
"Có xe hơi thì đừng tiếc tiền gửi, mỗi tháng chỉ có 1-2 triệu thôi, tại sao cứ phải tận dụng các không gian công cộng, bảo sao người dân họ khó chịu".
Sau vài tuần đỗ xe trong hẻm 209 Lý Thường Kiệt (phường Phú Thọ, TPHCM), ngày 15/6, anh Sang (34 tuổi, ở TPHCM) bất ngờ phát hiện thân xe có nhiều vết dính, được xác định là keo dán sắt. Sự việc đã được trình báo tới công an và đang được lực lượng chức năng xác minh làm rõ.Dưới góc độ pháp lý, dù với bất cứ lý do nào thì hành vi đổ keo lên xe của người khác đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý. Song dưới góc độ xã hội và đặt vào bối cảnh thực tế, nhiều người cho rằng đây sẽ là bài học về dừng đỗ phương tiện cho người đàn ông này.

Chiếc xe liên quan tới vụ việc (Ảnh: NVCC).
"Có tiền mua xe thì đừng tiếc tiền gửi"
Là người nắm được địa thế khu vực đỗ xe, anh Ngô Hồng Hải phân tích: "Hẻm này đỗ xe lâu vậy, ô tô khác không thể ra vào được. Về lý, hành vi xịt keo sẽ bị xử lý nghiêm nhưng về tình, có thể họ sẽ được cư dân trong hẻm đồng tình bởi có chung tâm trạng bất bình khi gây cản trở giao thông. Đúng là ở đời khó nói".
"Đáng nói khi khu vực này không phải không có bãi giữ xe, nhưng vì tiếc tiền mà người này lại để xe trong hẻm, cách nơi ở tận 100m. Những con hẻm ở Sài Gòn đã nhỏ, anh đỗ xe vào đây khiến lưu thông rất khó khăn. Tôi nghĩ nên thay đổi văn hóa đỗ xe, thay vì đỗ ở nơi không bị cấm thành đỗ ở nơi có biển được đỗ. Đường sinh ra để đi, không phải để đỗ xe. Bãi giữ xe không thiếu, tại sao phải lấn chiếm không gian công cộng như vậy?", anh Nguyen Huy tiếp lời.
"Trường hợp ô tô đỗ "chùa" như này không thiếu. Cứ xe vào được là họ đỗ, khu nhà tôi giờ họ đỗ cả xe tải trong đó. Báo chính quyền thì người ta nói xóm làng không thông cảm cho nhau nhưng đường rộng, người ta đỗ xe nhiều quá thành đường hẹp", bạn đọc Chiến Lang bức xúc.
"Có xe hơi thì đừng tiếc tiền gửi, mỗi tháng chỉ có 1-2 triệu thôi, tại sao cứ phải tận dụng các không gian công cộng, bảo sao người dân họ khó chịu. Mong các chủ xe có ý thức, đừng làm phiền tới những người xung quanh", độc giả Binh Pham bình luận.
Cũng không đồng tình với cách đỗ xe của chủ phương tiện, anh Trần Văn Lê đặt giả thiết: "Ví dụ chiếc xe đỗ chềnh ềnh ở đó, đêm khuya có người phải đi cấp cứu hay cháy nổ phải cho xe cứu hỏa vào, nhưng không thể tìm được chủ xe thì phải xử lý ra sao? Cần xem lại ý thức và trách nhiệm của bản thân với cộng đồng và xã hội, còn việc tài sản bị hư hỏng sẽ có pháp luật xử lý".
Còn theo bạn đọc Nam Xuân, người này cho rằng cần bổ sung các quy định về pháp luật liên quan tới việc đỗ xe trong khu dân cư. Theo đó, nên đề xuất về việc những khu vực có chiều rộng dưới 5 mét không cho phép đỗ xe bởi trong trường hợp khẩn cấp sẽ gây khó khăn cho các phương tiện cứu thương, cứu hỏa tiếp cận hiện trường. Đối với các hộ dân trong đó, chỉ nên cho phép dừng tạm thời và yêu cầu họ phải đưa xe đi khi có tình huống khẩn cấp.

Con hẻm nơi xảy ra sự việc (Ảnh: Lê Trai).
"Nhắc người ta một tiếng, sao phải phá hoại tài sản như vậy?"
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến không hài lòng với cách xử lý bằng việc đổ keo lên xe người khác. Anh Đặng Quốc Hà viết: "Đỗ xe gây cản trở thì nhắc nhau một tiếng, sao lại đi hủy hoại tài sản người ta như thế? Phải điều tra để xử nghiêm người đổ keo về hành vi hủy hoại tài sản, sau đó xác minh người chủ xe có đậu sai quy định không, nếu sai thì xử tội đỗ sai, chứ không thể nói vì đỗ sai mà muốn làm gì cũng được".
"Thấy không ổn thì ghi tờ giấy và dán lên xe, cần thiết thì tìm chủ xe để nói chuyện. Đều là người dân ở đó, họ chắc chắn biết thông tin của chủ xe. Khi nào các biện pháp mềm mỏng không được, chủ xe không hợp tác thì phải nhờ tới chính quyền chứ không phải vì cản trở lối đi mà phá hoại xe người khác. Một chiếc xe cũng hàng trăm triệu đồng, có phải xe đồ chơi đâu", chủ tài khoản Shadow Phuong bình luận.
"Người đỗ xe không đúng, nhưng người đổ keo cũng chắc chắn là sai. Cần làm rõ hành vi hủy hoại tài sản", bạn đọc Hungdthlc viết.