Đạo lý Kinh Nghiệm Học Phật - Vấn đáp Phật Pháp

PHẬT PHÁP CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI BIẾT CHÁN SỢ SINH TỬ.


Chỉ vậy thôi,

Không có biết chán sợ sanh tử thì Phật Pháp nầy tôi năn nỉ đừng có rớ tới là vì ba lý do :


1️⃣

Không có chán sợ sanh tử thì mình không có chấp nhận nỗi lời Phật bởi vì Phật xúi mình đi ra mà.
Mình chấp nhận không có nỗi.

2️⃣

Không chán sợ sanh tử thì có nghĩa là mình đang Mê.
Nếu mình còn Mê thì tại sao mình lại đúc cái đầu vô cái con đường lìa bỏ làm chi.

3️⃣

Cái lý tưởng Phật Pháp đi ngược lại cái đời sống của mình thì tại sao mình ngu dại gì mình đúc cái đầu vô trong đó.

Vì thế, Phật Pháp chỉ dành cho một hạng người duy nhất là biết CHÁN SỢ SANH TỬ.
Kẻ nào còn cầu mong hưởng phúc Nhân Thiên, còn mong được hưởng cái trăng thanh gió mát là kẻ đó chưa có phải là cầu đạo Giải Thoát.
Phải thấy một phút hít thở của La Hán cũng là Khổ thì mới thật sự chán sợ sanh tử ...!!!


Gớm như vậy đó,
Phải đến mức như vậy.
Cái một phút hít thở của La Hán chứ không phải của mình nha, một phút thôi cũng là Khổ thì mới thật sự là chán sợ sinh tử. Còn thấy mình còn muốn được cái nầy, cái kia là Chết.

Và tôi đã nói cái cuối cùng, mình thấy một phút mà hít thở của vị La Hán có gì đâu.
Hít với thở thôi đâu có gì mà thơm ngon, béo ngọt, bùi giòn gì đâu ...
Nhưng mà hễ còn có mặt là còn Khổ nha.

Đức Phật dùng hình ảnh nầy nè :

● Ngài nói giống như phân người dầu cho nó là một đống lớn hay nó chỉ dính một miếng nhỏ xíu trên đầu cây que thì lúc nào nó cũng là phân, lúc nào cũng đáng gớm.

● Dầu nó là một đống lớn hay chỉ là một miếng ở đầu que gỗ thì phân ở đâu cũng là phân.

● Ngài nói bất cứ hình thức hiện hữu nào, dầu thô hay là tế đến mấy thì cũng đều là đáng chán, đáng sợ hết.


Cái người không hiểu Đạo, không học Giáo Lý, không hành Tứ Niệm Xứ thì không có tin được cái chỗ nầy.

Các vị rất là ngạc nhiên là tại sao Đức Phật Ngài nói về cái chuyện sanh tử, cái chuyện có mặt ở đời này bằng cách nói rất là khắc khe, nghiêm túc như vậy.

Các vị phải thấy biết như vậy thì các vị mới thấy Ngài nói đúng.

Các vị thử tưởng tượng đi, cái này tôi đang nói kiểu thường thức dành cho người dốt đặc không có biết gì hết nè.
Trong một ngày, cái Tâm ác và Tâm thiện của quý vị cái nào nhiều hơn ...?!

Chắc chắn là Tâm ác nhiều hơn Tâm thiện rồi từ đó suy ra bước ra ngoài đời nhắm mắt quơ tay toàn là người xấu nhiều hơn người thiện không à.
Tại vì bản thân đã là xấu.

Các vị tưởng tượng đi, mình xấu mà chung quanh mình toàn là người xấu thì hỏi quý vị vậy có cơ hội nào để mà mình làm thiện không.
Rất hiếm.
Toàn là chuyện tầm bậy không.

● Bây giờ, các vị có nhan sắc một chút, có tiền một chút, có sức khỏe một chút, có tuổi trẻ một chút thì thử hỏi các vị cái tâm tình nào mà các vị tìm đến với Phật Pháp ...?!

Làm ơn trung thực, làm ơn chân thành với lòng mình một chút đi.
Bây giờ các vị có tiền, có sức khỏe, có nhan sắc, có tuổi trẻ, có uy tín quyền lực, có chức vụ, đặc biệt là có tình cảm nam nữ đang mùa yêu thì hỏi có bao nhiêu kẻ chịu đến để mà nghe đạo ...?


Nhưng mà các vị chán đời, sợ khổ nên trong cái room nào giảng cũng nhào vô nghe không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, nghe được cái gì bỏ túi bao nhiêu hay bấy nhiêu.

● Cho nên cái đạo này, là dành cho cái người Ly Tham, dành cho những người muốn Tịch Diệt, dành cho những người chán sợ Sanh Tử.

Ác nhiều bao nhiêu thì khổ nhiều bấy nhiêu.

Khi nào, cơ hội làm ác nó nhiều hơn cơ hội làm thiện thì cái cơ hội Đọa lớn hơn cái cơ hội sanh về Nhân Thiên.
Cái cơ hội làm giun, làm trùn, làm dòi, làm bọ nó lớn lắm.

Còn cái chuyện mình quay trở lại mình làm nam thanh nữ tú, tài tử giai nhân, đủ ăn đủ mặt, có học, có tiền, có nhan sắc, có sức khỏe, rồi có tình yêu, có quyền lực, có chức vụ ....


Tôi xin hứa với các vị cái chuyện đó nó hiếm dữ lắm.
Hiếm lắm ...
 
Sửa lần cuối:
GARUKAMMA (ᴛʀᴏ̣ɴɢ ɴɢʜɪᴇ̣̂ᴘ ʜᴀʏ ɴɢʜɪᴇ̣̂ᴘ ɴᴀ̣̆ɴɢ)

‘Trọng nghiệp’ được định nghĩa như sau:

“Garuṃ karotīti garukaṃ”
“Nghiệp nào chắc chắn trổ quả, thì nghiệp ấy gọi là ‘trọng nghiệp’”.

Hay nữa là:

"Kammantarehi paṭibāhituṃ asakkuṇeyyattā garukaṃ kammanti Garukakammaṃ".
“Nghiệp trổ quả chắc chắn bởi vì nghiệp khác không có khả năng ngăn chặn được, do đó, gọi là ‘trọng nghiệp’”.

Tức là 4 tâm tham tương ưng kiến (diṭṭhisampayutta) liên quan đến nghiệp tà kiến nhất định và 2 tâm căn sân liên quan đến trọng nghiệp ngũ nghịch vô gián, 9 nghiệp thiện đáo đại. Tổng cộng là 15.

Lᴜ̛ᴜ ʏ́: Đᴏ̂́ɪ ᴠᴏ̛́ɪ ɴɢʜɪᴇ̣̂ᴘ ᴛʜɪᴇ̣̂ɴ sɪᴇ̂ᴜ ᴛʜᴇ̂́ ᴀ̂́ʏ ᴄᴜ̃ɴɢ ʟᴀ̀ ‘ᴛʀᴏ̣ɴɢ ɴɢʜɪᴇ̣̂ᴘ’. Nʜᴜ̛ɴɢ ᴏ̛̉ đᴀ̂ʏ ᴍᴜᴏ̂́ɴ ɴᴏ́ɪ đᴇ̂́ɴ ɴɢʜɪᴇ̣̂ᴘ ᴛʀᴏ̂̉ ǫᴜᴀ̉ sᴀɴʜ ʟᴇ̂ɴ ᴛʀᴏɴɢ ᴋɪᴇ̂́ᴘ ᴛʜᴜ̛́ ʜᴀɪ. Cᴏ̀ɴ ᴛʜɪᴇ̣̂ɴ sɪᴇ̂ᴜ ᴛʜᴇ̂́ ᴋʜᴏ̂ɴɢ ᴄᴏ́ ᴘʜᴀ̣̂ɴ sᴜ̛̣ ᴛʀᴏ̛̣ ᴄʜᴏ sᴀɴʜ ᴍᴀ̀ ᴄʜɪ̉ ᴄᴏ́ ᴘʜᴀ̣̂ɴ sᴜ̛̣ sᴀ́ᴛ ᴛʀᴜ̛̀ sᴀɴʜ ʜᴜ̛̃ᴜ ᴛᴜ̛ᴏ̛ɴɢ ᴜ̛́ɴɢ ᴠᴏ̛́ɪ sᴜ̛́ᴄ ᴍᴀ̣ɴʜ ᴄᴜ̉ᴀ ᴍɪ̀ɴʜ.

Nghiệp được gọi là ‘trọng nghiệp’ này, nghĩa là nghiệp trổ quả chắc chắn (trong kiếp liền kề) cho sanh liền trong kiếp thứ hai mà nghiệp khác không thể ngăn cản được. Nhưng không có ý nói rằng tất cả cùng là trọng nghiệp với nhau sẽ không thể ngăn cản sự trổ quả lẫn nhau được. Nghĩa là ‘trọng nghiệp’ nào có sức mạnh vững chắc hơn ‘trọng nghiệp’ khác thì ‘trọng nghiệp’ ấy sẽ là pháp cho quả. Còn các ‘trọng nghiệp’ có sức mạnh yếu kém hơn thì không thể trổ quả được mà chỉ là pháp trợ. Cho dù không có cơ hội trổ quả phát sanh riêng, nhưng nghiệp ấy cũng được gọi là ‘trọng nghiệp’, bởi vì nếu không có ‘trọng nghiệp’ nặng hơn mình, thì ‘trọng nghiệp’ đó cũng sẽ là pháp trổ quả phát sanh lên trong kiếp thứ hai một cách chắc chắn.

Như người có một nghiệp tà kiến nhất định (niyatamicchādiṭṭhi) nào đó, về sau lại tạo thêm một trong những loại ‘trọng nghiệp’ ngũ nghịch vô gián nữa. Khi dứt sanh mạng thì chính nghiệp tà kiến nhất định sẽ là pháp trổ quả cho người ấy lập tức sanh ngay vào một trong những đại địa ngục. Bởi nghiệp tà kiến nhất định này nặng hơn nghiệp ngũ nghịch vô gián (pañcānantariyakamma). Còn đối với nghiệp ngũ nghịch vô gián chỉ làm phận sự trợ trong cách trổ quả của nghiệp tà kiến nhất định.

Còn trong nghiệp ngũ nghịch vô gián ấy, nghiệp chia rẽ Tăng chúng (saṅghabhedakamma) là nặng nhất.
Nếu giả định rằng, người nào tạo tất cả năm nghiệp vô gián thì nghiệp chia rẽ Tăng chúng sẽ trổ quả cho người ấy, những nghiệp còn lại sẽ là nghiệp ủng hộ cho cách trổ quả của nghiệp chia rẽ Tăng chúng.

‘Trọng nghiệp’ hay nghiệp nặng thứ nhì sau nghiệp chia rẽ Tăng chúng là nghiệp làm tụ máu bầm đến Đức Phật (lohituppādakakamma), sau nghiệp làm tụ máu bầm đến Đức Phật là nghiệp giết Thánh Ứng cúng (Arahantaghātakakamma). Còn hai nghiệp giết cha (pitughātakakamma), giết mẹ (mātughātakakamma) thì phải căn cứ vào ân đức, tức là nếu cha là người có đức hạnh của giới mà mẹ không có thì nghiệp giết cha chắc chắn sẽ nặng hơn, nếu mẹ là người có đức hạnh của giới mà cha không có thì nghiệp giết mẹ chắc chắn sẽ nặng hơn. Cả hai đều có giới hạnh bằng nhau hoặc không có giới hạnh như nhau, thì nghiệp giết mẹ sẽ nặng hơn.

Do nhân này trong chú giải Tăng Chi bộ kinh trình bày rằng:

“Dvīsupi sīlena vā dussīlena vā samānesu mātughātova paṭisandhivasena vipaccati. Mātā hi dukkarakārinī bahūpakārā ca puttānanti”.
“Nếu cả mẹ và cha đồng nhau về mặt giới hạnh, thì chính nghiệp giết mẹ chắc chắn trổ quả tái tục. Bởi mẹ là người nhận lãnh trọng trách khó làm được và là người nuôi dưỡng con nhiều hơn (hay là người có ân huệ với con cái hơn)”.

Đối với 9 nghiệp thiện đáo đại cũng như vậy, người đã thành tựu cả chín bậc thiền
hay còn được gọi là thiền phân tám bậc hay thiền phân chín bậc. Trong tất cả những thiền này thì thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ là thiền cao (ân đức) hơn các bậc thiền khác. Do đó, khi người đắc thiền đã dứt mạng sống thì chính nghiệp thiền thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ là pháp trổ quả cho người ấy sanh lên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Còn những nghiệp thiền còn lại trở thành ‘vô hiệu nghiệp’, không thể ủng hộ trợ giúp trong cách trổ quả của nghiệp thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Đối với năm thiền sắc giới ấy, chính ngũ thiền sắc giới là pháp trổ quả cho sanh lên cõi Tứ thiền. Các thiền sắc giới còn lại đều trở thành ‘vô hiệu nghiệp’ như trên.

𝐒𝐀𝐃𝐃𝐇𝐀𝐌𝐌𝐀 𝐉𝐎𝐓𝐈𝐊𝐀 𝐃𝐇𝐀𝐌𝐌Ā𝐂𝐀𝐑𝐈𝐘𝐀
𝐀𝐛𝐡𝐢𝐝𝐡𝐚𝐦𝐦𝐚𝐭𝐭𝐡𝐚-𝐬𝐚ṅ𝐠𝐚𝐡𝐚

Bro có thể cho ý kiến về a này được không?
 

Bro có thể cho ý kiến về a này được không?

Mình cũng ko rõ nữa do không tìm hiểu anh này.

Nói chung là quay về bên trong là tốt hơn khối người rồi.
Nhưng title hầu hết các clip có vẻ nửa vời ... Nói chung cũng là dạng lim dim tự ngộ.
Cũng tiếc là có lòng nhưng làm không tới. Đó cũng là một dấu hiệu thiếu túc duyên parami.
Nếu gặp được 1 vị thầy bạn tốt mà anh này chịu khó theo học thì có thể tiến xa.

Thật sự có thể biết được pháp học một người thông qua sách vở, tài liệu người đó đọc.
Vì pháp học - pháp hành - pháp thành mà. Nếu học sai thì không bao giờ hành đúng được.
 
Đời sống Cư Sĩ tại gia đa phần sống hưởng thụ trong dục lạc.
Vậy có hạng cư sĩ tại gia nào dù đang sống trong dục lạc mà vẫn được xem là hạng người tối thắng không?


1. Tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh;

2. Sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, không dùng sức mạnh, vị ấy tự mình an lạc, hân hoan;

3. Chia xẻ (bố thí), làm các công đức;

4. Hưởng thọ các tài sản ấy, không tham đắm, không đắm say, không mê loạn, thấy được sự nguy hại, có xuất ly với trí tuệ.

Đầy đủ bốn điều này được xem là hạng người cư sĩ tuy đang hưởng dục nhưng gọi là hạng tối thượng, tôi thắng, tối tôn.

AN 10.91
 
"NIỆM CHẾT"

Tôi đặc biệt rất tâm đắc đề mục Niệm Chết. Rất, rất, rất là tâm đắc. Nó ngộ lắm, một phần chắc là do nhát gan, một phần chắc là do thể trạng còn bé không được khỏe, và cũng hy vọng một phần là do sự tác động của kinh điển. Cho nên cái đề mục Niệm Chết rất là quan trọng mà tôi thường hay nhắc nhở bà con ngay khi có dịp là phải nhớ. Niệm Chết là sao? Có ba cấp độ Niệm Chết:

1. Niệm chết một cách sơ sài để điều chỉnh cuộc sống. Sơ sài có nghĩa là về thời gian và tâm trạng. Thời gian nghĩa là một hoặc hai ngày, ba hoặc bốn ngày gì đó thì mình nhớ chừng chừng là: “Cái chết nó sẽ đến nha”. Nhà đất, di chúc gì đó là mình phải tính toán ở trong sự thanh thản. Mỗi lần mà nhớ như vậy thì cái tâm trạng nó cũng không đến nỗi kinh động lắm, cái lòng nó cũng hơi ngậm ngùi, hơi giật mình một chút, nhưng mà thời gian cũng không đến nỗi khít khao lắm.

2. Niệm chết để mình tinh tấn hơn mỗi ngày, trong mỗi thời khóa tu tập. Nghĩa là giấc sáng đang trời mùa đông đắp mền mà đang ngủ nướng ngon quá, chợt nhớ đến cái chết là bật dậy liền. Hoặc là giấc chiều đang gió mát hiu hiu tính ngồi pha một bình trà nhưng mà không, tới giờ ngồi thiền tọa rồi nên kiếm chỗ vô ngồi. Rồi ngồi một hồi tính bỏ đi đâu đó chơi nhưng mà không, cơ hội không có nhiều thay vì đi tùm lum thì bây giờ từ thiền tọa mình chuyển qua đi thiền hành. Mỗi lần mà sáng sớm muốn ngủ nướng hay buổi chiều nó lên cơn làm biếng là phải nhớ: “Cơ hội hết rồi nha, hết rồi nha".

• Một là còn sống mới tu chứ mai mốt chết rồi mình đâu có biết mình sẽ đi về đâu.
• Hai là còn khỏe mới tu chứ mai mốt bệnh thì làm sao mà tu.
• Ba là bây giờ còn trẻ mới tu, chứ mai mốt già sao mà tu.
=> Cứ nhớ như vậy, cứ nhớ tới cái già, cái bệnh, cái chết để mình tinh tấn.

3. Cấp độ này là của hành giả, rất là quan trọng mà không phải ai trong room này cũng có thể nghe mà chịu nổi cấp độ ba này. Có nghĩa là liên tục và thường trực niệm chết trong mỗi hơi thở, để thấy rằng thân tâm ta đang chết đi trong từng hơi thở. Để làm chi? Để mình không còn thích, ghét, hay sợ hãi, ngay cả cái chết đến mình cũng không sợ hãi. Lúc nào mình cũng phải nhớ thân tâm này không có gì là “Một”. Cái con số “Một” là một con số giả thiết không có ở trong từ điển Phật Pháp, vì nó là một con số giả thiết chứ nó không có thật.

