

Nguồn hình ảnh,Getty Images
11 tháng 7 2025
Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn nhằm trấn áp hành vi gian lận thương mại và trung chuyển hàng hóa trái phép, đồng thời tập trung kiểm tra hàng hoá từ Trung Quốc trong nỗ lực tuân thủ các cam kết đã đưa ra với Washington, theo các tài liệu mà Reuters có được.
Tuần trước, quốc gia do Đảng ******** lãnh đạo này đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó mức thuế nhập khẩu dự kiến của Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam được cắt giảm xuống còn 20%, thay vì mức 46% từng bị đe dọa vào tháng Tư.
Tuy nhiên, các mặt hàng mà Washington cho là được trung chuyển trái phép qua Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế lên tới 40%.
Những biện pháp mới này – mở rộng chiến dịch trấn áp gian lận thương mại và hàng giả nhập khẩu trong những tuần gần đây – sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump.
Giới chức Mỹ nhiều lần cáo buộc Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ.
Các quan chức Mỹ cho rằng một số sản phẩm mang nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" dù thực chất không được gia công hoặc chỉ được gia công rất ít tại Việt Nam – điều này giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc tận dụng mức thuế thấp dành cho hàng hóa từ Việt Nam và né các mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành một nghị định mới nhằm "quy định thêm các mức xử phạt đối với hành vi gian lận xuất xứ", đồng thời đưa ra các biện pháp và quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn gian lận, theo một tài liệu của Bộ Công Thương đề ngày 3/7.
Ngày 3/7 cũng là ngày Tổng thống Trump và lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, ông Tô Lâm, đạt được thỏa thuận – đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất sau Anh cho đến nay đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về thuế quan.
Theo tài liệu, các cơ quan chức năng Việt Nam đã được chỉ đạo tăng cường kiểm tra đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong đó gần đây tập trung vào các sản phẩm "có nguy cơ gian lận thương mại... hoặc các mặt hàng Trung Quốc đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ".
Tài liệu liệt kê các mặt hàng như đồ gỗ, ván ép, linh kiện thép, xe đạp, pin, tai nghe không dây và các sản phẩm điện tử khác là những ví dụ cụ thể.
Tài liệu cũng nêu rõ các hành vi gian lận phổ biến gồm: sử dụng giấy tờ giả để xin cấp chứng nhận xuất xứ, làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, và nhập khẩu hàng giả vào Việt Nam.
Tài liệu cho biết gian lận thương mại gia tăng trong thời gian gần đây, tập trung vào việc tránh thuế và các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương Việt Nam và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đều không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.
Nhiều điều vẫn chưa rõ ràng
Thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần được làm rõ.Hiện chưa rõ Washington sẽ định nghĩa thế nào là trung chuyển bất hợp pháp, cũng như giá trị gia tăng tối thiểu mà Việt Nam phải tạo ra đối với hàng nhập khẩu để tránh bị áp thuế 40%.
Các nguồn tin cho biết Mỹ đang gây sức ép buộc Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là đối với các thiết bị điện tử.
Hiện cũng chưa rõ khi nào thỏa thuận này sẽ được hoàn tất.
Dự thảo nghị định của chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các quy trình giám sát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tăng cường kiểm tra thực địa đối với hàng hóa thương mại, và giám sát chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, theo bản dự thảo mà Reuters thu thập được (không ghi ngày cụ thể).
Dự thảo hiện chưa liệt kê cụ thể các mức xử phạt, vốn được kỳ vọng sẽ được bổ sung trong các bản sửa đổi tiếp theo hoặc văn bản pháp luật khác, theo lời một người am hiểu quá trình soạn thảo. Người này không được phép công khai phát ngôn và từ chối nêu tên.
Việt Nam đã gần như tăng gấp ba kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu năm 2018, thời điểm chính quyền Trump đầu tiên áp đặt các loại thuế quan trên diện rộng đối với Trung Quốc, buộc một số nhà sản xuất phải chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng tăng tương ứng, với giá trị và biến động gần như khớp nhau, mỗi bên đều đạt khoảng 140 tỷ USD vào năm 2024, theo dữ liệu từ cả phía Mỹ và Việt Nam.