Lựa chọn quyết định: Việt Nam xây dựng tương lai tươi sáng hay trở về với quá khứ

Don Jong Un

Xamer mới lớn
Vatican-City
“Nếu đặt việc Tổng thống Trump áp thuế lên hàng Việt Nam trong bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn, Việt – Mỹ vẫn có thể tìm ra giải pháp chung cho tình thế căng thẳng hiện nay”.

Mùa hè này ở Hà Nội không chỉ nóng bởi thời tiết mà còn bởi sức ép chiến lược ngày càng gia tăng – cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Nước Mỹ thời Trump đang theo đuổi điều gì? Washington muốn áp đặt Việt Nam, hay muốn xây dựng một mối quan hệ đối tác lâu dài dựa trên sự tương hỗ và lợi ích cân bằng?

I. Sự song hành giữa thuế quan và chiến lược

Quyết định bất ngờ của chính quyền Trump áp mức thuế 20% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam – gấp đôi mức từng được đàm phán – đã gây chấn động dư luận. Nhiều người tại Việt Nam cho rằng, đây là một cái bẫy. Nhưng liệu thuế quan thật sự là cốt lõi của vấn đề?

Bởi lẽ, cùng lúc với việc áp thuế, Hoa Kỳ lại mở ra không gian địa – chiến lược linh hoạt cho Việt Nam kể từ sau công cuộc Đổi Mới (1):

– Việc không tiếp tay cho hoạt động trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoàn toàn không đồng nghĩa với việc “tách rời” khỏi Trung Quốc, mà là một bước đi hướng tới đa dạng hóa chiến lược. Không ai kỳ vọng Việt Nam cắt đứt hoàn toàn với Trung Quốc – vì địa lý và kinh tế không cho phép. Nhưng đa dạng hóa là khả thi và cũng là bước đi khôn ngoan.

– Việc cho phép tàu chiến Hoa Kỳ ghé cảng Cam Ranh không có nghĩa là “chọn phe”. Philippines đã làm điều đó mà vẫn duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc. Singapore cũng đã lâu không cho phép tàu hải quân Mỹ cập cảng trong khi vẫn là thành viên trụ cột của RCEP do Bắc Kinh dẫn dắt.

– Việc ký kết thỏa thuận về đất hiếm không đồng nghĩa với “bán rẻ tài nguyên”. Nếu thực hiện đúng cách, điều này có thể thu hút công nghệ chế biến cấp G7, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và chấm dứt mô hình cũ: Xuất thô – nhập tinh.

– Tham gia chuỗi cung ứng Ấn Độ – Thái Bình Dương không có nghĩa là từ bỏ thị trường Trung Quốc, mà là cách để củng cố vị thế thương lượng và đạt được cân bằng chiến lược.

II. Một Việt Nam đổi mới thực sự trong mắt Washington

Lịch sử cho thấy, cam kết chiến lược đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bắt đầu vào tháng 10/1954, khi Tổng thống Dwight D. Eisenhower tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam Cộng Hòa và hỗ trợ phát triển kinh tế

Untitlerr3d-1-700x480.jpg
Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Kenneth T. Young, Giám đốc Văn phòng Đông Nam Á, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thời bấy giờ. Ông ông Kenneth Young là cha của ông Stephen Young, tác giả bài viết này. Nguồn: Stephen Young
Vì sao vào thời khắc ấy, Mỹ lại đưa ra cam kết như vậy? Bởi vì, như ông Eisenhower viết, người Mỹ tôn trọng chủ nghĩa dân tộc của người Việt – một “chủ nghĩa trường tồn” lâu đời trong lòng quốc gia (3).

Trong bức thư gửi Thủ tướng Ngô Đình Diệm, Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Việt Nam sẽ phản ánh đúng khát vọng của nhân dân, có tư duy khai sáng và hành động hiệu quả – để được tôn trọng ở cả trong nước và quốc tế, cũng như có thể ngăn chặn bất kỳ thế lực nào muốn áp đặt hệ tư tưởng ngoại bang lên một dân tộc tự do.

Từ “dân tộc” trong bức thư mang ý nghĩa quyết định. Eisenhower công nhận người Việt có truyền thống, giá trị, tôn giáo và khát vọng riêng – xứng đáng với một vị thế tự chủ, tự do và độc lập – như chính người Mỹ từng đòi hỏi cho mình.

Điều khác biệt cơ bản về chất: Thuở ấy, Eisenhower “chấm” Sài Gòn là dịch chuyển một quân cờ trên bàn cờ Đông Nam Á. Còn giờ đây, Washington “chọn” Hà Nội là chọn một đối tác có thẩm quyền cả về vị thế lẫn trọng lượng trên bàn cờ liên khu vực (Indo-Pacific) và toàn cầu!

Ngày nay, tiếp nối tinh thần đó, các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã rất chú ý đến bài viết ngày 27/4/2025 của Tổng Bí thư Tô Lâm (4), trong đó ông nhấn mạnh:

“Khát vọng về một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập là ngọn lửa thiêng, hun đúc tinh thần dân tộc suốt hàng ngàn năm lịch sử…”

Điều đáng chú ý nhất đối với Washington là Tổng Bí thư đã đề cập đến “sự trường tồn của dân tộc Việt” – khái niệm mà từ đầu, người Mỹ đã coi là nền tảng cho quan hệ đối tác lâu dài.

Cũng quan trọng không kém là lời kêu gọi hòa giải dân tộc của ông Tô Lâm – một dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới: “Chiến tranh đã qua không còn là ranh giới chia cắt những con người cùng dòng máu Lạc Hồng… Không có lý do gì để người Việt – cùng một cội nguồn, cùng là con cháu mẹ Âu Cơ – phải tiếp tục mang trong tim mình sự hận thù, chia rẽ”.