Tôi biết tôi nói vậy nhiều người trong room nhảy dựng, xăn tay áo nhảy vô cãi. Bây giờ tôi nói các vị nghe, các vị học toán các vị có biết “Con số mượn, con số giả thiết hay không” . Tức là nó không có nhưng mình đặt ra để tạm mượn rồi một hồi mình trả lại chứ mình không có ăn nhậu gì nó hết, đó gọi là con số mượn. Thì con số “Một” chính là con số giả thiết ở trong Đạo Phật bởi vì trong Đạo Phật không có cái gì là “Một” hết các vị biết không?

Thí dụ như mình nói: “Trong mỗi chúng sanh” thì tiếng Việt “mỗi” có nghĩa là “một” đúng không? Tiếng Mỹ kêu là “It”. Nhưng mà thật ra nghe cái từ “Trong mỗi chúng sanh” là mình thấy nó có cái gì đó hơi sai sai rồi. Bởi vì cái gọi là “Chúng sanh” nó gồm rất nhiều thứ mà mình gom gọn lại là “Danh và Sắc”.
“Danh” ở đây là gồm: tâm thức và tâm sở, trong tâm sở nó gồm có mấy chục cái lận. Còn “Sắc pháp” – chính là vật chất, thì nó có tới mấy chục thứ sắc pháp. Tất cả những cái đó nó cộng lại mới thành ra cái gọi là “Một người”. Do vậy ở đây mình phải nhiều ngầm nó là con số giả thiết, là con số mượn. Và trong mỗi sát na nó lại là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như: tâm thức, mấy chục tâm sở ở trong đó và khi càng xé nhỏ thì mình sẽ càng thấy không có cái gì là “Một”.

Hành giả phải thường xuyên, liên tục, ghi nhớ cái điều này: “Thật ra không có cái gì là Một, tất cả đều là đồ ráp, mình chỉ là một nắm cát. Nắm cát này đang bị gió cuốn theo chiều gió, nắm cát này đang và được thay thế bởi nắm cát khác. Liên tục và thường trực suy niệm như vậy thì được gọi là Niệm Chết Cấp Độ 3.

Với cấp độ này thì bà con mới có thể đối phó với những sợ hãi, ghen tuông, hờn giận, tiếc nuối, ray rứt. Từ đó bà con mới có thể sống an lạc, sống với tâm trạng của một người không còn gì để nắm và cũng không biết nắm vào đâu. Cái tâm trạng đó rất là thoải mái.

Trích Kinh Tăng Chi. IX. Niệm Chết - Paṭhamamaraṇassatisuttaṃ.
Sư Giác Nguyên giảng.
 
NĂM ĐIỀU KIỆN ĐẮC ĐẠO

Có năm điều kiện đắc đạo kiếp này :

1- Sức khỏe tốt
2- Có được nền tảng kiến thức giáo lý
3- Thầy bạn ok
4- Trú xứ thích hợp
5- Hành trì liên tục

Năm điều kiện này bà con thấy hình như mình cũng ráng có được chứ ! Nếu năm điều kiện này mình có thể làm được, cho thấy rằng ba-la-mật của mình không đến nổi xoàng. Và quí vị mở lại giùm tôi kinh Trường Bộ và kinh Trung Bộ. Đặc biệt là Trường Bộ Kinh, trong đó bà con dò cuối kinh Tứ Niệm Xứ có ghi thế này :
“Này các tỳ kheo, một người mà tinh tấn tu tập bốn niệm xứ này thì lâu nhất là bảy năm, nhanh nhất là bảy ngày có thể chứng hai quả vị sau đây : A-la-Hán, A-na-hàm.

Hồi đó tôi đọc tôi sốc lắm, tôi nghĩ sao đắc khó mà Ngài nói có vẻ chắc chắn vậy, nhưng bây giờ tôi già rồi và tôi coi trong Chú giải mới hiểu đó là cách nói mẹo.

Anh mà ba-la-mật yếu thì làm sao có thể tu Đúng 7 năm được, chữ Đúng đó phải gạch dưới, không phải dễ đâu.

Ba-La-Mật là gì ?
-Ba la mật là có khả năng làm thiện.
Làm thiện có hai :
1- Làm thiện cầu quả nhân thiên được gọi là thiện hữu lậu, còn kẹt trong ba cõi sáu đường. Là mong cho kiếp sau sanh ra đẹp, giàu, giỏi, quyền lực, tiếng tăm ..vv. Hữu lậu có nghĩa là thiện mà nó còn dính tới con đường sanh tử.
Và tôi thường nói một trăm người Phật tử VN trong mắt của tôi chưa được một người là Phật tử thứ thiệt, là bởi vì quí vị không phải là người đến với đạo với mục đích cầu giải thoát, mà đến với đạo bằng nhiều lý do :

-Bà ngoại đi thế là má đi, má đi thế là tôi đi. Gia đình có chuyện buồn “hữu sự vái tứ phương, vô sự bất đăng tam bảo điện “, không có chuyện tới chùa tốn nhang thế là đợi coi nhà có ai lật ngang mới vô chùa nhờ tụng kinh. Từ chỗ cúng thất riết mới quen đi chùa luôn lúc nào không hay.

-Đang có tâm sự trùng trùng không biết nói ai vô kiếm thầy chùa tâm sự khóc thút thít thỏ thẻ thủ thỉ thầm thì bèn thành Phật tử luôn.

-Người quen rủ đi vì tò mò, lúc đầu chở bạn tới chùa ngồi ngoài parking chờ bạn nhưng ngồi lâu quá muỗi chích nên chạy vô nghe pháp rồi trở thành Phật tử.

2-Làm lành, làm thiện với ý cầu quả giải thoát. Đó được gọi là ba-la-mật.

Không có mô tả ảnh.
 
Theo Aṭṭhakaṭhā (Chú giải):

Ngàn năm đầu của Giáo pháp đức Phật còn quả vị A-la-hán Tuệ phân tích (paṭisambhidā paṭṭa arahanṭa).

Ngàn năm thứ hai còn quả vị A-la-hán Lục thông (chalabhiñña arahanṭa).

Ngàn năm thứ ba còn quả vị A-la-hán Tam minh (ṭevijjā arahanṭa) đồng thời mất tạng Diệu pháp.

Tạng Diệu pháp mất đồng nghĩa trí suy giảm, do đó Giáo pháp hiện tại (hơn 2500 năm) hai hạng ugghāṭi-ṭaññu và vipañciṭaññu không còn, chỉ còn hạng Neyya và Padaparama.

NEYYA PUGGALĀ

Người Neyya trong kiếp hiện tại, nếu có sự tinh cần dõng mãnh thực hành pháp trợ đạo như tứ Niệm xứ, tứ Chánh cần… có thể chứng đắc thánh quả Nhập lưu (soṭapannā).
Nếu sự tinh cần chưa đủ đầy, sẽ trở thành thánh Nhập lưu ở kiếp sau, tức là sau khi mệnh chung tái sanh về thiên giới, tu tập sẽ đạt quả vị Nhập lưu.
Trái lại, hạng Neyya này xa rời pháp trợ đạo, khi mệnh chung xem như xa lìa Giáo pháp của Ðức Chánh đẳng giác hiện tại. Tuy nhiên, người Neyya này vẫn có thể đạt đạo quả trong thời Giáo pháp của đức Phật vị lai, nếu may mắn gặp được Giáo pháp của Ngài.

PADAPARAMA PUGGALĀ

Người Padaparama trong hiện tại tuy không thể chứng đạo quả, nhưng có sự nhiệt tâm tinh cần hành pháp trợ đạo, khi mệnh chung sanh về thiên giới, có thể đạt được đạo quả trong Giáo pháp hiện tại, vì rằng “Thời kỳ chư Thánh vẫn còn”.

Tuổi thọ Giáo pháp của Ðức Như lai là năm ngàn năm, khoảng thời gian ấy, đều là thời kỳ của Thánh quả trổ khai.
Bao giờ còn Bát chánh đạo, bấy giờ vẫn còn Thánh quả. Và như thế, người Padaparama cần tích cực lợi dung cơ hội cận kề Giáo pháp, nhằm mục đích tích trữ, gieo tạo phước ba-la-mật càng nhiều càng tốt. Tức là phải tích lũy, huân tập về giới - định - tuệ.


GIỚI (sīla)

Hạt giống (bīja = chủng tử) của giới là sự nghiêm trì năm giới, bát quan trai giới: không nói đâm thọc, không nói hung ác, không nói phù phiếm. Ðó là giới của thiện gia cư sĩ.
Sadi có 10 giới. Tỳ khưu có tứ Thanh tịnh giới. Ðây là những hạt giống tạo thành sīla pāramī (giới độ), tùy theo phẩm mạo.

ÐỊNH (samādhi)

Hạt giống của Ðịnh là sự tinh cần trong Chỉ tịnh, ít nhất phải đạt được ấn tướng Tiên khởi (parikamma nimiṭṭa -chuẩn bị tướng) qua bốn mươi đề mục của pháp chánh định (sammā samādhi) như: mười đề mục kasiṇa, mười đề mục tùy niệm (anussaṭi)…
Nếu có thể cố gắng tinh cần hơn nữa, nên cố gắng đạt đến cận định (upācāra samādhi) và cuối cùng đắc định, gọi là An chỉ định (appanā samādhi).

TUỆ (paññā)

Hạt giống tuệ là sự tu tập những khả năng phân tích được danh (nāma), sắc (rūpa), uẩn (khandha), xứ (āyaṭana), giới (dhāṭu), đế (sacca), và duyên khởi (paṭiccasammuppāda).
Hoặc là tu về tuệ quán thấy rõ ba tướng trạng của pháp hữu vi là: vô thường tướng (aniccā lakkhaṇa), khổ tướng (dukkhā lakkhaṇa) và vô ngã tướng (anaṭṭā lakkhaṇa).

Ðạo tuệ (maggañāṇa) và quả tuệ (phalañāṇa) phát sanh do nương vào ba hạt giống Giới - Định - Tuệ.

Giới - Định giống như vật trang điểm thế gian trong thời hiện hữu giáo pháp đức Phật ngay, cả trong kiếp không (suññaṭa kappa) là kiếp không có Ðức Chánh đẳng giác xuất hiện. Tức là giới - định có thể có trong bất cứ thời nào theo ý muốn của hành giả tu tập.

Riêng hạt giống tuệ liên quan đến danh sắc, uẩn, xứ, giới, đế, duyên khởi, chỉ xuất hiện trong thời Giáo pháp của Ðấng Chánh giác.


Ngoài Giáo pháp của đức Phật, không nơi nào, thời nào được nghe nói những từ ngữ liên quan đến trí như những từ ngữ ấy.
Do đó, người có duyên lành sinh ra trong thời hiện tại, vào lúc Giáo pháp của đức Phật đang hưng thịnh, nên có ý niệm gieo hạt giống đạo tuệ, quả tuệ để đạt đến cứu cánh giải thoát vào thời vị lai, nên đặc biệt chú ý đến tuệ về chân đế (paramaṭṭhasacca ñāṇa).

Trong bộ Abhidhammaṭṭha saṅgaha (Thắng pháp nghĩa nhiếp) có nêu lên bốn pháp chân đế là: tâm, sở hữu tâm, sắc pháp và Níp-bàn. Ðó là bốn pháp rất khó xuất hiện trong thế gian và ít người nhận thức rõ. Việc nhận thức được bốn pháp này còn khó hơn tích lũy hạt giống giới - định. Tối thiểu nên cố gắng đạt cho được tuệ quán phân biệt được tứ đại (đất, nước, lửa, gió), là thành phần vật chất cấu tạo nên thân thể của một chúng sanh. Nếu có tuệ quán thấy rõ tứ đại, người này có được kho hạt giống trí tốt, dù họ không có được trí về Abhidhamma (Thắng pháp).

Như vậy: có thể nói rằng: “Sinh ra gặp Phật-pháp là một hạnh-phúc lớn nhất”.


(Trích "Đường Đến Giác Ngộ: 37 Phần Bồ Đề", Tỳ Khưu Chánh Minh)
Đọc thêm: https://www.budsas.org/uni/u-chanhminh/37bode-01.htm
 
Có sự quyết định và sự tạo tác(Cetana) là nghiệp (Karma)

M:
“Thưa ngài Nāgasena, tư có cái gì là hành tướng?”

N: “Tâu đại vương, tư có sự quyết định là hành tướng và có sự tạo tác là hành tướng.”

M: “Xin ngài cho ví dụ.”

N: “Tâu đại vương, giống như người nào đó tạo ra thuốc độc rồi tự mình uống, và cho các người khác uống. Bản thân người ấy bị khổ sở, những người khác cũng bị khổ sở. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở đây có một người nào đó suy nghĩ với sự quyết định về điều bất thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Luôn cả những người học tập theo người ấy, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, cũng bị sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.

Tâu đại vương, hoặc là giống như người nào đó tạo ra một hỗn hợp bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía rồi tự mình uống, và cho các người khác uống. Bản thân người ấy được khoái lạc, những người khác cũng được khoái lạc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế ở đây có một người nào đó suy nghĩ với sự quyết định về điều thiện, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Luôn cả những người học tập theo người ấy, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, cũng được sanh vào chốn an vui, cõi trời. Tâu đại vương, tương tợ y như thế tư có sự quyết định là hành tướng và có sự tạo tác là hành tướng.”

M: “Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”

Mil
 
TÂM SỞ TƯ (2)

Tâm sở Tư là sự chú ý trong thiện và ác hành ấy, không có tâm sở tư này thì không có cái gì gọi là nghiệp.
Tức là việc lớn việc nhỏ, việc dễ coi hay việc khó nhìn. Việc làm phiền người hay làm vui lòng người, làm vui mình hay làm khổ mình, khó coi hay dễ coi...Tất cả đều là do chủ ý của mình.

Tôi có 1 lớp giảng cho những người ở Đức thì tôi có hỏi họ :"Cầm chổi quét nhà là việc tốt hay việc xấu, việc thiện hay việc ác." Thì trong đó đều trả lời rằng việc đó là việc thiện.

Tôi nói không, chưa chắc, bởi vì các vị có biết cái việc mà quét nhà đuổi khách không? Tức là tôi thấy các vị tới, thay vì tôi đuổi thì tôi không đuổi. Tôi im ru không nói tiếng nào hết nhưng tôi cầm chổi tôi quét quét vậy đó. Thì quét nhà là chuyện tốt vì quét nhà là làm cho cái nhà thêm sạch, nhưng cái chủ ý của tôi lúc đó. Tôi quét nhà để làm cái gì? Là để tôi đuổi khách, là làm cho khách bị nhục, bị bẽ mặt, làm họ thấy quê, làm cho họ bị tổn thương. Đó là 1 hành động làm xúc phạm, mạo phạm người ta. Nhưng mà chụp hình quay phim thì rất là đẹp, tôi cầm chổi tôi quét chứ có làm gì đâu mà không đẹp. Quét nhà là hành động đẹp, nhà sạch thì mát bát sạch thì ngon thì có gì đâu mà không tốt. Nhưng mà chỉ có trời biết, đất biết và mình biết là mình đã làm cái động tác đó, cử chỉ đó, thái độ đó, biểu hiện đó bằng cái tâm gì.

Nhắc lại, việc đó dầu khó coi hay là dễ nhìn, làm vui mình hay làm vui người, làm khổ mình hay là làm phiền người. Thì trong 6 trường hợp đó hoàn toàn là phải dựa vào cái gọi là Tâm Sở Tư, tức là chủ ý của mình lúc mình hành động. Chứ không phải là mình chỉ xét trên cái mặt chữ, xét trên cái mặt hình ảnh, trên ngôn ngữ rồi mình phán.

Trong chú giải có nói thế này: "Có trường hợp ta khổ vui là do chính chủ ý của mình, có khi do chủ ý của người, có khi là do cả hai phía. Là bởi vì nó là toàn bộ đời sống và cái cuộc tử sinh của mình.
Có khi là do chủ ý của người, nghĩa là do chủ ý người khác tác động. Nghĩa là lẽ ra chỗ đó nếu mà mình không biết được chủ ý người ta thì mình không có khổ. Mình biết cái này để mình hành động cẩn thận.
Có nghĩa là bất cứ hành động việc làm nào của mình, mình cũng luôn luôn sống trong chủ ý tốt, chủ ý tích cực.
Chứ không thì một là mình làm cho mình bị khổ, hai là mình làm cho người khác bị khổ.

✅
Phật nói : "Nghiệp chính là linh hồn (cốt yếu trong đời sống sinh tử của chúng
sinh).

Đã là nghiệp thì có 4 trường hợp:

1. Tự làm với chủ ý gì.
2. Tác động người khác với chủ ý gì.
3. Nghiệp do cố ý mà làm với chủ ý gì.
4. Nghiệp do vô tình mà làm với chủ ý gì.

Trong sớ giải nói: không việc làm nào mà không có tâm sở TƯ. Trực tiếp thì gọi
là cố ý, gián tiếp thì gọi là vô tình.

Ví dụ:

Trường hợp 1:
Bây giờ tôi thấy bầy kiến nó đang bò thì tôi mới cầm ca nước sôi tôi tạt vào chỗ đó coi nó chết kiểu nào. Cái đó gọi là tâm sở tư trực tiếp nhắm đến cái đối tượng, cái chủ ý trực tiếp.

Trường hợp 2: Tôi tráng ly rồi tôi hất thôi chứ tôi không có ý giết bầy kiến, tuy nhiên tôi không có chủ ý giết bầy kiến nhưng tôi có chủ ý tạt nước sôi trong cái sự bất cẩn, thiếu chánh niệm. Chỉ có chủ ý tạt nước sôi nhưng với sự bất cẩn thì mai sau chết vì bị dầu sôi nước nóng, trong tình huống không ngờ và cũng không do ai cố tình làm hại ta. Ví dụ: tôi làm nhân công ở trong lò đường, có cái chảo đường to đùng. Tôi loay hoay sao thì bị lọt vào trong đó, hoặc mình loay hoay thế nào nó làm cho nồi áp suất bị nổ cho mình chết banh xác. Hoặc mình làm con chuột mà mình bò sao không biết nó lọt vô trong cái nồi cháo.

