
Trợ cấp thất nghiệp chỉ là phần ngắn hạn. Phần quan trọng và lâu dài hơn là hỗ trợ việc làm và học nghề miễn phí để người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động.
Hoàn thiện các văn bản pháp luậtTại tọa đàm “Giải pháp hạn chế trục lợi chính sách Bảo hiểm thất nghiệp”, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, nhiều trường hợp hưởng trợ cấp thất nghiệp không đúng quy định vẫn được giải quyết do hồ sơ ban đầu bị làm sai lệch hoặc không được kiểm tra kỹ lưỡng.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Ảnh: Thu Nguyệt).
Cũng liên quan đến các trường hợp trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, vị trưởng phòng dẫn chứng thêm việc có người lao động không đủ điều kiện hưởng, hoặc đã có việc làm nhưng không khai báo, dẫn đến việc tiếp tục được nhận trợ cấp đến khi bị phát hiện qua thanh tra.
“Đáng lẽ người lao động không được hưởng hoặc phải chấm dứt hưởng thì vẫn tiếp tục nhận tiền, đến khi thanh tra vào cuộc mới phát hiện sai phạm. Thậm chí có trường hợp lợi dụng chế độ hỗ trợ đào tạo nghề để lập danh sách, ký nhận nhưng không thực hiện đúng, vẫn được thanh toán”, ông Tú nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Tuấn Tú nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện văn bản pháp luật. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan là bước quan trọng để ngăn chặn trục lợi.
“Dữ liệu này không chỉ giúp kiểm soát mà còn là nền tảng để xây dựng chính sách, đảm bảo tính minh bạch. Người lao động không nên vì khó khăn ban đầu mà đánh mất quyền lợi lâu dài”, ông Tú cho hay.

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Ảnh: Thu Nguyệt).
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tình trạng trục lợi bảo hiểm thất nghiệp xuất phát từ nhiều phía.
Về phía người lao động, nhiều người thiếu tự giác và chưa hiểu biết pháp luật, dẫn đến sai phạm trong việc khai báo tình trạng việc làm. Khi đã nhận trợ cấp thì phải khai báo nếu có việc làm mới. Nhưng thực tế, nhiều người cho rằng nếu chưa nhận đủ tiền thì cứ im lặng.
Về phía người sử dụng lao động, theo bà Hồ Thị Kim Ngân, có trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc khai báo không đúng thực trạng sử dụng lao động nhằm “né” nghĩa vụ đóng. Điều này không chỉ gây thất thoát quỹ mà còn khiến người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi về sau.
Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp thiệt đơn, thiệt kép
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết, trung tâm xử lý hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu dựa vào sự trung thực của người lao động.
“Hồ sơ hợp lệ, trung tâm vẫn giải quyết, nhưng sau đó phía cơ quan bảo hiểm phát hiện sai phạm thì yêu cầu thu hồi. Việc thu hồi rất tốn công sức, đặc biệt với lao động tự do hoặc lao động di cư, nhiều người thay số điện thoại, chặn liên lạc, không hợp tác”, bà Liễu chia sẻ.
Theo bà Liễu, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đã có việc làm mới mà không khai báo, nếu bị phát hiện sẽ phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận, đồng thời bị xử lý hành chính và không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
“Họ vừa mất tiền, vừa mất quyền lợi, đúng nghĩa là thiệt đơn thiệt kép”, bà Liễu chia sẻ.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: Thu Nguyệt).
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, nhiều người cũng chưa hiểu đúng bản chất của bảo hiểm thất nghiệp. Trợ cấp thất nghiệp chỉ là phần ngắn hạn. Phần quan trọng và lâu dài hơn là hỗ trợ việc làm và học nghề miễn phí.
Theo bà Liễu, nếu người lao động có việc làm thì nên thông báo ngay với trung tâm để được bảo lưu thời gian đã đóng, đó mới là cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, việc thanh kiểm tra hiện nay còn gặp khó khăn. Hàng năm, Sở Nội vụ tổ chức các đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ, nhưng không thể bao phủ hết các trường hợp. Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ Việc làm không có công cụ quản lý vi phạm hiệu quả, nhiều lúc chỉ phát hiện khi sự việc đã rồi.