Người Mỹ đánh giá cao sự trở về nguồn của Tổng Bí thư đối với truyền thống văn hóa Việt Nam như nền tảng cho một tương lai thịnh vượng, hòa hợp với quốc tế trong một thế giới ổn định và hòa bình.

Một số học giả coi đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang từng bước hình thành một chính sách đối ngoại và đối nội mới – dựa trên bản sắc dân tộc sâu sắc, không chỉ phản ứng thụ động trước các biến động địa – chính trị, mà chủ động định hình vai trò và vị thế trong trật tự toàn cầu. Trên tầm nhìn ấy, Việt Nam có thể xây dựng được sức mạnh mềm thông qua kết nối với cộng đồng quốc tế. Để làm được điều này, Việt Nam cần mở rộng không gian phản biện và xây dựng một lộ trình cải cách chính trị phù hợp với bối cảnh mới.

Một cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định: “Chúng tôi hoan nghênh cam kết của lãnh đạo Việt Nam trong việc theo đuổi con đường phát triển hài hòa, gắn kết với thế giới văn minh”. Việt Nam không cần phải chọn phe, nhưng nên lựa chọn những giá trị nhân văn và tiến bộ – bao gồm cả giá trị truyền thống dân tộc và các giá trị phổ quát mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia các Công ước quốc tế của Liên Hợp quốc.

III. Cần đặt lại vấn đề: Lệ thuộc hay đối tác?

Một số ý kiến tại Việt Nam hiện đặt câu hỏi: “Nếu nhượng bộ Mỹ lúc này, liệu chúng ta có rơi vào lệ thuộc?”

Nhưng vấn đề đúng hơn nên đặt ra ngay bây giờ là: “Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, liệu chúng ta có thực sự độc lập?”

Quan trọng hơn nữa, Việt Nam làm thế nào để nắm bắt cơ hội hiếm hoi chuyển mình từ một quốc gia bị hoàn cảnh lịch sử chi phối sang một quốc gia kiến tạo lịch sử.

Bắc Kinh từ lâu đã không giấu tham vọng xem Việt Nam như một vành đai chiến lược đệm. Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng, kiểm soát xuất khẩu đất hiếm, đầu tư vào hạ tầng quan trọng – và dần siết chặt Việt Nam bằng một gọng kìm chiến lược mềm. Mỗi khi Hà Nội có dấu hiệu nghiêng về phương Tây, lập tức xuất hiện những tín hiệu cảnh báo từ phương Bắc: Từ sự cố trên biển, đình trệ đàm phán đến những đòi hỏi phi lý về lịch sử và chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong bối cảnh ấy, những đề xuất gần đây của Hoa Kỳ chính là cơ hội để định vị lại vị thế quốc gia. Một nền kinh tế bị nhìn nhận là “trạm trung chuyển trá hình” cho hàng hóa Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Nhưng nếu Hà Nội chuyển hướng, như The Economist từng gợi ý, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “xứ Bavaria của châu Á” (5) – một trung tâm công nghệ xanh, sản xuất giá trị cao và chiến lược trung lập.

Việt Nam có thể:

– Thu hút đầu tư chất lượng cao từ Mỹ, Nhật, Hàn và châu Âu;

– Vượt ra khỏi mô hình gia công, tiến đến đổi mới sáng tạo và sở hữu thương hiệu;

– Đảm nhận vai trò then chốt trong tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đã đến lúc Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thể hiện tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh chính trị. Sự do dự lúc này sẽ là một thiệt thòi lớn đối với lịch sử.

Hoa Kỳ đang gây sức ép? Có thể. Nhưng với tư duy dài hạn và ngoại giao khôn khéo, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển sức ép thành đòn bẩy – không chỉ để tái cấu trúc thương mại và quốc phòng, mà cả thể chế và mô hình quản trị quốc gia.

***

Sau 80 năm, liệu tháng Tám tới đây có trở thành “khoảnh khắc trường tồn thứ hai” đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam?

Thời hạn do Hoa Kỳ đưa ra đang hết dần. Một phản ứng chậm trễ hoặc mơ hồ không chỉ khiến Việt Nam mất ưu đãi thuế, mà còn làm xói mòn niềm tin chiến lược từ các đối tác quan trọng trong G7, Quad và ASEAN.

Cái giá phải trả sẽ không chỉ là một chỗ ngồi tại bàn cờ toàn cầu, mà là cả cơ hội bước ra khỏi cái bóng Trung Quốc – để xây dựng một nền kinh tế độc lập, kiên cường và cạnh tranh toàn cầu.

Kết luận:

Người Việt Nam đã từng đối mặt với chủ nghĩa thực dân, đế quốc và chiến tranh bằng lòng quả cảm. Nhưng hôm nay, lòng can đảm ấy cần mang một hình thái mới: Dám lựa chọn, dám thay đổi và dám tái định vị vị thế của mình trên thế giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ Chính trị đang nắm trong tay một vận hội lịch sử – đưa Việt Nam thoát khỏi vai trò “xưởng lắp ráp” của Trung Quốc để trở thành một đối tác thực thụ trong cộng đồng dân chủ toàn cầu.

Không quốc gia nào có thể chọn vị trí địa lý của mình, nhưng mọi quốc gia đều có thể chọn con đường để tiến vào tương lai. Hòa mình vào dòng chảy văn minh nhân loại chính là cơ hội để Đảng ******** Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo – không chỉ trong cải cách kinh tế, mà còn trong tư duy chiến lược và sự tự tin chính trị.

Nếu Hà Nội không nắm bắt khoảnh khắc này, lịch sử có thể sẽ còn rất lâu mới tạo lại được một cơ hội tương tự.

 

Có thể bạn quan tâm

Top