Tôi nhớ 1 chuyện: Ngày kia trong 1 cái thiền viện của Phật giáo Bắc Truyền. Dĩ nhiên là ăn chay hết, mà thiền viện nó đông có cả trăm người. Mỗi sáng thì các thiền sinh đi ra rẫy hái rau xong vô nấu nướng. Bữa đó tới giờ ăn thì có tiếng xì xào bên dưới. Ông thiền sư viện chủ ổng nghe thế này: canh bữa nay ngon quá. Thì lát sau có tiếng la lên, trời ơi sao trong tô canh mà có con rắn nè, con rắn ai mà xắt khúc trong tô canh nè. Thì ra là mình hái 1 lượng rau rất là lớn để phục vụ cho thiền viện, cho nên họ hái bằng cái lưỡi liềm. Họ cứ túm 1 đống rau muống, rau lang, xà lách...cắt ngang rau. Thì cái đám cắt đã ẩu, cái đám rửa nấu cũng ẩu, cái đám múc ra cũng ẩu. Ba cái ẩu này cộng lại cuối cùng nó ra nồi canh có chút gọi là protein động vật nên nó ngon.
Thì ông sự phụ ổng mới rầy ổng nói nè: Tất cả ăn xong ngồi đó để nghe giáo huấn. Khi mà tất cả buông đũa thì sư phụ mới nói:

Tụi con có 3 lỗi lớn:

1) Làm ăn ẩu tả, gây hại chúng sinh.
2) Đã là hành giả ăn không chánh niệm, quan tâm ngon dở.
3) Thấy rắn thì im luôn để đại chúng không rối loạn hàng ngũ. Mai mốt chúng nó cứ tìm thêm rắn nấu canh thì nguy.

Câu chuyện này nhiều người họ nghĩ nó là câu chuyện cười nhưng mà không có phải. Nó rất là sâu bởi vì nó bổ sung cho cái mình đang nói. Trúng ở chỗ là: làm việc bất cẩn, nguy hại chúng sinh. Cắt rau ẩu, rửa rau ẩu, rửa như thế nào mà nguyên con rắn trong đó mà không có thấy thì quá ẩu. Tôi nghi là nó bỏ nguyên đống rau vào cái rổ rồi nó xịt nước thôi mà trời lờ mờ hừng đông thì làm sao có thấy được. Rồi tới cái tên kia nấu, trộn tới trộn lui mà không thấy con rắn mới ghê chứ. Rồi cuối cùng là cái tên múc ra tô canh mà nó không thấy con rắn cũng là cái ẩu. Mà thôi chuyện đó Hoà Thượng kể là tai nạn nhưng mà mấy cái tên mà sự cố xảy ra trong phòng ăn của thiền viện là dứt khoát sự cố đó không phải là tai nạn bởi vì: thấy như vậy thì im, đằng này thấy như vậy mà còn khen canh bữa nay ngon thì nó phạm vào cái tội khẩu dục. Còn thấy mà la lên thì đây là phạm cái tội khẩu nghiệp, la um xùm, gây rối loạn hàng ngũ.

Ở đây mình thấy cái sự tác ý này phải nhớ liên tục và liên tục. Nó nằm ở rải rác, kẻ thì cố ý, kẻ vô tình. Ở đây các vị thấy trong sự việc này ai là người cố ý, ai là người vô ý các vị thấy không. Khen ngon là cố ý. Làm chết rắn rồi nấu thịt rắn là vô ý.
Trong 1 sự việc nhỏ xíu thôi nhưng mà nó ra bao nhiêu làm chuyện. Cho nên ổng mới giáo huấn đại chúng.
Các con có 3 cái tội: một là làm ăn ẩu tả gây hại chúng sinh. Hai là người tu, hành giả mà còn khẩu dục. Cái tội thứ ba là thấy thì im mắc gì phải la um xùm, tức là thưởng thức riêng mình thôi chứ mắc gì phải la lên, rối loạn hàng ngũ.

👉
Cho nên cái Tâm Sở Tư là sao? Tâm Sở Tư là chủ ý của mình trong mỗi phút giây của đời sống thì đó được gọi là nghiệp thiện, nghiệp ác.


Cái này quan trọng lắm. Bây giờ tôi ôn lại.

Nghiệp ở đây có 4 loại

1. Tự mình làm ( sayaṃkatamūlikākamma)
2. Sai khiến người khác làm (āṇattimūlikakamma)
3. Nghiệp cố ý (sampajanamulikakamma)
4. Nghiệp vô tình (asampajanamulikakamma)

Nhưng dầu vô ý hay cố ý miễn là nó có cái chủ ý trong đó. Bây giờ mình đang nói đến nghiệp thiện ác nói chung, hễ mà cố ý là mình trực tiếp nhắm đến cái đối tượng hành động, còn vô ý là gián tiếp nhắm đến cái đối tượng hành động. Thì cái quả nghiệp mai này nó cũng trổ theo cái hướng gián và trực ấy. Rất là quan trọng.

Trích bài giảng Kinh Tăng chi 104
Sư Giác Nguyên giảng
 
Phương pháp kết tập

Trước tam vị tuyên ngôn xác định vai trò và vị trí của mình trong cuộc kết tập mà được Chư Thánh hiền tăng đã chọn lựa, ngài Mahakassapa lần lượt nêu từng điều luật tỉ mỉ và chi tiết như sau: "Này hiền giả Upàli! Nguyên nhân thế nào Thế Tôn cấm chế điều luật này? Ai phạm? Ðiều phụ chế của điều luật ấy thế nào? Thế nào là sự phạm tội trong những điều luật này?". Ngài Upàli căn cứ trên những câu hỏi ấy mà đáp một cách rành mạch, theo thứ lớp. Mỗi câu trả lời của Ngài Upàli, Chư Thánh Tăng cùng tụng lại điều luật ấy. Nếu không thấy sự lầm lẫn gì trong câu đáp, các Ngài nhất trí nhau tuyên bố rằng đây là điều luật Thế Tôn cấm chế và ban hành. Áp dụng cách thức kết tập như vậy cho đến hết phần Luật tạng, và trong đại hội kết tập lần thứ nhất này phân Luật tạng ra làm năm phần lớn: Àdikamma, Pàcittiya, Mahàvagga, Cullavagga, Parivàra.

Khi kết tập phần Kinh tạng, các Ngài nhất trí là bắt đầu bằng bài kinh Phạm Võng (Brahmajàlla sutta). Ngài Mahakassapa vấn như sau: "Này hiền giả Ananda! Nguyên nhân nào mà Thế Tôn thuyết bài kinh này? Ðịa điểm ở đâu? Ðối tượng thuyết giảng là ai? Nội dung của từng bài kinh là gì?" Ðại Ðức Ananda trả lời xong, rồi Chư Tăng bắt đầu cùng nhau tụng lại và xác nhận đây là lời của Thế Tôn. Cách thức như vậy cho đến phần Kinh tạng, đồng thời trong kỳ kết tập này các Ngài cũng phân ra năm bộ Nikàya. Cuộc kết tập này kéo dài bảy tháng mới hoàn thành.

Sau cuộc kết tập, Ðại Ðức Ananda có bạch với Chư Thánh Tăng rằng lúc Như Lai sắp sửa viên tịch, Ngài có dạy: "Khi ta viên tịch các vị có thể bỏ bớt những giới học nào không quan trọng". Ngài Mahakassapa hỏi Ðại Ðức Ananda học giới nào là không quan trọng, ngài Ananda trả lời vì lúc Ðạo sư Níp-bàn, Ðại Ðức quá bận rộn nên không hỏi điều đó. Ngài Mahakassapa với tư cách là chủ tọa liền tụng tuyên trước Chư Thánh Tăng như vầy: "Kính bạch Chư Tăng, vấn đề giới luật rất quan trọng, nó liên quan đến đời sống của sa môn, nhưng Thế Tôn trước khi viên tịch không nói rõ điều nào không quan trọng. Vì vậy cho nên kính xin Chư Thánh hiền Tăng từ nay về sau Chư vị đừng thêm mà cũng đừng bớt học giới nào mà Thế Tôn đã chế định, cứ vậy mà thực hành".
 
MINH và HẠNH (Vijjà và Carana)

Giới và Định hợp thành Hạnh trong khi Tuệ là Minh. Như vậy, giới, định, tuệ là Minh Hạnh.


Minh giống như đôi mắt của chúng sanh, Hạnh như cặp chân. Minh giống như mắt của chim, Hạnh như cánh. Người có đủ Giới và Ðịnh nhưng thiếu Tuệ giống như có đầy đủ hai chân nhưng mù mắt. Người có Minh nhưng thiếu Hạnh giống như có mắt tốt nhưng hai chân bệnh tật. Một người có đầy đủ cả hai, Minh và Hạnh, giống như người đầy đủ hai mắt sáng và cặp chân khoẻ mạnh. Thiếu cả hai, Minh và Hạnh, thì giống như người mù mà chân cẳng què quặt, không đáng được gọi là người.

Hậu Quả Của Tình Trạng Chỉ Có Carana (Hạnh)

Trong những chúng sanh cùng chung sống vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật, có những người đầy đủ Giới và Ðịnh, nhưng không có hột giống Minh, như Tuệ minh sát hiểu thấu bản chất của sắc pháp, danh pháp và ngũ uẩn. Vì có Hạnh dõng mãnh, những vị nầy có nhiều triển vọng sẽ gặp Giáo Huấn của một vị Phật tương lai, nhưng vì thiếu hột giống Minh, họ không thể thành đạt Giác Ngộ, mặc dầu có được nghe lời thuyết giảng của chính vị Phật tương lai.
Họ cũng giống như Ðại Ðức Làludàyi Ðại Ðức Upananda, những vị tỳ khưu Chabbaggìya, và Vua xứ Kosala, tất cả những người đã sống dưới thời Ðức Phật Toàn Giác. Nhờ trong những kiếp sống quá khứ đã tích trữ nhiều Hạnh tốt như bố thí và trì giới nên các vị nầy có được cơ hội sống liên hợp với Ðức Phật Tối Thượng, nhưng vì thiếu tích trữ hột giống Minh nên những lời dạy của Ðức Phật mà các vị ấy thường nghe trong kiếp nầy thất bại, như đã rơi vào tai điếc.

Hậu Quả Của Trường Hợp Chỉ Có Minh

Có những người khác đã tích trữ đầy đủ hột giống Minh như thấu hiểu sắc pháp và danh pháp và các uẩn, nhưng thiếu Hạnh như bố thí, thường xuyên trì giới và giữ bát quan trong những ngày giới. Nếu những vị nầy có duyên may gặp được Ðức Phật vị lai và nghe những thời Pháp do Ngài thuyết giảng ắt có thể Giác Ngộ vì có đủ Minh, nhưng vì thiếu Hạnh nên rất khó, cực kỳ hiếm hoi cho các vị nầy có cơ hội gặp vị Phật tương lai. Như thế bởi vì có một antara-kappa (chu kỳ thế gian) giữa Buddha Sàsana, Giáo Huấn của Ðức Phật hiện tại và vị Phật kế đó.

Vào khoảng thời gian ấy, các vị thiếu Hạnh (carana) kể trên lang thang bất định trong Dục Giới, có nghĩa là các vị ấy phải lặn hụp lăn trôi trong một chuỗi dài những kiếp sống và tái sanh, sanh-tử, tử-sanh. Cơ hội gặp được vị Phật tương lai chỉ có thể thành tựu nếu những kiếp sống ấy ở trong lạc cảnh. Nếu trong thời gian ấy chẳng may phải sa đọa vào bốn cảnh khổ thì cơ hội gặp được vị Phật tương lai đã mất, rất khó tìm lại được, bởi vì một kiếp sống trong Khổ Cảnh thường đưa đến một cảnh giới khác trong bốn cảnh khổ, triền miên liên tục kéo dài.

Những người trong kiếp sống nầy thiếu công đức bố thí, không giữ gìn trong sạch hành động bằng thân, không thận trọng thu thúc lời nói, và có những tư tưởng nhơ bẩn nhiễm ô, và như vậy thiếu Hạnh, có chiều hướng mạnh mẽ sẽ tái sanh vào một trong Bốn Khổ Cảnh sau khi chết. Nếu may nhờ một vài nghiệp tốt nào đã tạo, người ấy được tái sanh vào một trong những cảnh giới nhàn lạc, bất luận ở cảnh giới nào mà người ấy tái sanh vào, vì thiếu Hạnh trong quá khứ như bố thí, người ấy cũng thiếu thốn và rất có thể gặp nhiều khó khăn, thử thách và nhiều nỗi khổ tâm trong cuộc sinh sống, do đó có chiều hướng tạo nghiệp bất thiện và tái sanh vào khổ cảnh.

Bởi vì thiếu Hạnh như thường xuyên hành trì các giới căn bản và bát quan trai giới, những người ấy có thể gặp rất nhiều cơ hội để cãi vã, tranh chấp, sân hận, thù oán, trong cuộc sống khi giao dịch với người khác, lại có thể còn thường bị ốm đau ươn yếu, và như vậy gặp nhiều cơ hội có chiều hướng làm cho mình gây nhiều bất thiện nghiệp và sa đọa vào khổ cảnh (apàya loka). Như vậy người ấy sẽ kinh nghiệm những hoàn cảnh đau thương trong mỗi kiếp sống, sẽ tích tụ những khuynh hướng tâm tánh bất thiện, và do đó gây nhiều trở ngại trong kiếp sống ở lạc cảnh và tạo những nhân bất thiện có chiều hướng đưa tái sanh vào khổ cảnh (duggati loka). Như vậy hy vọng được gặp vị Phật tương lai của người thiếu Hạnh (carana) quả thật hiếm hoi.
Ðiểm Chánh Yếu

Tóm lược, điều chánh yếu là, chỉ khi nào ta hội đủ những hột giống Minh và Hạnh mới có thể giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống trong một kiếp tới. Nếu chỉ có hột giống Minh, thiếu hột giống Hạnh như bố thí và trì giới, ta sẽ không được bảo đảm có cơ hội gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, Buddha Sàsana. Nếu đàng khác, hội đủ những hột giống Hạnh nhưng thiếu hột giống Minh, mặc dầu ta có thể gặp được Giáo Huấn của vị Phật tương lai, nhưng không thể giải thoát. Do đó những người ở hạng padaparama ngày nay, dầu nam hay nữ, có chú nguyện được gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, phải cố gắng tích trữ trong thời Phật Giáo, Buddha Sàsana, hiện tại những hột giống Hạnh bằng cách thực hành bố thí, trì giới, và thiền vắng lặng, và cũng phải, tối thiểu, cố gắng minh sát Bốn Nguyên Tố Chánh Yếu Căn Bản, Tứ Ðại, nhờ đó được bảo đảm sẽ gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, và khi đã gặp, có hy vọng sẽ thành tựu giải thoát.
 
...KHÔNG PHẢI NỖ LỰC ĐỂ TRỞ THÀNH THÔNG MINH, MÀ PHẢI HIỂU RÕ SỰ NGU DỐT

Nếu tôi ngu dốt và tôi nói rằng tôi phải trở thành thông minh, việc nỗ lực để trở thành thông minh chỉ là một hình thức to lớn hơn của sự ngu dốt.
Bởi vì điều quan trọng là phải hiểu rõ sự ngu dốt. Dù cố gắng để trở thành thông minh nhiều bao nhiêu chăng nữa, sự ngu dốt vẫn còn y nguyên.
Có lẽ tôi đã đạt được sự tinh tế hời hợt nào đó của hiểu biết, tôi cũng đã trích dẫn những quyển sách, lặp lại những đoạn văn rút ra từ những tác giả vĩ đại, nhưng về căn bản tôi sẽ vẫn còn ngu dốt.
Nhưng nếu tôi thấy và hiểu rõ sự ngu dốt khi nó tự bộc lộ trong cuộc sống hàng ngày của tôi : tôi cư xử với người hầu của tôi như thế nào? tôi đánh giá người hàng xóm của tôi như thế nào? người nghèo khổ như thế nào? người giàu có như thế nào? người thư ký như thế nào?
Chính việc tỉnh thức ấy khiến sự ngu dốt chấm dứt...
- Thầy Krishnamurti -
 
4.10. HẠNG NGƯỜI ÍT NGHE

[1. Phàm phu chấp thủ tâm]

“Này các tỳ-khưu, kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly, giải thoát khỏi thân do bốn đại tạo thành này. Vì cớ sao? Vì họ thấy được cái thân này được tăng, được giảm, được thủ, được xả. Do vậy, ở đây kẻ vô văn phàm phu có thể nhàm chán, viễn ly nó, giải thoát khỏi nó.
“Nhưng này các tỳ-khưu, cái gọi là tâm, là ý, là thức, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ khả năng để có thể nhàm chán, không đủ khả năng để có thể viễn ly, không đủ khả năng để có thể giải thoát. Vì sao? Ðã lâu ngày, này các tỳ-khưu, kẻ vô văn phàm phu đắm trước, xem đó là của tôi, chấp thủ: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Do vậy, ở đây, kẻ vô văn phàm phu không đủ khả năng để có thể nhàm chán, không đủ để có thể viễn ly, không đủ khả năng để có thể giải thoát.

[2. Chấp thủ thân tốt hơn là chấp thủ tâm]

‘”Này các tỳ-khưu, thật tốt hơn cho kẻ vô văn phàm phu xem thân do bốn đại tạo thành này như là tự ngã, hơn là đối với tâm. Vì sao? Vì thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, hai năm, ba năm, bốn năm, năm năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, năm mươi năm, một trăm năm, hay đứng vững lâu hơn nữa.
“Còn cái gọi là tâm, là ý, là thức này, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác. Ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác. Cũng vậy, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác.

