thì nơi đây sẽ mãi chỉ là bãi đất trống mà thôi, sao phát triển và lớn mạnh được". Thậm chí, họ còn mong muốn biến Phú Quốc trở thành Singapore thu nhỏ với nhà cao tầng, đô thị phát triển, hệ thống vui chơi giải trí, du lịch chất lượng cao để hút khách. Tôi cho rằng đây là chuyện quá xa vời, nhất là khi so sánh tiềm lực kinh tế giữa hai quốc gia.


>> Hòn Rơm đau đớn

Hà Nội, TP HCM phát triển nhờ đô thị hóa do đây là hai trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước. Còn Phú Quốc không thể phát triển theo cách như vậy, mà chỉ có thể tận dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch. Khi chúng ta có sẵn thiên nhiên phong phú thì cớ gì phải phát triển du lịch nhân tạo? Nếu Phú Quốc phát triển thành một nơi không có bản sắc, chỉ ăn theo, na ná các thành phố du lịch khác như Nha Trang, Đà Nẵng... thì khách du lịch có lý do gì để đến nơi đây nữa?

Chưa kể, nếu chúng ta khai thác thiên nhiên một cách tận diệt, không để cho tài nguyên du lịch có thời gian tái phát triển, thì con cháu ta lấy gì để ăn? Hay lại là câu chuyện "đời cha ăn mặn, đời con khát nước"? Phát triển du lịch bền vững phải là tận dụng tài nguyên du lịch để phát triển lợi ích của người dân, chứ không phải chỉ mỗi chuyện chăm chăm "xẻ thịt", thu tiền để làm lợi cho một số nhà đầu tư.

Ở Nha Trang, Đà Nẵng, Pattaya (Thái Lan)... bạn có thể đi dạo trên lề đường, bờ kè sát biển và cảm nhận hương vị gió biển. Nhưng ở những nơi như Phan Thiết và bây giờ là Phú Quốc, khi nhìn về phía biển, thứ duy nhất bạn thấy chỉ là những lô cốt bê tông chắn hết tầm nhìn. Hãy tự đặt mình vào tâm thế của người dân địa phương và đặt câu hỏi: tại sao tôi lại phải trả tiền để được tắm trên bãi biển đã gắn liền với tuổi thơ của mình? Lúc đó, bạn sẽ hiểu như thế nào là khai thác tận diệt.

Cái gì mới mà chẳng đông đúc, nhưng cứ đợi 5-10 năm nữa, chúng ta sẽ thấm thía cái giá rất đắt phải trả. Bài học từ Đà Lạt, Sa Pa vẫn còn sờ sờ đó thôi.

Trunkslessj
 
Top