[3. Tư duy về lý duyên khởi]

”Ở đây, này các tỳ-khưu, vị đa văn thánh đệ tử tư duy xuyên suốt lý duyên khởi: ‘Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt.’ Do duyên vô minh, các hành sinh khởi. Do duyên các hành, thức sinh khởi. … danh sắc … sáu xứ … xúc … thọ … ái … thủ … sinh sinh khởi. Do duyên sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
“Do ly tham và vô minh hoàn toàn đoạn diệt, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.”
“Thấy vậy, vị đa văn thánh đệ tử, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên viễn ly; do viễn ly nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết được: ‘Ta giải thoát,’ vị ấy biết rõ: ‘Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa.’”
– Kinh Hạng Người Ít Nghe (SN 12.61)
 
SỰ THÀNH CÔNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂY PHƯƠNG
Thiền sư Ajahn Brahm
Nguyễn Văn Tiến dịch Việt
(Thư viện Hoa Sen)
*
Tôi sinh ra là một người Thiên Chúa Giáo, được giáo dục trong các trường học Thiên Chúa Giáo, và thậm chí tôi còn ca hát trong ca đoàn nhà thờ địa phương. Nhưng vào năm tôi 16 tuổi, lúc tôi đọc cuốn sách đầu tiên về Phật Giáo, ngay lập tức, tôi biết rằng tôi là một người Phật Tử. Tôi đã cảm động bởi lòng từ bi, bởi sự trí tuệ, và bởi sự tự do, đã tỏa sáng rực rỡ trong Lời Phật Dạy, hơn hẳn mọi tôn giáo khác mà tôi đã gặp trước kia. Trong cuộc sống của nhiều người ở thế kỷ 21 nầy, họ đã có những kinh nghiệm tương tự giống như tôi, và điều nầy đã và đang được lặp đi lặp lại hàng trăm ngàn lần. Khi những người bình thường ở các nước không-phải Phật-Giáo, gặp được Giáo Lý Thuần Túy Của Đạo Phật, được trình bày một cách rõ ràng và đáng tin cậy, sau đó họ nhanh chóng nhận ra rằng đây là những con đường đầy hương thơm, và trong tất cả các sự thật đây là sự quý giá hạng nhất, và trong tất cả các tôn giáo đây là sự tốt đẹp hạng nhất. Họ tự hỏi tại sao trí tuệ giải thoát tốt đẹp đến dường nầy, lại không được truyền bá rộng rãi hơn, để cho nhiều người biết đến.
Trong nước Úc, quốc gia tôi đang ở, có số lượng Phật Tử không đáng kể vào năm 1983, khi tôi từ Thái Lan đến đây lần đầu tiên. Đến năm 1991, số lượng Phật Tử đã lên đến 0,8%. Vào năm 1996, con số nầy tăng lên đến 1,1%. Gần đây, trong Bản Điều Tra Dân Số Nước Úc năm 2001, số lượng Phật Tử đã tăng thêm 75%, có nghĩa là lên đến 1,9% dân số. Con số nầy có nghĩa là (gần như) một trong năm mươi người Úc tuyên bố họ là Phật Tử. Trong khi Thiên Chúa Giáo suy giảm ở Tây Phương, Phật Giáo đã trở thành tôn giáo phát triển nhanh nhất tại nước Úc, và tại nhiều quốc gia phát triển khác.
Đây là một tin tốt, và cũng là một tin xấu. Đây là một tin tốt, bởi vì nhiều người Úc đang hưởng phước lợi từ một tôn giáo hòa bình nhất trên thế giới. Đây là một tin xấu, bởi vì những nhà sư giống như tôi phải làm việc vất vả, vì phải chăm sóc thêm cho nhiều đệ tử!
Bây giờ tôi muốn nói về ý tưởng tại sao tôi nghĩ rằng Phật Giáo đang phát triển rất tốt đẹp ở Tây Phương. Tôi sẽ sử dụng từ ngữ viết tắt P.U.R.E. (Presentation, User friendly, Relevant, Examples - PURE cũng có nghĩa là NGUYÊN CHẤT) tóm tắt bốn phương cách chính yếu, để giúp chúng ta gia tăng sự truyền bá Đạo Phật:
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG (PRESENTATION) - các nhà sư thuyết giảng bằng ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, để giúp cho Phật Tử dễ hiểu.
2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI (USER FRIENDLY) - các nhà sư giúp cho Phật Tử khi đến chùa, họ cảm nhận được sự thân thiện, và họ cảm thấy thích thú khi được học hỏi về Phật Pháp.
3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG (RELEVANT) - các nhà sư chọn đề tài liên hệ đến cuộc sống, nói về các TRỞ NGẠI hằng ngày.
4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT (EXAMPLES) - cuộc sống mỗi ngày của các nhà sư, là các thí dụ sống động nhất.
*
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG:
Nếu chúng ta muốn giáo lý tuyệt vời của Đạo Phật đến gần với thế hệ tân tiến, và hiện đại, thì chúng ta cần phải thuyết giảng theo cách hiện đại. Điều nầy không có nghĩa là bản chất của Phật Pháp cần phải thay đổi; mà phương cách thuyết giảng cần phải điều chỉnh liên tục. Các thế hệ tương lai sẽ không chịu ngồi lắng nghe các nhà sư thuyết giảng qua giọng nói đều đều, gây buồn chán, hoặc là nói về một đề tài không thích hợp, không áp dụng được vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết Đức Phật nói rằng, chúng ta nên giảng dạy Phật Pháp bằng ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, thí dụ như bài Kinh Phân Tích Về Sự Không Xung Đột (Aranavibhanga Sutra). Quý vị hãy để tôi đưa ra một thí dụ, cho biết điều nầy có ý nghĩa gì. Thế kỷ vừa rồi, các linh mục và các học giả Tây Phương chỉ trích Đạo Phật là bi quan, họ nói rằng Đạo Phật chỉ tập trung vào sự đau khổ. Thậm chí, điều nầy còn được lặp đi lặp lại bởi Đức Giáo Hoàng John Paul II, trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi của ngài về các tôn giáo trên thế giới. Để tránh sự hiểu lầm nầy, chúng ta có thể sắp xếp lại Sự Giảng Dạy Chính Yếu Của Phật Pháp nói về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) như là Hạnh Phúc (Dukkhanirodho); Nguyên Nhân Của Hạnh Phúc (là Con Đường Cao Quý Có Tám Phần = Bát Chánh Đạo); Sự Vắng Mặt Của Hạnh Phúc (Sự Đau Khổ = Dukkha); và Nguyên Nhân Hạnh Phúc Đã Vắng Mặt (Sự Ham Muốn = Craving). Đấy là sự di chuyển trọng-tâm từ đau-khổ thành hạnh-phúc.
Đây là một cách trình bày Phật Pháp theo một hình thức khác, đơn giản, mà vẫn giữ được bản chất, tuy nhiên cách nầy sẽ hấp dẫn các khán giả hiện đại. Điều nầy đã được chứng minh bằng câu nói sau đây của Đức Phật: "Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng" (Kinh Pháp Cú, Kệ 203 và Kệ 204). Khi tôi trình bày Bốn Sự Thật Cao Quý theo cách nầy, tôi thấy các thế hệ lắng nghe, và họ quay trở lại để học hỏi thêm về Phật Pháp.
2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI:
Thuyết giảng Phật Pháp bằng ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, là bước đầu tiên mang Đạo Phật đến với người nghe, qua sự gần gũi, và sự thân thiện. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy trong nhiều trường hợp, nhiều người Tây Phương và Đông Phương, muốn học hỏi về Đạo Phật nhưng họ đã sợ hãi đi đến chùa, hoặc đến tu viện, bởi vì họ không quen với các phong tục truyền thống, và thậm chí họ sợ hãi vì các nhà sư hay nhăn mặt, và cau có! Khi ngôi chùa Phật Giáo nào luôn chào đón mọi người đến viếng thăm, và luôn giúp đỡ mọi người mới đến, và có các nhà sư dễ nói chuyện, thì ngôi chùa nầy được gọi là ngôi chùa thân thiện.
Ngày nay, mặc dù trong thời hiện đại, nhưng mọi người rất bận rộn, họ hiếm khi nào có thời gian đến thăm chùa. Do đó, chùa nên mang Phật Pháp tới mọi người qua sách vở, qua băng cát-sét, qua đĩa CD, và tất nhiên là qua các trang mạng điện tử (internet). Hội Phật Giáo Tây Úc của chúng tôi có một trang mạng lớn, mà chúng tôi đã tải lên hằng tuần các bài Pháp Thoại bằng Anh Ngữ, để bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, có thể lắng nghe Phật Pháp trong sự thoải mái, thuận tiện tại nhà riêng của họ. Chúng tôi rất thành công với việc làm kể trên, vì chúng tôi mang Phật Pháp đến một số đông các Phật Tử thường xuyên lắng nghe trên toàn thế giới, mà chúng tôi không cần xây dựng các tòa nhà hoang phí, và đắt tiền.
3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG:
Các tôn giáo giống như Thiên Chúa Giáo đang suy giảm ở Tây Phương, vì tôn giáo nầy được xem là không áp dụng được vào cuộc sống của con người. Sẽ có rất ít người quan tâm đến các triết lý trừu tượng, cùng với các nghi lễ không có ý nghĩa rõ ràng, hoặc là những suy đoán đi ngược lại với lý do chính đáng. Tuy nhiên, họ rất quan tâm đến việc làm thế nào để cuộc sống có nhiều hạnh phúc hơn, giữa các trở ngại thông thường trong cuộc sống của họ.
Tôi đã cảm thấy thật dễ dàng để giải thích, rằng việc gìn giữ giới luật sẽ làm tăng gia mức độ hạnh phúc trong gia đình, giống y hệt như nước thủy triều làm nâng cao mức độ trung bình của nước biển. Kết quả của sự giải thích nầy là nhiều khán giả của tôi đã giữ gìn Năm Giới. Và tôi cũng chẳng có gì khó khăn để minh họa rằng, khi chúng ta mang sự tử tế đến các bạn đồng nghiệp, đến gia đình, và cho chính chúng ta, có nghĩa là chúng ta mang nhiều sự thoải mái, đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, các đệ tử của tôi đã có ít đi sự giận dữ, và có thêm vào nhiều sự tha thứ. Có nhiều bằng chứng về y tế, chứng minh rằng sự thực tập thiền định theo truyền thống của Phật Giáo, đã làm giảm đi sự căng thẳng trong cuộc sống hiện đại, và cũng làm giảm đi các trở ngại có liên hệ khác. Vì vậy, tất cả các thành viên trong chùa của tôi đều là các thiền giả có nhiệt tâm. Ba sự thực tập chính yếu của Đạo Phật - là đạo đức, lòng tử tế, và thiền định - khi được đóng khung trong bối-cảnh phát-triển hạnh-phúc cá-nhân, đã thu hút rất nhiều người đến với Đạo Phật. Những điều nầy liên quan đến những gì, mà nhiều người coi là quan trọng đối với họ.
Khi chúng tôi tập trung vào những gì có thể áp dụng được trong cuộc sống của một người bình thường, thì sau đó Phật Giáo trở nên quan trọng đối với họ. Họ có thể bắt đầu bằng sự quan tâm đến việc giải quyết các trở ngại thế gian của họ, tuy nhiên sau đó, điều nầy sẽ sớm đưa họ đi đến Con Đường Giải Thoát, dẫn họ thoát ra khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc sống.
4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT:
Đối với thế hệ hiện đại, tất cả mọi điều nói trên chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu chúng ta không có những người lãnh đạo có phẩm-chất cao-quý để cung cấp nguồn cảm hứng. Sự phát triển của Phật Giáo chủ yếu dựa vào các thí-dụ sống-động của các nhà sư như đạo đức, từ bi, khôn ngoan, và hòa bình. những người của thế kỷ thứ 21 là những người hoài nghi. Họ sẽ không đặt để niềm tin của họ vào một tôn giáo nào, cho đến khi họ nhìn thấy một số bằng chứng là tôn giáo nầy sẽ mang lợi-ích đến cho họ. Đạo Phật có thể giúp gì cho họ không? Đạo Phật có thật sự dẫn họ đến sự đạo đức, đến sự từ bi, đến sự hạnh phúc, và đến sự tự do không? Họ đang nhìn vào chúng tôi - là các nhà sư - như là những thí-dụ-sống, mà đang được Đạo Phật dẫn dắt, trước khi họ bằng lòng đi theo. Đối với lòng nghi ngờ của thế hệ hiện đại, các nhà sư (chúng tôi) mong đợi truyền cảm hứng cho họ những điều gì, khi mà các nhà sư sống trong sự sang trọng, và giàu có hơn cả người thường, khi mà các nhà sư không giữ gìn giới luật, và có rất ít sự thanh-thản. Phật Pháp chủ yếu là sự truyền bá bằng thí-dụ-sống, đây là một thí dụ mạnh mẽ, hay ho hơn, tất cả mọi bài thuyết giảng.
Một bà người Úc có học thức cao đã viết trong cuốn sách gần đây của bà, là trước khi bà trở thành một người Phật Tử, bà đã quan sát các nhà sư ở Perth trong nhiều ngày tháng. Khi bà nhìn thấy rằng cuộc sống của các nhà sư rất giản dị, họ gìn giữ giới luật, họ làm việc chăm chỉ, và họ sống rất hạnh phúc, bởi vì như thế, bà mới xin quy y, rồi bà bắt đầu gọi mình là người Phật Tử. Thế nên, hành-động mạnh mẽ hơn là lời-nói.
Vì thế, ở Tây Úc chúng tôi đã thiết lập ra các tu viện, để đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn, cho cả hai nhóm tu sĩ nam và nữ, mà tôi gọi là 'nhà máy sản xuất các nhà sư', và 'nhà máy sản xuất các sư cô'. Bằng cách đưa nhiều tài nguyên vào việc đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn có phẩm-chất cao-quý, chúng tôi bảo đảm sẽ cung cấp những thí-dụ-sống có phẩm-chất cao-quý cho các thế hệ kế tiếp.
*
Đây là một trong những chương trình làm việc thành công tại Úc, để làm cho Đạo Phật phát triển nhanh nhất tại đây. Chúng ta không cần phải thay đổi thông điệp của Đức Phật, và chúng ta cũng không cần thay đổi quy luật của tu viện. Chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta, đối với vị Thầy Vĩ Đại Và Cao Quý Nhất của chúng ta, là Đức Phật, và truyền bá Phật Pháp tuyệt vời của ngài đến mọi vùng đất trên thế giới hiện đại, bằng cách làm cho ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT (PURE). Đấy là Đạo Phật được các nhà sư Thuyết Giảng Bằng Ngôn Ngữ Thông Thường (Presentation), các nhà sư Tạo Ra Sự Thân Thiện Và Sự Thích Thú Học Hỏi cho Phật Tử (User friendly), giúp Phật Tử Áp Dụng Bài Giảng Vào Cuộc Sống (Relevant), và để Phật Tử nhìn vào các Nhà Sư Như Là Các Thí Dụ đầy cảm hứng (Examples).
-- Nguyễn Văn Tiến dịch Việt
(Thư viện Hoa Sen)
 
SỰ THÀNH CÔNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂY PHƯƠNG
Thiền sư Ajahn Brahm
Nguyễn Văn Tiến dịch Việt
(Thư viện Hoa Sen)
*
Tôi sinh ra là một người Thiên Chúa Giáo, được giáo dục trong các trường học Thiên Chúa Giáo, và thậm chí tôi còn ca hát trong ca đoàn nhà thờ địa phương. Nhưng vào năm tôi 16 tuổi, lúc tôi đọc cuốn sách đầu tiên về Phật Giáo, ngay lập tức, tôi biết rằng tôi là một người Phật Tử. Tôi đã cảm động bởi lòng từ bi, bởi sự trí tuệ, và bởi sự tự do, đã tỏa sáng rực rỡ trong Lời Phật Dạy, hơn hẳn mọi tôn giáo khác mà tôi đã gặp trước kia. Trong cuộc sống của nhiều người ở thế kỷ 21 nầy, họ đã có những kinh nghiệm tương tự giống như tôi, và điều nầy đã và đang được lặp đi lặp lại hàng trăm ngàn lần. Khi những người bình thường ở các nước không-phải Phật-Giáo, gặp được Giáo Lý Thuần Túy Của Đạo Phật, được trình bày một cách rõ ràng và đáng tin cậy, sau đó họ nhanh chóng nhận ra rằng đây là những con đường đầy hương thơm, và trong tất cả các sự thật đây là sự quý giá hạng nhất, và trong tất cả các tôn giáo đây là sự tốt đẹp hạng nhất. Họ tự hỏi tại sao trí tuệ giải thoát tốt đẹp đến dường nầy, lại không được truyền bá rộng rãi hơn, để cho nhiều người biết đến.
Trong nước Úc, quốc gia tôi đang ở, có số lượng Phật Tử không đáng kể vào năm 1983, khi tôi từ Thái Lan đến đây lần đầu tiên. Đến năm 1991, số lượng Phật Tử đã lên đến 0,8%. Vào năm 1996, con số nầy tăng lên đến 1,1%. Gần đây, trong Bản Điều Tra Dân Số Nước Úc năm 2001, số lượng Phật Tử đã tăng thêm 75%, có nghĩa là lên đến 1,9% dân số. Con số nầy có nghĩa là (gần như) một trong năm mươi người Úc tuyên bố họ là Phật Tử. Trong khi Thiên Chúa Giáo suy giảm ở Tây Phương, Phật Giáo đã trở thành tôn giáo phát triển nhanh nhất tại nước Úc, và tại nhiều quốc gia phát triển khác.
Đây là một tin tốt, và cũng là một tin xấu. Đây là một tin tốt, bởi vì nhiều người Úc đang hưởng phước lợi từ một tôn giáo hòa bình nhất trên thế giới. Đây là một tin xấu, bởi vì những nhà sư giống như tôi phải làm việc vất vả, vì phải chăm sóc thêm cho nhiều đệ tử!
Bây giờ tôi muốn nói về ý tưởng tại sao tôi nghĩ rằng Phật Giáo đang phát triển rất tốt đẹp ở Tây Phương. Tôi sẽ sử dụng từ ngữ viết tắt P.U.R.E. (Presentation, User friendly, Relevant, Examples - PURE cũng có nghĩa là NGUYÊN CHẤT) tóm tắt bốn phương cách chính yếu, để giúp chúng ta gia tăng sự truyền bá Đạo Phật:
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG (PRESENTATION) - các nhà sư thuyết giảng bằng ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, để giúp cho Phật Tử dễ hiểu.
2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI (USER FRIENDLY) - các nhà sư giúp cho Phật Tử khi đến chùa, họ cảm nhận được sự thân thiện, và họ cảm thấy thích thú khi được học hỏi về Phật Pháp.
3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG (RELEVANT) - các nhà sư chọn đề tài liên hệ đến cuộc sống, nói về các TRỞ NGẠI hằng ngày.
4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT (EXAMPLES) - cuộc sống mỗi ngày của các nhà sư, là các thí dụ sống động nhất.
*
1) THUYẾT GIẢNG BẰNG NGÔN NGỮ THÔNG THƯỜNG:
Nếu chúng ta muốn giáo lý tuyệt vời của Đạo Phật đến gần với thế hệ tân tiến, và hiện đại, thì chúng ta cần phải thuyết giảng theo cách hiện đại. Điều nầy không có nghĩa là bản chất của Phật Pháp cần phải thay đổi; mà phương cách thuyết giảng cần phải điều chỉnh liên tục. Các thế hệ tương lai sẽ không chịu ngồi lắng nghe các nhà sư thuyết giảng qua giọng nói đều đều, gây buồn chán, hoặc là nói về một đề tài không thích hợp, không áp dụng được vào cuộc sống.
Chúng ta đều biết Đức Phật nói rằng, chúng ta nên giảng dạy Phật Pháp bằng ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, thí dụ như bài Kinh Phân Tích Về Sự Không Xung Đột (Aranavibhanga Sutra). Quý vị hãy để tôi đưa ra một thí dụ, cho biết điều nầy có ý nghĩa gì. Thế kỷ vừa rồi, các linh mục và các học giả Tây Phương chỉ trích Đạo Phật là bi quan, họ nói rằng Đạo Phật chỉ tập trung vào sự đau khổ. Thậm chí, điều nầy còn được lặp đi lặp lại bởi Đức Giáo Hoàng John Paul II, trong cuốn sách gây nhiều tranh cãi của ngài về các tôn giáo trên thế giới. Để tránh sự hiểu lầm nầy, chúng ta có thể sắp xếp lại Sự Giảng Dạy Chính Yếu Của Phật Pháp nói về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) như là Hạnh Phúc (Dukkhanirodho); Nguyên Nhân Của Hạnh Phúc (là Con Đường Cao Quý Có Tám Phần = Bát Chánh Đạo); Sự Vắng Mặt Của Hạnh Phúc (Sự Đau Khổ = Dukkha); và Nguyên Nhân Hạnh Phúc Đã Vắng Mặt (Sự Ham Muốn = Craving). Đấy là sự di chuyển trọng-tâm từ đau-khổ thành hạnh-phúc.
Đây là một cách trình bày Phật Pháp theo một hình thức khác, đơn giản, mà vẫn giữ được bản chất, tuy nhiên cách nầy sẽ hấp dẫn các khán giả hiện đại. Điều nầy đã được chứng minh bằng câu nói sau đây của Đức Phật: "Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng" (Kinh Pháp Cú, Kệ 203 và Kệ 204). Khi tôi trình bày Bốn Sự Thật Cao Quý theo cách nầy, tôi thấy các thế hệ lắng nghe, và họ quay trở lại để học hỏi thêm về Phật Pháp.
2) TẠO RA SỰ THÂN THIỆN VÀ SỰ THÍCH THÚ HỌC HỎI:
Thuyết giảng Phật Pháp bằng ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, là bước đầu tiên mang Đạo Phật đến với người nghe, qua sự gần gũi, và sự thân thiện. Tuy nhiên, tôi đã nhìn thấy trong nhiều trường hợp, nhiều người Tây Phương và Đông Phương, muốn học hỏi về Đạo Phật nhưng họ đã sợ hãi đi đến chùa, hoặc đến tu viện, bởi vì họ không quen với các phong tục truyền thống, và thậm chí họ sợ hãi vì các nhà sư hay nhăn mặt, và cau có! Khi ngôi chùa Phật Giáo nào luôn chào đón mọi người đến viếng thăm, và luôn giúp đỡ mọi người mới đến, và có các nhà sư dễ nói chuyện, thì ngôi chùa nầy được gọi là ngôi chùa thân thiện.
Ngày nay, mặc dù trong thời hiện đại, nhưng mọi người rất bận rộn, họ hiếm khi nào có thời gian đến thăm chùa. Do đó, chùa nên mang Phật Pháp tới mọi người qua sách vở, qua băng cát-sét, qua đĩa CD, và tất nhiên là qua các trang mạng điện tử (internet). Hội Phật Giáo Tây Úc của chúng tôi có một trang mạng lớn, mà chúng tôi đã tải lên hằng tuần các bài Pháp Thoại bằng Anh Ngữ, để bất cứ người nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, có thể lắng nghe Phật Pháp trong sự thoải mái, thuận tiện tại nhà riêng của họ. Chúng tôi rất thành công với việc làm kể trên, vì chúng tôi mang Phật Pháp đến một số đông các Phật Tử thường xuyên lắng nghe trên toàn thế giới, mà chúng tôi không cần xây dựng các tòa nhà hoang phí, và đắt tiền.
3) ÁP DỤNG BÀI GIẢNG VÀO CUỘC SỐNG:
Các tôn giáo giống như Thiên Chúa Giáo đang suy giảm ở Tây Phương, vì tôn giáo nầy được xem là không áp dụng được vào cuộc sống của con người. Sẽ có rất ít người quan tâm đến các triết lý trừu tượng, cùng với các nghi lễ không có ý nghĩa rõ ràng, hoặc là những suy đoán đi ngược lại với lý do chính đáng. Tuy nhiên, họ rất quan tâm đến việc làm thế nào để cuộc sống có nhiều hạnh phúc hơn, giữa các trở ngại thông thường trong cuộc sống của họ.
Tôi đã cảm thấy thật dễ dàng để giải thích, rằng việc gìn giữ giới luật sẽ làm tăng gia mức độ hạnh phúc trong gia đình, giống y hệt như nước thủy triều làm nâng cao mức độ trung bình của nước biển. Kết quả của sự giải thích nầy là nhiều khán giả của tôi đã giữ gìn Năm Giới. Và tôi cũng chẳng có gì khó khăn để minh họa rằng, khi chúng ta mang sự tử tế đến các bạn đồng nghiệp, đến gia đình, và cho chính chúng ta, có nghĩa là chúng ta mang nhiều sự thoải mái, đến cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, các đệ tử của tôi đã có ít đi sự giận dữ, và có thêm vào nhiều sự tha thứ. Có nhiều bằng chứng về y tế, chứng minh rằng sự thực tập thiền định theo truyền thống của Phật Giáo, đã làm giảm đi sự căng thẳng trong cuộc sống hiện đại, và cũng làm giảm đi các trở ngại có liên hệ khác. Vì vậy, tất cả các thành viên trong chùa của tôi đều là các thiền giả có nhiệt tâm. Ba sự thực tập chính yếu của Đạo Phật - là đạo đức, lòng tử tế, và thiền định - khi được đóng khung trong bối-cảnh phát-triển hạnh-phúc cá-nhân, đã thu hút rất nhiều người đến với Đạo Phật. Những điều nầy liên quan đến những gì, mà nhiều người coi là quan trọng đối với họ.
Khi chúng tôi tập trung vào những gì có thể áp dụng được trong cuộc sống của một người bình thường, thì sau đó Phật Giáo trở nên quan trọng đối với họ. Họ có thể bắt đầu bằng sự quan tâm đến việc giải quyết các trở ngại thế gian của họ, tuy nhiên sau đó, điều nầy sẽ sớm đưa họ đi đến Con Đường Giải Thoát, dẫn họ thoát ra khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc sống.
4) CUỘC SỐNG CỦA NHÀ SƯ LÀ THÍ DỤ HAY NHẤT:
Đối với thế hệ hiện đại, tất cả mọi điều nói trên chẳng có ý nghĩa gì cả, nếu chúng ta không có những người lãnh đạo có phẩm-chất cao-quý để cung cấp nguồn cảm hứng. Sự phát triển của Phật Giáo chủ yếu dựa vào các thí-dụ sống-động của các nhà sư như đạo đức, từ bi, khôn ngoan, và hòa bình. những người của thế kỷ thứ 21 là những người hoài nghi. Họ sẽ không đặt để niềm tin của họ vào một tôn giáo nào, cho đến khi họ nhìn thấy một số bằng chứng là tôn giáo nầy sẽ mang lợi-ích đến cho họ. Đạo Phật có thể giúp gì cho họ không? Đạo Phật có thật sự dẫn họ đến sự đạo đức, đến sự từ bi, đến sự hạnh phúc, và đến sự tự do không? Họ đang nhìn vào chúng tôi - là các nhà sư - như là những thí-dụ-sống, mà đang được Đạo Phật dẫn dắt, trước khi họ bằng lòng đi theo. Đối với lòng nghi ngờ của thế hệ hiện đại, các nhà sư (chúng tôi) mong đợi truyền cảm hứng cho họ những điều gì, khi mà các nhà sư sống trong sự sang trọng, và giàu có hơn cả người thường, khi mà các nhà sư không giữ gìn giới luật, và có rất ít sự thanh-thản. Phật Pháp chủ yếu là sự truyền bá bằng thí-dụ-sống, đây là một thí dụ mạnh mẽ, hay ho hơn, tất cả mọi bài thuyết giảng.
Một bà người Úc có học thức cao đã viết trong cuốn sách gần đây của bà, là trước khi bà trở thành một người Phật Tử, bà đã quan sát các nhà sư ở Perth trong nhiều ngày tháng. Khi bà nhìn thấy rằng cuộc sống của các nhà sư rất giản dị, họ gìn giữ giới luật, họ làm việc chăm chỉ, và họ sống rất hạnh phúc, bởi vì như thế, bà mới xin quy y, rồi bà bắt đầu gọi mình là người Phật Tử. Thế nên, hành-động mạnh mẽ hơn là lời-nói.
Vì thế, ở Tây Úc chúng tôi đã thiết lập ra các tu viện, để đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn, cho cả hai nhóm tu sĩ nam và nữ, mà tôi gọi là 'nhà máy sản xuất các nhà sư', và 'nhà máy sản xuất các sư cô'. Bằng cách đưa nhiều tài nguyên vào việc đào tạo các vị lãnh đạo Tăng Đoàn có phẩm-chất cao-quý, chúng tôi bảo đảm sẽ cung cấp những thí-dụ-sống có phẩm-chất cao-quý cho các thế hệ kế tiếp.
*
Đây là một trong những chương trình làm việc thành công tại Úc, để làm cho Đạo Phật phát triển nhanh nhất tại đây. Chúng ta không cần phải thay đổi thông điệp của Đức Phật, và chúng ta cũng không cần thay đổi quy luật của tu viện. Chúng ta có thể hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta, đối với vị Thầy Vĩ Đại Và Cao Quý Nhất của chúng ta, là Đức Phật, và truyền bá Phật Pháp tuyệt vời của ngài đến mọi vùng đất trên thế giới hiện đại, bằng cách làm cho ĐẠO PHẬT NGUYÊN CHẤT (PURE). Đấy là Đạo Phật được các nhà sư Thuyết Giảng Bằng Ngôn Ngữ Thông Thường (Presentation), các nhà sư Tạo Ra Sự Thân Thiện Và Sự Thích Thú Học Hỏi cho Phật Tử (User friendly), giúp Phật Tử Áp Dụng Bài Giảng Vào Cuộc Sống (Relevant), và để Phật Tử nhìn vào các Nhà Sư Như Là Các Thí Dụ đầy cảm hứng (Examples).
-- Nguyễn Văn Tiến dịch Việt
(Thư viện Hoa Sen)
Mỗi người, mỗi nơi thay đổi 1 chút và tượng pháp ra đời :)
 
BỐN DỰ LƯU HƯỚNG CHI


Có bốn dự lưu hướng chi:
- Thân cận bậc chân nhân
- Nghe Diệu Pháp
- Như lý tác ý
- Thực hành pháp tùy pháp.

Sotāpattiyaṅga:
Sota – dòng nước, dòng suối;
āpatti - sự bước vào.
Aṅga – chi phần, yếu tố.

Dự lưu hướng chi: Chi phần của dự lưu. Chi phần đưa đến chứng quả dự lưu.

Sotāpatti: chỉ cho đạo quả dự lưu; Āpanna: chỉ cho bậc dự lưu.

(1) SAPPURISASAṂVEVO: THÂN CẬN BẬC CHÂN NHÂN
Bậc chân nhân (sappurisa) là người hiểu chánh pháp qua học và hành. Cho nên người như thế phải là bậc chân chánh, có trí tuệ. Đồng nghĩa với sappurisa là paṇḍita (bậc hiền trí). Thân cận người như thế sẽ tăng trưởng trí tuệ trong chánh pháp, cho nên thân cận bậc chân nhân là chi phần thứ nhất của dự lưu hướng chi.

(2) SADDHAMMASSAVANAṂ: NGHE DIỆU PHÁP

Sa: chân thực, tốt đẹp. Saddhamma: pháp chân thực, chánh pháp. Savana: sự nghe. Diệu pháp là pháp do Đức Phật chứng ngộ và giảng giải. Thân cận thì phải nghe, nghĩa là phải học hỏi Pháp. Từ những bậc đại trí tuệ như ngài Xá lợi Phất, Mục Kiền Liên đều phải nghe mới trở thành bậc Thánh. Nghe diệu Pháp là dự lưu hướng chi thứ hai cần thiết phải có.

(3) YONISOMANASIKĀRO: NHƯ LÝ TÁC Ý
từ nguyên Pāli, yoni là nguồn gốc. Yoniso là xuất xứ cách, nghĩa là từ nguồn gốc. Manasikāra là chú ý, hướng tâm. Chú ý từ nguồn gốc, chú ý đến cội nguồn của các sự vật. Khi chú ý đến sự vật gì đến tận nơi phát sanh ra nó , thấy rõ nhân duyên của nó thì đây là như lý tác ý. Cho nên như lý tác ý thấu suốt là chú ý đến lý duyên khởi. Khi chú ý đến sự vật gì chỉ thấy qua vẻ ngoài, thấy rất hời hợt, nông cạn, đây là phi như lý tác ý. Chú giải nêu ra vô thường cho là vô thường, khổ cho là khổ , vô ngã cho là vô ngã, bất tịnh cho là bất tịnh. Đây là như lý tác ý. Trái lại nếu nhận thấy một cách điên đảo (lộn ngược), vô thường cho là thường, khổ cho là lạc, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh, đây là phi như lý tác ý. Giải thích của chú giải xác định có một loại chú ý đi sâu vào bản chất sự vật và một loại đi vòng vèo bên ngoài sự vật. Như lý tác ý là dự lưu hướng chi thứ ba không thể thiếu được đối với người đi trên chánh đạo.

(4) DHAMMĀNUDHAMMAPPAṬIPATTI: THỰC HÀNH PHÁP TÙY PHÁP.
Dhamma + anudhamma (tùy pháp) + paṭipatti (thực hành).Tùy pháp là những pháp quán (vipassanādhamma). Thực hành pháp tùy pháp:Thực hành theo những đề tài thiền quán như tam tướng, ngũ uẩn, duyên khởi. Sau khi có ba chi phần dự lưu hướng cần thiết, dự lưu hướng chi thứ tư là điều kiện quyết định đưa đến chứng ngộ quả dự lưu.

Hai chi phần cuối - Như lý tác ý và thực hành pháp tùy pháp có sự liên kết chi ly, đôi khi dễ nhầm lẫn như là một. Như lý tác ý là chú ý sâu vào vào sự vật để thấy rõ cội nguồn của nó. Nhưng phần nhiều do tâm không tu tập nên phi như lý tác ý xảy ra thường xuyên. Tâm có khả năng phản chiếu như cái gương, khi nhìn thấy các hành động của mình phản chiếu trong cái gương tâm và nhận lầm các pháp đó là có thực sẽ tạo ra phi như lý tác ý. Ngụ ngôn con chó đi qua cây cầu ván nhìn xuống nước thấy bóng mình, tưởng là có con chó khác nên nổi giận sủa vang lên. Đây là ví dụ về phi như lý tác ý khi soi chiếu sai vào sự vật trong cái gương tâm.

Tâm tham khởi lên do duyên tịnh tướng (các sắc, thinh, hương, vị, xúc khả ái). Những tịnh tướng này sẽ hiện trong cái gương tâm, tạo nên những ý tưởng về các pháp khả ái, chấp vào những ý tưởng chế định như thế, ngã kiến sinh lên, đây là phi như lý tác ý và tâm tham sẽ tiếp tực tăng trưởng. Nếu nhìn vào những ý tưởng về sự vật khả ái, biết rõ đó là những ý tưởng chế định, chỉ do tâm trí tạo ra, chớ không có thực, đây là như lý tác ý và tâm tham sẽ không còn duyên trợ giúp nó sinh khởi. Tâm sân khởi lên do duyên chướng ngại tướng (các sắc, thinh, hương, vị, xúc không khả ái). Chướng ngại tướng này sẽ hiện trong cái gương tâm, tạo nên những ý tưởng về các pháp không khả ái. Chấp vào những ý tưởng chế định như thế, ngã kiến sinh lên, đây là phi như lý tác ý và tâm sân sẽ tiếp tực tăng trưởng. Nếu nhìn vào những ý tưởng về sự vật không khả ái, biết rõ đó là những ý tưởng chế định, chỉ do tâm trí tạo ra, chớ không có thực, đây là như lý tác ý và tâm sân sẽ không còn duyên trợ giúp nó sinh khởi. Loại bỏ được những ý tưởng sai lạc cần khả năng chú ý, quan sát cho đúng. Điều này cần sự tinh tấn rèn luyện, tu tập về cách chú ý để mỗi khi gương tâm phản chiếu đều soi thấy rõ ngọn nguồn, không để tâm si mê, lầm lạc tạo ra phi như lý tác ý.

Có ba loại trí tuệ: Sutamayapaññā (trí văn); ciñtāmayapaññā (trí tư); bhāvanāmayapaññā (trí tu).

- Trí văn là trí có được do nghe người khác.

-Trí tư là trí có được do trí suy xét không phải do nghe người khác. Trí tư này đôi khi có sẵn như thiên tư của một người nào đó, hoặc có nhiều trường hợp do học Pháp và tự mình suy tư hiểu ra những điều sâu sắc. Trí văn và trí tư dù cần thiết vẫn không đủ khả năng trừ thân kiến.

-Trí tu có được do nhờ tu thiền quán và thấy biết như thực do tự bản thân chứng nghiệm. Chỉ có trí tu mới trừ được thân kiến và dự phần vào đạo quả siêu thế.Trí văn nếu hiểu đúng sẽ có như lý tác ý trong trường hợp khi nghe Pháp áp dụng lý duyên khởi, do duyên tai và tiếng khởi lên nhĩ thức, do ba thứ hợp lại là nhĩ xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái ... Các pháp này do duyên khởi lên nên ái, mạn, kiến đối với cái trí văn không hiện hữu. Trí tư cũng sẽ có như lý tác ý khi suy tư áp dụng vào lý duyên khởi. Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức, do ba thứ hợp lại gọi là ý xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái … Các pháp này do duyên khởi lên nên ái, mạn, kiến đối với cái trí tư không hiện hữu.

Như vậy trước khi thực hành thiền quán phải có như lý tác ý, sau đó việc thiền quán mới có kết quả. Điều này hệ trọng vô cùng, vì một tâm trí điên đảo mà thiền quán thì sẽ tạo ra tình huống lấy cái nhìn sai để hiểu chân lý giải thoát. Thực hành pháp tùy pháp là đi vào thiền quán để thấy biết các pháp như thực (yathābhūtañāṇadassana ), tức là thấy năm uẩn có bản chất vô thường, khổ, vô ngã đưa đến chứng ngộ chân lý siêu thế.

Một người chưa chứng quả dự lưu dù có trí văn và trí tư tuyệt vời vẫn còn có lòng tin xao động trong Tam Bảo, còn bậc dự lưu vì đã tự mình chứng ngộ thánh đế, không phải do tin người khác nên lòng tin Tam Bảo là tuyệt đối và không bao giờ bị đọa vào bốn ác đạo nữa, vị ấy chắc chắn sẽ chứng chánh giác. Bốn dự lưu hướng chi còn gọi là bốn pháp tăng trưởng trí tuệ (paññāvuḍḍhi). Do đó muốn có trí tuệ trong Phật Pháp dù là trí tuệ hợp thế hoặc siêu thế phải nghiêm trì bốn chi phần này.

Hơn thống lĩnh cõi đất,
Hơn được sinh cõi trời,
Hơn chủ trì vũ trụ,
Quả dự lưu tối thắng. (Dhp 178)

– Tỳ-khưu GIÁC LỘC
07/04/2020
 
Nhiều người chán nản mệt mỏi và biếng nhác trong việc hành thiền.

Dường như họ chẳng muốn giữ Phật Pháp trong tâm. Thế nhưng, có ai chửi mắng họ, họ sẽ nhớ mãi suốt đời.

Khi giáo pháp dạy họ phải điều hòa, phải thu thúc và phải nhiệt tâm thực hành, họ quên mất tiêu.

Tại sao không giữ giáo pháp trong tâm? Giữ chi những lời mắng chửi đó?

⏺ Người ta đến đây để tu hành, nhưng khi ở đây, họ không cảm thấy an lạc. Rồi họ muốn cởi bỏ áo tu và chạy trốn. Nhưng họ đi đâu để tìm được sự an lạc?

Bạn không thể tìm thấy sự an lạc trên đỉnh núi hay trong hang động. Bạn có thể đi đến nơi Đức Phật thành Đạo, nhưng chẳng đến gần chân lý hơn chút nào.

Chúng ta phải nhận biết những nguyên nhân dẫn đến khổ đau – đây chính là Pháp, là Tứ Diệu Đế, chứ không phải là một pháp môn thiền đặc biệt nào.

⏺ Chúng ta phải quan sát những gì đang xảy ra. Nếu chúng ta quan sát sự việc, chúng ta sẽ nhận biết bản chất vô thường và tính không của chúng, và khai ngộ đôi chút.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy sự chán nản và nghi ngờ luôn quay trở lại, vì chúng ta chưa thật sự nhận biết thực tại, chúng ta chưa nhận thức nó rõ ràng.

Đây không phải là một dấu hiệu xấu. Nó là một phần của những gì mà chúng ta phải đối phó – nó là tâm và trí của chúng ta.

⏺ Người hiểu biết ý thức rõ ràng rằng: mọi pháp trên thế gian không có bản chất. Bởi vậy, Người hiểu biết không vui hay buồn, vì họ không bị cuốn trôi theo các pháp thế gian, luôn luôn biến đổi này.

Trở nên vui là sinh. Trở nên buồn là tử. Chết rồi lại được sinh ra, và sinh ra lại chết nữa. Sống và chết trong từng phút giây là sự luân lưu bất tận của vòng sinh tử.

⏺ Khi tâm an tịnh, tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành.

Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này. Bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ chuyển động này, bạn sẽ săn đuổi đàng sau tư tưởng hình thành mãi, và trở thành nạn nhân của nó.

Cố Đại Lão Thiền sư Ajanh Chah

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
 
Không phải một người đời này bất hạnh là họ không có phước, không phải là suốt nhiều đời họ không làm công đức. Suốt nhiều đời họ đã làm nhiều công đức nhưng nhằm ngay kiếp này họ đang nhận quả xấu. Ngược lại, không phải những người đời này đang vô cùng sung sướng là họ không làm ác nghiệp trong quá khứ, mà chỉ là nhằm ngay lúc này họ đang hưởng quả thôi. Người sung sướng đời này có thể là đang vào mùa thu hoạch sầu riêng, măng cụt. Người chịu khổ đời này có thể là nhằm lúc vườn trái của họ đang sái mùa. Vì vậy, dù họ siêng dữ lắm, tu hành dữ lắm, làm cỏ bón phân, cắt tỉa, mà cứ ra lá, còn anh kia xì ke ma túy chích choác nhưng nhằm ngay mùa sầu riêng, măng cụt nên ra vườn là đem vô ăn, đem vô bán. Phải biết cái này để đừng coi thường ai hết. Bồ tát có lúc còn đọa địa ngục, đọa địa ngục còn khổ gấp triệu lần sống kiếp nghèo trên cõi Người.
Mỗi người chỉ là một chiếc lá trong dòng chảy của cuộc sinh tử, lúc thì chúng ta ghé vào bờ này, khi thì chúng ta ghé sang bến kia. Nhằm ngay cái lúc được hưởng phước thì sướng như tiên, nhằm lúc chịu khổ thì khổ như điên.

Ngay trong từng phút chúng ta đang gieo nhân mới và đang hái quả cũ. Quả cũ là đang nhìn cái mình thích, đang nhìn cái mình ghét, đang nghe cái mình thích, đang nghe cái mình ghét, đang ngửi cái mình thích, đang ngửi cái mình ghét v.v... Suốt hăm bốn giờ đồng hồ, có lúc nào ngũ song thức - năm căn vật chất của quí vị không làm việc không? Chỉ trừ lúc ngủ!
Đức Phật dạy rằng: con chim có dịp là bay về trời, con cá có dịp thì nhảy xuống nước, chồn cáo thích về hang như thế nào thì con mắt cũng luôn chờ dịp để nhìn, lỗ tai luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng lắng nghe, lỗ mũi của mình luôn luôn trong tình trạng available, lưỡi của mình cũng luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng làm việc. Như vậy là rõ ràng trong từng phút chúng ta đang sống trong quả.

Còn nhân thì sao? Mỗi lần con mắt của mình, lỗ tai của mình nó biết cái gì mình thích thì mình sống bằng tâm tham; nó biết cái gì mình ghét thì mình sống bằng tâm sân. Mà tham và sân là nhân sinh tử dẫn về cõi đọa. Còn những khi nghe hoặc thấy chiếc lá vàng rơi, mình tu thiền quán; nghe tiếng suối chảy, mình tu thiền quán; nghe thân này đau đớn, mình tu thiền quán, thì lúc đó mình sống bằng tâm thiện. Khổ nỗi tâm thiện này cũng là nhân sinh tử, có điều là nó đưa mình về cõi sướng. Chỉ vậy thôi.
Mỗi cái mùi, mỗi âm thanh mình nghe được hoàn toàn có thể là một lối về, một sự dẫn dắt, một sự khơi gợi về một cảnh giới nào đó. Nói như vậy có nghĩa là trong từng phút những gì mình nghe mình thấy mình ngửi mình nếm, đụng và suy tư rất có thể đó là cơ hội để mình sống thiện và sống bất thiện. Dầu cho mình sống bằng tâm thiện hay tâm bất thiện đều là sự sanh tử hết.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi bài bác cái thiện. Hễ mình còn trong dòng sanh tử, cái thiện này là cái phải có:
- Để mình bớt khổ, thay vì sanh làm con nhà nghèo thì mình sanh làm con nhà giàu đỡ khổ hơn.
- Nhờ có thiện pháp mình mới có trí tuệ, có điều kiện để học đạo, tu hành, đắc chứng, giải thoát, chứ nói rốt ráo thiện ác gì cũng sanh tử rồi không trau dồi cái thiện là sai.

Trong khu rừng có những con đường đưa mình tới chỗ chết nhưng cũng có những con đường đưa mình ra ngoài bìa rừng. Nói cho sang vậy chứ con đường đưa mình vô rừng sâu hay ra bên ngoài rừng chỉ là một, vấn đề là hướng đi của mình. Hai con đường này chỉ là một thôi, tùy mặt mình xoay hướng nào. Hễ chưa ra khỏi rừng thì mình còn có mặt trong rừng và đôi chân của mình vẫn tiếp tục đặt trên con đường rừng. Thiện pháp cũng vậy đó, thiện pháp của người cầu đạo giải thoát cũng y hệt như thiện pháp của người đam mê sanh tử, chỉ khác một điểm là cái nhìn.

Sư giác Nguyên giảng
Chép lại bài giảng của Sư
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa. Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammasambuddhassa.
 
HIỂU VỀ LỄ CẦU SIÊU

Trong Phật Giáo Nguyên Thủy không có nghi lễ cầu siêu, còn nghi lễ cầu siêu độ ngày nay được tổ chức tại các chùa Bắc Tông là một hình thức văn hoá Trung Hoa. Và với lời dạy của Đức Phật được trích dẫn dưới đây, việc cầu cúng, van vái không có tác dụng gì đối với người đã chết, mà chỉ tốn công mất của mà thôi, nếu có chăng chỉ là an tâm nhất thời cho người sống. Theo giáo lý đạo Phật, không ai có thể siêu độ cho ai, không ai có thể giải thoát cho ai, ngoại trừ chính cá nhân người đó.

Phật dạy:
" Một người không sát sanh, không lấy của không cho, không sống tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm, không tham lam, không sân hận, không theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay cầu rằng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục! thời lời cầu xin ấy không được thành tựu, người ấy vẫn đựơc sanh vào cõi thiện thú, cõi trời, cõi người.

Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước sâu rồi đập bể ghè dầu ấy, thời dầu ấy sẽ nỗi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một số đông quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khẩn, chấp tay, cầu rằng số dầu ấy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nỗi trên mặt nước. Như vậy có cầu khẩn, cầu xin cũng không ích lợi gì.”


Thật ra, Phật Giáo Bắc Tông, truyền từ Ấn Độ qua các nước phương Bắc như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam trong khoảng 500 năm đầu cũng không có nghi lễ cầu siêu cho người chết. Nghi lễ cầu siêu này thực sự chỉ bắt đầu từ đời vua Lương Vũ Đế (464-549) qua lễ Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp và Lễ Thủy Lục Không pháp hội siêu độ. Đến đời vua Đường Minh Hoàng (685-762) Lễ Thủy Lục Không trở nên rất phổ biến và trở thành nghi lễ chính thức để cứu độ những người chết trong chiến tranh và lễ này được truyền qua Việt Nam sau đó.

Tuy nhiên, theo truyền thống của người Việt Nam, việc cúng giỗ là điều rất tốt, là ngày tưởng niệm, ngày nhớ tưởng đến người đã khuất, nhắc nhở con cháu nhớ ơn các bậc sinh thành. Chúng ta có thể tổ chức cúng giỗ tại nhà, hoặc tại chùa mà không cần thiết lễ cầu siêu dâng sớ và đốt vàng mã theo văn hóa Trung Hoa (vì tin chắc là ông bà hoặc đã lên các cõi Tịnh hay đã tái sanh ngay từ lúc nhắm mắt lìa đời).

Những dịp giỗ, bốc mộ, ngày sinh người thân đã mất…vv cũng là dịp rất tốt để thân nhân người quá cố làm phước thiện rồi hồi hướng cho vong linh quá vãng:

Phước lành đã hồi hướng
Có diệu năng cứu khổ
Như trăm sông tuôn chảy
Ðều hướng về đại dương
Nguyện công đức đã tạo
Thấu đến chư hương linh

Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho con cháu, họ hàng tạo phước qua việc cung kính, phục vụ, cúng dường Tam Bảo( Phước cúng dường), khi được tiếp cận với các vị Sư họ được dạy giữ giới, làm thiện và nhân đó, họ có thể tìm hiểu để học hỏi thêm về Phật pháp. Đây chính là những việc làm CÓ GIÁ TRỊ, tạo phước lành hồi hướng cho thân nhân. Thân nhân nếu khi mất đã sinh vào cảnh ngạ quỷ, có thể nhận được phước hồi hướng này và nếu họ biết rằng người thân đang làm thiện mà hồi hướng cho mình nên phát tâm hoan hỷ, khi đó họ nhận được phước hồi hướng
 
THIỀN NIỆM THIÊN

(Sư Thanh Minh)

Thiền niệm Thiên là tưởng niệm đến những đức tính đặc biệt của chư Thiên là:
1. Đức tin;
2. Giữ giới;
3. Nghe nhiều;
4. Bố thí;
5. Trí tuệ.
Và những đức tính đặc biệt ấy cũng có nơi mình, lấy chư Thiên ở các cõi trời làm chứng.

Hỏi: Thế nào là chư Thiên?
Đáp: Chư Thiên (Deva) là các vị Thiên ở cõi trời Dục Giới. Phạm Thiên (Brahma) là các vị Thiên sống ở cõi trời Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Có 6 cõi trời Dục Giới là:
• Tứ Đại Thiên Vương;
• Đao Lợi Thiên;
• Dạ Ma Thiên;
• Đâu Suất Thiên;
• Hóa Lạc Thiên;
• Tha Hóa Tự Tại Thiên.

Hỏi: Thế nào là Tứ Đại Thiên Vương?
Đáp: Tứ Đại Thiên Vương là chư Thiên sống ở cõi trời Dục Giới thứ nhất, cũng là tầng trời thấp nhất. Có 4 vị vua trời cai quản ở bốn phương:
• Trì Quốc Thiên Vương (Dhatarattha): ở phương Đông, cai quản Càn Thát Bà.
• Tăng Trưởng Thiên Vương (Viruḷhaka): ở phương Nam, cai quản Cưu Bàn Trà.
• Quảng Mục Thiên Vương (Virūpakkha): ở phương Tây, cai quản Rồng Nāga.
• Đa Văn Thiên Vương (Vessavana): ở phương Bắc, cai quản Dạ Xoa.
Bốn vị Thiên Vương này cũng hộ trì cõi nhân gian. Chư Thiên Tứ Thiên Vương sống cả trên hư không, trên cây cối, trên mặt đất.
• Có vị có thân hình đẹp; có vị có thân hình xấu xí.
• Có vị chư Thiên có tâm thiện; cũng có vị chư Thiên có tâm hung dữ, bất thiện.
• Có chư Thiên có cung điện; có chư Thiên không có cung điện.
• Có chư Thiên có chánh kiến, tin tưởng và thực hành Phật Pháp; có chư Thiên mê tín, tà kiến.
Tuổi thọ cao nhất của chư Thiên Tứ Thiên Vương là 500 năm cõi trời = 9 triệu năm cõi nhân loại.

Hỏi: Thế nào là Càn Thát Bà Gandhabba?
Đáp: Càn Thát Bà thường sống ở trên cây cối hay còn gọi là thần cây. Có Càn Thát Bà sống trà trộn với người, nhập vào người như lên đồng, xem bói,…

Hỏi: Thế nào là Cưu Bàn Trà Kumbhaṇḍa?
Đáp: Kumdhanda – Cưu Bàn Trà là các loại quỷ thần bảo vệ núi rừng, sông, biển,… hoặc cai quản địa ngục, chúa ngục,…

Hỏi: Thế nào là Nāga – Rồng?
Đáp: Rồng Naga sống ở dưới nước, thân hình như rắn, có đời sống như thần tiên, có thần lực biến hóa, tính khí nóng nảy.

Hỏi: Thế nào là Yakkha – Dạ Xoa?
Đáp: Yakkha hay Dạ Xoa có 2 loại:
• Chư Thiên Dạ Xoa có thân hình đẹp, có hào quang, có thần lực;
• Bàng sinh Dạ Xoa có thân hình xấu, như quỷ sứ đầu trâu, mặt ngựa.

4 hàng chư Thiên:
• Càn Thát Bà;
• Cưu Bàn Trà;
• Rồng Naga;
• Dạ Xoa;
đều dưới quyền cai quản của 4 vị đại vương nên gọi là chư Thiên cõi trời Tứ Thiên Vương.

Hỏi: Thế nào là Đao Lợi Thiên?
Đáp: Đao Lợi Thiên là cõi trời Dục Giới thứ 2. Các vị chư Thiên đều sống ở trên hư không trong những cung điện bằng vàng, ngọc, châu báu. Vị vua cõi này là Thiên chủ Sakka hay vua trời Đế Thích, hay cũng được gọi là Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Tuổi thọ cao nhất của Thiên chúng cõi này là 1000 năm cõi trời = 36 triệu năm cõi nhân loại.

Hỏi: Thế nào là cõi Dạ Ma Thiên?
Đáp: Dạ Ma Thiên là tầng trời Dục Giới thứ 3. Thiên chúng ở đây hưởng phước lạc không biết gì đến sự khổ hay còn gọi là xả ly khổ: Yama hay Dạ Ma.
Tuổi thọ cao nhất của cõi này là 2000 Thiên tuổi = 147 triệu năm cõi nhân loại.

Hỏi: Thế nào là cõi Đâu Suất Thiên?
Đáp: Là cõi trời Dục Giới thứ 4. Thiên chúng ở cõi này chỉ tràn ngập sự hoan hỷ nên gọi là Tusita - Đâu Suất. Các vị Bồ Tát trước khi thành Phật đều từ cõi này sinh xuống nhân gian.
Tuổi thọ cõi này là 4000 Thiên tuổi = 576 triệu năm cõi nhân loại.

Hỏi: Thế nào là cõi Hóa Lạc Thiên?
Đáp: Là cõi trời Dục Giới thứ 5. Thiên chúng cõi này tự hóa ra những thứ mình ưa thích rồi hưởng thụ cho nên gọi là Hóa Lạc Thiên.
Tuổi thọ cõi này là 8000 Thiên tuổi = 2 tỉ 304 triệu năm cõi nhân loại.

Hỏi: Thế nào là Tha Hóa Tự Tại Thiên?
Đáp: Là cõi trời Dục Giới thứ 6. Thiên chúng cõi này thường hưởng thụ những niềm vui do các vị chư Thiên phụ tá biến hóa ra nên gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.
Tuổi thọ của Thiên giới này là 16.000 Thiên tuổi = 9 tỉ 016 triệu năm nhân loại.

Hỏi: Thế nào là Phạm Thiên Brahma?
Đáp: Phạm Thiên là các vị Thiên sống ở 16 cõi trời Sắc Giới và 4 cõi trời Vô Sắc Giới. Ở những cõi này không cần phải làm ăn gì cả. Mà sự nuôi sống thọ mạng bằng năng lực của chính các tầng thiền định, an trú trong định không có não phiền và tuổi thọ thì được tính bằng các đại kiếp trái đất.

Hỏi: Tại sao lại gọi là chư Thiên Dục Giới, chư Thiên Sắc Giới, chư Thiên Vô Sắc Giới?
Đáp:
• Chư Thiên Dục Giới: Là chư Thiên sinh ra ở cõi Dục, tâm ý ưa thích hưởng thụ 5 dục trưởng dưỡng.
• Chư Thiên Sắc Giới: Là chư Thiên sinh ra ở cõi Sắc, không ưa thích 5 dục, nhưng lại ưa thích trạng thái an lạc của tầng thiền sắc giới.
• Chư Thiên Vô Sắc: Là chư Thiên không ưa thích dục, không ưa thích sắc, nhưng lại ưa thích an trú trong trạng thái tâm thiền vô sắc (chỉ có tâm mà không có thân).

Hỏi: Nguyên nhân gì khiến cho những chúng sinh được sinh về các cõi chư Thiên?
Đáp: Nhờ có những thiện nghiệp như:
• Đức tin: Tin tưởng và cung kính những bậc có đức hạnh cao thượng;
• Giữ giới: Bỏ việc ác, làm việc thiện;
• Đa văn: Nghe giảng giáo pháp, mở rộng chánh kiến;
• Bố Thí: San sẻ, ban cho, mở rộng lòng từ;
• Trí Tuệ: Phát triển tuệ quán, giác ngộ sự thật,…
Đó là những nhân lành khiến cho những chúng sinh được sinh về các cõi trời hưởng phước báu an vui, sung sướng.

Hỏi: Trước khi hành thiền niệm Thiên thì cần phải chuẩn bị những gì?
Đáp:
• Cần phải phát triển đức tin: Tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin có nghiệp và có quả của nghiệp;
• Cần phải giữ giới thanh tịnh;
• Cần phải siêng năng học hỏi, nghe giảng giải giáo pháp;
• Cần phải bố thí;
• Cần phát triển trí tuệ: Văn tuệ - tư tuệ - tu tuệ.
Khi nào có đủ 5 đức tính của chư Thiên ở nơi mình rồi thì có thể thực hành thiền niệm Thiên.

Hỏi: Thế nào là thực hành thiền niệm Thiên?
Đáp: Hành thiền niệm Thiên là tập trung tâm tưởng niệm đến những đức tính đặc biệt của chư Thiên như sau:
• Chư Thiên cõi Tứ Thiên Vương;
• Chư Thiên cõi Đao Lợi Thiên;
• Chư Thiên cõi Dạ Ma Thiên;
• Chư Thiên cõi Đâu Suất Thiên;
• Chư Thiên cõi Hóa Lạc Thiên;
• Chư Thiên cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên;
• Chư Thiên cõi Phạm Thiên;
• Chư Thiên cao hơn thế nữa,…
• Chư Thiên ấy có đức tin cho nên khi mạng chung ở chỗ này được sinh chỗ kia, và đức tin ấy cũng có nơi ta.
• Chư Thiên ấy có giới hạnh nên khi mạng chung ở chỗ này được sinh chỗ kia, và giới hạnh ấy cũng có nơi ta.
• Chư Thiên ấy có đa văn nên khi mạng chung ở chỗ này được sinh chỗ kia, và đa văn ấy cũng có nơi ta.
• Chư Thiên ấy có bố thí nên khi mạng chung chỗ này được sinh chỗ kia, và bố thí ấy cũng có nơi ta.
• Chư Thiên ấy có trí tuệ nên khi mạng chung chỗ này được sinh chỗ kia, và trí tuệ ấy cũng có nơi ta.
Mỗi lần niệm một đức tính trong 5 đức tính ấy của chư Thiên cho đến khi chứng đắc định cận hành. Đó là mức định cao nhất của pháp thiền niệm Thiên.

Hỏi: Thế nào là “Chư Thiên có đức tin nên chết chỗ này sinh chỗ kia; đức tin ấy cũng có nơi ta”?
Đáp: Do có đức tin vào các bậc có giới đức cao thượng như:
• Đức Phật;
• Đức Pháp;
• Đức Tăng;
• Tin có nghiệp và có quả của nghiệp;
Nên có tâm cung kính, cúng dàng, sống có giới hạnh.
Nhờ những phước thiện ấy nên khi mạng chung được sinh làm chư Thiên trên cõi trời. Và ta là người cũng có những đức tin như vậy.

Hỏi: Thế nào là “Chư Thiên ấy có giới hạnh nên khi mạng chung ở chỗ này được sinh chỗ kia. Và giới hạnh ấy cũng có nơi ta”?
Đáp: Giới hạnh là giữ gìn không làm các việc ác, siêng năng làm việc thiện. Nhờ vậy mà khi mạng chung được sinh làm chư Thiên trên cõi trời. Và ta là người cũng có những giới hạnh như vậy.

Hỏi: Thế nào là “Chư Thiên ấy có đa văn nên khi mạng chung ở chỗ này được sinh chỗ kia. Đa văn ấy cũng có nơi ta?”
Đáp: Đa văn là được nghe giảng về chánh pháp nên có chánh kiến, biết phân biệt thiện – ác; chánh – tà. Nhờ thế mà sống đúng với chánh đạo, không sống theo tà đạo, nên khi mạng chung được sinh làm chư Thiên trên cõi trời.
Và ta là người cũng thường xuyên được nghe giảng về chánh pháp. Ta cũng có chánh kiến, biết phân biệt thiện – ác, chánh – tà.

Hỏi: Thế nào là “Chư Thiên ấy có bố thí nên khi mạng chung chỗ này được sinh chỗ kia. Bố thí ấy cũng có nơi ta”?
Đáp: Nhờ phước thiện bố thí ở kiếp trước nên khi mạng chung được sinh lên làm chư Thiên ở trên cõi trời. Và ta là người cũng thường hay làm những việc bố thí như vậy.

Hỏi:
Thế nào là “Chư Thiên ấy có trí tuệ nên khi mạng chung chỗ này được sinh chỗ kia. Trí tuệ ấy cũng có nơi ta”?
Đáp: Trí tuệ gồm cả:
■ Văn tuệ: Nghe pháp;
■ Tư tuệ: Tư duy về pháp;
■ Tu tuệ: Thực hành thiền tuệ:
• Tuệ tri được danh sắc;
• Tuệ quán sát nhân duyên sinh ra danh sắc;
• Tuệ quán sự vô thường – khổ - vô ngã trên danh sắc
Do thực hành thiền tuệ mà phát triển được các tuệ quán cao thượng này. Nếu chưa đoạn tận phiền não thì khi mạng chung cũng được sinh về Thiên giới. Và những trí tuệ như vậy cũng có ở nơi ta.

Hỏi: Nếu chỉ có 1 trong 5 đức tính của chư Thiên thì khi mệnh chung có được sinh làm chư Thiên không?
Đáp: Có được. Nếu đức hạnh và thiện nghiệp nhiều thì sinh làm chư Thiên ở cõi trời cao. Nếu đức hạnh và thiện nghiệp ít thì sinh làm chư Thiên ở cõi thấp.

Hỏi: Làm thế nào để tăng trưởng đức tin?
Đáp:
• Thực hành thiền niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng;
• Thường thân cận các bậc chân nhân;
• Đặt câu hỏi;
• Lắng nghe diệu pháp với tâm hoan hỷ, cung kính;
• Như lý tác ý về các sự thật.
thì niềm tin sẽ tăng trưởng.

Hỏi:
Làm thế nào để tăng trưởng giữ giới?
Đáp:
■ Khởi lên tâm tàm quý:
• Tàm: Cảm thấy xấu hổ những điều tội lỗi;
• Quý: Cảm thấy ghê sợ những điều tội lỗi.
■ Thực hành thiền niệm giới:
Thì sẽ cố gắng giữ gìn giới cho được thanh tịnh.

Hỏi: Làm thế nào để tăng trưởng bố thí?
Đáp:
• Thực hành thiền niệm thí;
• Tác ý đến nghiệp và quả của nghiệp;
là những nhân khiến tăng trưởng sự bố thí.

Hỏi:
Làm thế nào để tăng trưởng đa văn (nghe nhiều – học rộng)?
Đáp:
• Thực hành thiền niệm Pháp;
• Thân cận các bậc đa văn;
• Nghe pháp đúng thời;
là những nhân tăng trưởng sự đa văn.

Hỏi: Làm thế nào để tăng trưởng trí tuệ?
Đáp:
• Thân cận người trí;
• Lắng nghe diệu pháp;
• Vấn đáp nghĩa lý sâu xa;
• Thực hành thiền tuệ.
Đó là những nhân tăng trưởng trí tuệ.

Hỏi: Mục đích thực hành tưởng niệm những đức tính của chư Thiên cũng có ở nơi ta như vậy là để làm gì?
Đáp:
• Để cho tâm được thanh tịnh;
• Phát triển được định cận hành;
• Có cảm hứng từ chư Thiên.

Hỏi: Hành thiền niệm Thiên thì được lợi ích gì?
Đáp:
• Tăng trưởng niềm tin vào nghiệp và quả của nghiệp;
• Được chư Thiên thương tưởng hộ trì;
• Tâm trạng cảm nhận được sự hạnh phúc và an lạc;
• Đến khi mạng chung nếu chưa diệt hết phiền não thì dễ dàng sinh vào một cõi Thiên giới.

Trích trong : “PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH"
SƯ THANH MINH

@Thiên Chúng
 
HÀNH GIẢ NÊN QUÁN VÔ THƯỜNG KHI XẢY RA NGUY HIỂM.
Ngài PA-UAK

Câu hỏi : Nếu một ngày nào đó chúng ta bị chết trong một tai nạn, chẳng hạn như rớt máy bay, liệu lúc đó tâm chúng ta có thể “rời khỏi thân” để chúng ta không có sự đau đớn nào về thể xác không? Làm thế nào? Do năng lực hành thiền liệu người ta có thể không cảm thấy sợ hãi vào lúc đó và được giải thoát không? Mức độ định nào được đòi hỏi phải có?

Trả lời : Mức độ định cần phải có là định thuộc Biến Hóa Thần Thông (iddhividha abhiññā). Với năng lực ấy, hành giả có thể thoát khỏi hiểm nguy. Nhưng nếu hành giả có một bất thiện nghiệp đã chín mùi để sẵn sàng cho quả rồi thì không được.
Hãy nhớ đến trường hợp của Tôn giả Mục Kiền Liên. Ngài rất thành thạo trong việc sử dụng thần thông. Thế nhưng, đúng cái ngày mà bất thiện nghiệp của Ngài đã chín mùi, Ngài không thể nhập thiền được nữa. Đây không phải do phiền não hay triền cái ngăn ngại mà chỉ là do nghiệp bất thiện của Ngài đến lúc cho quả. Đó là lý do vì sao mà bọn thảo khấu có thể nghiền nát xương Ngài. Nghĩ rằng Ngài đã chết, bọn cướp bỏ đi. Và chỉ lúc đó, Ngài mới có thể nhập thiền trở lại, đồng thời phục hồi các thần thông của mình. Ngài quyết định (adhiṭṭhāna) rằng, thân này hãy nguyên vẹn trở lại, rồi đến thỉnh cầu đức Phật cho phép Ngài được nhập Niết-bàn. Sau đó, Ngài trở về ngôi chùa Kalasīla của Ngài và nhập Niết-bàn ở đó. Chúng ta thấy, trước tiên, nghiệp bất thiện của Ngài cho quả, rồi nó hết hiệu lực. Chỉ khi đó Ngài mới có thể phục hồi các thần thông của mình.

Như vậy, nếu hành giả không có nghiệp bất thiện sắp chín mùi, đồng thời có các năng lực thần thông thì có thể thoát khỏi tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, với định lực của thiền bình thường và thiền minh sát không đủ để cứu hành giả khỏi sự hiểm nguy như vậy. Thực sự chúng ta có thể nói rằng: vì sao người này lại gặp tai nạn này, chắc chắn phải do nghiệp bất thiện của họ đến lúc cho quả vậy thôi.

Tâm không thể “rời khỏi” thân vì tâm sanh nương vào một trong sáu căn. Sáu căn này là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn. Những căn này nằm trong thân chúng ta. Một tâm không thể khởi lên trong cõi nhân loại này mà không có căn. Đó là lý do vì sao nói tâm không thể rời khỏi thân.

Tuy nhiên, ở đây chúng tôi có thể đưa ra giả thiết là nếu hành giả có thiền, vào lúc tai nạn xảy ra, hành giả cần phải nhanh chóng nhập thiền. Điều đó có nghĩa hành giả cần phải hoàn thiện khả năng làm chủ việc nhập thiền của mình. Nếu ngay lúc nguy hiểm hành giả nhập thiền được thì nghiệp thiện đó có thể cứu hành giả, tuy nhiên chúng ta không thể nói chắc. Còn nếu hành giả đang ở trong thiền vào lúc sát-na tử (xảy ra), hành giả có thể tái sanh vào một trong những cõi Phạm thiên.
Trường hợp hành giả thiện xảo trong minh sát (vipassanā), hành giả phải đang thực hành lúc xảy ra nguy hiểm, tức là phải quán tính chất vô thường, khổ và vô ngã của pháp hành (saṅkhāra dhamma). Nếu hành giả có thể thực hành minh sát một cách triệt để trước khi cái chết xảy ra, hành giả có thể đắc một trong các đạo quả và đạt đến cảnh giới vui sau khi chết. Còn nếu đắc A-la-hán Thánh quả, hành giả sẽ nhập Vô Dư Niết-bàn (parinibbāna).

Tuy nhiên, nếu hành giả không có thần thông, chẳng có thiền, cũng không thể hành minh sát, hành giả vẫn có thể thoát nạn nhờ vào thiện nghiệp nâng đỡ. Tức là nếu hành giả có đủ thiện nghiệp bảo đảm thọ mạng lâu dài thì đó cũng có thể là một cơ hội để thoát khỏi hiểm nguy, giống như đức Bồ tát Mahàjanaka vậy. Ngài là người duy nhất sống sót trong một vụ đắm tàu. Sau khi bơi trong biển cả bảy ngày, bảy đêm, Ngài đã được một vị chư thiên cứu sống.
 
DANH PHÁP VÀ SẮC PHÁP (Nāmarūpa)
Ngài Mogok dạy rằng: “ Này các Thiện Nam Tín Nữ, các con muốn trở thành bậc Thánh Nhân thì trước tiên các con phải diệt trừ được Tà Kiến ”
1️⃣
BA YẾU TỐ QUAN TRỌNG KHI THỰC HÀNH THIỀN VIPPASSANA
1. Có Trí Tuệ Phân biệt được Danh Pháp và Sắc Pháp.
▶
Biết rõ đây là Danh Pháp, đây là Sắc Pháp, chúng ta sẽ không chấp vào đây là một chúng sanh, đây là tôi, là một thực thể nào đó
▶
ta sẽ loại bỏ được Tà Kiến.
2. Có Trí Tuệ hiểu biết rõ tiến trình Nhân - Quả trong Năm Uẩn( Danh Pháp và Sắc Pháp)
Hiểu rõ được tiến trình nhân - quả, do Nhân này mà có Quả kia.
▶
Khi có sự hiểu biết như vậy ta diệt trừ được Hoài Nghi.
3. Có Trí Tuệ Thấy được bản chất Sanh- Diệt của Danh Pháp và Sắc Pháp.
Khi thấy được bản chất Sanh-Diệt của các Danh Pháp và Sắc Pháp là ta đang đạt được thành tựu trong Pháp
▶
ta chấm dứt được Thân Kiến và Hoài Nghi.
Khi nhận thức sai lầm được loại bỏ, người có Chánh kiến như vậy được gọi là hành thiền vippassana theo kiểu mạnh.
Khi không loại bỏ được Tà Kiến, không loại bỏ được những nhận thức sai lầm, thì được gọi là hành thiền vippassana theo kiểu yếu.
2️⃣
PHÂN BIỆT DANH PHÁP và SẮC PHÁP
Danh Pháp là Tâm( Thọ, Tưởng, Hành, Thức)
Sắc Pháp là Thân ( Sắc)
⏺
SẮC PHÁP được hình thành từ Tứ Đại: Đất, Nước, Lửa, Gió
- Đất: cứng, mềm,
- Nước: sự kết dính, liên kết lẫn nhau
- Lửa: sự nóng, lạnh
- Gió: trạng thái di chuyển, rung lắc
▶
Khi ta nhận biết cứng, mềm đó là Đất trong Tứ Đại có mặt
▶
Tu tập sự kết dính để thấy ra bản chất thật sự của Nước trong Tứ Đại
▶
Tu tập sự vô thường nóng, lạnh của Lửa trong Tứ Đại
▶
Sự di chuyển, rung lắc, chuyển động đó là trạng thái của Gió trong Tứ Đại.
Khi tu tập thiền vippassana ta gặp chất Gió rất nhiều.
(Vd: khi bắt đầu hành thiền, thở ra thở vào là chất Gió trong Tứ Đại.)
⏺
DANH PHÁP chính là chủ ý, tác ý của Tâm
( Vd: khi ta đi tới đi lui, ta di chuyển là do chủ ý của Tâm nên cơ thể ta mới đi theo)
Khi ta bước đi có 3 giai đoạn: dở- bước -đạp( Sắc Pháp). Chân dở lên là do chủ ý của Tâm( Danh Pháp). Nhờ Tâm có chủ ý muốn đi nên ta bước đi. Nhờ có chất Gió mà ta di chuyển được. Chân này bước đi là do chất Gió.
Khi bước đi là có chủ ý của Tâm( Danh Pháp), khi có chủ ý của Tâm thì Thân này mới dở - bước - đạp( Sắc Pháp).
Tâm này không phải là 1 chúng sanh nào cả, không phải tôi hay của tôi, mà chỉ là Tâm thức có chủ ý mà thôi.
Do chủ ý của Danh Pháp, mà có sự bước đi của Sắc Pháp. Toàn bộ sự di chuyển này không phải tôi hay của tôi, mà do sự điều khiển, sai bảo của Danh Pháp
Chúng ta dở chân lên và bước tới, khi có giai đoạn bước thì giai đoạn dở chân đã mất rồi, đã vô thường, đã sanh diệt biến đổi rồi.
Khi 1 cử chỉ của Thân sanh lên, ngay lập tức cử chỉ đó cũng Sanh Diệt.
Sự di chuyển, rung lắc của Thân: co tay, duỗi tay, tứ oai nghi, bước tới, bước lui là do chất Gió trong Tứ Đại. Chất Gió này sanh lên làm cho Thân này di chuyển. Chất Gió này đến từ chủ ý của Tâm. Do có chủ ý của Tâm làm cho Thân di chuyển.
Chúng ta luôn bị sai khiến, điều khiển bởi Ông Chủ( Danh Pháp). Chủ ý ( Danh Pháp) là nhân, hình hài di chuyển ( Sắc Pháp)là quả. Vậy, nhân và quả là sự vận hành của Thập Nhị Nhân Duyên.
▶
Vậy, không có 1 Thượng Đế, Thần Linh, hay một năng lực siêu nhiên nào điều khiển chúng ta, mà do Tâm ( Danh Pháp) có chủ ý.
▶
Khi hiểu được tiến trình nhân và quả của Danh Pháp và Sắc Pháp, chính lúc đó Trí Tuệ được soi sáng, được phát triển.
▶️
Tu tập thiền vippassana là ta tu tập trên đối tượng Danh Pháp và Sắc Pháp, để thấy ra bản chất Sanh Diệt, thay đổi, biến chuyển không ngừng. Từ đó sanh lên Trí Tuệ thấy ra bản chất thực sự của Vô Thường - Khổ - Vô Ngã.
3️⃣
NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH DANH PHÁP và SẮC PHÁP
⏺
Nguyên nhân hình thành Sắc Pháp. Gồm 4 yếu tố:
1. Nghiệp:
Ta có hình hài này do Nghiệp tạo tác trong quá khứ.
Trong 12 Nhân Duyên, do 2 nhân quá khứ là Vô Minh và Hành tạo tác nghiệp thiện và bất thiện nên ta có hình hài hiện tại.
Sắc Pháp là do Hành tạo ra. Hành chính là Nghiệp. Do có Nghiệp đó mà ta có hình hài này.
2. Tâm:
Có hình hài này là do Tâm. Do có Tâm này nên ta di chuyển, cử chỉ, hành động được. Do có Tâm này mà ta sử dụng Thân này được. Tất cả cử chỉ hành động của Thân đến từ chủ ý của Tâm.
3. Thời tiết:
Do thời tiết tạo ra Sắc Pháp này. Khi thời tiết nóng hoặc lạnh, thân thể ta biến đổi theo. Có người thời tiết lạnh bị bệnh, thời tiết nóng bị bệnh. Vậy sự biến đổi của thời tiết mà hình hài này cũng biến đổi theo.
4. Vật thực:
Do vật thực dẫn đến sự biến đổi của Sắc Pháp. Hôm nay ta có hình hài khỏe mạnh này là do vật thực. Vì vật thực mà ta duy trì được hình hài ( Sắc Pháp) này.
( Đức Phật dạy: ta ăn uống để nuôi dưỡng Sắc Pháp này phải điều độ và cân đối, không nên ăn quá no, chỉ nên ăn vừa đủ. Khi ăn cần biết vật thực nào nên kiêng tránh để tốt cho sức khỏe. Nếu ăn đồ ngọt mà dẫn đến bệnh tật thì ta cần kiêng cữ,…Để thân thể này có sức khỏe, ta cần phải có kiến thức, vì khi có sự hiểu biết, ta sẽ biết nên ăn gì và không nên ăn gì)
▶
Hình hài này ta có được không phải do Thượng Đế, 1 đấng tạo hoá, thần linh hay ai đó tạo ra, mà do 4 yếu tố này tạo ra.
▶
Bốn yếu tố này là nhân,
▶
Có được hình hài( Sắc Pháp) này là quả.
Nói về nhân quả là nói về tiến trình của Thập Nhị Nhân Duyên.
➡
Khi ta hiểu rõ nguyên nhân thật sự để có Sắc Pháp này ta loại bỏ được HOÀI NGHI.
⏺
Nguyên nhân hình thành Danh Pháp: gồm 2 yếu tố.
1. 6 Căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý
2. 6 Trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
➡️
6 CĂN ->tiếp xúc 6 TRẦN -> sinh ra 6 THỨC
Chính CÁI BIẾT ( 6 Thức) đó gọi là DANH PHÁP
Khi MẮT thấy CẢNH SẮC -> sinh ra CÁI BIẾT của NHÃN THỨC.
▶
Vậy CÁI BIẾT của NHÃN THỨC có phải do AI tạo ra hay THƯỢNG ĐẾ tạo ra không? Cái Biết của Nhãn Thức có được là từ CĂN và TRẦN, (từ MẮT ->tiếp xúc với CẢNH SẮC -> tạo ra CÁI BIẾT đó).
Khi Mắt thấy Cảnh Sắc -> sinh ra Cái Biết của Nhãn Thức
▶
Vậy Mắt và Cảnh Sắc là Nhân, Cái Biết của Nhãn Thức là Quả.
Cái Biết của Nhãn Thức chính là Danh Pháp. Vậy Danh Pháp có được không phải Thượng Đế ban cho, không có tôi, không phải của tôi, không phải tài sản của tôi mà do DUYÊN của MẮT và CẢNH SẮC tạo ra -> đó là tiến trình của Nhân và Quả.
▶
Mắt và Cảnh Sắc là Nhân,
▶
Cái Biết của Nhãn Thức là Quả.
Nhân và Quả chính là nhân duyên trong Thập Nhị Nhân Duyên.
Tương tự:
* Tai nghe âm thanh -> sinh ra Cái Biết của Nhĩ Thức
* Mũi ngửi mùi hương -> sinh ra Cái Biết của Tỷ Thức
* Lưỡi nếm vị -> sinh ra Cái Biết của Thiệt Thức
* Thân xúc chạm -> sinh ra Cái Biết của Thân Thức
* Ý suy nghĩ các Pháp -> sinh ra Cái Biết của Ý Thức.
▶
Đó là tiến trình Nhân, Quả
Khi tu tập ta thấy Danh Pháp luôn Sanh lên từ 6 Căn và 6 Trần. Khi 6 Căn tiếp xúc với 6 Trần sanh ra 6 Thức. Và Cái Biết của 6 Thức chính là Danh Pháp.
▶
Vậy Danh Pháp này có được không phải do Thượng Đế hay 1 đấng tạo hóa nào tạo ra. Mà là do sự kết hợp của 6 Căn và 6 Trần.
▶
Khi hiểu được nguyên nhân có Danh Pháp này, tự nhiên ta sẽ loại bỏ được TÀ KIẾN , thay vào đó ta có CHÁNH KIẾN.
Khi ta hiểu được Danh Pháp: do 2 yếu tố và Sắc Pháp do 4 yếu tố có được, ta diệt trừ được Tà Kiến.
Ta biết rõ Danh Pháp và Sắc Pháp này không phải Thượng Đế hay đấng Thần Linh nào ban cho, mà do tiến trình Nhân - Quả tạo ra. Khi ta hiểu rõ thế nào là Nhân - Quả thì ta diệt trừ được TÀ KIẾN và HOÀI NGHI.
Khi ta có kiến thức hiểu biết đúng Giáo Pháp, ta dễ dàng thực hành thiền vippassana, dễ dàng diệt trừ được Thân Kiến và Hoài Nghi bằng Trí Tuệ của sự tu tập.
Khi ta có đầy đủ kiến thức hiểu biết về Danh Pháp và Sắc Pháp, nguyên nhân để có Danh Pháp, Sắc Pháp, ta Chánh Niệm tu tập để Trí tuệ của Đạo sanh lên.
Khi Trí Tuệ của Đạo có mặt ta sẽ diệt trừ được Thân Kiến và Hoài Nghi. Khi diệt trừ được rồi ta không còn chấp chặt vào chúng nữa.
Để đạt được bậc Thánh Tu Đà Hoàn, ta phải diệt trừ được Thân Kiến và Hoài Nghi, trải qua 3 giai đoạn:
1. Phải có Trí Tuệ thuộc về kiến thức hiểu biết đúng đắn để loại trừ nhận thức sai lầm về Thân Kiến và Hoài Nghi.
2. Khi ta có Chánh Kiến, ta tiếp tục tu tập thiền vippassana, là ta đang đi trên con đường diệt từng thời Thân Kiến và Hoài Nghi.
3. Đạt được Trí Tuệ của Đạo: diệt trừ được Thân Kiến và Hoài Nghi, trở thành Bậc Thánh Tu Đà Hoàn( không còn bị đọa 4 đường ác đạo)
Để có được an lạc thật sự ta cần tu tập thiền vippassana, Đây là con đường Trí Tuệ nhất
Trích pháp thoại Ngài Thiền Sư Parami giảng dạ
 
KHEN và CHÊ

"Ví như tảng đá kiên trì
Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển lay
Tiếng đời chê dở khen hay
Không làm chao động đôi mày trí nhân"

Câu kệ nầy được Đức Phật giảng cũng như trong rất nhiều trường hợp chúng ta được nghe ở trong kinh. Thời Đức Phật còn tại thế, khi Đức Phật ra đời, Ngài không dùng quyền, không dùng thế Ngài chỉ dùng Pháp để dạy chúng sinh. Nói đến chuyện Chánh Pháp thì cũng có người khen cũng có kẻ chê, không phải ai cũng tán đồng. Có lẽ chỉ có một người mà thường người ta không dám chê trước mặt, đó là những vị vua vì họ sợ mất đầu, nên họ không dám chê trước mặt, nhưng ở sau lưng thì chưa chắc họ đã khen hoàn toàn.

Người ta không phải chỉ chê khen đối với Đức Phật mà họ còn phỉ báng mạ lỵ vị tôn sư. Nhưng điều thú vị ở đây là Đức Phật xem tám pháp thế gian, bát phong hay còn được gọi là tám ngọn gió đời là khen, chê, vui, khổ, đặng danh, mất danh, đặng lợi, mất lợi, thường chúng ta nói là khen chê vui khổ vinh nhục đặng thất, Ngài xem những chuyện đó là những chuyện rất bình thường của thế gian nầy. Nó bình thường như gíó, bình thường giống như mây, tụ rồi tán, bình thường như ngày và đêm, hết ngày tới đêm, hết đêm tới ngày.

Thậm chí có một lần Đức Phật dạy “Ở trên thế gian nầy không thể tìm một người không bị chê , cho dù người đó là một người đẹp nhất, cho dù đó là một người thanh tịnh nhất, cho dù đó là một người hiền quý nhất.” Cái gì thì cũng có cái để cho thiên hạ biếm nhẽ chê bai được và thông thường chúng ta lại có một thói quen là chúng ta rất nhạy cảm với lời khen và tiếng chê. Chính ra ở trong đời sống hàng ngày, chúng ta rất xem trọng việc đó. Mình thường nghĩ rằng cái khen, cái chê của người khác là thước để đo cái hay, cái dở của mình. Nhưng thực ra khen và chê rất dễ đưa chúng ta đến cái nhìn sai lầm và đưa chúng ta đến chỗ cảm xúc quá nhiều hoặc là tốt, hoặc là xấu.

Nếu chúng ta sống mà cái vui cái buồn của chúng ta bị ảnh hưởng nhiều bởi lời nói của người khác thì chứng tỏ rằng chúng ta không có nội lực, không có nội hàm, không có bản lãnh nội tại để có thể hóa giải những thứ đó, để nó không làm ảnh hưởng tai hại đến đời sống của mình.

Rất nhiều lần Đức Phật nhắc nhở chúng ta rằng một người làm việc tốt, một người đang theo đuổi con đường thánh thiện mà mình lựa chọn thì ở trên đó chúng ta phải cẩn thận về cả hai phía, ngoại giới lẫn nội giới. Ở trong cuộc đời nầy họ rất dễ phỉ báng đối với những người chọn lựa sự tu tập, đừng nói chi những người ngoại đạo, đừng nói chi những người xa lạ, thật ra những lời khen tiếng chê đến nhiều từ những người đồng đạo, những người cùng niềm tin với mình.

Quý Phật tử hãy điểm qua những vị danh tăng đang hoằng pháp ở trong Phật giáo Việt Nam, tất cả những vị nào nổi tiếng, tất cả những vị nào có địa vị thì có một số người rất sùng kính và một số khác cực lực chỉ trích. Chúng tôi không cần nêu danh của những vị đó ra thì quý vị cũng biết. Ở trên đời không có ai không bị chê và không có ai mà không có lời khen, có những người rất hung hiểm ác độc như Pôn Pốt chẳng hạn, nhưng cũng có người khen, cũng có người ủng hộ, và có những người khác suốt cuộc đời chỉ làm một công việc là dạy thiền thôi thì thỉnh thỏang chúng tôi lại nghe những người khi đề cập đến pháp thiền của Ngài chẳng những mỉa mai pháp thiền mà còn có những lời xúc phạm đến Ngài. Một người có hiểu biết, có ý thức, người đó nhận ra rằng khen chê của cuộc đời nầy vốn dĩ là như vậy, bản chất của cuộc sống là như vậy.

Vì thế người ta nói rằng một người trưởng thành ở trong cuộc đời nầy là người đủ sự bình tĩnh để đặt lại vần đề là tại sao tôi vui, tại sao tôi buồn. Ở trong trường hợp nào mình nên phản ứng và ở trong trường hợp nào mình nên im lặng. Chỉ có một sự trưởng thành già dặn đầy đủ trong tâm hồn thì có một cái nhìn nghiêm túc đủ để cho chúng ta bình an trong cuộc đời đầy phong ba bão tố nầy. Ở trong sớ giải có nhắc rằng, có một từ ngữ là nindā pasaṃsāsu, ở đây chỉ nói là khen tặng và chê bai nhưng thật ra nó đề cập đến tám ngọn gió đời: khen-chê, vui khổ, đặng-thất (được-mất), vinh-nhục, những thứ đó xảy ra rất thường, hầu như ngày nào cũng có trong đời sống của mình.

Thượng tọa Thích Giác Đẳng giảng về câu kệ ngôn Kinh Pháp cú 81.
Đọc thêm tại: http://phatphapdhamma.brinkster.net/.../KN_81_TTGiacDang...
 
HỒN MA VẤT VƯỞNG?

Quan điểm của PGNT là không hề có một cái tôi hay cái gì đó đi từ điểm A qua điểm B trong cuộc sống và trong dòng luân hồi của chúng ta. Luôn luôn danh và sắc biến dịch trong từng sát-na một, cái này mất để cái kia có mặt. Và ngay khi một người tắt thở thì lập tức họ sẽ đi tái sinh ở một nơi nào đó. Người không biết đạo, đêm nằm thấy hồn mai bóng quế, cứ tưởng đó là ma quỷ, cứ tưởng họ chưa đầu thai. Nhưng thật ra theo trong kinh điển, Đức Phật giải thích rằng không bao giờ có một kẻ phàm phu chết rồi mà không đi đầu thai. Lập tức họ đi liền. Vì sao họ còn lởn vởn ở đó? Họ đã tái sinh rồi, nhưng họ tái sinh vào cảnh giới của A-tu-la, của Dạ-xoa hay ngạ quỷ hoặc của các vị địa cư thiên, thọ thần, thổ thần. Những vị đó cũng là một loại chúng sinh. Hiểu phải sanh làm người mới gọi là đầu thai thì không đúng.

Theo kinh điển, có vô số hình thức tái sinh. Có những hình thức tái sinh mà ta dùng mắt thấy được, dùng tai nghe được, dùng mũi ngửi được như con người, con chó, con mèo, con vịt… Nhưng có những cảnh giới tái sinh dầu khoa học không chính thức nhìn nhận là thế giới siêu hình nhưng khoa học nhìn nhận vật chất có vô số hình thức tồn tại. Có những hạt quartz, photon, proton…, mình chỉ biết qua sự suy diễn mà thôi chớ chúng ta không thể nào sờ đụng nó được. Có những làn sóng âm thanh loài này nghe được, loài kia không nghe được. Ví dụ mũi của con cá mập có thể bắt mùi một giọt máu tươi trong khoảng cách một cây số, trong khi đó con người của mình thì không thể.

Khi tắt hơi rồi thì không còn lởn vởn ở đâu đó nữa mà đã đi tái sinh rồi, có người tái sinh vào cảnh giới nào đó mà mắt thường mình không thấy. Hãy nhớ công thức này: “Muốn tin cái gì thì phải tìm chứng cứ để tin, muốn bác cái gì phải tìm đủ chứng cứ để bác. Không gì bậy cho bằng tin một điều chưa tìm ra bằng chứng, không gì bậy cho bằng bác một điều chưa tìm ra bằng chứng”. Có rất nhiều người không tin vì họ chưa tìm ra được bằng chứng là có; nhưng họ quên một chuyện là họ phải tìm ra bằng chứng thứ hai rằng nó không có, họ mới bác được. Chứng cứ gồm có hai: chứng cứ có và chứng cứ không. Ví dụ, mình không biết gì về vi trùng, mình không thấy, nhưng mình không thể nói nó không có. HIV, AIDS mình đâu có thấy đâu.
 
Cái burden of proof này rơi vào bên nào make claim nhé, đứa nào nói có mà ko có chứng cứ chứng minh là nói phét. Chúng ta có thể ko biết về những thứ siêu hình đó và đi tìm hiểu về nó cho đến khi tìm ra nhưng ko nên khẳng định về nó ở hiện tại.
 
Top